Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống (5 mẫu), Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến tất cả thầy cô và các bạn một số bài văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ
Hy vọng giúp cho các bạn có thêm thật nhiều hành trang bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu đến cho tất cả mọi người một số bài văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống.
Dưới đây sẽ là một số bài văn suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống, đây là tài liệu hữu ích giúp cho các bạn có thể bổ sung thêm một số các để làm bài văn nghị luận xã hội. Sau đây, xin mời tất cả các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Xem Tắt
Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn – Mẫu 1
Trong cuộc sống ai cũng mong muốn mình trở thành một người chiến thắng, một người thành công, khôn ngoan nhất. Chẳng vậy mà Tố Hữu đã viết:
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”
Thế nhưng không phải ai cũng là người đạt được đích đến thành công, hay chiến thắng. Bởi bài học rút ra ở đây, sau mỗi lần chiến dại, dại khờ là sự kiên cường, quyết tâm cao hơn nữa, là những kinh nghiệm để tích lũy cho những lần sau này. Vậy thắng bại, dại khôn là như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?
Cũng như câu thơ mà Tố Hữu đã đúc kết, từ chiêm nghiệm thực tế mà chúng ta hiểu rằng chiến thắng – chiến bại, dại – khôn trong cuộc sống hôm nay đều là những thăng trầm, những thử thách mà cuộc sống dành tặng cho chúng ta. Chúng là những quy luật hết sức tự nhiên của loài người và bất cứ ai cũng đều gặp phải. Tuy mang ý nghĩa khác nhau, đối lập với nhau thế nhưng chúng lại luôn đi song hành cùng với nhau, bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Như “thắng” tức là sự vượt qua khó khăn, thử thách, cản trở cũng như đối thủ để đạt tới đích đến, thành công, khẳng định được bản lĩnh cũng như sức mạnh của bản thân mình. Vậy “khôn” là gì? Đó là sự khôn ngoan, khôn khéo, hiểu biết trong hành động, trong suy nghĩ, cách ứng xử. Đây là hai từ ngữ thường được dùng để chỉ những người thành công, có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Và đối lập với hai tính từ chỉ sự tốt đẹp này là “dại” và “bại”, nó dùng để chỉ sự thua thiệt, thiếu khôn khéo, khôn ngoan, đôi khi chỉ sự vấp ngã, sai lầm.
Tuy có ý nghĩa đối lập là vậy, những sự song hành của chúng lại là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, để tâm. Bởi có chiến bại mới có chiến thắng, có dại rồi mới có khôn như câu thành ngữ nổi tiếng: “Thất bại là mẹ thành công”. Phải, ai mà chẳng từng thất bại, từng dại khôn vài lần trong cuộc sống của mình, thế nhưng điều quan trọng nhất mà sự thắng bại, dại khôn mà chúng ta muốn nói ở đây là những bài học được rút ra từ những điều đó. Để chiến thắng, chúng ta phải trải qua khó khăn, đôi khi là thất bại liên tiếp rồi mới có được thành công như mong đợi. Khôn dại cũng vậy, có dại, có sai lầm thì ta mới có kinh nghiệm để tích lũy, để trưởng thành từng ngày.
Bởi vậy mới nói, trong cuộc sống, con người sẽ luôn gặp phải những vấn đề đối lập như thế này, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết rút ra những bài học, những kinh nghiệm sống quý báu từ những sai lầm, thất bại ấy. Để từ đó, chúng ta hướng tới sự thành công, vượt qua chính bản thân mình. Bởi hạnh phúc, thành công không tự dưng đến với ta. Đó là cả một quá trình chúng ta nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm bản thân, cho đi để được nhận lại.
Để có chiến thắng, có được hạnh phúc, con người phải vượt qua nhiều chặng đường gian nan. Chúng ta phải học được cách tìm được nguyên nhân từ trong chính thất bại để khắc phục, để làm nên chiến thắng cuối cùng vẻ vang. Cũng như khôn, dại, chẳng ai có thể khẳng định chắc chắn rằng chưa từng một lần dại dột làm thử một điều gì đó. Thế nhưng có thể chính từ sự dại dột, liều lĩnh ấy lại giúp ta nhận thức chính xác về cuộc sống cũng như tìm ra cho mình một lối sống, ứng xử, kinh nghiệm riêng để từng bước trưởng thành hơn.
Đúng vậy, cuộc sống càng nhiều thử thách thì khả năng chúng ta gặp thất bại, gặp khó khăn, làm chuyện dại dột lại càng tăng thêm. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta nhận thức được sai lầm của mình rồi tìm ra nguyên nhân và dần khắc phục nó. Mặc dù mỗi chúng ta đều hạn chế tối đa mắc phải những sai lầm, thế nhưng không thể phủ nhận được sự tất yếu cũng như sự cần thiết của những sai lầm. Bởi mỗi lần vấp ngã, chúng ta sẽ nhớ lâu hơn, sẽ tìm ra giải pháp phù hợp với bản thân mình hơn nữa. Điều đó sẽ giúp ích cho chúng ta để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống để cải thiện cuộc đời của chính chúng ta.
Đã xác định thắng – bại, dại – khôn là một quy luật mang tính tất yếu, khó lòng tránh khỏi, thế nhưng chúng ta không thể tự cho phép bản thân mình vấp ngã liên tiếp mà không nhận ra sai lầm ở trong đó. Chúng ta biết tới một Edison chế tạo ra bóng đèn điện sau hơn hai ngàn lần sai lầm, thất bại. Có người nói ông thật dại dột khi cứ mãi đi tìm một điều không thể, nhưng những bài học rút dần ra sau mỗi lần thất bại đã khiến ông trở thành nhà sáng chế tài năng nhất thế kỉ XX. Có thể nói, sự thất bại, dại dột cũng là một sự khích lệ, một điều động viên tinh thần chúng ra trong hoàn cảnh khó khăn. Khi gặp thất bại, hãy đừng buông xuôi, đừng chú tâm tới những lời gièm pha của người đời, hãy tự tạo ra cho mình một bản sắc riêng được tạo thành từ kinh nghiệm của chính minh. Hãy kiên tâm và đủ nghị lực để không gục ngã trước khó khăn, thử thách mà cuộc đời mang đến, bởi biết đâu sau đó đã là cầu vồng rạng rỡ của thành công. Hãy nhớ tới Bill Gates, để trở thành một ông chủ lớn đã mất bao nhiêu năm, sau bao lần thất bại rồi mới trở thành người thành công, người chiến thắng như thế. Tất nhiên, ông chẳng thể tránh khỏi những sai lầm, dại dột. Hãy nghĩ tới Walt Disney, trước khi trở thành ông chủ – một kẻ giàu có bậc nhất thế giới, có trí tưởng tượng về một thế giới cổ tích tuyệt vời như thế từng bị đuổi khỏi công ty vì “thiếu trí tưởng tượng” và bị từ chối tới ba trăm linh hai lần trước khi thành lập được Disney. Tôi không khuyến khích bạn mắc sai lầm nhưng hãy cứ thử một lần làm điều mình muốn để rút ra được những kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Bởi nếu cứ giấu dốt, cứ không dại đi một lần thì bao giờ chúng ta mới tiến tới được thành công.
Xã hội càng phát triển, chúng ta càng có nhiều cơ hội hoàn thiện và phát triển bản thân mình, thế nhưng song hành với đó là thật nhiều khó khăn, thử thách, Nhưng hãy đừng nản lòng, hãy cứ cố gắng rèn luyện dù thất bại, dù bị dè bỉu là một kẻ thất bại vì biết đâu đó, một ngày những kinh nghiệm kia sẽ giúp bạn trưởng thành, trở thành một người chiến thắng. Đặc biệt là giới trẻ chúng ta, hãy cứ thử sức mình, hãy mắc sai lầm để thấy rằng chúng ta vẫn còn non trẻ, còn phải học tập và tích lũy nhiều hơn nữa.
Con người ai cũng mong sẽ đi đến được thành công, không trở thành một kẻ thất bại, một kẻ dại dột. Thế nhưng, quy luật tồn tại của vũ trụ là thế mà chúng ta chỉ là những kẻ đi theo. Bởi vậy, hãy luôn cố gắng tích lũy kinh nghiệm, hãy đừng nản lòng, hãy để ra cho mình những bài học riêng vì đó có thể là hành trang, nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào một tương lai tương sáng.
Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn – Mẫu 2
Ai trong cuộc đời này trưởng thành mà không trải qua những thắng, bại? Ai có thể trưởng thành mà không trải qua những vấp ngã trong cuộc đời? Sau mỗi lần vấp ngã, thất bại, con người ta rút ra bài học cho bản thân mình từ đó sẽ không còn gặp phải trường hợp tương tự sẽ có thể tự tin mà giành chiến thắng. Thế nên Tố Hữu mới từng nói: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại – Ai nên khôn mà không dại đôi lần”. Vấn đề là phải làm sao để đứng lên được từ những khôn, dại, đúng, sai trong cuộc sống ấy.
Câu thơ của Tố Hữu thực sự là một lời đúc kết mang tính chiêm nghiệm từ thực tế đời sống. Thắng – bại, hạnh phúc – bất hạnh, khó khăn – may mắn… đều là những cung bậc, những nốt thăng và nốt trầm mà nếu không gặp phải thì sẽ không phải là cuộc sống mà cũng sẽ làm cho cuộc sống trở nên vô nghĩa. Tuy chúng là những khía cạnh đối lập nhau, nhưng lại luôn đi liền với nhau và tôn thêm ý nghĩa của nhau. Nói “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại” là vì cuộc sống không hề giản đơn. Mọi con đường đi không phải lúc nào cũng được trải hoa hồng. Sẽ có những chông gai, sẽ có những gập ghềnh. Sẽ có những lúc con người tràn ngập trong cảm giác chiến thắng nhưng cũng sẽ có lúc họ phải nếm trải những giọt nước mắt đắng cay của thất bại.
Đó là quy luật cuộc sống. Cũng giống như việc người ta có thể rút ra những kinh nghiệm cho bản thân từ những sự từng trải, từ những thất bại, từ những sai lầm trong cuộc đời, để rồi từ đó sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. “Ai nên khôn mà không dại đôi lần”. Nhờ có cái “dại” ta mới biết được mình “dại” và rút kinh nghiệm trong lần sau tức không mắc phải cái “dại” ấy nữa, tức đã “nên khôn” theo cách nói của Tố Hữu.
Câu thơ không chỉ là một chân lý về quy luật của đời sống mà còn cho ta thấy được sự vất vả để đánh đổi lấy hạnh phúc. Mọi hạnh phúc không phải tự dưng đến, cái gì dễ đến thì cũng dễ ra đi. Tất cả đều là sự cho đi và nhận lại, giống như việc ta trao đi tình thương để nhận lại thương yêu, ta cống hiến để sau đó mới nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Mọi thứ không tự dưng mà có, thắng bại cũng vậy. Chính trong thất bại chúng ta tìm ra được bài học cho mình, tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục, làm nên chiến thắng cuối cùng. Còn cái khôn, dại, có thể coi như những kinh nghiệm trong cuộc sống. Từ những vấp ngã, từ những dại dột, con người ta sẽ trưởng thành hơn lên, sẽ nhận thức được một cách chính xác hơn về cuộc sống để có cách ứng xử với nó phù hợp, tức vượt qua cái “dại” mình đã từng vấp phải để lớn khôn hơn lên.
Không ai có thể khẳng định rằng trong đời mình sẽ không bao giờ vấp ngã, sẽ không bao giờ phải nếm trải thất bại. Thử thách càng nhiều, cuộc sống càng sôi động và phức tạp thì khả năng vấp phải những vấn đề ấy càng lớn, vấn đề là ở chỗ cần nhận thức được đúng đắn mức độ của chúng cũng như biết đứng lên từ những thất bại, sai lầm. Từ trong thất bại, con người ta cần phải tìm hiểu ra căn nguyên, biết được thất bại là do đâu. Từ đó mới đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để khắc phục căn nguyên ấy. Khi những nguyên nhân được đánh giá đúng thì có thể tìm ra giải pháp cho chúng và quan trọng hơn là người ta sẽ không bao giờ dẫm lên vết chân của những thất bại trước đó. Điều này cũng giống như việc trải qua những lẽ “dại”, “khôn” trong cuộc sống vậy. Trước những sai lầm đã mắc phải, người ta sẽ không chỉ biết tránh mà còn biết tìm cách khắc phục. Mỗi lần vấp ngã là một lần ta tìm ra những bài học cho bản thân, về cuộc đời. Nhờ thế khả năng hiểu biết cũng như khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của con người sẽ được cải thiện, làm cho ta ngày càng trở nên tự tin hơn.
Xác định được những điều này như một quy luật của cuộc sống khó tránh khỏi, nhưng điều đó không có nghĩa là con người tự cho phép mình được sai lầm, được vấp ngã trong cuộc đời. Đó là những bài học được đúc kết nhưng cũng là câu nói mang tính chất động viên tinh thần, dễ khi bắt gặp phải những hoàn cảnh tương tự con người không vì thất vọng, vì lo lắng mà buông xuôi tất cả. Hãy cố gắng để tránh mắc sai lầm và thất bại một cách tối đa. Nhưng nếu như có gặp phải những trường hợp như vậy thì hãy biết cách tự mình đứng dậy. Đầu tiên là đủ nghị lực để tự mình đứng dậy, sau đó mới là việc phải làm như thế nào để khắc phục, và rút ra được điều gì cho bản thân. Câu thơ không khuyến khích con người ta tự hài lòng, buông xuôi trước thực tại mà kêu gọi phấn đấu, tiến lên không ngừng. Điều này cần thiết và có ý nghĩa với tất cả mọi người.
Xã hội ngày càng hiện đại, mối quan hệ con người ngày càng được mở rộng, họ được tiếp cận với những lĩnh vực mới lạ, được thử thách và có nhiều cơ hội khẳng định mình. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc người ta sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Những lúc như vậy, nếu như không rèn luyện cho mình nghị lực sống, cũng như sự sáng suốt, con người sẽ không thể tỉnh táo bước tiếp. “Thất bại là mẹ thành công”. Và chỉ có trong thất bại con người mới nhận ra được chính mình. Thất bại dạy cho ta cách để thành công, cũng như sai lầm dạy cho ta cách để sáng suốt, và thường chúng là cái tồn tại như một phần tất yếu trên con đường đi đến thành công vậy. Là những người mới đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, giới trẻ cần được ý thức điều này một cách sâu sắc.
Với tuổi đời trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm sống, những người trẻ tuổi thường hay vấp phải những sai lầm, thất bại. Điều quan trọng là hãy đừng để những điều ấy quật ngã được mình, hãy đứng lên và dũng cảm đối mặt với chúng. Làm lại từ đầu, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thực sự trưởng thành. Từ những thất bại, sai lầm, hãy rút ra bài học cho bản thân mình để không còn bao giờ gặp phải trường hợp tương tự. Còn nếu có, cũng đã có đủ kinh nghiệm và sức mạnh để giành chiến thắng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được phép dựa vào cái điều được coi là quy luật cuộc sống ấy mà coi thường thành bại. Tất nhiên là sai lầm và thất bại là những điều rất khó tránh trong cuộc sống nhưng hãy cố gắng để có thể hạn chế được nó một cách nhiều nhất. Nếu có thể tránh được sai lầm và thất bại, chẳng có lý do gì ta để cho mình vướng phải chúng cả.
Nhận thức được về lẽ thành bại trong cuộc sống, chúng ta càng có ý thức hơn trong việc rèn luyện để mình có thể trở thành người chủ động trong mọi trường hợp. Hãy cố gắng để mình luôn là người giành chiến thắng.
Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn – Mẫu 3
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.
Đó là hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu. Đúng vậy, có lối đi nào mà chỉ trải toàn hoa hồng, trong bất cứ lĩnh vực nào có chiến thắng nào mà không trải qua những trở ngại, chông gai, thậm chí là nhiều lần thất bại cay đắng mới nên. Là con người có ai trưởng thành mà không có những vấp ngã. Nhưng cái chính là chúng ta có đủ bản lĩnh, đủ kiên trì, đủ quyết tâm để vượt qua, để đứng dậy để sống cho có ý nghĩa hay không.
Trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là “chiến thắng – chiến bại”, “dại – khôn”. Nói về “chiến thắng” có nghĩa là thành quả của một sự việc nào đó mà khi kết thúc chúng ta đạt được mục tiêu ban đầu đã đề ra một cách tốt đẹp như mong muốn. “Chiến bại” nghĩa là mục tiêu không được hoàn thành, kết quả việc làm không được như mong đợi khiến chúng ta phải thất vọng. “Khôn” dùng để chỉ những người trí tuệ sáng suốt, suy nghĩ luôn chín chắn, lanh lợi để không bị kẻ khác lừa phỉnh, lợi dụng để có những hành động, việc làm đúng, đạt được mục đích một cách nhanh nhất, hiệu quả tốt nhất. “Dại” là chỉ suy nghĩ đơn giản, lệch lạc, ngốc nghếch.
Thắng – bại, dại – khôn là những mặt khác nhau của cuộc sống, tuy có những khía cạnh đối lập nhau nhưng lại luôn song hành cùng nhau. Theo cách nhìn nhận thông thường chúng ta luôn mong muốn bản thân gặp gỡ, tiếp xúc với những người “khôn” để học hỏi những kinh nghiệm thành công của họ phục vụ cho mục đích cuộc sống của mình và tránh xa những kẻ “dại” vì không ai muốn mình là kẻ “chiến bại”. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta coi thường, ghẻ lạnh, xa lánh những người không may gặp thất bại mà phải dang tay mở lòng giúp đỡ họ trong khả năng có thể của mình bởi đó lại là quy luật của cuộc sống. Chúng ta chỉ trưởng thành thực sự khi rút ra được những kinh nghiệm, những bài học quý giá cho bản thân qua sự trải nghiệm, qua những vấp váp, sai lầm, thất bại trong cuộc đời và biết nhìn nhận, rút ra bài học qua sai lầm của người khác. Nhờ có cái “dại” mà chúng ta mới “nên khôn”. Bởi vậy, chúng ta không được nản chí, không nên bỏ cuộc khi gặp phải những khó khăn trở ngại. “Chiến thắng” không phải tự nhiên mà có, mà phải đánh đổi bằng rất nhiều sự nỗ lực, vất vả. Muốn hưởng thụ cảm giác hạnh phúc, cảm giác của người “chiến thắng” chúng ta phải dám làm kẻ “chiến bại”. Chưa từng cố gắng, không bỏ ra tâm sức thì đừng bao giờ nghĩ đến hưởng thành quả, vì điều gì dễ dàng mà có được cũng sẽ dễ dàng mất đi. Chính từ những “chiến bại” chúng ta có được bài học cho mình, tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục, làm nên “chiến thắng”. Từ những vấp ngã, từ những dại dột, con người ta sẽ trưởng thành hơn lên, sẽ nhận thức được một cách chính xác hơn về cuộc sống để có cách ứng xử với nó phù hợp, tức vượt qua cái “dại” của mình để lớn “khôn” hơn lên.
Đời người có ai dám khẳng định mình không bao giờ sai lầm, không bao giờ vấp ngã? Cuộc sống càng hiện đại, càng phát triển, con người càng có nhiều cơ hội để khẳng định mình. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là thử thách với con người càng nhiều, càng dễ phạm sai lầm, càng dễ vấp ngã, vấn đề là chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn và đứng lên từ những vấp ngã, sai lầm. Từ trong thất bại, con người ta cần phải tìm hiểu ra căn nguyên, biết được thất bại là do đâu, từ đó mới tìm ra cách khắc phục. Mỗi lần vấp ngã là chúng ta lại tìm ra những bài học cho bản thân, về cuộc đời. Nhờ thế khả năng hiểu biết cũng như khả năng ứng phó với hoàn cảnh cũng trở nên linh hoạt hơn, giúp chúng ta vượt lên khó khăn của hoàn cảnh, làm cho ta ngày càng trở nên tự tin hơn.
Xác định những điều này như một quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng điều đó không có nghĩa là con người tự cho phép mình được sai lầm, được vấp ngã trong cuộc đời. Đó là những bài học được đúc kết nhưng cũng là câu nói mang tính chất động viên, khi con người gặp phải những khó khăn trắc trở trong cuộc sống, để không vì thất vọng, vì lo lắng mà buông xuôi tất cả. Hãy cố gắng để tránh mắc sai lầm và thất bại một cách tối đa. Nhưng nếu lỡ có gặp phải những trường hợp như vậy thì hãy biết cách tự mình đứng dậy và dũng cảm tiến về phía trước. “Thất bại là mẹ thành công” và chỉ có trong thất bại con người mới nhận ra được chính mình. Thất bại dạy cho ta cách để thành công, cũng như sai lầm dạy cho ta cách để sáng suốt, và thường chúng là cái tồn tại như một phần tất yếu trên con đường đi đến thành công vậy. Là những người mới đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, giới trẻ cần được ý thức điều này một cách sâu sắc. Nhận thức được về lẽ thành bại trong cuộc sống, chúng ta càng có ý thức hơn trong việc rèn luyện để mình có thể trở thành người chủ động trong mọi trường hợp. Hãy cố gắng để mình luôn là người giành chiến thắng.
Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn – Mẫu 4
Tôi yêu vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, bởi nó dạy cho chúng ta cách làm gì để tiến lên phía trước, để sống can đảm và nghị lực trên hành trình chúng ta đang đi. Thắng bại, hay dại và khôn cũng là hai mặt của một quá trình làm nên sự không hoàn hảo ấy.
Chiến thắng – chiến bại, dại – khôn trong cuộc sống hôm nay đều là những thăng trầm, những thử thách mà cuộc sống dành tặng cho chúng ta. Chúng là những quy luật hết sức tự nhiên của loài người và bất cứ ai cũng đều gặp phải. Tuy mang ý nghĩa khác nhau, đối lập với nhau thế nhưng chúng lại luôn đi song hành cùng với nhau, bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Như “thắng” tức là sự vượt qua khó khăn, thử thách, cản trở cũng như đối thủ để đạt tới đích đến, thành công, khẳng định được bản lĩnh cũng như sức mạnh của bản thân mình. Vậy “khôn” là gì? Đó là sự khôn ngoan, khôn khéo, hiểu biết trong hành động, trong suy nghĩ, cách ứng xử. Đây là hai từ ngữ thường được dùng để chỉ những người thành công, có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Và đối lập với hai tính từ chỉ sự tốt đẹp này là “dại” và “bại”, nó dùng để chỉ sự thua thiệt, thiếu khôn khéo, khôn ngoan, đôi khi chỉ sự vấp ngã, sai lầm.
Tuy có ý nghĩa đối lập là vậy, những sự song hành của chúng lại là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, để tâm. Bởi có chiến bại mới có chiến thắng, có dại rồi mới có khôn như câu thành ngữ nổi tiếng: “Thất bại là mẹ thành công”. Phải, ai mà chẳng từng thất bại, từng dại khôn vài lần trong cuộc sống của mình, thế nhưng điều quan trọng nhất mà sự thắng bại, dại khôn mà chúng ta muốn nói ở đây là những bài học được rút ra từ những điều đó. Để chiến thắng, chúng ta phải trải qua khó khăn, đôi khi là thất bại liên tiếp rồi mới có được thành công như mong đợi. Khôn dại cũng vậy, có dại, có sai lầm thì ta mới có kinh nghiệm để tích lũy, để trưởng thành từng ngày. Nếu không từng thất bại 3000 lần trong việc phát minh bóng đèn phát sáng, liệu Ê-đi-xơn có trở thành một trong những “thần linh của phát minh nhân loại” hay “mặt trời thứ hai của loài người”. Cho nên, hãy cảm ơn những thất bại ấy, chúng dạy bạn cách tiến lên, cách vượt qua khó khăn, cách không bỏ cuộc giữa chừng, cách đi lên đầy mạnh mẽ và quyết tâm để không đánh mất mình trước bão giông.
Con người ai cũng mong sẽ đi đến được thành công, không trở thành một kẻ thất bại, một kẻ dại dột. Thế nhưng, quy luật tồn tại của vũ trụ là thế mà chúng ta chỉ là những kẻ đi theo. Bởi vậy, hãy luôn cố gắng tích lũy kinh nghiệm, hãy đừng nản lòng, hãy để ra cho mình những bài học riêng vì đó có thể là hành trang, nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào một tương lai tương sáng. Cái dại từ thất bại mới ló ra cái khôn để tiến đến thành công. Không có ai là hoàn hảo tuyệt đối, và đôi khi vẻ đẹp không nằm trong những chiếc bình thủy tinh sang trọng đắt tiền mà nằm ở những vết nứt đầy rạng rỡ ấy. Chính những sai lầm sẽ kết thành chòm sao chiếu sáng cuộc đời bạn, dạy bạn cách đứng lên. Hãy cảm ơn những sai lầm, những thất bại và những lần dại dột ấy.
Nhưng thất bại xong phải biết đứng lên, sai để đúng, không phải là sự cố chấp với cái tôi quá lớn của mình. Khi ấy, bạn chỉ đang tự cô lập, tự biến mình thành kẻ cố chấp, mù quáng và đơn độc mà thôi.
Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn – Mẫu 5
Sự thành và bại, dại và khôn là những yếu tố luôn tham gia vào sự tạo thành cuộc sống của từng cá nhân. Trong sự đối lập giữa chiến thắng và chiến bại, giữa dại và khôn, con người vẫn thường tìm tới chiến thắng, sự khôn ngoan để xây dựng cuộc sống tốt đẹp như ý muốn. Nhưng ta có nên chỉ tôn trọng chiến thắng mà coi khinh thất bại, tìm sự khôn ngoan và tránh sự dại khờ trong cuộc sống? về vấn đề này, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại.
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
(Dậy mà đi)
Những dòng thơ ấy đã gợi ra nhiều cách nghĩ, cách nhìn mới rất đáng trân trọng về mối liên hệ giữa thành – bại, dại – khôn trong cuộc sống.
Theo cách nhìn nhận thông thường, sự chiến thắng, khôn ngoan được coi là những yếu tố tích cực mà con người có trách nhiệm phải tìm tới để có một cuộc sống nhiều niềm vui. Còn sự thất bại, dại khờ luôn bị đánh giá là những yếu tố tiêu cực chỉ khiến cuộc sống con người thêm nhiều nỗi buồn, trắc trở. Sự phân biệt giữa các yếu tố được xác lập rất rõ, một bên luôn nhận được nhiều sự trân trọng và một bên chỉ có sự ghẻ lạnh, hắt hủi. Nhưng trong câu thơ của Tố Hữu, sự phân định đó đã được thay bằng một cách nhìn mới.
Trong cách nhìn ấy, thành và bại, dại và khôn không chỉ đối lập mà còn tương giao, là sự chuyển tiếp lẫn nhau. Sự thất bại, sự dại khờ không là những điều đáng hổ thẹn mà là những thử thách cần phải vượt qua để tìm đến ánh sáng của sự thành công, sự khôn ngoan. Thành và bại, dại và khôn chỉ là những quá trình, những điểm mốc tiếp nối lẫn nhau trong cuộc sống để làm nên sự trưởng thành của từng người. Thất bại giúp con người tìm được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng, và làm sự thành công có thêm ý nghĩa. Sự dại khờ là điều ai cũng phải trải qua ở những chặng khác nhau của cuộc đời để thêm khôn ngoan, chín chắn. Qua đó, nhà thơ Tố Hữu cũng ngầm khẳng định giá trị của sự bền lòng, bền chí trong mối tương giao giữa thành, bại, dại, khôn. Chính sự bền chí, kiên nhẫn là điều kiện không thể thiếu để mỗi người từ sự thất bại, dại khờ tìm được con đường đúng để vươn tới sự thành công, sự khôn ngoan. Cũng chính sự bền chí là chìa khóa giúp từng người hiểu được vị thế, khả năng của mình giữa những nẻo đường chuyển giao giữa sự thành, bại, dại, khôn.
Lịch sử đã từng ghi nhận rất nhiều cuộc đời mà thành quả lớn lao của họ gắn liền với nỗ lực họ phải bỏ ra để từ thất bại, dại khờ tìm tới khôn ngoan, thành công. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, văn hào Ban-dắc đã gặp phải nhiều nỗi khổ hơn là niềm vui, nhiều sự chê cười hơn là sự ngợi khen. Nhưng Ban-dắc không vì thế mà đánh mất đi sự tự hào và niềm tin vào khả năng của mình. Càng gặp nhiều thử thách, ông càng rút ra nhiều kinh nghiệm và càng nỗ lực sáng tác hơn. Sự nỗ lực và kiên trì đã giúp Ban-dắc từ thất bại tìm tới thành công, từ một cây bút luôn bị coi thường trở thành một đại văn hào. Hoặc như A-rít-xtốt, ông là một trong những nhà triết học, khoa học vĩ đại nhất của thời đại ông. Nhưng để có được sự thành công và uyên bác ấy, bản thân A-rít-xtốt đã phải trải qua rất nhiều khó khăn từ khi còn trẻ. Ngay chính thiên tài Anhxtanh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn thời tuổi trẻ. Nhưng có ai biết ẩn sau sự dại khờ của đứa trẻ Anhxtanh khi ấy lại là sự khôn ngoan, uyên bác bậc thầy của nhà khoa học Anhxtanh sau này. Ở những bước chân đầu tiên vào thế giới của các nhà vật lý, Anhxtanh đã phải rất vất vả để bảo vệ những nghiên cứu của mình. Nhưng khi ông đã vượt qua mọi sự thất bại và dại khờ, cuộc đời ông trở thành một tấm gương mà nhân loại sẽ mãi còn nhớ đến và trân trọng. Không chỉ Ban-dắc, A-rít-xtốt, Anhxtanh,… còn rất nhiều danh nhân khác mà nhân loại không thể nào quên được sự cống hiến, những thành tựu của họ. Ai cũng phải trải qua một cuộc đời mà thành và bại, dại và khôn luôn chuyển tiếp lẫn nhau. Thất bại, dại khờ chỉ càng là động lực cho họ sửa sai. Sự thành công và uyên bác không làm họ quên đi khát khao học tập, cống hiến. Với họ, thành và bại, dại và khôn đều không mang ý nghĩa quá tích cực hay tiêu cực mà là những chặng đường mỗi người đều phải vượt qua cho sự trưởng thành của mình.
Thành và bại, dại và khôn luôn đến và đi không một lời báo trước. Đó đều là những bài học cuộc sống đem đến cho con người. Không có người luôn thành công hay thất bại,tuyệt đối thông minh hay dại khờ. Chỉ có những người có thể hay không thể nhận ra những cơ hội và thử thách mình gặp phải, cả khi thành công hay thất bại, thông minh hay dại khờ. Điều đáng quý nhất mà lời thơ trên của Tố Hữu đem đến là thái độ tỉnh táo và kiên trì cần có để nhìn rõ quy luật những dòng chảy của thành, bại, dại, khôn. Dù đang đứng giữa yếu tố nào, con người vẫn cần thái độ sống đó. Bằng cách nhìn cuộc sống như vậy, sự thành, bại, dại, khôn tạm thời góp phần tạo nên những gì vĩnh hằng mà một cuộc đời để lại. Thành, bại, dại, khôn chỉ là những yếu tố luôn đến và đi, điều còn ở lại là sự trưởng thành và chín chắn, sự kiên trì và tỉnh táo mà con người tìm ra được.
Nhưng dù thành, bại, dại, khôn luôn chuyển tiếp lẫn nhau, yếu tố quyết định sự chuyển tiếp ấy vẫn là nhận thức của con người. Thất bại sẽ mãi còn đó nếu con người không rút ra những kinh nghiệm hợp lí để tìm tới thành công. Sự dại khờ sẽ ám ảnh một cuộc đời mãi mãi nếu cuộc đời đó không có ý thức tìm đến cơ hội để có sự khôn ngoan. Lúc đó, sự thất bại, dại khờ chỉ còn mang nghĩa tiêu cực như những cách nhìn nhận thông thường. Bên cạnh đó, vẫn còn những cá nhân mang cách nhìn rất sai lầm về thành bại. Họ dựa vào sự chuyển tiếp của thành, bại để biện hộ cho một chuỗi những thất bại, dại khờ của mình. Không phải cuộc sống làm họ thất bại mà chính họ đã khiến mình như vậy ngay khi bước vào cuộc sống.
Trong cuộc sống vẫn đầy thay đổi của ngày hôm nay, sự đến và đi của thành, bại, dại, khôn càng không thể báo trước. Điều làm nên bản lĩnh sống của từng cá nhân là thái độ, những bước đi của cá nhân đó trong sự luân chuyển giữa các yếu tố trên. Sự sợ hãi, lúng túng, bi quan những lúc vấp ngã vì thử thách chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn. Thái độ sống, sự nhìn nhận đúng đắn các yếu tố thành, bại, dại, khôn luôn cần cho mọi thế hệ vì sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Sự sống đem cho từng cuộc đời những chuỗi thử thách ngẫu nhiên và bất định. Sự thành, bại, dại, khôn là những hình thái khác nhau của những chuỗi thử thách đó. Nhân cách, tâm hồn của từng người luôn được mài giũa, tôi luyện cho một cuộc sống đẹp, ý nghĩa hơn. Trong sự mài luyện ấy, mọi cách nhìn quá coi trọng thành công, quá khinh rẻ thất bại đều không phải là thái độ sống hợp lí. Mỗi người đều phải trải qua sự thành, bại, dại, khôn của riêng mình. Cách nhìn nhận hợp lí vị thế của bản thân ở từng giai đoạn cũng là một cách tạo nên sự trân trọng, niềm tin vào chính mình.