Soạn bài Từ ghép, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu bài Soạn văn 7: Từ ghép. Hy vọng có thể giúp ích cho học sinh trong quá trình chuẩn bị bài.
Đối với chương trình Ngữ Văn lớp 7, trong phần tiếng Việt chủ yếu học sinh sẽ được tiếp cận với những kiến thức mới.
Chính vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu tài liệu học tập Soạn văn 7: Từ ghép, giúp ích cho học sinh trong quá trình chuẩn bị bài học trước khi đến lớp.
Soạn văn Từ ghép
I. Các loại từ ghép
1.
Trong các từ ghép bà ngoại, thơm phức ở những ví dụ trong SGK:
– Tiếng chính là: bà, tiếng phụ là: ngoại.
– Tiếng chính là: thơm, tiếng phụ là: phức.
– Nhận xét: Tiếng chính thường đứng trước tiếng phụ.
2. Các tiếng trong hai từ ghép quần áo, trầm bổng ở những ví dụ trong SGK (trích văn bản Cổng trường mở ra) có phân ra tiếng chính, tiếng phụ không?
Các tiếng quần, áo hay trầm, bổng không phân ra tiếng chính, tiếng phụ.
=> Tổng kết:
– Từ ghép có hai loại: từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập
– Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung ý nghĩa cho tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau.
– Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ).
II. Nghĩa của từ ghép
1. So sánh nghĩa của từ bà ngoại với nghĩa của bà, nghĩa của từ thơm phức với nghĩa của thơm, em thấy có gì khác nhau?
– Các từ: bà, bà ngoại:
- bà: người phụ nữ sinh ra bố hoặc mẹ
- bà ngoại: người phụ nữ sinh ra mẹ
– Các từ: thơm, thơm phức:
- thơm: mùi hương dễ chịu
- thơm phức: mùi hương dễ chịu, chỉ đồ ăn
2. So sánh nghĩa của từ quần áo với nghĩa của mỗi từ quần, áo; nghĩa của từ trầm bổng với mỗi từ trầm, bổng.
– Các từ: quần áo, quần, áo:
- quần áo: quần áo để mặc nói chung
- áo: đồ dùng để mặc che phần thân trên và hai tay
- quần: đồ dùng để mặc che phần thân dưới.
– Các từ: trầm bổng, trầm, bổng:
- trầm bổng: âm thanh nghe êm tai, nhẹ nhàng.
- trầm: âm vực thấp
- bổng: âm vực cao.
=> Tổng kết:
– Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.
– Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó.
III. Luyện tập
Câu 1. Xếp các từ ghép suy nghĩ, lâu đời, xanh ngắt, nhà máy, nhà ăn, chài lưới, cây cỏ, ẩm ướt, đầu đuôi, cười nụ theo bảng phân loại sau đây:
Từ ghép chính phụ |
lâu đời, xanh ngắt, nhà máy, nhà ăn, cười nụ |
Từ ghép đẳng lập |
suy nghĩ, chài lưới, cây cỏ, ẩm ướt, đầu đuôi |
Câu 2. Điền thêm tiếng vào sau các tiếng dưới đây để tạo thành từ ghép chính phụ:
– bút: bút bi, bút mực, bút xóa, bút chì, bút màu, bút chì kim, bút chì gỗ…
– thước: thước kẻ, thước dây, thước gỗ…
– mưa: mưa phùn, mưa bay, mưa bụi, mưa rào, mưa đá…
– làm: làm việc, làm đồng, làm cảnh, làm màu…
– ăn: ăn cơm, ăn mì, ăn cháo, ăn thóc…
– trắng: trắng tinh, trắng muốt, trắng lóa, trắng sáng, trắng đục, trắng nhợt…
nhát: nhát gan…
Câu 3. Điển thêm tiếng vào sau các tiếng dưới đây để tạo từ ghép đẳng lập.
– núi: núi rừng, núi đồi, núi non
– ham: ham thích, ham muốn
– xinh: xinh đẹp, xinh tươi
– mặt: mặt mũi, mặt mày
– học: học tập, học hành
– tươi: tươi vui, tươi đẹp
Câu 4. Tại sao có thể nói một cuốn sách, một cuốn vở mà không thể nói một cuốn sách vở?
Lý do:
– Sách, vở là các danh từ chỉ sự vật tồn tại ở dạng có thể đếm được.
– Sách vở là từ ghép đẳng lập với nghĩa chỉ sách vở nói chung, không thể đếm được.
Câu 5.
a. Có phải mọi thứ hoa có màu hồng đều là hoa hồng không?
– Ý kiến: không phải
– Lý do: Hoa hồng là từ ghép chính phụ, đây là tên gọi của một loại hoa. Hoa hồng cũng có nhiều màu sắc khác nhau: trắng, đỏ, vàng…
b. Em Nam nói: “Cái áo dài của chị em ngắn quá!”. Nói như thế có đúng không? Tại sao?
– Ý kiến: đúng
– Lý do: áo dài là tên gọi một loại trang phục truyền thống của người Việt Nam, ngày nay có nhiều loại áo dài cách tân được thiết kế khá ngắn.
c. Có phải mọi loại cà chua đều chua không? Nói: “Quả cà chua này ngọt quá có được không?”
– Ý kiến: được
– Lý do: cà chua là tên gọi của một loại quả, chứ không phải để chỉ vị của loại quả ấy.
d. Có phải mọi loại cá màu vàng đều là cá vàng không? Cá vàng là loại cá như thế nào?
– Ý kiến: không phải
– Cá vàng là loại cá mắt lồi, thân ngắn, tròn, có vây rất dài và thường được nuôi làm cảnh. Có loại có màu vàng, nhưng cũng có nhiều màu khác như đỏ, đen, trắng…
Câu 6. So sánh nghĩa của các từ ghép mát tay, nóng lòng, gang thép (Anh ấy là một chiến sĩ gang thép), tay chân (một tay chân thân tín) với nghĩa của những tiếng tạo nên chúng.
– mát tay: có vẻ như thích hợp hoặc rất khéo tay nên dễ thành công, đạt được kết quả tốt trong những công việc cụ thể
- mát: có nhiệt độ vừa phải, không nóng, nhưng cũng không lạnh, gây cảm giác dễ chịu
- tay: bộ phận của cơ thể người, từ vai đến các ngón, dùng để cầm, nắm
– nóng lòng: có tâm trạng thôi thúc muốn được làm ngay việc gì vì không thể chờ đợi lâu hơn được nữa
- nóng: có nhiệt độ cao hơn so với nhiệt độ cơ thể người, hoặc cao hơn mức được coi là trung bình
- lòng: phần ở giữa hay ở trong một số vật, có khả năng chứa đựng hay che chở
– gang thép: cứng cỏi, vững vàng đến mức không gì lay chuyển được (tựa như gang và thép)
- gang: hợp kim của sắt với cacbon và một số nguyên tố, thường dùng để đúc đồ vật.
- thép: hợp kim của sắt với một lượng nhỏ carbon, bền, cứng và dẻo
– tay chân: kẻ giúp việc đắc lực, tin cẩn (hàm ý không coi trọng)
- tay: bộ phận của cơ thể người, từ vai đến các ngón, dùng để cầm, nắm
- chân: bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng, chạy, nhảy, v.v.
=> Nghĩa của các từ trên hoàn toàn khác so với các tiếng tạo thành.
Câu 7. Phân tích cấu tạo từ ghép: máy hơi nước, than tổ ong, bánh đa nem theo mẫu.
– Máy hơi nước: tiếng chính: máy, tiếng phụ: hơi nước( trong tiếng phụ: hơi là tiếng chính, nước là tiếng phụ).
– Than tổ ong: tiếng chính: than, tiếng phụ: tổ ong (trong tiếng phụ: tổ là tiếng chính, ông là tiếng phụ)
– Bánh đa nem: tiếng chính: bánh, tiếng phụ: đa nem (trong tiếng phụ: đa: tiếng chính, nem: tiếng phụ).
* Bài tập ôn luyện:
Câu 1. Tìm từ ghép trong đoạn văn sau:
“Biển luôn thay đổi tuỳ theo màu sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh, như dâng cao lên chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề . Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu giận giữ. Như một con người biết buồn vui. Biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.”
Câu 2. Thi tìm nhanh các từ ghép chính phụ chỉ tên các loài hoa, tên các phương tiện giao thông.
Gợi ý:
Câu 1.
Các từ ghép là: màu sắc, mây trời, xanh thẳm, thẳm xanh, dâng cao, chắc nịch, mây trắng, mây mưa, dông gió, đục ngầu, con người, buồn vui, tẻ nhạt, đăm chiêu.
Câu 2.
– Tên các loài hoa: hoa hồng, hoa lan, hoa cẩm chướng, hoa xoan, hoa sữa, hoa đào, hoa mơ, hoa cẩm tú cầu…
– Tên các phương tiện giao thông: xe máy, xe đạp, xe ô tô, xe buýt, xe khách…