Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh sum họp của gia đình em vào buổi tối (Dàn ý + 10 mẫu), Nhằm đem đến cho các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập môn Ngữ văn lớp 6, Tài Liệu Học Thi
Văn mẫu lớp 6: Tả lại cảnh sum họp của gia đình em vào buổi tối là chủ đề khá hay nằm trong chương trình Ngữ văn 6.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 10 bài văn mẫu được chúng tôi tuyển chọn từ bài làm hay nhất của học sinh trên cả nước. Qua đó các em có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi vốn từ biết cách làm văn miêu tả. Nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo tại đây.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý tả lại cảnh sum họp của gia đình em
- 2 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 1
- 3 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 2
- 4 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 3
- 5 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 4
- 6 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 5
- 7 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 6
- 8 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 7
- 9 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 8
- 10 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 9
- 11 Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 10
Dàn ý tả lại cảnh sum họp của gia đình em
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung :
– Thời gian: Vào buổi tối cuối tuần
– Không gian: Ngôi nhà của em.
– Nhân vật: Những người thân trong gia đình.
2. Thân bài:
Bữa cơm sum họp :
– Cách bài trí trong nhà, dưới bếp. (Chú ý các chi tiết, hình ảnh có liên quan đến Tết.)
– Không khí chuẩn bị ra sao? (Mọi người cùng làm. Người lớn việc lớn, người nhỏ việc nhỏ…)
– Bàn ăn (hay mâm cơm) có những món gì?
– Bữa ăn diễn ra đầm ấm, vui vẻ như thế nào?
– Sau bữa ăn, mọi người làm gì? (Uống nước, chuyện trò tâm sự…)
3. Kết bài:
* Cảm xúc của em :
– Cảm động và thích thú.
– Mong có nhiều dịp được sum họp đầy đủ với người thân.
– Nhận ra rằng gia đình quả là một tổ ấm không thể thiếu đối với mỗi con người.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 1
Hình ảnh của buổi tối thứ bảy tuần trước như một đoạn phim ngắn hiện rõ lên mồn một trong kí ức tôi. Đó là một buổi tối thật vui vẻ và cũng thật là đầm ấm. Sau bữa cơm chiều, em giúp mẹ dọn dẹp bàn ăn, rửa chén bát xong rồi lên phòng khách dùng la séc và xem truyền hình cùng cả nhà. Bé Mi đã năm tuổi rồi, nhí nhảnh như một con chim sáo hót liến thoắng.
– Bố ơi, bố dùng tăm nhé!
– Con mời bố uống nước. Chị Hai vừa mới pha lúc trước, ngon lắm bố à!
– Thứ hai, bố cho Mi đi thành phố với bố nhé! Lâu lắm rồi, bố chả cho con đi đâu cả!
– Con nhỏ này, đế cho bố uống nước. Nói gì mà nói lắm thế!
– Em nói với bố chớ bộ em nói với chị à! Mẹ ơi! Mẹ cho con đi thành phố với bố nhé! Con mua quà về cho mẹ!
– Bữa khác đi con. Lần này, bô đi những hai tuần kia mà. Bỏ học hai tuần, mất hai phiếu bé ngoan, cuối năm không được lĩnh thưởng như chị Hai, không được vào lớp Một, thuở bé Như con chú Hải là bố mẹ buồn lắm đó!
Nghe mẹ nói vậy, vẻ mặt hớn hở và nhí nhảnh của nó lúc nãy biến mất. Nó xụ mặt xuống có vẻ buồn buồn. Chắc nó cũng đang suy nghĩ. Thấy vậy bố nói:
– Đừng buồn nữa con, dịp khác bố sẽ đưa cả ba mẹ con đi chơi luôn thể.
– Hay quá! Bô cho con với Mi đi Đầm Sen và hồ Kì Hòa nữa nghe bố?
– Đầm Sen và hồ Kì Hòa ở đâu chị Hai?
– Ở thành phố đó cưng. Ráng học ngoan rồi chị em mình cùng đi với mẹ nữa. Cả nhà mới vui chứ!
Nó thích quá, chạy lại, vào lòng bố, hí hửng như con cún con, bắt bố phải hứa với nó. Bố ra điều kiện, học kì một cả hai chị em phải lĩnh thưởng bô’ mới cho đi. Bây giờ nó mới trở lại vẻ mặt hớn hở như trước, huyên thuyên đủ thứ chuyện trong tuần cho bố nghe: Chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bé Như con chú Hải cùng cơ quan với bố trên tỉnh. Tuần rồi bé Như không ngoan, thua nó một phiếu bé ngoan. Rồi như sực nhớ ra một chuyện quan trọng. Nó kể cho bố’ nghe tối thứ ba vừa rồi mẹ bị cảm, chị Hai nấu nước xông, nó lấy thuốc, xoa dầu cho mẹ như thế nào. Kể vanh vách không sót một chi tiết nào. Bố xoa đầu nó rồi nói:
– Cả hai chị em như thê’ là ngoan lắm! Bố yên tâm vì biết các con đã có ý thức giúp đỡ mẹ.
Thôi, con lại ngồi với mẹ xem chương trình “bông hoa nhỏ” để bố nói chuyện với chị Hai một chút!
Vừa xem tivi, bố vừa hỏi chuyện học hành của tôi.
– Con vẫn đi học thêm đều đặn đấy chứ? Gắng lên con ạ! Đây là năm cuối cùng của bậc Tiểu học. Mấy năm qua, con đã học lớp chọn. Bô đã bàn với mẹ con rồi. Mi đã lớn, năm tới, em con học lớp Một, mẹ con sẽ kèm cặp cho nó. Còn con, bố sẽ đưa con lên tỉnh học. Bước đầu làm quen với cuộc sống tự lập, sau này còn phải học lên đại học nữa. Con thấy thế nào?
– Con nhớ mẹ và em lắm!
– Ừ, chỉ thời gian đầu thôi, sau sẽ quen dần. Vậy nghe con! Giờ thì con đưa tập học Anh văn cho bô xem!
Em chạy về góc học tập của mình, đưa tập Anh văn cho bố. Nhìn bố chăm chú vào quyển tập, lâu lâu thây bô gật đầu có vẻ hài lòng. Rồi bô quay sang mẹ nói gì mà tôi không rõ. Chỉ thấy cả mẹ và bố đều cười thích thú.
Ôi! Một buổi tối vui vẻ và đầm ấm biết bao nhiêu! Ngày kia, bô đã đi rồi! “Bố ơi, xong việc, bố lại về với hai chị em con nhé! Chúng con yêu bố lắm! Và cả mẹ nữa đấy!” Thế rồi, giấc ngủ lại đến với tôi lúc nào không biết nữa.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 2
Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh. Những bài hát về gia đình lại vang lên mang trong em những cảm xúc thật là kì lạ. Nay phải đi học ở cách xa nhà, em mới càng cảm nhận được, ở cùng với cha mẹ của mình có những điều đáng quý như thế nào.
Hôm nay là ngày cuối tuần được nghỉ, em lại xách cặp để trở về cạnh cha, cạnh mẹ và người em trai thân thiết của mình. Ăn cơm xong, cả nhà đã cùng nhau quây quần bên bàn nước buổi tối.
Gia đình em có bốn thành viên: Cha mẹ, em và em trai của em. Cha mẹ của em là những con người hết sức tâm lý, lúc nào cũng yêu thương và lo lắng, chăm sóc cho em. Có những khi, em không ngoan nhưng mẹ chẳng bao giờ đánh em mà chỉ bảo cho em những điều hay, lẽ phải. điều đó làm cho em lại càng phải cố gắng thật nhiều để không phụ công ơn của cha mẹ.
Buổi chiều, em cùng mẹ nấu cơm. Những mớ rau ngon lành được mẹ mua, lựa chọn một cách dễ dàng. Điều đó đã làm cho bữa cơm được chuẩn bị dễ dàng hơn. Lúc hai mẹ con nấu cơm thì bố và em trai của em đang cùng nhau chơi đá bóng trong vườn. trong bếp, là tiếng nói chuyện thủ thỉ của mẹ và em. Mẹ hỏi chuyện học hành, bài vở cho tới những chuyện bạn bè của những lứa tuổi mới lớn. những điều sâu kín ấy, em thường kể cho mẹ biết vì trong lòng em, mẹ không chỉ là mẹ, mẹ còn là người bạn, người chị luôn cho em những lời khuyên vào những lúc quan trọng nhất. trong bếp là thế, còn bên ngoài thì tiếng cười nói của bố và em trai vô cùng rôm rả. Tiếng nói chuyện vang vọng khắp cả khoảng sân nhỏ. Bố và em trai đang nhận mình là những đội bóng của nước ngoài rồi cùng nhau thi đấu. Những hình ảnh đó như hòa vào cùng với buổi chiều của cả gia đình. Chuẩn bị xong bữa cơm, gia đình em cùng nhau quây quần bên mâm cơm và lắng nghe chương trình thời sự đang được phát sóng. Thỉnh thoảng bố lại nói lên suy nghĩ của mình về những vấn đề thời sự nóng bỏng, về những cuộc chiến tranh. Em trai của em thì khác. Sự lựa chọn của em trai em toàn nghiêng về lĩnh vực thể thao với những pha đấu bóng đẹp mắt và cùng nhận xét với bố em xem đội nào sẽ là đội chiến thắng. Còn lại mẹ và em. Với mẹ thì mẹ thường thỉnh thoảng mới nhận xét về tin tức của các nước còn phần lớn thời gian trong bữa cơm, mẹ thường tìm và gắp những phần thức ăn ngon nhất của cả ba bố con, mẹ còn hay nhắc nhở bố con tập trung vào ăn cơm chứ không chú ý vào xem nhiều quá, điều đó sẽ làm cho mình bị đau dạ dày. Đó quả là một căn bệnh nguy hiểm và gây ảnh hưởng cho cuộc sống của mình rất nhiều.
Sau bữa cơm, dọn dẹp xong, cả gia đình em lại ngồi bên chiếc bàn uống nước trong phòng khách. Những bộ ấm chén mới tinh được đặt bên cạnh chiếc đĩa hoa quả. Hôm nay, mẹ mua một quả dưa hấu to và đỏ. Mẹ bảo đây là quà chiêu đãi con gái về nhà. Quả thực là hạnh phúc vô cùng. Bởi dưa hấu là một trong những loại quả mà em yêu thích nhất. bố ngồi hỏi em xem chuyện học hành như thế nào, có cần bố giúp đỡ chuyện gì hay không.
Những lúc như thế này, trong lòng em lại dâng lên một niềm xúc động. Bố bảo con gái thì cần phải chú ý vào chuyện học hành sao cho sau này được thành đạt. Em trai của em lúc này luôn ngoan ngoãn ngồi lắng nghe những gì mà bố nói. Bố kể những chuyện ngày xưa thời bố còn đi học. Đó cũng là những kỉ niệm rất đẹp. Bố luôn nói với chúng em rằng: Điều hối hận nhất của bố ngày trước chính là việc đã không cố gắng học hết, bởi thế cho nên bố luôn cố gắng để cho hai chị em học hành. Tuy chiều con gái là thế, nhưng bố đối với em trai lại nghiêm khắc hơn rất nhiều. Điều đó làm cho em cảm thấy vô cùng vui sướng. Không phải vì bố thiên vị ai đâu nhé. Chỉ vì bố bảo, con gái dễ nghe lời hơn, bố cũng lo lắng em trai của em mải chơi cùng các bạn mà quên đi chuyện học hành. Cho tới tận hôm nay, khi được nghe những lời tâm sự của bố, em mới cảm thấy thật là hạnh phúc và may mắn khi có được một người cha tuy ít nói, trầm tĩnh nhưng cực kì sâu sắc và một người mẹ dịu dàng, đảm đang, luôn hết lòng hi sinh vì chồng, vì con.
Cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau tâm sự và kể cho nhau nghe những câu chuyện mà mình đã nhìn thấy, đã trải qua trong cuộc sống. Tuy đó chỉ là những câu chuyện ngắn ngủi nhưng nó lại thể hiện sự quan tâm lẫn nhau trong một gia đình. Đây mới là điều đáng quý nhất trong cuộc sống mà có những khi ta mỏi mệt hay gặp những chuyện không vui thì gia đình sẽ là nơi ở bên và che chở cho ta trong suốt cuộc đời này.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 3
Ba tôi công tác xa nhà mấy chục cây số, một tuần mới về một lần. Cho nên tối thứ bảy là tối gia đình tôi sum họp đông vui nhất.
Cơm nước xong xuôi, mọi người mới quây quần trong gian phòng khách nhỏ bé và ấm cúng. Ánh đèn nê-ông tỏa ánh sáng xanh dịu. Mấy lẵng hoa bằng nhựa sáng rực lên trông y như hoa thật. Chiếc tủ li bằng gỗ cẩm lai được đánh véc-ni láng bóng như mặt gương soi, nổi bật những đường vân như những nét hoa văn kì ảo. Phía trên, là chiếc ti vi màu mười chín inh được phủ bằng một tấm lụa xanh rêu. Đồ đạc trong phòng được xếp đặt thật gọn gàng, ngăn nắp.
Ba tôi bồng bé Thảo Ngọc vào lòng âu yếm hôn lên tóc, lên má bé. Ngọc ôm lấy cổ ba nũng nịu: “Ba! Ba có nhớ con không?”. Ba cầm bàn tay nhỏ bé của bé áp lên má mình vuốt vuốt rồi nhỏ nhẹ với bé: “Ba nhớ con nhiều nhất đấy!”. Rồi ba hỏi lại bé: “Thế Ngọc có thương ba không?”. Thảo Ngọc cười nhe hàm răng “trống hàng tiền đạo” trông thật dễ thương, bàn tay vào chiếc cằm vừa mới cạo của ba và nói lớn: “Con thương ba nhất nhà này! Thương mẹ nhất nhà này! Và cả chị Hai nữa! Con thương cả nhà như nhau! Bằng thế này này!”. Bé đưa ba ngón tay lên, đưa qua đưa lại như chứng tỏ điều mình nói là đúng, là sự thật. Lúc này, mẹ đang đọc báo, tôi đang chơi đàn. Cả tôi và mẹ đều phải phì cười vì vẻ đáng yêu của bé.
Đúng bảy giờ, tôi bật tivi để xem tiết mục “Ngôi nhà tuổi thơ”. Tối nay có chương trình văn nghệ của các trường mẫu giáo rất hay. Bé Ngọc vừa xem vừa vỗ tay hát theo. Ba khen hát hay, bé cười tít mắt. Càng hát, bé càng rướn giọng to lên, đầu lắc qua lắc lại theo nhịp đàn. Đôi bím tóc thắt nơ hồng ngoe nguẩy như đuôi chú cún con trông thật ngộ, thật dễ thương. Ba hỏi tôi: “Tuần này được mấy điểm mười hả con? Môn nào nhiều điểm mười hơn cả?” Tôi sung sướng khoe: “Hơn tuần trước bốn điểm mười ba ạ! Nhiều nhất là môn Toán, sau đến là môn Tiếng Việt. Riêng môn Mĩ thuật con cố gắng lắm chỉ được điểm tám thôi!”. Ba xoa đầu tôi rồi động viên: “Con đạt được như thế là tốt lắm. Với đà này ba tin cuối năm con sẽ là một học sinh xuất sắc. Gắng lên nữa nghe con! Tuần sau, ba sẽ thưởng cho con cái đồng hồ có nhạc báo thức!” Tôi thầm cảm ơn ba rất nhiều. Chính những lời động viên của ba mỗi tuần đã làm cho tôi thêm ý chí và nghị lực phấn đấu trong học tập. Cứ mỗi lần về thăm nhà, ba thường hướng dẫn thêm cho tôi phương pháp giải các bài toán và cách thức viết những câu văn hay, có hình ảnh.
Mẹ bưng ra một đĩa bánh kẹo, quà của ba mang về hồi chiều. Bé Thảo Ngọc thích quá vỗ tay reo: “A, kẹo ngon quá! Mẹ cho con nhiều nghe mẹ!”. Ba tôi cười tủm tỉm rồi nhắc hai đứa chúng tôi: “Ăn kẹo xong, chị em nhớ đánh răng súc miệng kẻo sâu răng đấy!”. Rồi ba quay sang mẹ hỏi han về tình hình công việc nhà trong tuần qua. Mẹ tôi cười nhìn ba tôi đáp: “Hai đứa nó ngoan cả. Tuần này, cơ quan em hơi nhiều việc nên cũng lu bu nhưng anh cứ yên tâm, đâu rồi vào đấy cả!”. Biết mẹ ở nhà vất vả, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan vừa phải lo việc nhà nên mỗi tuần được nghỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật, ba tôi thường tranh thủ về sớm để giúp đỡ mẹ. Ba quay sang tôi nói nhỏ: “Con ráng đỡ đần thêm công việc giúp mẹ. Mẹ mà ốm ra thì ba con mình vất vả đấy con ạ! Ba trông cậy vào con gái lớn của ba đấy!”. Tôi chạy đến bên mẹ rồi nói như để ba tôi cùng nghe: “Mẹ khỏe lắm. Chẳng có bệnh tật nào làm mẹ ốm đau phải không mẹ? Nhưng ba phải thường xuyên về thăm nhà đấy. Mẹ có trông ba về không mẹ?” Mẹ tôi cười, mắng yêu tôi: “Mẹ chả chông, chỉ có các con thôi!”
Tối thứ bảy tuần nào cũng thế, gia đình tôi luôn có được những giờ phút sum họp thật vui vẻ và đầm ấm. Hai chị em tôi thật sự hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trong vòng tay ấm áp của ba mẹ tôi.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 4
Ngoài trời lại lạnh buốt, đường sá càng thưa người đi lại. Thời gian đang chuyển dần về đêm. Trong nhà, mẹ mình đang chuẩn bị cơm nước, còn mình thì đang giúp mẹ dọn bữa cơm chiều.
Chỉ mấy phút sau, hai mẹ con mình đã chuẩn bị xong chu tất bữa cơm. Mẹ mình bảo: “Con mời ông bà và bố vào xơi cơm”. Cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm thật đầm ấm. Mùi thức ăn thơm phức làm cho ai cũng thấy đói bụng. Những món ăn mà cả nhà thích nhất đã được bày sẵn lên bàn nhờ tài nấu nướng khéo léo của mẹ. Vừa ngồi vào bàn, bố mình vừa nói nửa đùa nửa thật với mẹ mình: “Hôm nay, em nấu thứ gì mà chưa ăn đã ngon rồi! Chắc là thịt nướng, cá chiên, bò xào trứng rán phải không? Không khéo lại thiếu cơm đấy!”. Mẹ nhìn bố tủm tỉm cười nói nhỏ: “Chỉ khéo nịnh vợ!”
Thằng cu Tí ăn muỗng không rành còn bày đặt dùng đũa, cơm dính tùm lum lên má lên cằm. Vừa ăn, nó vừa tíu tít kể chuyện ở nhà trẻ: “Hôm nay, nhiều bạn tè cả ra quần, chỉ có con là không!”. Nó nói làm cả nhà được một trận cười vỡ bụng. Vì quá tức cười nên mình đã bị sặc phải bỏ vội chén cơm chạy ra ngoài. Vừa mới quay trở lại, cu Tí đã trêu: “Ăn từ từ thôi chị Hai! Ở lớp em, bạn nào ăn ngốn, bị nghẹn là cô giáo phạt đấy!”. Nó nói tỉnh queo, làm cho cả ông bà và bố mẹ mình cười, chảy cả nước mắt. Thấy vậy, nó cũng cười theo, rồi thản nhiên nói tiếp: “Con mà làm cô giáo là con phạt cả nhà đấy!
Cô giáo dặn rồi, khi ăn cơm không được cười nói nhiều”. Lần này thì ông mình không nhịn được nữa, ôm bụng cười, sặc cả cơm ra ngoài, ông xoa đầu cu Tí, khen nó giỏi,: “Lớn lên, cháu ông đi làm hề chắc kiếm được nhiều tiền đấy cháu ạ!
Buổi cơm chiều thật vui vẻ và đầm ấm. Tiết trời tuy lạnh nhưng mình vẫn cảm thấy ấm lòng, bởi không khí gia đình lúc nào cũng hòa thuận, yên vui, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 5
Thời gian trôi qua nhanh quá! Mới hôm nào em được bố mẹ cho về quê ở Ninh Bình ăn Tết cùng ông bà và họ hàng bên nội, thế mà hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm Giáp Thân.
Bố mẹ em chuẩn bị rất đầy đủ vì đây là lần đầu tiên ông bà nội ra Thủ đô ăn Tết cùng con cháu. Không khí Tết tràn ngập trong căn nhà nhỏ. Phòng khách được trang hoàng đẹp đẽ. Trên bàn thờ bày bộ lư đồng sáng choang. Mùi nhang trầm thơm ngát. Đèn, nến, rượu, trà, bánh chưng, mứt, hoa quả… được ông em sắp xếp thật trang trọng. Cây đào bích khá lớn đặt trên chiếc đôn sứ cạnh bộ sa lông đang nở những bông hoa tươi thắm chào đón xuân về.
Bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết là một bữa cơm đặc biệt. Từ sáng sớm, bà và mẹ đã đi chợ Đồng Xuân mua sắm những thứ cần thiết để nấu cỗ. Mẹ em là “bếp trưởng” phụ trách các món chính. Còn bà nội và chị Hà cùng với em làm “phụ bếp”. Mấy mẹ con, bà cháu vừa làm vừa trò chuyện thật vui. Em tranh thủ học cách tỉa rau củ thành những bông hoa, những con vật đáng yêu xinh xinh để trang trí cho các món ăn thêm hấp dẫn.
Thức ăn đã nấu xong, bà nội sắp mâm cỗ cúng. Đỡ mâm cỗ từ tay bà, bố em đặt trước bàn thờ để ông nội thắp nhang khấn vái tổ tiên về sum họp cùng con cháu trong ba ngày Tết.
Sau mấy tuần nhang, mâm cỗ được bưng xuống để con cháu hưởng lộc của tổ tiên. Thức ăn được dọn ra bàn: bánh chưng xanh, xôi gấc đỏ, thịt gà luộc vàng ươm, bát canh măng khô hầm chân giò màu nâu sẫm đặt bên cạnh đĩa xào gồm thịt bò, cà rốt, khoai tây, nấm hương, mộc nhĩ… Rồi giò lụa, giò thủ, nem rán… món nào cũng ngon và vô cùng hấp dẫn.
Bố em rót rượu kính mời ông bà. Mọi người nâng cốc chúc mừng ngày vui, ba thế hệ quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Trong bữa ăn, những câu chuyện về quê hương được ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe. Quay sang em, ông bảo:
– Cháu Đức này! Dù sống ở Hà Nội nhưng cháu phải luôn luôn nhớ rằng cháu cũng có một quê hương. Ở đó có mồ mả tổ tiên, có ngôi nhà của ông bà, nơi bố cháu đã sinh ra và lớn lên. Sau này trưởng thành, dù đi đâu về đâu cũng đừng quên quê hương cháu nhé!
Rồi ông đọc cho cả nhà nghe hai câu thơ:
Cây có cội mới nảy cành xanh lá,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Ông giải thích cặn kẽ ý nghĩa của hai câu thơ trên. Giọng nói ấm áp, chân tình của ông khiến cho mọi người cảm động. Bố em kín đáo lau giọt nước mắt ứa trên mi. ông nội với chòm râu bạc như ông Tiên trong cổ tích đã để lại trong em một ấn tượng thật là sâu đậm.
Sau bữa cơm, cả nhà tiếp tục chuyện trò. Bà em lấy cơi trầu ra, têm một miếng rồi vừa thong thả nhai trầu vừa kể cho em nghe những chuyện ở trong quê. Hè này, nhất định em sẽ xin bố mẹ cho về Ninh Bình để đi thăm cố đô Hoa Lư, mảnh, đất cỏ lau dẹp loạn ngày nào; thăm đền thờ Đinh Tiên Hoàng, vị vua mà tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Có bao điều thú vị đang chờ em trong năm mới.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 6
Gia đình là cái nôi cuộc sống của mỗi người, được sống dưới mái ấm gia đình là điều tuyệt vời nhất đối với chúng em. Hôm nay là buổi tối chủ nhật, chị gái em đi học ở tận trên Hà Nội được nghỉ nên về nhà, cả nhà em quây quần bên nhau cùng ăn cơm và trò chuyện rất vui vẻ. Đã lâu lắm rồi hôm nay em mới thấy không khí gia đình ấm áp và yêu thương đến vậy.
Gia đình em gồm năm thành viên, đó là: bố em, mẹ em, chị gái em, em gái em và thành viên cuối cùng là em. Bố mẹ em làm nông nghiệp nên rất bận rộn, chị gái em thì học trên Hà Nội nên rất ít khi cả nhà cùng nhau ăn uống, trò chuyện như ngày hôm nay. Bố mẹ em tuy vất vả, từ sáng sớm đến đêm tối mới từ cánh đồng trở về nhà nhưng bố mẹ rất tâm lí. Hễ khi nào rảnh là lại ngồi trò chuyện cùng các con. Hôm nay, khi chị cả vừa nấu xong đồ ăn thì em ngay lập tức đi dọn mâm bát để chuẩn bị ăn cơm. Em gái em cũng lăng xăng chạy ra chạy vào. Nhìn đồ ăn chị cả nấu thật là đẹp mắt, nào là món đậu rán vàng ươm có lót mấy cọng rau sống màu xanh thật nổi bật. Nào là món cánh gà chiên xù, từng chiếc cánh gà to được xếp đối xứng nhau trong chiếc đĩa tròn. Lại còn có cả đĩa rau cải luộc xanh mướt và bát dưa cà quen thuộc. Cả mâm cơm thơm phức và hấp dẫn đã sẵn sàng chỉ còn đợi bố em tắm xong là ăn thôi. Em gái em thích chí cứ chốc chốc lại chạy đi giục bố tắm nhanh để vào ăn cơm. Cả nhà vừa ăn cơm vừa trò chuyện. Bố em nhâm nhi chén rượu nếp và gật đầu tấm tắc khen chị gái em nấu ăn rất ngon. Mẹ em thì nhìn chúng em ăn ngon lành, ánh mắt mẹ long lanh niềm vui. Chúng em thì vừa ăn vừa gật gù. Em gái em còn nói: “ giá mà ngày nào cũng được chị cả nấu cho ăn ngon thế này thì thích quá”. Cả nhà được phen cười rộn ràng. Tiếng xé thịt, tiếng nhai tóp tép, tiếng bát đũa leng keng, tiếng cười, tiếng nói, tất cả tạo nên một bản nhạc gia đình sống động.
Bữa cơm kết thúc, trên mâm bây giờ chỉ còn chỏng chơ mấy cái xương, còn đâu mọi thứ hết sạch. Em và em gái của em ăn no quá, bố em còn trêu rằng sắp phải lấy cái thìa múc bớt cơm ra kẻo no quá. Mọi người lại cùng nhau cười rộn rã. Chị gái em nhanh tay pha ấm nước chè nóng để cả nhà uống. Những chiếc chén trắng tinh nằm gọn gàng trên bàn như những chú cò đang nằm ngủ. Còn em và em gái em thì phân công nhau, đứa thì rửa bát, đứa thì cất chiếu, phủi nhà và đi cho con cún ăn cơm. Chỉ thoáng chốc là công việc được giao đã hoàn thành, hai chị em em tranh nhau ngồi vào lòng của bố. Đứa nào cũng muốn ngồi lòng để được nghe bố kể chuyện đi làm ngoài đồng ruộng cùng các cô chú. Dưới ánh sáng của ngọn đèn com pad, khuôn mặt bố gầy và sạm đi nhiều nhưng nụ cười và sự lạc quan thì luôn tràn đầy. Mẹ thì ngồi khâu lại những bộ quần áo bị sứt chỉ, nhìn bàn tay mẹ thoăn thoắt đưa đi đưa lại thật là vui mắt. Chị gái em thì nghiêng đầu chải tóc, mái tóc của chị dài và đen mượt lắm, ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ. Khuôn mặt chị trái xoan, giống hệt như khuôn mặt của mẹ, nhìn chị xinh gái lắm. Em tự hứa sẽ không cắt tóc để nuôi mái tóc dài đẹp giống như chị. Bố em nhấp ngụm nước chè nóng rồi quay sang bàn việc với mẹ, bố mẹ dự tính sang năm sẽ mua thêm một chiếc xe máy mới để cho chị gái em đi học, còn chúng em sẽ được mua xe đạp mới. Nghe đến đây ba chị em nhà em cùng nhau reo lên, chạy đến ôm chầm lấy bố, thơm lên má bố rối rít. Rồi lại chạy sang ôm chặt lấy mẹ, cảm giác thật là vui, thế là sang năm ba chị em sẽ có xe mới để đi học. Dưới làn khói của ấm nước chè, khuôn mặt bố em rạng rỡ, đôi mắt sáng lên niềm vui. Ba chị em chúng em lấy những điểm mười trong một tuần học bài vừa qua ra khoe với bố mẹ, đứa nào cũng đòi khoe trước, cũng đòi được bố khen. Trong lúc đó thì mẹ em đã xuống bếp bổ một quả dưa hấu thật to để chiêu đãi cả nhà. Nhìn quả dưa hấu đỏ au, xếp thành hình một bông hoa đặt giữa bàn thật đẹp, mẹ em thật khéo tay.
Cả nhà cùng nhau ăn trái cây, sau đó chúng em bảo nhau đi học bài để chuẩn bị bài cho tuần mới, chị em thì thu dọn đồ đạc để sáng mai lên Hà Nội. Mẹ em và bố em đi nghỉ, kết thúc một ngày làm việc. Nhìn bố mẹ chìm vào giấc ngủ, rồi nhìn từng nét chữ trong trang vở trắng tinh em tự hứa sẽ học thật tốt để mai sau thành đạt, giúp đỡ bố mẹ thật nhiều. Em đi ngủ, mà tiếng cười nói rộn ràng của cả nhà vẫn vang mãi bên tai. Em ước sao nhà mình mãi luôn đầm ấm và vui vẻ như vậy. Những buổi sum họp gia đình thật là đáng quý, đáng yêu thương biết bao nhiêu. Em rất yêu gia đình của em.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 7
Tết. Tết đến thật rồi. Lòng em lại náo nức đón chờ một năm mới tới với bao dự định, ước mơ; đặc biệt là mong chờ những điều tuyệt vời của ngày tết cổ truyền. Và có lẽ em háo hức chờ mong nhất là ngày cả gia đình được sum họp, quây quần bên nhau. Đó là một giây phút vô cùng thiêng liêng và cao đẹp.
Xuân tới mang theo những tia nắng ấm áp tới cho không gian, xua hết đi những lạnh giá của mùa đông. Những cơn mưa phùn đầu mùa cứ dai dẳng khiến mọi người khó chịu nhưng ít ai biết được chính điều đó mang lại sức sống căng tràn cho cây cối, khiến những cành cây khẳng khiu đâm chồi nảy lộc. Những cơn gió hơi se lạnh nhưng lại làm người ta cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Ngoài trời dù mưa lất phất nhưng trong mỗi gia đình lại là khung cảnh ấm cúng hơn bao giờ hết. Đó là bởi vì hôm nay là tết đoàn viên, mọi thành viên dẫu ở nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này đều sẽ cố gắng trở về bên những người thân yêu.
Ngay từ những ngày cận kề tết mọi người từ phương xa đã náo nức trở về nhà để đoàn viên. Trên những chuyến xe ga, tàu lửa, những chiếc ô tô đường dài, khách đi chen chúc xô đẩy vô cùng chật chội thế nhưng không ai có một lời than vãn, trên môi ai nấy đều nở nụ cười rạng rỡ vì họ có chung một mục đích, một điểm đến : về nhà đón tết. Vượt qua những chặng đường dài, sau bao nhiêu bộn bề, khó khăn trong một năm vất vả vừa qua, họ đã có thể trở về với mái ấm thân yêu của mình, hưởng thụ hơi ấm của gia đình, sự chở che, chăm lo, quan tâm.
Trong mái nhà nhỏ xinh nhưng tràn đầy hạnh phúc, cả gia đình đang cùng ngồi bên nồi bánh chưng xanh, đón chờ thời khắc giao thừa sắp tới. Cả nhà cùng nhau uống trà, nhấm nháp hương vị của những thức bánh kẹo ngày tết. Ông bà ngồi hiền từ nói cho con cháu nghe về những truyền thống tốt đẹp của cha ông, giảng dạy về những đạo lí xã hội, về những điều nên làm, không nên làm. Những đứa con vẫn luôn ngồi chăm chú lắng nghe, tiếp thu những dạy bảo của bậc trên. Sau đó họ nói về những thành công, thành tựu mà minh đạt được trong năm qua, những thất bại, vấp ngã, những giây phút tưởng chừng như gục ngã, không dám đối mặt với những khó khăn, bức tường của cuộc sống. Họ nói với nhau về những dự định, về những ước mơ, hoài bão, những ấp ủ sẽ thực hiện vào năm sau. Trong khi mọi người nói chuyện, tâm tình, lũ trẻ con có đứa sẽ ngồi lại chăm chú lắng nghe, có đứa lại gật gù trong lòng mẹ, có một đám lại rủ nhau chạy chơi hay giải những câu đố. Khói bếp bay lên hòa vào trong hương thơm nồng nàn của nồi bánh chưng đang sôi trên bếp hòa quyện khắp không gian, bay xung quanh cây đào đang nở rộ hoa, đùa nghịch cùng câu đối đỏ trước gian nhà, lượn quanh gian bếp nhỏ đang quây quần mọi người. Không gian thanh tĩnh, ấm áp đến lạ kì.
Đoàng. Tiếng pháo nổ đầu tiên hòa vào trong tiếng đếm ngược của mọi người, trong những lời chúc tốt đẹp đầu tiên của một năm mới. Cả nhà cùng nhau ngắm pháo hoa, thầm ước nguyện cho năm mới. Không khí thật náo nhiệt, tưng bừng, đọng lại đó chính là một buổi quây quần thật đáng nhớ.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 8
Vào mỗi ngày cuối tuần khi chị gái em đi học xa trở về, nhà em lại quây quần đông đủ. Trong căn nhà nhỏ xinh rộn ràng tiếng cười vui vẻ. Buổi tối khi bố mẹ đi làm về, cả nhà cùng nhau sum họp đầm ấm. Đây cũng là lúc em cảm thấy hạnh phúc nhất.
Từ buổi chiều mẹ đã đi chợ mua những thức ăn ngon. Em giúp mẹ nhặt rau, vo gạo. Rau sạch được hái từ vườn nhà, thịt được mẹ mua ở nhà cô Thắm đầu làng trông rất tươi ngon. Mẹ bật bếp xào nấu thức ăn, mùi thơm ngào ngạt thật hấp dẫn. Bố và chị gái cùng mổ gà, em trai đi hái đỗ. Tất cả đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn sàng. Mọi người cùng nhau làm việc vui vẻ. Những tiếng nói, tiếng cười vang lên rộn ràng cả gian bếp nhỏ.
Màn đêm dần buông xuống, tiếng ếch kêu ồm ộp, tiếng dế du dương tạo thành một bản hòa ca mùa hè. Cơm nấu xong, mẹ sai em trải chiếu giữa nhà, chị gái bê mâm cơm. Cả nhà ngồi quây quần quanh mâm cơm, ai cũng khen những món ăn mẹ nấu. Chúng không chỉ đẹp mắt mà lại còn thơm ngon. Vừa ăn cơm mọi người trong gia đình vừa cùng nhau nói chuyện vui vẻ. Bố hỏi chị về tình hình học tập ở trường, nhắc nhở em và em trai học hành chăm chỉ hơn. Mẹ thì lúc nào cũng chu đáo, dịu dàng. Mẹ nhắc nhở ba chị em phải ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe. Gió ngoài vườn thổi vào mang theo mùi hương hoa trong vườn nhẹ nhàng, khoan khoái. Thỉnh thoảng em út lại nói mấy câu trẻ con ngộ nghĩnh khiến cả nhà cười vui vẻ. Những giây phút đó thật hạnh phúc!
Sau bữa cơm, mẹ chỉ huy mấy chị em cất dọn, rửa bát. Ai cũng hoàn thành tốt công việc của mình. Mẹ mang lên một đĩa dưa hấu được cắt tỉa đẹp mắt. Mọi người lại tiếp tục những câu chuyện còn dang dở. Ngoài cửa sổ, ánh trăng tròn sáng vằng vặc trên cao như mỉm cười cùng hạnh phúc của gia đình nhỏ.
Mỗi ngày trôi qua em đều mong đến cuối tuần để cả gia đình lại được sum họp đông đủ. Không khí ấm cúng, vui vẻ trong căn nhà sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí em.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 9
Gió mùa Đông Bắc tràn về làm cho khí trời buổi tối trở nên lạnh lẽo. Sau khi ăn cơm xong, gia đình em quây quần sum họp trong căn nhà thật ấm cúng.
Lúc này, các cửa đã được đóng kín. Dưới ánh đèn nê- ông, bức tường quét vôi xanh hắt ánh sáng dịu nhẹ. Tại một góc nhà, bên cạnh chiếc bàn nhỏ có để sẵn ấm nước và bốn chén nhỏ, một gạt tàn thuốc lá và bao thuốc lá, cha em ngả người trên chiếc ghế chăm chú đọc báo. Mắt cha em đeo kính lão và hai ngón tay kẹp điếu thuốc đang hút dở. Thỉnh thoảng, cha lại ngước mắt lên qua gọng kính để thông báo những mẫu tin tức hấp dẫn cha vừa đọc được cho cả nhà nghe.
Trên giường, mẹ em ngồi trò chuyện với chị em và cháu Bo. Mẹ vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt trên đôi tay kim đan cho cháu Bo chiếc áo len. Kế bên cạnh, chị em vừa nói chuyện với mẹ, vừa vuốt thẳng một tấm vải có lẽ chị định cắt quần cho cháu bé. Ngồi chễm chệ giữa giường là Bo. Được bà và mẹ thả lỏng, bé đang đùa giỡn với con mèo mướp. Bé vuốt ve con mèo và cố ý bế nó, nhưng con mèo vẫn cứ luồn ra vòng tay của bé. Bé túm chân mèo giữ lại làm mèo sợ hãi kêu lên: “Meo! Meo!”. Bo sợ quá bỏ tay ra và quay về phía mẹ cầu cứu.
Còn em, trên góc học tập của mình, em đang chuẩn bị sách vở và đồ dùng để học bài buổi tối. Em cảm thấy mọi người đều cố gắng nói nhỏ nhẹ, tạo điều kiện cho em học. Cả đến bé Bo thỉnh thoảng hét toáng lên cũng được bà nhắc nhở.
Không khí buổi sinh hoạt tối của gia đình em thật là đầm ấm. Mỗi người đều có những việc riêng nhưng đều quan tâm lẫn nhau với tình thương yêu đùm bọc. Em mong được sống nhiều buổi tối yên vui trong căn nhà thân yêu.
Tả lại cảnh sum họp của gia đình em – Mẫu 10
Ba em làm việc ở Vũng Tàu, cách nhà hàng trăm cây số, một tuần mới về một lần vào tối thứ bảy. Đây là dịp gia đình em sum họp.
Cơm nước xong xuôi, mọi người quây quần trong phòng khách nhỏ bé và ấm cúng. Ánh đèn nê-ông toả ánh sáng xanh dịu. Mấy lẵng hoa phong lan bằng giấy tự tay mẹ em làm treo trên tường màu sắc rực rỡ trông như thật. Đồ đạc trong phòng được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp.
Ba em bế bé Thảo vào lòng, âu yếm hôn lên tóc, lên má bé. Thảo ôm lấy cổ ba, nũng nịu: “Ba! Ba có nhớ con không?”. Ba đáp: “Nhớ lắm!”. Rồi ba hỏi lại bé: “Thế con có thương ba không?”. Bé Thảo cười, nhe hàm răng sún: “Con thương ba nhiều!”. Ba trêu: “Nhiều bằng ngần nào?”. Bé Thảo xòe mười ngón tay xinh xinh: “Nhiều bằng ngần này này!”. Mẹ đang đọc báo, em đang tập chơi đàn organ đều phì cười vì vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của bé.
Kim đồng hồ chỉ bảy giờ. Em bật tivi để coi tiết mục Vườn âm nhạc. Tối nay, chương trình văn nghệ mẫu giáo rất hay. Bé Thảo vừa xem vừa vỗ tay hát theo. Mẹ khen bé hát hay, bé cười tít mắt, càng hát lớn hơn. Đôi bím tóc thắt nơ hổng làm tăng vẻ dễ thương của bé.Mẹ bưng ra một đĩa bánh kẹo, quà của ba mang về hồi chiều. Bé Thảo thích thú vỗ tay reo: “A, kẹo ngon quá! Mẹ cho con nhiều nha mẹ!”. Ba mắng yêu: ‘Thảo hư nhé! Ăn nhiều kẹo buổi tối là sâu răng đấy! Ăn xong, hai chị em nhớ đánh răng cho sạch nghe chưa!”. Rồi ba quay sang hỏi mẹ về tình hình công việc nhà cửa trong tuần. Mẹ vui vẻ đáp: “ổn cả thôi anh ạ! Anh cứ yên tâm!”. Ba dặn em phải giúp đỡ mẹ để mẹ đỡ vất vả lúc ba vắng nhà. Ba hỏi em: “Tuần này kết quả học tập của con ra sao? Môn Toán có khá hơn chút nào không?”. Em sung sướng khoe với ba mấy điểm mười đỏ chói trong vở bài tập. Ba xoa đầu em, động viên: Nếu con cố gắng liên tục như thế này thì ba tin rằng cuối năm con sẽ đạt danh hiệu học sinh giỏi”. Em hiểu rằng có được kết quả đó là do sự chỉ bảo tận tình của thầy cô và ba mẹ. Mỗi lần về thăm nhà, ba lại tranh thủ hướng dẫn em làm những bài toán khó.
Tối thứ bảy nào gia đình em cũng sum họp trong tình yêu thương đầm ấm như vậy. Em cảm thấy rằng được sống trong vòng tay bao bọc của ba mẹ hạnh phúc biết chừng nào!