Soạn bài Thành ngữ, Bài Soạn văn 7: Thành ngữ, sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản giúp học sinh có thể học tốt môn Ngữ Văn.
Trong chương trình Ngữ Văn lớp 7, học sinh sẽ được tìm hiểu về một đơn vị kiến thức mới đó là thành ngữ.
Dưới đây là bài Soạn văn 7: Thành ngữ, vô cùng hữu ích cho học sinh trong quá trình chuẩn bị bài và học bài.
Soạn văn Thành ngữ
I. Thế nào là thành ngữ?
1. Nhận xét về cấu tạo của cụm từ lên thác xuống ghềnh trong câu ca dao sau:
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
a.
– Không thể thay một vài từ trong cụm từ này bằng những từ khác.
– Không thể chêm xen một vài từ khác vào cụm từ.
– Không thể thay đổi vị trí của các từ ngữ.
=> Nếu thay đổi sẽ làm mất đi ý nghĩa ban đầu của cụm từ trên.
b. Đặc điểm cấu tạo của cụm từ “lên thác xuống ghềnh” là một cụm từ cố định.
2.
a.
– Cụm từ “Lên thác xuống ghềnh”: mang ý nghĩa chỉ sự bấp bênh, không ổn định trong cuộc sống.
– Lý do:
- Thác: là chỗ dòng suối, dòng sông có nước chảy từ trên cao xuống dưới thấp, với góc nghiêng lớn, tốc độ nước chảy xiết, có thể tạo ra sóng nước và xoáy nước.
- Ghềnh: chỗ dòng sông có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết.
=> Đều chỉ những khu vực hiểm trở, khó khăn trong việc đi lại. Chính vì vậy mà khi nói “Lên thác xuống ghềnh” sẽ diễn tả được ý nghĩa về sự bấp bênh, không ổn định.
b.
– Nhanh như chớp: Những sự việc, hành động diễn ra quá nhanh chóng.
– Lý do:
- Chớp: hiện tượng ánh sáng lóe mạnh rồi tắt ngay do sự phóng điện giữa hai đám mây hoặc giữa mây và mặt đất, thường xuất hiện rất nhanh rồi biến mất.
- Việc so sánh với “chớp” sẽ thể hiện được tốc độ nhanh cần đạt đến.
=> Tổng kết:
– Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
– Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh…
II. Sử dụng thành ngữ
1. Xác định vai trò ngữ pháp của các thành ngữ trong SGK:
– Câu 1: vị ngữ
– Câu 2: phụ ngữ của cụm danh từ
2. Em hãy phân tích cái hay của việc dùng các thành ngữ trong hai câu trên
Khi sử dụng thành ngữ sẽ giúp câu văn trở nên ngắn gọn, có tính biểu tượng cao và ý nghĩa biểu cảm cao hơn.
=> Tổng kết:
– Thành ngữ có thể đóng vai trò làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ…
– Thành ngữ thường ngắn gọn, hàm súc và mang tính biểu cảm cao.
III. Luyện tập
Câu 1. Tìm và giải thích nghĩa của các thành ngữ trong các câu:
a.
– sơn hào hải vị: những món ăn ngon, quý hiếm
– nem công chả phượng: những món ăn được chế biến và trình bày một cách công phu.
b.
– khỏe như voi: sức khỏe hơn người
– tứ cố vô thân: mồ côi, không có nơi nương tựa
c.
– da mồi tóc sương: người đã có tuổi
Câu 2. Kể vắn tắt các truyền thuyết và ngụ ngôn tương ứng để thấy rõ lai lịch của các thành ngữ Con Rồng cháu Tiên, ếch ngồi đáy giếng, thầy bói xem voi.
– Con Rồng cháu Tiên:
Con rồng cháu tiên kể về câu chuyện giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ tại vùng đất Lạc Việt. Trong một lần lên cạn giúp nhân dân diệt trừ yêu quái, Lạc Long Quân đã gặp và kết duyên cùng Âu Cơ. Ít lâu sau, Âu Cơ mang thai và đẻ ra bọc trăm trứng, từ bọc trăm trứng nở ra một trăm người con. Vì Lạc Long quân không quen sống trên cạn nên hai người quyết định chia tay nhau, để năm mươi người con lên rừng theo mẹ, năm mươi người con xuống biển theo cha. Người con cả lên ngôi vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở đất Phong Châu ngày nay.
– Ếch ngồi đáy giếng:
Có một con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng, xung quanh nó chỉ toàn những con vật nhỏ bé. Ếch cứ tưởng bản thân nó to bằng trời. Một năm nọ, trời làm mưa to đưa ếch ra bên ngoài. Quen thói cũ, nó đi nghênh ngang khắp nơi. Nó đưa cặp mắt lên nhìn bầu trời, không thèm để ý đến xung quanh nên bị một con trâu đi ngang qua giẫm chết.
Như vậy, thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” muốn phê phán những người hiểu biết hạn hẹp nhưng lại kiêu căng, tự cho mình là nhất.
– Thầy bói xem voi:
Nhân buổi hàng ế, năm ông thầy bói rủ nhau đi xem voi xem nó có hình thù như thế nào.
Thầy thứ nhất sờ vòi bảo nó sun sun như con đỉa. Thầy thứ hai sờ ngà bảo nó chần chẫn như cái đòn càn. Còn thầy thứ ba bảo nó bè bè như cái quạt thóc. Đến thầy thứ tư sờ chận bảo nó sừng sững như cái cột đình. Cuối cùng, thầy thứ năm sờ đuôi lại bảo nó tun tủn như cái chổi sể.
Năm thầy ai cũng cho là mình đúng, không ai chịu ai thành ra xô xát đánh nhau toác đầu chảy máu.
Như vậy, thành ngữ “Thầy bói xem voi” muốn phê phán những người có cái nhìn phiến diện, một chiều.
Câu 3. Điền thêm các yếu tố để thành ngữ trọn vẹn:
– Lời ăn tiếng nói
– Một nắng hai sương
– Ngày lành tháng tốt
– No cơm ấm áo
– Bách chiến bách thắng
– Sinh cơ lập nghiệp
Câu 4. Sưu tầm ít nhất mười thành ngữ chưa được giới thiệu trong SGK và giải thích nghĩa của các thành ngữ ấy.
– Nằm gai nếm mật: chịu đựng gian nan, khổ cực để đạt được thành công.
– Ngựa quen đường cũ: không chịu từ bỏ những thói hư, tật xấu.
– Nghèo rớt mồng tơi: nghèo khó, không có của cải gì đáng giá.
– Nói nhăng nói cuội: ăn nói linh tinh, sai sự thật.
– Nuôi ong tay áo: giúp đỡ những kẻ xấu xa, phản bội lại mình.
– Đàn gảy tai trâu: chỉ những người không có khả năng tiếp thu, có nói cũng như không.
– Kẻ tám lạng, người nửa cân: chỉ những người tương đương, ngang bằng với nhau.
– Gió táp mưa sa: chỉ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
– Gương vỡ lại lành: chỉ sự hàn gắn, đoàn tụ của con người.
– Đơn thương độc mã: chỉ sự đơn, độc lẻ loi trong chiến đấu.
* Bài tập ôn luyện
Câu 1. Tìm thành ngữ trong các câu sau:
a.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.
(Thương vợ, Tú Xương)
b. Tôi và anh ấy đã cùng vào sinh ra tử ở chiến trường Quảng Trị.
c. “Tôi cắn rơm, cắn cỏ tôi lạy ông giáo! Ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi.”
(Lão Hạc, Nam Cao)
d. Bà ta tính tình cứ như sư tử Hà Đông.
Câu 2. Thi tìm nhanh các thành ngữ so sánh.
Gợi ý:
Câu 1. Các thành ngữ là:
a. một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa
b. vào sinh ra tử
c. cắn rơm cắn cỏ
d. sư tử Hà Đông
Câu 2.
Các thành ngữ so sánh là: Đẹp như tiên, Xấu như ma, Đen như mực, Nhanh như cắt, Hiền như bụt, Dữ như cọp, Lành như đất, Hôi như cú, Đen như than, Chậm như sên, Câm như hến, Đông như kiến…