Thủ tục đăng ký sáng chế, Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Thủ tục đăng ký sáng chế:
1. Trình tự thực hiện:
– Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
– Ra thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.
– Công bố đơn: Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
– Thẩm định nội dung đơn:
+ Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;
+ Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
– Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.
2. Cách thức thực hiện:
– Trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Qua bưu điện.
3. Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Tờ khai (02 bản theo mẫu);
+ Bản mô tả (02 bản, bao gồm cả hình vẽ, nếu có);
+ Yêu cầu bảo hộ (02 bản);
+ Các tài liệu có liên quan (nếu có);
+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.
– Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
4. Thời hạn giải quyết:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;
– Công bố đơn: 18 tháng kể từ ngày ưu tiên hoặc tháng thứ 2 từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung;
– Thẩm định nội dung: 12 tháng từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung hoặc ngày công bố.
5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.
6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Sở hữu trí tuệ.
7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
– Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
– Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
8. Lệ phí:
– Lệ phí nộp đơn: 180.000 đồng.
– Lệ phí công bố đơn: 120.000 đồng.
– Phí thẩm định nội dung: 420.000 đồng.
– Phí tra cứu: 120.000 đồng.
– Lệ phí cấp bằng: 120.000 đồng.
– Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng.
9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
– Tờ khai đăng ký sáng chế (mẫu kèm theo).
– Tờ khai yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế (mẫu kèm theo).
10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
– Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau có quyền đăng ký sáng chế:
+ Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
+ Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật;
+ Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý;
+ Trường hợp sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phi từ ngân sách Nhà nước:
Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan Nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế;
Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan Nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký sáng chế;
Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thỏa thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan Nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan Nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế.
– Để được cấp Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp nộp đơn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Có tính mới;
+ Có trình độ sáng tạo;
+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.
– Để được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, giải pháp nộp đơn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Có tính mới;
+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.
11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
– Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
– Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP;
– Thông tư số 22/2009/TT-BTC ngày 04/02/2009 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.