Soạn bài Ý nghĩa của văn chương, Sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến tất cả các bạn tài liệu soạn văn 7: Ý nghĩa của văn chương, đây là tài liệu hữu ích giúp cho
Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu tài liệu soạn văn lớp 7: Ý nghĩa của văn chương, đã được chúng tôi đăng tải tại đây.
Với phần soạn văn đầy đủ và soạn văn ngắn gọn dưới đây, chúng tôi xin vọng rằng mọi người có thể dễ dàng chuẩn bị nội dung bài học trước khi đến lớp. Sau đây, mời các bạn cùng tham khảo nội dung của tài liệu soạn văn 7: Ý nghĩa của văn chương.
Xem Tắt
Soạn văn Ý nghĩa của văn chương đầy đủ
I. Một vài nét về tác giả
– Hoài Thanh (1909 – 1982) có tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên (ngoài ra ông còn sử dụng các bút danh khác như Văn Thiên), là một nhà phê bình văn học uyên bác và tinh tế, có vị trí lớn trong văn học Việt Nam thế kỷ 20. Cùng với em trai là Hoài Chân, ông là đồng tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam.
– Quê ông ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hồi nhỏ ông là học sinh của trường Quốc học Vinh. Trước 1945, ông tham gia viết văn, làm báo, dạy học và được coi là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật. Ông từng gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng, tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế tháng 8 năm 1945.
– Sau 1945 ông lần lượt giữ những chức vụ: Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc, Huế (tháng 9 năm 1945); cán bộ giảng dạy tại Đại học Hà Nội (từ 1945 đến 1946); công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam (từ 1947 đến 1948); ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam(1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1950-1956); Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Trong khoảng 10 năm 1958-1968 ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa 2, làm Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1 và 2. Từ 1959-1969 ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Văn học kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện. Từ 1969 đến 1975 ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ.
– Một số tác phẩm: Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (1942), Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), Xây dựng văn hóa nhân dân (1950), Phê bình và tiểu luận tập 1 (1960), tập 2 (1965), tập 3 (1971),…
II. Kiến thức cơ bản về tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
– “Ý nghĩa của văn chương” được viết năm 1936, in trong “Bình luận văn chương” (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998).
– Bài “Ý nghĩa của văn chương” có lần đổi in lại đã đổi nhan đề thành “Ý nghĩa và công dụng của văn chương”.
2. Tóm tắt
Văn chương giúp chúng ta hình dung ra cuộc sống muôn hình vạn trạng. Nguồn gốc của văn chương là tình cảm và lòng vị tha. Công dụng của văn chương là giúp khơi gợi tình cảm và gợi lòng vị tha. Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.
3. Bố cục
– Phần 1 (từ đầu đến “muôn vật, muôn loài”): Nguồn gốc của văn chương.
– Phần 2 (tiếp đó đến “gợi lòng vị tha”): Nhiệm vụ của văn chương.
– Phần 3 (còn lại): Công dụng của văn chương.
4. Đọc – Hiểu văn bản
a. Nguồn gốc của văn chương
– Nguồn gốc chủ yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là lòng thương cả muôn vật, muôn loài.
⇒ Đây là quan niệm đúng đắn, có lí song không phải là quan niệm duy nhất.
b. Nhiệm vụ của văn chương
– Văn chương là sự hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng.
⇒ Văn chương phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống.
– Văn chương sáng tạo ra sự sống.
⇒ Văn chương đưa ra, dựng lên hình ảnh, ý tưởng, một thế giới mơ ước mà con người luôn khát khao đạt đến.
c. Công dụng của văn chương
– Khơi dậy những trạng thái cảm xúc khác nhau của con người, “gợi tình cảm và lòng vị tha”.
⇒ Văn chương có sức cảm hóa lạ lùng.
– Gây cho ta những tình cảm không có, luyện cho ta những tình cảm sẵn có.
+ Cho ta biết cảm nhận cái đẹp, cái hay của cảnh vật, của thiên nhiên.
+ Lưu giữ lại dấu vết, lịch sử văn hóa của loài người.
⇒ Văn chương giúp con người có đời sống tinh thần phong phú, giúp khơi gợi ở con người tình cảm, cảm xúc chân thật.
5. Giá trị nghệ thuật
– Giàu hình ảnh độc đáo.
– Lối văn nghị luận vừa có lí lẽ vừa có cảm xúc.
6. Giá trị nội dung
Hoài Thanh khẳng định: nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn.
Soạn văn Ý nghĩa của văn chương ngắn gọn
I. Trả lời câu hỏi trong sgk
Câu 1 (trang 62 Ngữ Văn 7 Tập 2)
– Theo Hoài Thanh: “ Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương muôn vật, muôn loài”.
– Tuy nhiên, vẫn có quan niệm khác: “văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động của con người”-> Các quan niệm này không trái ngược mà tương hỗ lẫn nhau.
Câu 2 (trang 62 Ngữ Văn 7 Tập 2)
– Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng:
+ Văn chương sẽ phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng ngoài kia, hình dung ở đây mang ý nghĩa như hình ảnh kết quả của sự phản ánh miêu tả trong văn chương.
+ Đọc bài thơ Lượm của Tố Hữu ta bắt gặp chú bé giao liên hồn nhiên, vui tươi nhanh nhẹn, yêu đời đã kiên cường vượt qua mặt trận đầy lửa đạn để làm nhiệm vụ và chú đã hy sinh giữa đồng lúa quê hương. Lượm chính là hình dung của sự sống. Lượm là nhân vật trong thơ tiêu biểu cho hàng trăm, hàng ngàn em bé liên lạc có thật trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta.
+ Đọc Cảnh khuya của Hồ Chí Minh ta thấy một bức tranh đêm trăng nơi núi rừng Việt Bắc thơ mộng huyền ảo.
– Văn chương sáng tạo ra sự sống:
+ Văn chương dựng lên những hình ảnh đưa ra những ý tưởng mà cuộc sống hiện tại chưa có hoặc chưa cần đến để mọi người phấn đấu biến chúng thành hiện thực tốt đẹp trong tương lai.
+ Thế giới truyện cổ tích là thế giới được xây dựng trong tưởng tượng với ước mong về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
+ Tô Hoài đã xây dựng nên một thế giới vô cùng sinh động của các loài động vật: dế mèn, dế chũi, châu chấu, cào cào,…
Câu 3 (trang 62 Ngữ Văn 7 Tập 2)
Theo Hoài Thanh, văn chương có công dụng:
– “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài…, văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống”.
– Giúp ta có tình cảm, có lòng vị tha: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có.
– Giúp ta biết thưởng thức cái hay cái đẹp của thiên nhiên: Có thể nói… là quá đáng.
Câu 4 (trang 62 Ngữ Văn 7 Tập 2)
a. Văn bản Ý nghĩa của văn chương thuộc loại văn nghị luận văn chương vì phạm vi nghị luận thuộc về vấn đề của văn chương.
b. Đặc sắc văn nghị luận của Hoài Thanh là vừa có lí lẽ vừa có cảm xúc, hình ảnh,dẫn chứng:
– Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần.
II. Rèn luyện kỹ năng:
+ Giải thích:
-> Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có: văn chương có khả năng rung động, khơi gợi những xúc cảm bên trong con người như nỗi buồn, niềm vui, sự đồng cảm,…
-> Văn chương luyện những tình cảm ta sẵn có: văn chương diễn tả sâu sắc những tình cảm của con người, khiến những tình cảm sẵn có trong ta trở nên rõ ràng hơn, sắc nét hơn, phong phú hơn.
+ Dẫn chứng:
-> Bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi: tạo cho người đọc sự xúc động trước vẻ đẹp sông nước Cà Mau dù người đọc chưa một lần được đến nơi này, tác phẩm còn bồi dưỡng trong người đọc tình yêu với cảnh sắc quê hương, đất nước.
-> Bài thơ Lượm gây cho người đọc sự xúc động, xót thương trước sự hi sinh của chú bé liên lạc trong một thời chiến tranh đã qua, khiến người đọc cảm thấy quý trọng cuộc sống hòa bình mà mình đang sống.
+ Ý nghĩa – Nhận xét:
Qua lối văn nghị luận vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc và hình ảnh của tác giả Hoài Thanh, học sinh thấy được luận điểm nổi bật: nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha, văn chương là hình ảnh của sự sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có, đồng thời văn chương đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân loại, đời sống ấy sẽ trở nên nghèo nàn nếu không có văn chương.