Soạn bài Ôn tập tiếng Việt, Tài liệu Soạn văn 6: Ôn tập tiếng Việt, sẽ giúp học sinh ôn tập lại kiến thức của phần tiếng Việt trong chương trình Ngữ Văn lớp 6 học
Ôn tập tiếng Việt là bài ôn tập tổng hợp các kiến thức thuộc phần tiếng Việt trong chương trình Ngữ Văn lớp 6 tập 1. Bài học này giúp học sinh củng cố và nâng cao kiến thức để chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối kì.
Chính vì vậy chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Soạn văn 6: Ôn tập tiếng Việt, kính mời quý bạn đọc cũng tham khảo.
Soạn văn Ôn tập tiếng Việt
I. Lý thuyết
1. Cấu tạo từ
a. Khái niệm
– Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa dùng để đặt câu.
b. Phân loại
– Ví dụ: bố, mẹ, hoa hồng, con mèo…
– Dựa theo cấu tạo của từ, từ gồm hai loại: từ đơn và từ phức.
- Từ đơn là các từ chỉ gồm một tiếng. Ví dụ: anh, xe, nhà…
- Từ phức là các từ có hai hay nhiều tiếng. Ví dụ: gia đình, nhà cửa, ô tô…
– Từ phức gồm từ ghép và từ láy:
- Từ ghép là các từ có quan hệ với nhau về mặt nghĩa. Ví dụ: quần áo, ông bà, quả ổi…
- Từ láy là các từ có quan hệ với nhau về mặt ngữ âm. Ví dụ: lung linh, nhảy nhót, mảnh khảnh…
2. Nghĩa của từ
– Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị.
Ví dụ: Hiền lành: tỏ ra rất hiền và tốt bụng, không hề có những hành động gây hại cho bất kỳ ai.
– Có hai cách giải nghĩa:
- Trình bày khái niệm mà từ biểu thị. Ví dụ: đồ có nghĩa là nấu chín bằng hơi nước trong nồi hai tầng, tầng trên có lỗ ở đáy.
- Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với các từ cần giải thích. Ví dụ: chứng giám là soi xét và làm chứng.
3. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ
– Từ có thể có một hay nhiều nghĩa.
– Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa.
– Trong từ nhiều nghĩa có:
- Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa chuyển.
- Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
4. Từ mượn
– Từ mượn là những từ được vay mượn của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị.
– Gồm:
- Từ mượn tiếng Hán: giang sơn, thủy trung, quốc gia…
- Từ mượn các ngôn ngữ khác: xà phòng, xích lô, cát-xê…
5. Lỗi dùng từ
a. Lặp từ
– Trong khi nói hoặc viết, học sinh thường sử dụng một từ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Việc lặp đi lặp lại như vậy được hiểu là một loại lỗi dùng từ là lỗi lặp.
Ví dụ: Gia đình em có bốn người: bố em, mẹ em, anh trai em và em.
– Lỗi lặp gây ra cảm giác nhàm chán, khó hiểu; không những không cung cấp được nội dung mới mà còn nhắc lại nội dung cũ một cách máy móc.
– Vì vậy, cần nâng cao vốn từ để tránh mắc phải lỗi lặp từ.
b. Lẫn lộn giữa các từ gần âm
– Khi nói hoặc viết, do nhầm lẫn giữa âm đọc hoặc chưa hiểu được nghĩa của từ nên học sinh thường dùng sai từ.
Ví dụ: Ông họa sĩ già nhấp nháy bộ ria mép quen thuộc
– Vì vậy, cần kiểm tra kỹ cách phát âm cũng như nghĩa của từ đó trước khi sử dụng.
c. Dùng từ không đúng nghĩa
– Khi nói hoặc viết, do không hiểu hết hay không hiểu đúng nghĩa của từ mà học sinh thường mắc lỗi dùng từ không đúng nghĩa.
Ví dụ: Mặc dù còn một số yếu điểm, nhưng so với năm học cũ, lớp 6B đã tiến bộ vượt bậc.
– Vì vậy, khi dùng từ cần chú ý đến nghĩa của từ và xem xét ngữ cảnh sử dụng của từ đó đã thực phù hợp.
6. Các loại từ
a. Danh từ
– Khái niệm: Là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khá niệm…
Ví dụ: con gà, bông hoa, cây cỏ…
– Phân loại:
- Danh từ chỉ đơn vị: tấn, tạ, yến…
- Danh từ chỉ sự vật: máy tính, tủ lạnh, bàn chải…
b. Động từ:
– Khái niệm: là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.
Ví dụ: chạy, nhảy, bay…
– Phân loại:
- Động từ tình thái (thường đòi hỏi động từ khác đi kèm). Ví dụ: định, toan, dám…
- Động từ chỉ hoạt động, trạng thái (không đòi hỏi động từ khác đi kèm). Ví dụ; múa, hát, đi…
c. Tính từ
– Khái niệm: là những từ chỉ tính chất, đặc điểm, trạng thái…
Ví dụ: buồn, xấu, đắng…
– Phân loại:
- Tính từ chỉ đặc điểm tương đối (có thể kết hợp với các từ chỉ mức độ: rất, hơi, khá…). Ví dụ: ngọt, đẹp, cao…
- Tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối (không kết hợp được với các từ chỉ mức độ). Ví dụ: vàng chói, xanh đậm, trắng tinh…
d. Số từ và lượng từ
- Số từ là những từ chỉ số lượng và số thứ tự của sự vật: một, hai, ba…
- Lượng từ là những từ chỉ lượng ít nhiều của sự vật, ví dụ: những, các, tá…
e. Chỉ từ: là những từ dùng để trỏ sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong không gian hoặc thời gian.
7. Cụm từ
a. Cụm danh từ
– Cụm danh từ là loại tổ hợp từ do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.
– Mô hình:
Phần trước |
Phần trung tâm |
Phần sau |
|||
t 2 |
t 1 |
T 1 |
T 2 |
s 1 |
s 2 |
tất cả |
những |
em |
học sinh |
chăm ngoan |
ấy |
b. Cụm động từ
– Cụm động từ là loại tổ hợp do động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Nhiều động từ phải có các từ ngữ phụ thuộc đi kèm tạo thành cụm động từ mới trọn vẹn.
– Mô hình cụm động từ:
Phần trước |
Phần trung tâm |
Phần sau |
cũng/còn/đang/chưa |
tìm |
được/ngay/câu trả lời |
c. Cụm tính từ
– Mô hình cụm tính từ:
Phần trước |
Phần trung tâm |
Phần sau |
vẫn/còn/đang |
trẻ |
như một thanh niên |
II. Bài tập
Câu 1. Tìm từ láy, từ ghép trong các câu sau:
a. Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới. Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót.
b. Chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên. Cái bóng của chú nhỏ xíu lướt nhanh trên mặt hồ. Mặt hồ trải rộng mênh mông và lặng sóng.
c. Ngoài đường, tiếng mưa rơi lộp độp, dòng người chạy hối hả.
d. Trong vườn lắc lư những chùm quả vàng lịm.
Câu 2. Giải thích nghĩa của các từ sau: lương y, chuyên cần, thung lũng, cá ươn, nói thẳng. Cho biết cách giải nghĩa.
Câu 3. Xác định các từ loại đã học trong đoạn văn sau:
“Bầu trời xám xịt như sà xuống sát mặt đất. Sấm rền vang, chớp lóe sáng rạch xé cả không gian. Cây sung già trước cửa sổ trút lá theo trận lốc, trơ lại những cành xơ xác, khẳng khiu…”
(SGK tiếng Việt, lớp 2)
Câu 4. Các cụm từ sau thuộc loại nào? Đặt câu với các cụm từ đó.
a. một ngày tuyệt vời
b. cũng rất xinh đẹp
c. đang chơi ngoài sân trường
Câu 5. Chữa lỗi sai trong các câu sau:
a. Mái tóc của ông em đã sửa soạn bạc trắng.
b. Tôi rất thích đọc truyện Sơn Tinh Thủy Tinh vì truyện Sơn Tinh Thủy Tinh rất hay.
c. Bác sĩ chuẩn đoán là cậu ấy bị bệnh ung thư.
d. Khi trưởng thành, chúng ta đều phải có trách cứ với bản thân.
Gợi ý:
Câu 1.
a.
– Từ láy: xôn xao, phơi phới, mềm mại, nhảy nhót
– Từ ghép: mùa xuân, hạt mưa, nhỏ bé
b.
– Từ ghép: chú chuồn chuồn nước, vọt lên, cái bóng, mặt hồ, nhỏ xíu
– Từ láy: mênh mông
c.
– Từ ghép: ngoài đường, tiếng mưa, dòng người
– Từ láy: lộp độp, hối hả
d.
– Từ ghép: trong vườn, chùm quả, vàng lịm
– Từ láy: lắc lư
Câu 2.
– Lương y: người thầy thuốc giỏi
=> Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
– Chuyên cần: siêng năng, chăm chỉ
=> Đưa ra những từ đồng nghĩa với từ cần giải nghĩa.
– Thung lũng: dải đất trũng và kéo dài nằm giữa hai sườn núi
=> Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
– Cá ươn: cá không còn tươi, đã có mùi hôi
=> Đưa ra những từ trái nghĩa nghĩa với từ cần giải nghĩa.
– Nói thẳng: nói trực tiếp với người mình muốn nói, không qua trung gian.
=> Đưa ra những từ đồng nghĩa với từ cần giải nghĩa.
Câu 3.
– Danh từ: bầu trời, mặt đất, sấm, chớp, không gian, cây sung, cửa sổ, lá, trận lốc, cành.
– Động từ: sà xuống, rền, lóe, rạch, xé, trút, trơ lại, theo.
– Tính từ: xám xịt, sát, vang, sáng, già, xơ xác, khẳng khiu
– Lượng từ: cả
Câu 4.
a.
– Cụm danh từ
– Đặt câu: Hôm nay là một ngày tuyệt vời đối với tôi.
b.
– Cụm tính từ
– Đặt câu: Cô ấy cũng rất xinh đẹp.
c.
– Cụm động từ
– Đặt câu: Học sinh đang chơi ngoài sân trường.
Câu 5.
a. Thay từ “sửa soạn” thành “sắp sửa”
b. Bỏ cụm “truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh”, thay bằng “truyện”
c. Thay từ “chuẩn đoán” thành “chẩn đoán”
d. Thay từ “trách cứ” thành “trách nhiệm”