Tả ngôi nhà lá ở nông thôn (Dàn ý + 4 mẫu), Tài Liệu Học Thi xin mời các bạn cùng tham khảo tập làm văn lớp 4: Tả ngôi nhà lá ở nông thôn, đây là tài liệu cực kỳ hữu
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu tập làm văn lớp 4: Tả ngôi nhà lá ở nông thôn, đây là tài liệu được chúng tôi đăng tải tại đây.
Ngôi nhà lá là một trong những hình ảnh đặc trưng của vùng nông thôn Việt Nam. Sau đây, sẽ là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 4: Tả ngôi nhà lá ở vùng nông thôn, mời tất cả thầy cô và các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Xem Tắt
Dàn ý tả ngôi nhà lá ở nông thôn
I. Mở bài:
– Giới thiệu về địa phương có những ngôi nhà lá: Giới thiệu về một vùng quê nông thôn, vùng cao miền ngược,…
II. Thân bài:
– Tả hình dáng ngôi nhà: Thường là một tầng, nhiều gian.
– Tả các bộ phận của nhà lá: Mái nhà, vách nhà, sàn nhà, cột nhà,…
– Tả đặc điểm của nhà lá: Mùa hè mát, mùa đông ấm, thoáng đãng,…
III. Kết bài:
– Cảm nhận của em về ngôi nhà lá: Nhà lá là một trong những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tả ngôi nhà lá ở nông thôn – Mẫu 1
Đi dọc sông Cần Thơ, qua xã Hưng Lợi, thấy ngôi nhà nhìn xuống sông cạnh cây bần già ba ngọn. Đó là ngôi nhà em ở. Ngôi nhà được cha mẹ cất từ hơn mười năm rồi.
Mười năm mái lá dừa nước đã bao lần thay mới cũ. Những tán dừa tán xoài cứ lên cao dần tỏa màu cạnh bên mái lá, vườn cam quýt sau vườn đang vào thời sung sức giục ngôi nhà đổi tường thay mái. Ngôi nhà còn đang đứng đó làm cái tổ ấm cho gia đình em. Mỗi ngày qua em càng thấy nó, in đậm vào tâm trí mình. Đến giờ cứ nhắm mắt lại em hình dung ra nó rõ mồn một. Này nhé, ngôi nhà được làm nên từ cây lá miệt vườn. Những cột kèo làm bằng cây đước, cây vú sữa, sầu riêng nước gồ láng bóng. Vách nhà được thăng bằng ván gỗ xoài, đỡ những tranh lá dừa nước hợp lý đều tăm tắp. Ba gian trước nhà được bố trí làm ba phần. Gian giữa là cái trang thờ gia tiên to rộng. Bát nhang, ống hương, bài vị cái nào cũng to, cái nào cũng được lau chùi cẩn thận. Trang thờ luôn toả khói trầm. Đĩa trái cây mùa nào thức nấy đầy trái vườn chín tới. Gian bên tay mặt có tủ ly, tủ chén đầy ắp đồ sứ, đồ thuỷ tinh. Tủ tivi, cassette kê cạnh bộ bàn trà. Trên vách gỗ tờ tranh lịch rực rỡ màu sắc. Gian bên tay trái có tủ gương loại nhất và bộ ván ngựa dày đẩy ngang tay em. Từ gian này có lối đi dọc nhà xuống nhà sau, cũng là lối vào phòng của cha mẹ em, rồi phòng à của em. Phòng em ở nhỏ thôi nhưng nó có đủ các đồ dùng cần thiết cho em. Cái giường một kê sát bên vách ngăn phòng, cái tủ sắt em đựng áo quần ở cuối giường. Đối diện với cửa ra vào bên kia là cửa sổ. Chỗ ấy là góc học tập của em. Một cái bàn học kê sát cửa sổ. Một cái giá sách ba tầng áp vào vách. Không ở đâu ngồi học yên tĩnh, thoải mái như ở đây. Sát với phòng em là những gian thuộc khu nhà bếp. Mái nhà được lợp ngược lại, đổ chung một lòng máng với nhà ở. Cha mẹ đã sắp đặt gian này gọn gàng. Chạn đồ ăn, bàn ăn một góc. Dàn bếp lò, xoong chảo một góc. Những lu gạo, lu mắm, lu nước mưa xếp đầy giữa hai khu trên… ở gian sau này ngày vài lần bếp đỏ lửa, ngày hai bữa cha mẹ và em quây quần quanh mâm cơm, ở gian này cả nhà gặp gỡ ngồi với nhau đều hơn, nhiều hơn ở gian nhà trước. Gian ngoài đó ba má tiếp khách, và cả nhà chỉ họp mặt đông đủ mỗi tối thứ bảy. Buổi tối duy nhất trong tuần em nghỉ học bài ra ngoài trò chuyện cùng cha, mẹ.
Ngôi nhà này cũng như bao ngôi nhà khác, hòa lẫn trong màu xanh cây lá miệt vườn. Mỗi ngày em quét dọn nhà sạch sẽ. Cô bác và các bạn có dịp đi dọc sông Cần Thơ, qua xã Hưng Lợi tới gốc bần già ba ngọn xin mời ghé nhà em. Mời nghỉ chân nơi bàn trà, thưởng thức trái vườn cho vị ngọt của trái cây cũng sự mát mẻ của ngôi nhà làm người khoẻ lại.
Tả ngôi nhà lá ở nông thôn – Mẫu 2
Chắc hẳn trong số chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những ngôi nhà bê tông cốt thép, có thể là nhà cấp bốn cũng có thể là những nhà tầng đến những ngôi nhà cao chọc trời. Thế nhưng, không phải ở đâu cũng may mắn được ở ngôi nhà chắc chắn, kiên cố như vậy, đâu đó ở những vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh kinh tế khó khăn vẫn là những ngôi nhà lá đơn sơ, mộc mạc.
Ở nông thôn, ta nhìn thấy nhiều những mái nhà lá đơn sơ bởi chi phí làm nhà rẻ hơn rất nhiều so với nhà bê tông cốt thép, “tiền nào của ấy” nhà lá không thể chắc chắn và an toàn bằng nhà bê tông. Nhà lá được chia làm nhiều loại, nhà lá ở vùng cao phía bắc thường làm bằng lá cọ, những lớp lá cọ khi mới lợp trông rất dày, dài và sáng bóng còn nhà lá trong miền nam vùng sông nước lại làm bằng lá dừa, các lá mảnh nhỏ, dài và đều hơn. Khi lợp mái nhà, lá được xếp thành nhiều lớp xen kẽ nhau để không ngấm nước mưa, cứ lớp này chồng lên lớp kia như những lớp vẩy trên da cá tạo nên những mái nhà dày. Nhà lá nhìn bên ngoài có vẻ lụp xụp thiếu chắc chắn nhưng thực tế lại khác hoàn toàn, trụ nhà là các cột gỗ to chắc nịch có cột bằng cả người ôm, vách nhà được ghép ván gỗ dày như tấm phản hoặc dát bằng chính lá lợp mái. Sàn nhà có thể được làm bằng ván gỗ hoặc bằng những thanh tre xếp đều tăm tắp khi bước đi trên đó lại phát ra những tiếng đặc trưng như lộc cộc hay kẽo kẹt. Sống trong ngôi nhà lá như là được thả mình vào thiên nhiên bởi không gian rất thoáng đãng, mát mẻ vào mùa hè, mùa đông lại rất ấm.
Hình ảnh nhà lá là một phần vẻ đẹp trong phong tục tập quán của người Việt Nam ta, dù có không tiện nghi và cao sang nhưng người dân nông thôn vẫn giữ được nét đẹp đó trong lối sống hiện đại ngày nay.
Tả ngôi nhà lá ở nông thôn – Mẫu 3
Đa số các bạn nhỏ sống ở thành phố khi được hỏi về nhà lá đều cho rằng thời buổi hiện đại chẳng còn ai ở nhà lá nữa, thế nhưng có một sự thật là ở các vùng quê nông thôn, vùng sâu vùng xa hay các vùng cao phía bắc trên mảnh đất Việt Nam này vẫn còn tồn tại rất nhiều những mái nhà lá.
Các bạn biết không, gọi chung là nhà lá nhưng không phải là lá nào cũng dùng để lợp nhà được, thông thường người ta chỉ dùng là lá cọ và lá dừa nước, lá cỏ tranh để lợp nhà. Chẳng khó khăn gì để nhận ra một ngôi nhà lá, chúng là những ngôi nhà gỗ đội chiếc nón lá trên đầu, những lớp lá này được lợp rất khéo léo và chắc chắn, bện chặt và móc nối vào nhau thành từng hàng như một hàng người đứng khoác tay nhau. Sự đoàn kết của những lớp lá đã giúp cho ngôi nhà mưa không bị dột, nắng không xuyên qua và gió bão cũng không làm xê dịch hay tốc mái. Những ngôi nhà lá không hẳn là làm trên mặt nước nhưng vẫn phải xây cao cách mặt đất và đi lên bằng cầu thang, rất độc đáo, phần vì làm cho ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ và thoáng mát hơn, phần lại tránh thú dữ. Một căn nhà lá thường rộng 3 – 5 gian, bên trong không chia phòng như nhà bê tông mà chỉ ngăn vách bằng tre nứa chính vì thế mà không gian trong nhà được mở rộng hơn, không bí bách và cảm giác như sống trong đó con người ta sẽ “dễ thở” hơn. Nằm trên sàn nhà bằng gỗ vào mùa hè cũng có thể làm bạn “nổi da gà” vì độ mát mẻ, còn mùa đông dù chỉ trải tấm chiếu cói cũng thấy ấm áp.
Ngày nay với điều kiện khá giả hơn, nhiều người vẫn dựng nhà lá để ở nhưng đề cao tính chắc chắn, kiên cố và thẩm mỹ, chính vì thế xuất hiện nhiều những ngôi nhà lá đẹp, bóng bẩy và sang trọng, có khi còn đắt đỏ hơn việc xây nhà cao tầng. Những ngôi nhà lá như thế vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt vừa để gìn giữ hình ảnh bản sắc dân tộc.
Tả ngôi nhà lá ở nông thôn – Mẫu 4
Đi đến các tỉnh vùng cao phía Bắc, nhìn từ trên đường đèo xuống các thung lũng, giữa các vách núi hay giữa ruộng nương bạt ngàn là những “cây nấm rơm” của đồng bào dân tộc nơi đây, đó chính là những ngôi nhà lá đặc trưng của vùng nông thôn miền ngược.
Những ngôi nhà lá là thích hợp và phù hợp với hoàn cảnh sống cũng như đặc điểm khí hậu khắc nghiệt nơi đây, những ngôi nhà lá đắp vách bằng đất rồi lợp mái bằng lá cọ trông đơn sơ, giản dị mà mộc mạc thân thương đến lạ kỳ. Mùa hè khi đến đây bước vào căn nhà lá chúng ta sẽ không cần quạt, bởi căn nhà như một chiếc điều hòa tự nhiên tuyệt vời, gió ở ngoài có thể nóng nhưng vào trong nhà lại rất mát mẻ, thoáng đãng. Mùa đông những căn nhà lá đơn sơ ấy lại ôm ấp sưởi ấm cho con người, những bếp củi trong nhà như những lò sưởi cháy suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Đa số ngôi nhà lá thường có ba gian và hai cửa, một cửa chính, một cửa phụ và ít nhất có hai cửa sổ, ba gian nhà được chia ra thành từng khu khác nhau, từ cửa chính bước vào gian bên trái thường là gian bếp nấu nướng, tắm giặt; gian bên phải là phòng ngủ, gian giữa rộng nhất là nơi tiếp khách và đặt bàn thờ tổ tiên. Sự bố trí như vậy mang lại cảm giác ấm cúng và gọn gàng cho ngôi nhà. Những cột gỗ lớn làm trụ nhà giống như những đôi chân to khỏe, chắc chắn chống đỡ cả ngôi nhà, dù bão gió cũng không làm lung lay, cây nấm khổng lồ ấy nằm giữa đại ngàn cứ lớp lá cũ mục đi lại được thay bằng lớp lá mới, giống như việc thay một chiếc mũ mới cho mình. Bên ngoài một ngôi nhà lá còn được bảo vệ bằng lớp hàng rào đá, những viên đá to nhỏ khác nhau, người xếp khéo căn kẻ góc cạnh của từng viên giúp cho bức tường không có chất kết dính nhưng vẫn rất kiên cố.
Có thể nói, nhà lá là một trong những không gian đặc trưng tiêu biểu cho nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Em rất yêu thích những ngôi nhà lá và mong sẽ có nhiều cơ hội được ở trải nghiệm ở nhiều những ngôi nhà lá khác nhau.