Soạn bài Nghĩa của từ, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu cho bạn đọc bài soạn văn lớp 6: Nghĩa của từ. Tài liệu trên sẽ giúp ích cho bạn đọc chuẩn bị bài trước khi đến
Do quỹ thời gian học trên lớp khá hạn hẹp nên đối với môn Ngữ Văn lớp 6 học sinh thường phải chuẩn bị bài trước ở nhà.
Tài Liệu Học Thi xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn văn 6: Nghĩa của từ, hi vọng tài liệu này có thể giúp ích cho học sinh trong việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Xem Tắt
Soạn văn Nghĩa của từ
I. Nghĩa của từ là gì?
Dưới đây là một số chú thích trong những bài văn các em đã học:
– tập quán: thói quen của một số cộng đồng (địa phương, dân tộc, v.v…) được hình thành từ lâu trong đời sống, được mọi người làm theo.
– lẫm liệt: hùng dũng, oai nghiêm
– nao núng: lung lay, không vững lòng tin ở mình nữa.
1. Mỗi chú thích gồm mấy bộ phận?
Mỗi chú thích trên gồm hai bộ phận là: từ và phần giải nghĩa của từ đó.
2. Bộ phần nào trong chú thích nêu lên nghĩa của từ?
– Bộ phận nêu lên nghĩa của từ trong chú thích: phần giải nghĩa của từ đó.
– Bao gồm:
- thói quen của một số cộng đồng (địa phương, dân tộc, v.v…) được hình thành từ lâu trong đời sống, được mọi người làm theo.
- hùng dũng, oai nghiêm
- lung lay, không vững lòng tin ở mình nữa.
3. Nghĩa của từ ứng với phần nào trong mô hình dưới đây?
Nghĩa của từ ứng với phần nội dung trong mô hình trên.
=> Tổng kết: Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị.
II. Cách giải thích nghĩa của từ
1. Đọc lại các chú thích đã dẫn ở phần I
– Học sinh đọc lại các chú thích.
2. Trong mỗi chú thích trên, nghĩa của từ đã được giải thích bằng cách nào?
Trong các chú thích trên, nghĩa của từ được giải thích bằng cách:
– Từ tập quán: được giải thích bằng cách trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
– Từ lẫm liệt: đưa ra các từ đồng nghĩa với từ cần giải thích.
– Từ nao núng: đưa ra từ đồng nghĩa (lung lay) và cụm từ trái nghĩa (không vững lòng tin) với từ cần giải thích.
3. Một số ví dụ khác
Em hãy xác định cách giải thích nghĩa của các từ sau:
– khôi ngô: sáng sủa, thông minh.
– Thần Nông: nhân vật trong thần thoại và truyền thuyết đã dạy loài người trồng trọt và cày cấy.
– từ hôn: từ chối không kết duyên hoặc hủy bỏ một cuộc hôn nhân đã đính ước.
– đại bàng: chim ăn thịt cỡ lớn, cánh dài và rộng chân có lông đến tận ngón, sống ở vùng núi cao.
Gợi ý:
– Các từ khôi ngô và từ hôn được giải thích bằng cách đưa ra các từ đồng nghĩa.
– Các từ Thần Nông và đại bàng được giải thích bằng cách trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
=> Tổng kết: Có thể giải thích nghĩa của từ bằng hai cách chính như sau:
– Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
– Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với các từ cần giải thích.
III. Luyện tập
Bài 1. Đọc lại một vài chú thích ở sau các văn bản đã học. Cho biết mỗi chú thích được giải nghĩa theo cách nào?
– Học sinh cần đọc lại các từ chú thích ở bốn văn bản: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy, Thánh Gióng và Sơn Tinh Thủy Tinh.
– Các từ được giải nghĩa theo cách trình bày khái niệm mà từ biểu thị: Ngư tinh, thủy cung, Thần Nông, tập quán, đóng đô, Phong Châu, tổ tiên, giặc Ân, phúc ấm, tiên vương, hậu, đồ, sơn hào hải vị, nem công chả phượng, tế, quần thần, tượng Trời tượng Đất, mĩ vị, Thánh Gióng, làng Gióng, thụ thai, mười hai tháng, sứ giả, áo giáp, núi Trâu, tráng sĩ, trượng, phi, tàn quân, núi Sóc, Phù Đổng Thiên Vương, tre đằng ngà, làng Cháy, cầu hôn, Tản Viên, lạc hầu, phán, hồng mao.
– Các từ được giải nghĩa theo cách đưa ra từ đồng nghĩa: nao núng, tâu, phong, hoảng hốt, lẫm liệt, kinh ngạc, khôi ngô, chứng giám, ghẻ lạnh, sính lễ.
Bài 2. Hãy điền các từ học hỏi, học tập, học hành, học lỏm vào chỗ trống trong những câu dưới đây sao cho phù hợp.
– học tập: học và luyện tập để có hiểu biết rõ ràng.
– học lỏm: nghe hoặc thấy người ta làm rồi làm theo, chứ không được ai trực tiếp dạy bảo.
– học hỏi: tìm tòi, hỏi han để học tập.
– học hành: học văn hóa có thầy, có chương trình, có hướng dẫn (nói một cách khái quát).
Bài 3. Điền các từ trung gian, trung niên, trung bình vào chỗ trống cho phù hợp:
– trung bình: ở vào khoảng giữa trong bậc thang đánh giá, không khá cũng không kém, không cao cũng không thấp.
– trung gian: ở vị trí chuyển tiếp hoặc nối liền giữa hai bộ phận, hai giai đoạn, hai sự vật…
– trung niên: đã quá tuổi thanh niên nhưng chưa đến tuổi già.
Bài 4. Giải thích các từ sau theo những cách đã biết:
– giếng: hố đào sâu vào lòng đất theo phương thẳng đứng để lấy nước hoặc trữ nước dùng cho sinh hoạt (trình bày khái niệm mà từ biểu thị).
– rung rinh: chuyển động qua lại nhẹ nhàng, liên tiếp (trình bày khái niệm mà từ biểu thị).
– hèn nhát: không dũng cảm, thiếu can đảm, đáng khinh (dùng từ trái nghĩa và đồng nghĩa).
Bài 5. Đọc truyện Thế thì không mất trong SGK và cho biết nghĩa từ mất như nhân vật Nụ có đúng không?
– Theo cách giải thích của nhân vật Nụ: mất nghĩa là biết nó ở đâu nhưng không lấy lại được. Chính vì vậy cái ống vôi của cô Nụ không mất vì Nụ biết nó ở đâu.
– Nhưng theo cách hiểu thông thường: mất là không còn tồn tại nữa hoặc không thuộc về mình nữa.
=> Như vậy, cách giải thích của nhân vật nụ là không đúng với cách hiểu thông thường về nghĩa của từ mất. Đặt trong câu chuyện thì việc sử dụng cách giải nghĩa này làm cho câu chuyện có yếu tố hài hước.
* Bài tập ôn luyện:
Bài 1. Giải thích nghĩa của các từ sau: cẩu thả, tuềnh toàng, nhũn nhặn, sáo sậu, du khách, triền miên, cận, thuyền chài.
Gợi ý:
– cẩu thả: không cẩn thận, chỉ qua quýt cốt cho xong.
– tuềnh toàng: đơn sơ, trống trải.
– nhũn nhặn: thái độ khiêm tốn, nhún nhường.
– sáo sậu: loài sáo đầu trắng, cổ đen, lưng màu nâu xám, bụng trắng, kiếm ăn từng đôi ở các nương bãi.
– du khách: những người đến tham quan, du lịch.
– triền miên: liên tục và kéo dài dường như không dứt.
– cận: gần, kề.
– thuyền chài: thuyền nhỏ dùng để đánh cá chủ yếu bằng chài.
Bài 2. Cho biết các từ sau được giải nghĩa theo cách nào?
– chinh phục: dùng sức mạnh để bắt phải phục tùng.
– đước: cây cao, thân gỗ cứng, rễ chùm, mọc thành rừng ở cùng đất ngập mặn có nhiều ở ven biển Nam Bộ nước ta.
– gió nồm: gió thổi từ phía đông nam ngoài biển vào đất liền nước ta, dịu mát và ẩm ướt, thường có vào mùa hạ.
– hoài niệm: tưởng nhớ về những gì đã qua từ lâu.
– ký ức: những hình ảnh, sự vật sự việc được lưu lại trong tâm trí.
– mãnh liệt: mạnh mẽ, dữ dội.
– xởi lởi: cởi mở, dễ dàng.
– thanh tú: tao nhã, thanh thoát.
Gợi ý:
– Các từ được giải nghĩa theo cách trình bày khái niệm mà từ biểu thị: hoài niệm, gió nồm, đước, ký ức, chinh phục.
– Các từ được giải nghĩa theo cách đưa ra từ đồng nghĩa: xởi lởi, thanh tú, mãnh liệt.