Soạn bài Sự tích Hồ Gươm, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu cho bạn đọc bài soạn văn lớp 6: Sự tích Hồ Gươm. Tài liệu trên sẽ giúp ích cho bạn đọc chuẩn bị bài trước khi
Hiện nay, quỹ thời gian học trên lớp khá hạn hẹp nên đối với môn Ngữ Văn lớp 6 học sinh thường phải chuẩn bị bài trước ở nhà để có tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Tài Liệu Học Thi xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn văn 6: Sự tích Hồ Gươm, hi vọng tài liệu này có thể giúp ích cho học sinh trong việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Xem Tắt
Soạn văn Sự tích Hồ Gươm chi tiết
I. Đôi nét về tác phẩm
1. Tóm tắt
Vào thời giặc Minh đô hộ, ở vùng Lam Sơn, có một nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn yếu nên nhiều lần bị thua. Đức Long Quân thấy vậy quyết định cho mượn gươm thần để họ giết giặc. Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người tên là Lê Thận làm nghề đánh cá. Một đêm nọ, Lê Thận đi thả lưới và vớt được một thanh sắt tới ba lần. Chàng bèn đưa lại cạnh mồi lửa thì phát hiện ra đó là một lưỡi gươm. Về sau, chàng tham gia nghĩa quân Lam Sơn. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi đến nhà Lê Thận thấy ánh sáng phát ra thì lại gần xem. Thấy trên thanh gươm có khắc hai chữ “Thuận Thiên. Trong một lần nọ, bị giặc đuổi, Lê Lợi đi qua một khu rừng, nhặt được một cái chuôi. Lê Lợi nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, khi đem tra gươm vào chuôi thì vừa như in. Có thanh gươm quý trong tay, nghĩa quân đánh đến đâu thắng đến đó. Một năm sau khi đuổi giặc Minh, Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Rùa Vàng nổi lên đòi lại gươm thần, vua bèn trả lại cho Rùa Vàng. Từ đó, hồ Tả Vọng cũng có tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
Xem thêm tại Tóm tắt truyền thuyết sự tích Hồ Gươm
2. Bố cục
Gồm 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước”. Đức Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần để đánh giặc.
- Phần 2: Còn lại. Long Quân đòi gươm sau khi đánh bại giặc Minh.
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Đức Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần đánh giặc.
– Hoàn cảnh: Giặc Minh xâm lược nước ta, chúng coi nhân dân như cỏ rác, làm nhiều điều trái ngược, nhân dân hết sức oán giận chúng. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, có nghĩa quân nổi dậy chống lại nhưng trong buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần nghĩa quân bị thua.
=> Lạc Long Quân quyết định cho mượn gươm thần để đánh giặc. Đó là sự giúp sức cần thiết trong hoàn cảnh khó khăn lúc này..
– Quá trình mượn gươm: không hề đơn giản.
- Lê Thận là người dân bình thường, làm nghề đánh cá: Trong một lần thả lưới, vớt được một thanh sắt liền vứt xuống nước, liên tiếp vớt được tới lần thứ ba thì lấy làm lạ. Chàng bèn đưa thanh sắt lại cạnh mồi lửa nhìn xem thì phát hiện ra đó là một lưỡi gươm.
=> Người nhặt được lưỡi gươm quý nhưng không phát hiện ra.
- Lê Lợi là chủ tướng lãnh đạo nghĩa quân: Một lần bị giặc truy đuổi, lúc rút lui đi qua một khu rừng. Lê Lợi thấy ánh sáng lạ trên ngọn đa. Ông trèo lên mới biết đó là chuôi gươm nạm ngọc. Lúc này mới nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận và hiểu ra đó là một vật báu.
=> Lê Lợi là người hợp nhất thanh gươm thần cũng chính vì ông chính là vị chủ tướng được nghĩa quân và nhân dân tin tưởng, mới được thần giao phó trách nhiệm nhận thanh gươm quý.
- Trên lưỡi gươm có hai chữ “Thuận Thiên” có nghĩa là thuận theo ý trời.
=> Cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn là một cuộc khởi nghĩa đúng với ý trời, lòng dân. Cuộc khởi nghĩa tất yếu của nhân dân ta trước sự hung bạo của quân xâm lược.
– Kết quả:
- Việc nhặt được gươm quý khiến cho lòng quân ngày một tăng.
- Lê Lợi có thanh gươm trong tay tung hoành khắp các trần địa, làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía.
- Gươm thần giúp nghĩa quân đánh bại quân xâm lược, cho đến khi không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.
=> Kết quả tất yếu khi có sự trợ giúp của thần linh và sức mạnh đoàn kết của toàn quân cùng sự ủng hộ của nhân dân.
2. Long Quân đòi gươm sau khi đánh bại giặc Minh.
– Thời gian: Một năm sau khi đuổi giặc Minh.
– Địa điểm: hồ Tả Vọng, Thăng Long.
– Nhân vật đòi lại gươm: Rùa Vàng, là sứ giả của đức Long Quân.
– Hoàn cảnh: đất nước đã đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua cai trị đất nước, nhân dân sống trong thái bình.
=> Hoàn cảnh thích hợp để đòi lại gươm thần. Việc đòi lại gươm thần là việc tất yếu có mượn có trả.
– Quá trình trả gươm:
- Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng.
- Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi gươm thần.
- Khi thuyền rồng tiến ra phía giữa hồ, Rùa Vàng ngoi lên khỏi nước. Vua thấy lưỡi gươm thần động đậy.
- Rùa Vàng không sợ người, đứng nổi trên mặt nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”.
- Vua nâng gươm về phía Rùa Vàng, Rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.
=> Việc trả gươm ở hồ Tả Vọng cũng giải thích cho sự ra đời tên gọi của Hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm).
Soạn văn Sự tích Hồ Gươm ngắn gọn
I. Trả lời câu hỏi
Câu 1. Vì sao Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?
Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần vì:
– Giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước ta, chúng coi nhân dân ta như cỏ rác, làm biết bao nhiêu điều hung tàn khiến nhân dân ta căm giận đến tận xương tủy.
– Ở vùng Lam Sơn, có nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng được nhân dân ủng hộ nhưng thế lực còn yếu nên thường xuyên bị thua.
– Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có tướng giỏi là Lê Lợi và một nghĩa quân gan dạ, dũng cảm và yêu nước.
=> Đức Long Quân đã đặt niềm tin vào sự chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn.
Câu 2. Lê Lợi đã nhận được gươm thần như thế nào? Các Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm có ý nghĩa gì?
* Lê Lợi đã nhận được gươm thần:
– Trước hết, Lê Thận là người làm nghề đánh cá, trong một lần thả lưới đã vô tình vớt được lưỡi gươm (ba lần quăng lại xuống sông là ba lần lưỡi gươm vẫn dính vào lưới).
– Về sau, chàng gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một lần đến nhà Lê Thận, trong túp lều tối om lưỡi gươm sáng rực lên. Thấy lạ, Lê Lợi cầm lên xem và thấy hai chữ “Thuận Thiên” khắc trên lưỡi gươm nhưng không ai biết đó là báu vật.
– Một lần bị giặc đuổi, khi đi qua khu rừng Lê Lợi bỗng thấy có ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết là một chuôi gươm nạm ngọc, nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận mới hiểu ra.
– Lê Lợi đem tra lưỡi gươm vào chuôi gươm thì vừa như in.
– Lê Thận nâng gươm lên đầu dâng cho Lê Lợi và nói: “Đây là Trời phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh gươm thần này để bào đền tổ quốc”.
=> Quá trình nhặt được gươm không mấy dễ dàng.
* Ý nghĩa của việc Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm:
– Việc hai nhân vật nhặt được gươm ở dưới nước và trên rừng cho thấy những con người có khả năng chống giặc cứu nước có thể đến từ nhiều nơi trên khắp đất nước, cũng có thể xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội: một anh ngư dân như Lê Thận hay một chủ tướng như Lê Lợi.
– Các bộ phận bị tách rời sau đó lại được hợp nhất, khi lắp lại “vừa như in” chứng tỏ muốn có sức mạnh chống lại quân giặc hung tàn cần phải có sự đoàn kết trên dưới một lòng, đồng tâm hợp sức.
– So sánh với Con Rồng cháu Tiên để thấy được sự nhất trí đoàn kết của nhân dân ta: lời dặn dò của Lạc Long Quân với Âu Cơ trước khi chia tay nhau: “kẻ miền núi, người ở miền biển khi có việc thì giúp đỡ lẫn, nhau đừng quên lời hẹn”.
– Việc dâng gươm của Lê Thận cho Lê Lợi, khẳng định vai trò của người chủ tướng. Sức mạnh đoàn kết của nghĩa quân, nhân dân cộng với sự lãnh đạo sáng suốt của người chủ tướng mới có thể chiến thắng kẻ thù.
Câu 3. Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đối với nghĩa quân Lam Sơn.
– Từ khi có gươm thần nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng.
– Trong tay Lê Lợi thanh gươm thần tung hoành khắp mọi mặt trận địa, làm cho quân giặc khiếp vía.
– Gươm thần mở đường cho họ đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn một bóng tên giặc nào trên đất nước.
Câu 4. Khi nào Long Quân cho đòi gươm? Cách đòi gươm và trả gươm diễn ra như thế nào?
* Hoàn cảnh:
– Nhân dân ta đã đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước.
– Lê Lợi đã lên ngôi vua.
* Cách đòi gươm và trả gươm:
– Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng.
– Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi gươm thần.
– Khi thuyền rồng tiến ra phía giữa hồ, Rùa Vàng ngoi lên khỏi nước. Vua thấy lưỡi gươm thần động đậy. Rùa Vàng đòi gươm: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Vua nâng gươm về phía Rùa Vàng, Rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.
Câu 5. Thảo luận: Ý nghĩa của truyện “Sự tích Hồ Gươm”
– Ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, một cuộc khởi nghĩa mang tính chất chính nghĩa, tổng hợp sức mạnh toàn quân toàn dân.
– Đề cao, suy tôn Lê Lợi và nhà Lê.
– Giải thích nguồn gốc tên gọi của Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm).
Câu 6. Em còn biết truyền thuyết nào nước ta cũng có hình ảnh Rùa Vàng? Theo em, hình tượng Rùa Vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho ai? Và cho cái gì?
– Truyền thuyết nước ta cũng có hình ảnh Rùa Vàng: “An Dương Vương” có thần Kim Quy hiện lên giúp An Dương Vương chế tạo nỏ thần.
– Hình tượng Rùa Vàng tượng trưng cho tổ tiên, khí thế của dân tộc đất nước và tư tưởng tình cảm của nhân dân.
II. Luyện tập
Câu 1. Hãy đọc phần đọc thêm để thấy rõ tính lặp lại và ý nghĩa của chi tiết trao gươm thần trong các truyền thuyết Việt Nam.
Ý nghĩa của chi tiết trao gươm thần trong các truyền thuyết Việt Nam:
– Sự tin tưởng của thần linh dành cho người được trao gươm.
– Sự giao phó sức mạnh cũng như trách nhiệm dành cho người minh chủ được nhân dân lựa chọn và một lòng đi theo.
Câu 2. Vì sao tác giả dân gian không để Lê Lợi được trực tiếp nhận cả chuôi gươm lẫn lưỡi gươm cùng một lúc?
Vì như vậy sẽ không thấy được tính chất toàn dân của cuộc kháng chiến chống quân Minh. Đồng thời thanh gươm Lê Lợi nhận được chính là thanh gươm của sự hội tụ thống nhất giữa tư tưởng tình cảm sức mạnh của toàn dân trên mọi miền tổ quốc.
Câu 3. Lê Lợi nhận được gươm ở Thanh Hóa nhưng lại trả gươm ở hồ Gươm – Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hóa thì ý nghĩa của truyền thuyết sẽ khác đi như thế nào?
Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hóa thì ý nghĩa câu chuyện sẽ có nhiều hạn chế vì sau khi thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua và đóng đô ở Thăng Long. Việc trả gươm ở kinh đô của một đất nước sẽ sẽ phù hợp về vị trí địa lý (kinh đô là nơi trọng yếu của đất nước), cũng như thể hiện ý chí tinh thần toàn dân thiết tha một lòng yêu hòa bình.
Câu 4. Hãy nhắc lại định nghĩa truyền thuyết và kể tên những truyện đã học.
– Khái niệm: Truyền thuyết là loại truyện dân gian, kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử được kể đến.
– Các truyền thuyết đã học: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích Hồ Gươm.