Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu cho bạn đọc bài soạn văn lớp 6: Sự vật và nhân vật trong văn tự sự. Tài liệu trên sẽ giúp
Do quỹ thời gian học trên lớp khá hạn hẹp nên đối với môn Ngữ Văn lớp 6 học sinh thường phải chuẩn bị bài trước ở nhà.
Tài Liệu Học Thi xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn văn 6: Sự việc và nhân vật trong văn tự sự, hi vọng tài liệu này có thể giúp ích cho học sinh trong việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Soạn văn Sự việc và nhân vật trong văn tự sự
I. Đặc điểm của sự việc và nhân vật trong văn tự sự
1. Sự việc trong văn tự sự
a. Xem các sự việc trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh:
- Vua Hùng kén rể.
- Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn.
- Vua Hùng ra điều kiện chọn rể.
- Sơn Tinh đến trước, được vợ.
- Thủy Tinh đến sau, tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh.
- Hai bên giao chiến hàng tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh thua, rút về.
- Hằng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng đều thua.
Em hãy chỉ ta sự việc khởi đầu, sự việc phát triển, sự việc cao trào và sự việc kết thúc trong các sự việc trên và cho biết mối quan hệ nhân quả của chúng.
Gợi ý: Các sự kiện trên liên kết với nhau tạo thành một chuỗi từ sự việc, mang tính khởi đầu đến sự việc mang tính phát triển dẫn đến sự việc cao trào và kết thúc với sự việc kết thúc.
– Sự việc mang tính khởi đầu: Vua Hùng kén rể
– Sự việc phát triển: Vua Hùng ra điều kiện chọn rể.
– Sự việc cao trào: Sơn Tinh đến trước, được vợ; Thủy Tinh đến sau, tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh.
– Sự việc kết thúc: Hai bên giao chiến hàng tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh thua, rút về.
=> Các sự việc trên kết hợp với nhau theo trình tự có ý nghĩa: sự việc trước giải thích cho lý do dẫn đến sự việc sau, sự việc sau là kết quả của sự việc trước. Cả chuỗi sự việc khẳng định cho sự chiến thắng của Sơn Tinh.
b.
– Sáu yếu tố trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh là:
- Do ai làm: Sơn Tinh, Thủy Tinh.
- Ở đâu: vùng đất của dân tộc Việt.
- Lúc nào: thời Hùng Vương thứ mười tám.
- Nguyên nhân: Vua Hùng chỉ có một người con gái là Mị Nương nhưng lại có tới hai chàng trai đến cầu hôn.
- Diễn biến: Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương. Thủy Tinh đến sau tức giận dâng nước đánh Sơn Tinh.
- Kết quả: Thủy Tinh thua trận.
– Theo em, không thể xóa bỏ yếu tố thời gian và địa điểm vì câu chuyện trên lí giải về nguồn gốc của hiện tượng lũ lụt và thể hiện ước mơ chiến thắng tự nhiên của dân tộc Việt Nam từ buổi khai nguyên.
– Việc giới thiệu Sơn Tinh có tài là cần thiết, vì Sơn Tinh chính là biểu tượng cho sức mạnh và khát vọng chiến thắng thiên nhiên của con người. Tài năng của Sơn Tinh đã giúp chàng chiến thắng vị thần miền biển hung dữ cũng như sức mạnh của con người sẽ chiến thắng được thiên tai.
– Nếu loại bỏ sự việc Vua Hùng ra điều kiện kén rể, câu chuyện sẽ mất đi một sự việc mang tính phát triển. Giả sử Vua Hùng không kén rể cho Mị Nương, Thủy Tinh và Sơn Tinh sẽ không đến cầu hôn, cũng không xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cuộc chiến (các sự kiện liên tiếp sau đó đều không xảy ra).
– Việc Thủy Tinh nổi giận là có lý. Vì Thủy Tinh đã chuẩn bị đầy đủ sính lễ nhưng do đến sau nên không lấy được Mị Nương. Hơn nữa,Thủy Tinh còn là vua miền biển, tài năng không kém gì so với Sơn Tinh.
c.
– Sự việc thể hiện mối thiện cảm của người kể đối với Sơn Tinh và Vua Hùng: Vua Hùng yêu cầu các loại sính lễ gồm có: một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.
=> Lễ vật đều là những đồ vật không tầm thường, khó tìm và chủ yếu ở vùng núi cao (Sơn Tinh là chúa miền non cao có thể dễ dàng tìm được lễ vật, lấy được Mị Nương).
– Việc Sơn Tinh thắng Thủy Tinh nhiều lần (cụ thể là thắng trong cuộc kén rể và trong cuộc chiến) vì Sơn Tinh chính là vị thần bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Điều đó phản ánh sự ưu ái của người kể chuyện đối với Sơn Tinh nhưng cũng cho thấy rằng chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa, giống như khát vọng chiến thắng của nhân dân ta trước thiên tai.
– Không nên để Thủy Tinh thắng Sơn Tinh. Vì việc Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh đã gây ra lũ lụt khắp nơi, khiến cho nhân dân khổ cực. Đó là một việc làm sai trái thì sẽ gặp phải một kết cục không tốt đẹp, đây chính là quy luật cuộc sống.
– Không thể xóa bỏ sự việc “hàng năm Thủy Tinh lại dâng nước…” vì sự kiện này đã lý giải hiện tượng của tự nhiên (lũ lụt thường xuyên xảy ra ở nước ta). Đây là ý nghĩa của truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh.
2. Nhân vật trong văn tự sự
a. Em hãy kể tên các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh và cho biết:
– Ai là nhân vật chính, có vai trò quan trọng nhất: Sơn Tinh và Thủy Tinh.
– Ai là kẻ được nói tới nhiều nhất: Sơn Tinh và Thủy Tinh.
– Ai là nhân vật phụ: Hùng Vương thứ mười tám, Mị Nương, Lạc hầu. Nhân vật phụ vẫn rất cần thiết, vì các nhân vật này tác động đến hành động của các nhân vật chính.
b. Nhân vật trong Sơn Tinh Thủy Tinh được kể như thế nào?
Nhân vật, tên gọi |
Lai lịch |
Chân dung |
Tài năng |
Việc làm |
Vua Hùng |
thứ 18 |
Không |
Không |
kén rể, đưa ra sính lễ |
Sơn Tinh |
ở vùng núi Tản Viên, chúa miền non cao |
Không |
vẫy tay về phía đông phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây phía tây mọc lên từng quả đồi |
đến cầu hôn, chuẩn bị sính lễ, đến trước rước Mị Nương về núi, đánh bại Thủy Tinh |
Thủy Tinh |
vua miền biển sâu |
không |
gọi gió gió đến, hô mưa mưa về |
cầu hôn, đến sau và dâng nước đánh Sơn Tinh |
Mị Nương |
con Vua Hùng |
người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu |
không |
không |
Lạc hầu |
thời Vua Hùng thứ 18 |
không |
không |
giúp vua cai quản đất nước |
=> Tổng kết:
– Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân diễn biến kết quả.
– Nhân vật trong văn tự sự là kẻ thực hiện các sự việc và là kẻ được thể hiện trong văn bản.
II. Luyện tập
Bài 1. Chỉ ra những việc mà các nhân vật trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh đã làm:
– Vua Hùng: kén rể cho Mị Nương, đưa ra yêu cầu về lễ vật.
– Mị Nương: không có hành động.
– Sơn Tinh: đến cầu hôn Mị Nương, chuẩn bị và mang lễ vật đến trước, rước Mị Nương về núi, dùng phép lạ ngăn dòng nước lũ đánh bại Thủy Tinh.
– Thủy Tinh: đến cầu hôn Mị Nương, mang sính lễ đến sau, nổi giận và dâng nước đánh Sơn Tinh, thua trận.
a. Nhận xét vai trò, ý nghĩa của các nhân vật:
- Vua Hùng và Mị Nương chỉ là những nhân vật phụ góp phần cho sự phát triển một chuỗi những sự việc có tính khởi đầu, phát triển, sự việc cao trào và kết thúc đối với nhân vật chính.
- Sơn Tinh và Thủy Tinh là nhân vật chính, quyết định đến nội dung câu chuyện. Hai nhân vật tượng trưng cho hai thế lực: một bên đại diện cho nhân dân, một bên là sức phá hoại dữ dội của thiên nhiên. Qua đó, thể hiện ước mơ có một sức mạnh phi thường để chế ngự lại những trận lũ lụt hàng năm xảy ra ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
b. Tóm tắt truyện Sơn Tinh Thủy Tinh theo các sự việc gắn với các nhân vật chính.
Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương. Nhà vua hết mực thương yêu nàng và muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng. Một hôm có hai chàng trai là Sơn Tinh và Thủy Tinh đến cầu hôn. Vua Hùng đưa ra điều kiện ngày mai ai mang lễ vật đến trước sẽ lấy được Mị Nương làm vợ. Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến trước được rước Mị Nương về núi. Thủy Tinh đến sau, không lấy được Mị Nương đùng đùng nổi giận, dâng nước đánh Sơn Tinh. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thủy Tinh đã cạn kiệt, thần nước đành rút quân. Hằng năm, Thủy Tinh đều dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thất bại.
c. Tại sao lại gọi là Sơn Tinh Thủy Tinh? Nếu thay đổi bằng các tên như trong SGK có được không?
– Truyện lấy tên là Sơn Tinh Thủy Tinh vì chuyện kể về hai vị thần, thông qua những yếu tố tưởng tượng và kì ảo, người Việt cổ muốn giải thích hiện tượng lũ lụt đồng thời thể hiện sức mạnh, ước mong chế ngự thiên tai.
– Nếu thay tên gọi bằng Vua Hùng kén rể sẽ không nói được ý nghĩa của câu chuyện, các nhan đề Truyện Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh và Thủy Tinh, Bài ca chiến công của Sơn Tinh quá dài dòng.
Bài 2. Cho nhan đề Một lần không vâng lời. Em hãy tưởng tượng để kể một câu chuyện theo nhan đề ấy. Em dự định sẽ kể sự việc gì, diễn biến ra sao, nhân vật của em là ai?
– Một lần không vâng lời nhấn mạnh tới sự không vâng lời gây ra hậu quả như: trèo cây bị ngã, nói dối vì bị điểm kém, trốn học đi chơi…
– Nhân vật: có thể là chính bản thân mình, bạn bè trong lớp…
Gợi ý:
– Một lần không vâng lời: Trong một buổi chiều nọ, em về quê ngoại chơi và rủ rê chúng bạn đi hái trộm xoài và bị ngã gãy chân.
– Nhân vật chính: bản thân em.
– Nhân vật phụ: bạn Hồng, một vài người bạn khác, bác Lan.
– Diễn biến sự việc:
- Mùa hè đến, em được bố mẹ cho về quê ngoại chơi.
- Buổi trưa hôm đó, em rủ nhóm bạn trong xóm đi hái trộm xoài bên nhà hàng xóm (nhà bác Lan).
- Cả nhóm nhẹ nhàng trèo qua bờ tường nhảy vào vườn nhà bác Lan.
- Em xung phong trèo lên cây xoài trước tiên.
- Bỗng nhiên, con chó Mực của nhà bác Lan kêu lên, em giật mình trượt chân ngã từ trên cây cao xuống.
- Cả nhóm bạn nháo nhác chạy ra đỡ em, bạn Hồng chạy vào nhà gọi bác Lan.
- Em được đưa đến bệnh viện
– Hậu quả: Em bị gãy chân và phải nằm một chỗ suốt mấy tháng hè.
=> Các sự kiện phải có sự liên kết, có nguyên nhân diễn biến và kết quả. Các nhân vật phải có mối quan hệ với nhau.
* Bài tập ôn luyện: Em hãy xác định nhân vật, sự kiện trong truyện Thánh Gióng.
Gợi ý:
– Nhân vật chính: Thánh Gióng
– Nhân vật phụ: Vua Hùng thứ sáu, hai vợ chồng ông lão, sứ giả, nhân dân.
– Sự kiện:
- Vào thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ phúc đức mà vẫn chưa có con.
- Một hôm, bà lão ra đồng, trông thấy một vết chân to liền ướm thử, không lâu sau về nhà liền mang thai.
- Mười hai tháng sau, bà lão sinh ra một cậu con trai.
- Đứa trẻ lên ba không biết nói biết cười, ai đặt đâu ngồi đấy.
- Giặc Ân xâm lược, vua cho sứ giả đi tìm người tài khắp đất nước.
- Cậu bé nghe sứ giả rao thì cất tiếng nói đầu tiên: “Mẹ mời sứ giả vào đây cho con”.
- Cậu yêu cầu vua sắm cho mình “ một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một chiếc áo giáp sắt” và hứa sẽ đánh tan lũ giặc.
- Từ sau hôm gặp sứ giả, cậu lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ.
- Giặc đến, cậu vươn vai biến thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng.
- Gióng đánh tan quân giặc.
- Người và ngựa cùng bay về trời.