Soạn bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu cho bạn đọc bài soạn văn lớp 6: Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của
Hiện nay, quỹ thời gian học trên lớp khá hạn hẹp nên đối với môn Ngữ Văn lớp 6 học sinh thường phải chuẩn bị bài trước ở nhà để có tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Tài Liệu Học Thi xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn Văn 6: Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ, hi vọng tài liệu này có thể giúp ích cho học sinh trong việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Xem Tắt
Soạn văn Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ
I. Từ nhiều nghĩa
1.
– Đọc bài thơ Những cái chân trong SGK.
2. Tra từ điển để biết các nghĩa của từ chân.
Nghĩa của từ chân gồm có:
- Bộ phận cuối cùng của cơ thể người, động vật dùng để đi đứng: bàn chân
- Bộ phận cuối cùng của một số đồ vật có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác: chân bàn, chân giường, chân đèn…
- Bộ phận cuối cùng của một số đồ vật tiếp giáp và bám chặt vào mặt nền: chân tường, chân núi, chân trời…
3. Tìm thêm một số từ khác cũng có nhiều nghĩa như từ chân.
Một số từ có nhiều nghĩa như từ chân:
– mũi:
- Bộ phận của cơ thể, bộ phận nhô lên ở giữa mặt người và động vật có xương sống, dùng để thở và ngửi: cái mũi.
- Bộ phận có đầu nhọn nhô ra phía trước của đồ vật: mũi kim, mũi dao…
- Mỏm đất nhô ra biển có hình nhọn: mũi đất…
– ăn:
- Hành động, tự cho vào cơ thể thức để nuôi sống: ăn uống.
- Giành về mình phần hơn: ăn giải, ăn tiền…
- Hợp với nhau, tạo nên sự hài hòa: ăn ảnh, ăn màu, ăn khớp…
4. Tìm một số từ chỉ có một nghĩa, ví dụ: com-pa, kiềng…
Một số từ chỉ có một nghĩa như:
– thủy cung: cung điện ở dưới nước.
– Ngư Tinh: con cá sống lâu năm tu luyện trở thành yêu quái.
– thái tử: con trai của vua, người được chọn là sẽ kế thừa ngai vàng.
– thung lũng: dải đất trũng và kéo dài nằm giữa hai sườn núi.
– ô tô: xe thường có bốn bánh, chạy bằng động cơ trên đường bộ, để chở người hoặc chở hàng.
=> Tổng kết: Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa.
II. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ
1. Tìm mối liên hệ giữa các nghĩa của từ chân
Điểm chung: đều chỉ bộ phận cuối cùng (của người hay của động vật, đồ vật…)
2. Trong một câu cụ thể, một từ thường được dùng với mấy nghĩa?
Trong một câu cụ thể một từ thường được dùng với một nghĩa.
Ví dụ: từ chín
– Cánh đồng lúa chín vàng. (ở vào giai đoạn phát triển đầy đủ nhất, thường có màu đỏ hoặc vàng, có hương thơm, vị ngon)
– Thời cơ đã chín, toàn dân chuẩn bị kháng chiến (kĩ lưỡng, thấu đáo, đầy đủ mọi khía cạnh)
=> Các câu khác nhau thì nghĩa của từ chín cũng khác nhau, tùy vào ngữ cảnh.
3. Trong bài thơ Những cái chân, từ chân được dùng với nghĩa nào?
Trong bài thơ trên, từ chân được dùng với nghĩa chuyển.
=> Tổng kết:
– Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa.
– Trong từ nhiều nghĩa có:
- Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa chuyển.
- Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
– Thông thường trong một câu từ chỉ có một nghĩa nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp từ có thể được hiểu đồng thời theo cả nghĩa gốc và nghĩa chuyển.
II. Luyện tập
Bài 1. Hãy tìm ba từ chỉ bộ phận cơ thể người và kể ra một số ví dụ về sự chuyển nghĩa của chúng. Ví dụ:
chân: chân bàn, chân giường, chân núi, chân đê, chân trời…
– Tai:
- Cơ quan ở đầu người hay động vật dùng để nghe (cái tai).
- Bộ phận ở một số vật, có hình dáng chìa ra giống như cái tai (tai ấm, tai chén…).
- Điều không may bất ngờ xảy ra, gây một tổn thất lớn (tai họa, tai bay vạ gió).
– Mắt:
- Cơ quan để nhìn của người hay động vật, giúp phân biệt được màu sắc, hình dáng; thường được coi là biểu tượng cái nhìn của con người (đôi mắt).
- Chỗ lồi lên ở một đốt cây hay ngoài vỏ một số quả (mắt tre, mắt dứa…).
- Lỗ hở đều đặn ở các đồ đan (mắt lưới, mắt rổ…)
– Đầu:
- Phần trên cùng của cơ thể người hay phần trước nhất của cơ thể động vật, nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác nối vào thân bằng cổ (cái đầu).
- Phần cao, trước nhất của một số đồ vật (đầu tàu, đầu máy bay….)
– Cổ:
- Bộ phận của cơ thể, nối đầu với thân (cái cổ).
- Chỗ eo lại ở gần phần đầu của một số đồ vật, giống hình cái cổ, thường là bộ phận nối liền thân với miệng ở một số đồ đựng (cổ chai, cổ lọ, cổ bình).
- Bộ phận của áo, yếm hoặc giày, bao quanh cổ hoặc cổ chân, cổ tay (cổ áo).
Bài 2. Trong tiếng Việt, có một số từ chỉ bộ phận của cây cối được chuyển, nghĩa để cấu tạo từ chỉ bộ phận cơ thể người. Hãy kể ra những trường hợp trên.
Một số từ:
– Lá: lá phổi, lá gan, lá lách
– Quả: quả tim, quả thận
– Hoa: hoa tay
– Bắp (bắp chuối): bắp tay, bắp chân
– Buồng (buồng chuối): buồng trứng
Bài 3. Dưới đây là một số hiện tượng chuyển nghĩa của từ tiếng Việt. Hãy tìm thêm cho mỗi hiện tượng chuyển nghĩa đó ba ví dụ minh họa.
* Chỉ sự vật chuyển thành chỉ hành động:
Dưa muối – muối dưa, cái kéo – kéo co, cái cuốc – cuốc đất, hạt đỗ – thi đỗ, hạt đậu – đậu xuống…
* Chỉ hành động chuyển thành chỉ đơn vị:
Nắm cơm – ba nắm cơm, bó cỏ – một bó cỏ, cuộn bức tranh – ba cuộn tranh…
Bài 4. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:
a.
– Tác giả đoạn trích nêu ra hai nghĩa của từ bụng.
– Đó là các nghĩa:
- Bộ phận của cơ thể người hoặc động vật có chứa nội tạng như ruột, dạ dày.
- Biểu tượng của ý nghĩa sâu kín, không bộc lộ ra ngoài đối với người và việc nói chung.
– Em đồng ý với các nghĩa trên, nhưng bổ sung thêm một nghĩa: phần phình ra ở giữa của một số sự vật (bụng chân, bụng lò…).
b.
– Ăn cho ấm bụng: ăn no để không cảm thấy đói bụng (bộ phận của cơ thể người hoặc động vật có chứa nội tạng như ruột, dạ dày).
– Anh ấy tốt bụng: nói về đạo đức, sự tốt đẹp (Biểu tượng của ý nghĩa sâu kín, không bộc lộ ra ngoài đối với người và việc nói chung).
– Chạy nhiều bụng chân rất săn chắc: rắn, chắc khỏe (phần phình ra ở giữa của một số sự vật).
Bài 5. Chính tả (nghe – viết): Sọ Dừa (từ Một hôm, cô Út mang cơm đến giấu đem cho chàng)
– Học sinh khi viết cần chú ý: lỗi chính tả phụ âm r/d/gi (rón rén, rình, giấu, dưới).
* Bài tập ôn luyện:
Bài 1. Xác định đâu là nghĩa gốc, nghĩa chuyển của các từ sau?
a. Lưng
– Lưng (1): Phần phía sau của cơ thể người hoặc phần phía trên của cơ thể động vật có xương sống, đối xứng với ngực và bụng (cái lưng).
– Lưng (2): bộ phận phía sau của một số vật (lưng ghế).
b. Sườn
– Sườn (1): các xương bao quanh lồng ngực từ cột sống đến vùng ức (nói tổng quát) (xương sườn).
– Sườn (2): bề cạnh của một số vật có hình khối và chiều cao (sườn núi).
c. Cánh
– Cánh (1): khoảng đất dài và rộng nằm trải ra (cánh đồng).
– Cánh (2): bộ phận của cơ thể người, từ vai đến cổ tay ở hai bên thân mình; thường coi là biểu tượng của hoạt động đấu tranh của con người (cánh tay).
d. Hoa
– Hoa (1): cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm (bông hoa).
– Hoa (2): trạng thái nhìn thấy mọi vật xung quanh lờ mờ và như chao đảo trước mặt, do quá mệt mỏi hoặc do thị giác bị kích thích mạnh và đột ngột (hoa mắt).
Gợi ý:
a.
– Lưng (1): nghĩa gốc
– Lưng (2): nghĩa chuyển
b.
– Sườn (1): nghĩa gốc
– Sườn (2): nghĩa chuyển
c.
– Cánh (1): nghĩa chuyển
– Cánh (2): nghĩa gốc
d.
– Hoa (1): nghĩa gốc
– Hoa (2): nghĩa chuyển
Bài 2. Giải thích nghĩa của từ xuân trong các câu sau:
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
(Hồ Chí Minh)
Gợi ý:
– Từ xuân trong câu “Mùa xuân là tết trồng cây”: mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, thời tiết ấm dần lên, thường được coi là mở đầu của một năm.
=> Đây là nghĩa gốc.
– Từ xuân trong câu “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”: thuộc về tuổi trẻ, coi là tươi đẹp, tràn đầy sức sống.
=> Đây là nghĩa chuyển.