Soạn bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Hôm nay, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến tất cả các bạn tài liệu soạn văn lớp 8: Những trò lố hay là Va-ren
Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến tất cả các bạn tài liệu soạn văn lớp 7: Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc.
Đây là một tài liệu vô cùng hữu ích, giúp cho mọi người có thể dễ dàng và nhanh chóng chuẩn bị nội dung bài học trước khi đến lớp. Soạn văn 7 Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, sẽ bao gồm 2 phần chính là: soạn văn chi tiết và soạn văn đầy đủ, sau đây mời các bạn cùng tham khảo.
Xem Tắt
Soạn văn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu chi tiết
I. Một số nét chính về tác giả
– Nguyễn Ái Quốc (1890-1969), là tên gọi rất nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh, được dùng từ năm 1919 đến năm 1925
– Bút danh Nguyễn Ái Quốc gắn với tờ báo Người cùng khổ, nhiều truyện kí và tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, viết trên đất Pháp, bằng tiếng Pháp trong thời gian từ 1922 đến 1925
II. Kiến thức cơ bản về tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác:
– “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” được viết ngay sau khi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt cóc (18-6-1925) ở Trung Quốc giải về giam ở Hỏa Lò và sắp bị xử án, còn Va-ren thì chuẩn bị sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương.
2. Tóm tắt tác phẩm:
Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Va-ren, tên toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ và Phan Bội Châu, hiện là một người tù bị bắt giam vì hoạt động Cách mạng. Trong cuộc gặp gỡ tại nhà tù giam giữ Phan Bội Châu, Va-ren ra sức dùng lời lẽ dụ dỗ người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu phản bội dân tộc, làm tay sai cho Pháp. Những với tinh thần dân tộc, ý chí Cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã đáp trả Va-ren bằng thái độ dửng dưng, khinh bỉ thậm chí là nhổ vào mặt tên toàn quyền Đông Dương ấy.
3. Giải thích nhan đề:
– Cụm từ “những trò lố” trong nhan đề tác phẩm có ý nghĩa rất sâu sắc. Từ “trò” nó thường được gắn với thú chơi, trò chơi của trẻ em. Nhưng trong truyện nó gắn với người, lớn thì lại mang ý nghĩa khác, có ý mỉa mai, châm biếm, thậm chí còn có ý “lố bịch”.
– Toàn bộ nhan dề cho người đọc thấy “những trò lố” là những trò hề mà Va-ren diễn ra trước mặt Phan Bội Châu. Trò hề này chỉ gây cười, mang lại sự khinh miệt của người tù cách mạng, không đem lại hiệu quả gì.
4. Đọc – Hiểu văn bản
* Nhân vật Va-ren
– Phần đầu tác phẩm từ đoạn: “Do sức ép của công luận…” đến “… Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù” người đọc thấy rằng:
+ Va-ren đã hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu nhưng thực chất đó chỉ là lời nói dối, lời hứa không đáng tin cậy. Việc hứa như vậy để trấn an dư luận, làm dịu đi làn sóng đấu tranh biểu tình của nhân dân Việt Nam đòi thả Phan Bội Châu.
+ Thực chất của lời hứa đó là lời hứa suông, chắc chắn không được thực hiện. Tác giả sử dụng cụm từ “nửa chính thức hứa”, cho thấy hứa mà không nhất thiết phải thực hiện.
– Tác giả lại viết thêm: “Giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa…” đó là lời của tác giả ngầm nói cho toàn dân Việt Nam biết rõ bộ mặt thật của bọn thực dân xâm lược. Bản chất của những tên xâm lược là lời hứa hay, đẹp nhưng thực chất chỉ là cách thức cai trị để vơ vét và bóc lột dân chúng. Hứa chỉ là cách nhằm trấn an dư luận để mị dân, làm dịu không khí đấu tranh, chống Pháp đang sôi nổi ở khắp nơi.
=> Điều đó cho thấy Va-ren là một kẻ nham hiểm, xảo quyệt, lời hứa chỉ để đối phó với sức áp của công luận ở Pháp và Đông Dương.
– Tác giả bình luận về sự việc này như sau: Ông hứa thế; giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao. Tác giả vạch ra mâu thuẫn giữa nội dung và thời gian thực hiện lời hứa. Thời gian thực hiện còn lâu vì Va-ren vừa mới xuống tàu mà hành trình đường biển kéo dài chừng bốn tuần lễ, “trong bốn tuần lễ đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù!”
– Lời hứa của Va-ren chính là trò lố thứ nhất. Tác giả dùng cụm từ “nửa chính thức hứa” một cách mỉa mai và câu hỏi nghi vấn để thể hiện điều đó. Thực tế, Va-ren vẫn là một tên thực dân đứng đầu guồng máy cai trị ở Đông Dương còn Phan Bội Châu vẫn là vị lãnh tụ cách mạng bị cầm tù. Hai người đại diện cho hai phía đối lập nhau. Và tác giả không hề tin vào “thiện chí” của Va-ren.
– Cuộc hội kiến giữa Va-ren và Phan Bội Châu được tác giả kể và tả bằng ngòi bút linh hoạt và sắc sảo. Số lượng lời dành cho việc khắc hoạ nhân vật Va-ren rất nhiều, hắn là một tên Toàn quyền, là lực lượng thống trị mang trong mình bản chất của giai cấp bóc lột. Những từ ngữ hành động của hắn chỉ càng lộ rõ tính cách bịp bợm, lừa đảo, sự gian trá và xảo quyệt.
– Những lời lẽ có tính chất độc thoại (tự nói một mình) của Va-ren trước Phan Bội Châu cho thấy động cơ, tính cách, bản chất của tên thực dân là sự nham hiểm, thâm độc. Hắn lừa bịp một cách trắng trợn, thản nhiên dụ dỗ Phan Bội Châu từ bỏ cách mạng và hợp tác với chúng. Hắn thuyết phục Phan Bội Châu bằng những ví dụ, việc làm bỉ ổi của hắn với bạn hắn, hoặc dụ dỗ hãy theo gương hắn để có cuộc sống sung sướng.
– Chúng ta hãy theo dõi lời lẽ và hành động của Va-ren: Hắn tuyên bố thả Phan Bội Châu: Tôi đem tự do đến cho ông đây!… Tác giả bình luận trò lố thứ hai ấy bằng hình ảnh đặc sắc đầy tính mỉa mai, đả kích: Va-ren tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang siết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm. Va-ren đồng ý thả Phan Bội Châu với điều kiện cụ phải “trung thành với nước Pháp, hãy cộng tác, hãy hợp lực với nước Pháp để tiến hành ở Đông Dương một sự nghiệp khai hóa và công lý”.
=> Không phải Va-ren trả tự do cho Phan Bội Châu mà hắn cố tình ép buộc cụ từ bỏ lý tưởng cách mạng cao đẹp, từ bỏ dân tộc. Hắn đến gặp cụ Phan Bội Châu vì quyền lợi của nước Pháp thực dân, mà trực tiếp là danh lợi của hắn. Kẻ phản bội lý tưởng đê tiện nhất lại đi khuyên bảo kẻ trung thành với lý tưởng nhất.
– Hắn vờ tỏ ý kính trọng tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy lí tưởng, nhiều gian nan của cụ Phan Bội Châu nhưng lại đòi cụ phải từ bỏ lý tưởng. Hắn mang miếng bánh vẽ đẹp đẽ hào nhoáng về tương lai xứ Đông Dương thuộc địa để dụ dỗ, mua chuộc cụ.
=> Va-ren tự lột mặt nạ, tự bóc trần bản chất của hắn là một tên chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã, một con người vô liêm sỉ đáng khinh. Sự dối trá, lừa bịp giấu trong giọng lưỡi ngọt nhạt, phỉnh phờ.
– Trâng tráo hơn nữa, hắn yêu cầu cụ Phan dùng uy tín to lớn của mình để lôi kéo mọi người theo Pháp: chớ tìm cách xúi giục đồng bào ông nổi lèn… hãy bảo họ cộng tác với người Pháp…
– Vốn tinh quái, hắn biết tấm gương của hắn chưa đủ sức thuyết phục Phan Bội Châu nên hắn còn ca ngợi các bạn học của hắn – những kẻ cũng phản bội như hắn và coi đó là những “tấm gương” đáng noi theo: “Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy”. Cách chơi chữ thâm thuý của tác giả đã thể hiện thái độ khinh bỉ, mỉa mai sâu cay với những kẻ phản bội lý tưởng cách mạng, quay sang tôn thờ những kẻ phản bội Tổ quốc, bán nước. Lời lẽ của Va-ren bộc lộ rõ bản chất phản bội, hèn hạ của hắn.
– Càng nói nhiều thì Va-ren càng phơi bày bản chất xấu xa, đáng khinh bỉ, như một trò cười cho mọi người. Từ lời nói của một người nhưng tác giả vạch trần bộ mặt của toàn thể bọn thực dân xâm lược.
* Nhân vật Phan Bội Châu:
– Lời văn dùng để khắc họa tính cách và hành động của Phan Bội Châu rất ít, tác giả dùng sự im lặng làm phương thức đối lập, người anh hùng sẵn sàng hi sinh mà không cần thanh minh hoặc giải thích, đó là khí phách đáng trân trọng.
– Qua sự im lặng của Phan Bội Châu và lời bình của tác giả về sự im lặng đó ta thấy khí phách của người anh hùng dân tộc rất hiên ngang, bất khuất, tư thế thản nhiên dám làm, dám chịu đã là sự kế thừa khí phách của dân tộc Việt Nam.
– Nếu truyện này dừng lại ở câu: “… chỉ là vì (phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu” thì tác giả muốn bạn đọc tự suy ngẫm và đưa ra cách hiểu của riêng mình, như thế chưa bộc lộ hết ý nghĩa tư tưởng cần truyền đạt.
– Trong văn bản lại có thêm đoạn kết đã làm tăng ý nghĩa của tác phẩm ở những lời bình luận vừa hóm hỉnh, vừa sắc sảo. Với lời quả quyết của anh lính dõng An Nam và lời đoán thêm của tác giả khiến câu chuyện như có thật, Người chứng kiến tận mắt sự thất bại thảm hại, sự nhục nhã ê chề của tên thực dân trước người tù cách mạng.
– Hai chữ “không hiểu” đã được tác giả giải thích rằng không phải vì không hiểu tiếng nói của nhau (vì đã có phiên dịch), cái chính là sự suy ngẫm của người đọc sẽ thú vị nhất.
– Hai người giao tiếp với nhau mà không hiểu nhau thực chất là họ có hai tư tưởng trái ngược, hai chí hướng ngược nhau về mục đích và quyền lợi: một bên là nhà cách mạng, một bên là kẻ thù không đội trời chung. Dù Va-ren có nói, có thuyết phục bằng cách nào đi nữa thì trong mắt Phan Bội Châu hắn cũng chỉ là cặn bã của xã hội, không đáng phải bận tâm và tiếp lời.
– Việc kết thúc với lời của nhân chứng thứ hai với lời quả quyết của anh lính dõng (một nhân vật tưởng tượng) làm cho lời tái bút như một nhân chứng khách quan. Lời của anh lính dựa trên sự quan sát cho thấy “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi”.
– Trong mắt Phan Bội Châu thì tên Toàn quyền Đông Dương cũng chỉ là một đứa trẻ, việc nhếch mép thể hiện sự khinh miệt đến cực độ, không còn lời lẽ nào có thể diễn đạt hơn được nữa.
– Đặc biệt qua phần Tái bút, có thể thấy sự khinh bỉ ấy bộc lộ thành hành động quyết liệt. Tác giả dẫn lời của các nhân chứng tưởng tượng quả quyết Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren: “cái đó thì có thể”. Sự đan xen các yếu tố bình luận rất phong phú và đa dạng tô đậm sự hài hước và lố bịch của tên thực dân và khẳng định bản lĩnh vững vàng của Phan Bội Châu – người anh hùng dân tộc.
Như vậy, với kẻ thù không đội trời chung, cụ Phan có nhiều cách tỏ thái độ: im lặng, dửng dưng, cụ còn nhổ vào mặt Va-ren.
– Cách kể chuyện úp úp, mở mở của tác giả rất hóm hỉnh và thú vị. Nó làm tăng thêm ý nghĩa đả kích thực dân Pháp mà tác giả đặt ra trong tác phẩm.
– Trong truyện tác giả đã ngầm ca ngợi Phan Bội Châu: “một người tù lừng tiếng”. Dù rất ít chi tiết bình luận cụ thể về Phan Bội Châu nhưng nhờ vận dụng thủ pháp tương phản, đối lập khi xây dựng hai nhân vật, đặc biệt qua cách tác giả giới thiệu và bình luận về Va-ren ta sẽ thấy rõ tình cảm yêu mến, sự trân trọng, cảm phục đối với người anh hùng dân tộc.
5. Nội dung:
– Đây là truyện tưởng tượng, hư cấu. Tác giả đã khắc họa hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội đối lập nhau. Va-ren đại diện cho bộ mặt thực dân Pháp rất gian trá, lố bịch, phản động. Phan Bội Châu đại diện cho tiếng nói của quần chúng nhân dân, rất kiên cường, bất khuất, là người anh hùng dân tộc. Đây cũng là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa “lý tưởng” của một kẻ cướp nước với lý tưởng của một người anh hùng yêu nước.
– Qua cuộc gặp gỡ, đối đầu (tưởng tượng) giữa Va-ren và Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày bản chất dối trá, lố bịch của Va-ren, đồng thời khẳng định vị thế cao cả của người anh hùng ái quốc Phan Bội Châu.
– Trong tác phẩm, người viết không đưa ra lời bình luận nào cụ thể về Phan Bội Châu cũng như không trực tiếp bày tỏ thái độ với nhân vật này. Tuy nhiên, qua thủ pháp tương phản, đối lập khi xây dựng hai nhân vật, qua cách mà tác giả đã miêu tả, bình luận về nhân vật Va-ren, ta thấy rõ tình cảm yêu mến, thái độ trân trọng, cảm phục của tác giả với người chí sĩ cách mạng.
6. Nghệ thuật:
– Xét về hình thức đây là truyện ngắn có tính chất kí sự, nhưng thực tế tác giả hư cấu, tưởng tượng và sáng tạo cho phù hợp với mục đích truyền tải nội dung đến đối tượng tiếp nhận là quần chúng nhân dân Pháp và Việt Nam.
– Hai nhân vật chính được xây dựng bằng nghệ thuật tương phản: Va-ren, kẻ thông trị bất lương đối lập với Phan Bội Châu, một tù nhân (bị trị) nhưng lại rất cao cả và vĩ đại. Tác giả dành một số lượng từ ngữ lớn, hình thức ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách Va-ren; còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng sự im lặng làm phương thức đối lập. Đây là một cách viết vừa tả vừa gợi, rất thâm thúy, sinh động và lí thú.
– Ngôn ngữ sử dụng trong việc khắc họa tính cách của từng nhân vật cũng khác nhau. Tác giả dùng ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách của Va-ren. Còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng phương pháp đối lập là sự im lặng. Đây là bút pháp tinh tế, sắc sảo, có khả năng gợi tả, gợi cảm lớn.
– Cách dẫn truyện của tác giả cũng rất khéo léo, kết hợp kể với những lời bình luận ẩn chứa thái độ mỉa mai, giễu cợt, khinh bỉ. Giọng kể có vẻ khách quan nhưng thực chất ẩn chứa chủ ý đả kích của tác giả. Chủ ý ấy thể hiện rõ qua cách lựa chọn các chi tiết, hình ảnh, cách bình phẩm… Riêng với cụ Phan Bội Châu, lời kể, lời bình của tác giả thật đa dạng: lúc mềm mại, trữ tình, lúc mạnh mẽ, cứng cỏi, đầy khí phách, xứng với tầm vóc vĩ đại của nhà chí sĩ yêu nước, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Soạn văn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu ngắn gọn
I. Trả lời câu hỏi trong sgk
Câu 1 (trang 94 sgk Ngữ Văn 7 Tập 2)
Đây là một tác phẩm tưởng tượng hư cấu, ra đời từ một sự kiện lịch sử có thật lúc bây giờ. Câu chuyện được bắt đầu từ việc tác giả tưởng tượng ra cuộc hành trình của Va-ren từ đất Pháp sang Việt Nam. Đầu tiên đến Sài Gòn rồi qua kinh thành Huế và kể tiếp đến Hà Nội đến thăm Phan Bội Châu. Sở dĩ chúng ta kết luận như vậy là vì tác phẩm này ra đời trước khi Va-ren đến thăm Việt Nam. Tác phẩm được đăng trên báo Người cùng khổ, phát hành vào tháng 9 và tháng 10 năm 1925, giữa lúc Va-ren xuống tàu sang nhậm chức ở Đông Dương.
Câu 2 (trang 94 sgk Ngữ Văn 7 Tập 2)
a. Va-ren đã hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu.
b. Đó là lời hứa dối trá nhằm trấn an công luận – thực chất là một trò lố. Cụm từ “nửa chính thức hứa” và câu hỏi của tác giả “giả thử cứ cho rằng… sẽ “chăm sóc”…” cho thấy thái độ châm biếm sâu cay để lật tẩy bộ mặt giả dối của Va-ren. Những tên quan thực dân đã hứa rất nhiều nhưng không bao giờ giữ lời hứa.
Câu 3 (trang 94 sgk Ngữ Văn 7 Tập 2)
a. Trong đoạn văn có hai nhân vật: Va-ren và Phan Bội Châu, được xây dựng theo quan hệ tương phản, đối lập nhau: Va-ren là một viên toàn quyền, còn Phan Bội Châu là một người tù. Một bên là kẻ bất lương nhưng thống trị, bên kia là người cách mạng vĩ đại nhưng đã thất thế. Tác giả dành một số lượng từ ngữ lớn, hình thức ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách Va-ren. Còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng sự im lặng làm phương thức đối lập. Đây là một cách viết vừa tả vừa gợi, rất thâm thuý, sinh động và lí thú.
b. Trong cuộc đối thoại (tưởng tượng) của tác giả, hầu như chỉ có Va-ren nói, còn Phan Bội Châu thì im lặng. Bởi vậy, ngôn ngữ của Va-ren thực chất là ngôn ngữ độc thoại, tự nói một mình. Qua lời nói, cử chỉ, Va-ren bộc lộ rõ tính cách nham hiểm, thâm độc. Y không ngừng ve vuốt, dụ dỗ, bịp bợm một cách trắng trợn nhằm thuyết phục Phan Bội Châu từ bỏ tư tưởng cách mạng, cộng tác với chúng (thực chất là đầu hàng). Thậm chí y còn đem cả thân thế (từng là một kẻ phản bội đồng đội, đồng chí trong Đảng Xã hội) ra để thuyết phục Phan Bội Châu hãy theo gương y để có được một cuộc sống sung sướng.
c. Ngược lại với sự ba hoa, khoác lác của Va-ren, từ đầu đến cuối Phan Bội Châu chỉ im lặng. Ông phớt lờ, coi như không có Va-ren trước mặt. Sự im lặng, dửng dưng của Phan Bội Châu thể hiện một thái độ khinh bỉ cực độ, đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh kiên cường của nhà cách mạng trước kẻ thù, cho dù đó là Toàn quyền Đông Dương đi chăng nữa.
Câu 4 (trang 94 sgk Ngữ Văn 7 Tập 2)
Ý nghĩa của bài văn sẽ giảm đi rất nhiều nếu không có những lời bình vừa hóm hỉnh vừa sắc sảo của tác giả. Từ đầu cuộc đối thoại, tác giả như đang ngồi ngay bên cạnh, chứng kiến Va-ren giở đủ mọi ngón nghề và cũng chứng kiến sự thất bại thảm hại của y trước người tù cách mạng. Sau đó tác giả đưa ra lời bình: “Nhưng cứ xét binh tình, thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu”. Thật hóm hỉnh và sâu sắc. Hai chữ “không hiểu” được tác giả giải thích một phần (không phải vì không hiểu tiếng nói của nhau vì đã có thông ngôn), còn lại để cho bạn đọc tự suy ngẫm. Như vậy, hai con người không hiểu được nhau chỉ có thể vì họ không thể và không bao giờ cùng tư tưởng, chí hướng, không bao giờ đi chung một con đường. Dù Va-ren có nói gì chăng nữa thì với Phan Bội Châu, y cũng chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ không đáng để Phan Bội Châu phải bận tâm.Kết thúc cuộc đối thoại (mà thực chất là độc thoại), tác giả còn dẫn lời của một nhân vật tưởng tượng khác (anh lính dõng) để tạo cho câu chuyện cảm giác khách quan. Theo lời anh lính dõng, anh ta có thấy “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi”. Với chi tiết này, trong con mắt của Phan Bội Châu, Va-ren cũng chỉ là một đứa trẻ.
Câu 5 (trang 94 sgk Ngữ Văn 7 Tập 2)
Giá trị của lời tái bút: là hành động đối phó mạnh mẽ – nhổ vào mặt Va-ren. Phối hợp lời kết với lời tái bút tỏ rõ thái độ khinh bỉ kẻ thù. Cách dẫn chuyện hóm hỉnh, thú vị, làm tăng ý nghĩa.
Câu 6 (trang 94 sgk Ngữ Văn 7 Tập 2)
Bằng khả năng tưởng tượng và hư cấu vô cùng phong phú, với giọng văn sắc sảo, tác giả đã thành công trong việc khắc họa hai nhân vật, đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau ở nước ta thời Pháp thuộc. Phan Bội châu kiên cường, bất khuất, xứng đáng là” vị anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”, tiêu biểu cho khí phách của dân tộc Việt Nam. Va-ren là một kẻ gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương.
II. Luyện tập
Câu 1 (trang 95 sgk Ngữ văn 7 tập 2)
Trong truyện, thông qua thủ pháp tương phản đối lập, thông qua cách miêu tả của tác giả khi xây dựng nhân vật và những lời bình luận về Va-ren giúp cho chúng ta thấy rất rõ tình cảm yêu mến, thái độ trân trọng, cảm phục của tác giả đối với Phan Bội Châu dù trong suốt câu chuyện tác giả không đưa ra bất cứ lời bình luận cụ thể nào về nhà chí sĩ cách mạng.
Câu 2 (trang 95 sgk Ngữ văn 7 tập 2)
Nghĩa cụm từ “những trò lố”: là những trò hề lố bịch của Va-ren. Đó là lời hứa chăm sóc cụ Phan Bội Châu và những lời dụ dỗ trong nhà ngục bị đáp trả bằng sự im lặng khinh bỉ.