Tổng hợp những kết bài về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (29 mẫu), Tài Liệu Học Thi giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 12 tài liệu Tổng hợp những kết bài về tác phẩm
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu, với phong cách sáng tác giàu tính biểu tượng trong nền văn học nước nhà. Những tác phẩm của ông luôn khiến người đọc phải trằn trọc, suy nghĩ rất nhiều. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một câu chuyện giàu sức gợi như thế.
Sau đây Tài Liệu Học Thi giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 12 tài liệu Tổng hợp những kết bài về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất. Tài liệu bao gồm 29 mẫu kết bài xoay quanh tác phẩm giúp các bạn học sinh ôn tập, tích lũy vốn từ, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Mời các bạn cùng theo dõi và tải tài liệu tại đây.
Xem Tắt
- 1 Kết bài phân tích tình huống truyện
- 2 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa
- 2.1 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 1
- 2.2 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 2
- 2.3 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 3
- 2.4 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 4
- 2.5 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 5
- 2.6 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 6
- 2.7 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 7
- 2.8 Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 8
- 3 Kết bài phân tích nhân vật Phùng
- 4 Kết bài phân tích nhân vật Đẩu
- 5 Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài
- 5.1 Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 1
- 5.2 Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 2
- 5.3 Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 3
- 5.4 Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 4
- 5.5 Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 5
- 5.6 Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 6
- 6 Kết bài phân tích tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm
Kết bài phân tích tình huống truyện
Kết bài phân tích tình huống truyện – Mẫu 1
Thông qua tình huống truyện của “Chiếc thuyền ngoài xa” Nguyễn Minh Châu thể hiện rất nhiều thông điệp có ý nghĩa sâu sắc. Không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận đánh giá một hiện tượng mà cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều.Thông qua đó, nhà văn cũng nêu lên thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Người nghệ sĩ không thể đứng từ xa để nhìn ngắm cuộc sống mà phải kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời. Tình huống truyện cũng góp phần tô đậm giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Kết bài phân tích tình huống truyện – Mẫu 2
Thành công trong truyện ngắn chính là việc Nguyễn Minh Châu xây dựng được tình huống truyện đặc sắc, độc đáo, nhấn mạnh mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Người đọc ngộ ra từng điều sau những tình huống truyện mang ý nghĩa sâu sắc, càng thêm thấm thía về lẽ đời. Tác giả đã đem đến cho người đọc những cái nhìn mới mẻ về con người về đời sống.
Kết bài phân tích tình huống truyện – Mẫu 3
Tóm lại, trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo nên những tình huống truyện khá độc đáo, tạo cho người đọc sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống và đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng của xã hội là khi nhìn cuộc sống chúng ta phải có cái nhìn đa chiều, chúng ta mới hiểu cuộc sống sâu sắc hơn. Nếu nhìn cuộc sống một cách hời hợt, theo cảm tính, theo sách vở thì chúng ta chưa thể hiểu hết được những nghịch lý nhưng có lí của thực tế cuộc sống.
Kết bài phân tích tình huống truyện – Mẫu 4
Như vậy, tình huống truyện của Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ là phát hiện mang tính khám phá của Phùng mà còn là tình huống nghệ thuật đặc sắc được dựng lên để thể hiện những quan điểm, triết lí nhân sinh sâu sắc của Nguyễn Minh Châu.
Kết bài phân tích tình huống truyện – Mẫu 5
Như vậy thông qua tình huống truyện trong tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rất nhiều thông điệp có ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống và nghệ thuật. Chúng ta không thể đơn giản hay sơ lược khi nhìn nhận đánh giá về một hiện tượng sự vật mà cần có cái nhìn đa diện đa chiều. Phân tích tình huống truyện chiếc thuyền ngoài xa cũng giúp người đọc cảm nhận được ý nghĩa nhân văn của tác phẩm cùng phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Kết bài phân tích tình huống truyện – Mẫu 6
Với hai tình huống truyện độc đáo, bất ngờ được đặt xen kẽ, thống nhất trong cốt truyện đã làm nổi bật lên chiều sâu tư tưởng và giá trị cho truyện ngắn. Thông qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn nhắn gửi đến độc giả một triết lý vô cùng sâu sắc: Để thấu hiểu hết cái sự đời ta không nên chỉ ngắm nhìn nó qua lăng kính của sách vở mà phải đi sâu đi sát vào thực tế, tìm tòi, khám phá, và cảm nhận để có thể ngắm nhìn hết cái khối đa diện của cuộc sống.
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 1
Với sự cách tân đổi mới trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật Nguyễn Minh Châu đã tạo nên tác phẩm xuất sắc. Không lấy những người hùng làm nhân vật trung tâm mà đi sâu tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp ở những con người bình thường. Tác phẩm cũng là những đúc kết thấu đáo về nghệ thuật và con người: về con người, phải nhìn nhận đa chiều, đa diện, không nên đánh giá phiến diện, một chiều; về nghệ thuật: nghệ thuật chân chính phải gắn liền với cuộc đời, xuất phát từ cuộc đời và quay trở lại phục vụ cho cuộc đời.
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 2
Tính tình huống đã làm cho truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” vừa chân thực, vừa mang giá trị nhân bản sâu sắc. Phải chăng cuộc đời lam lũ nghèo khổ, nheo nhóc, sự tối tăm ngu dốt… là một trong những nguyên nhân gây ra nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong một số gia đình Việt Nam lâu nay? Phải chăng Nguyễn Minh Châu đã kín đáo nói về một căn nguyên đầy nước mắt mà thi hào Nguyễn Du đã viết trong “Văn chiêu hồn” hơn hai thế kỉ trước:
“Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 3
Qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã nêu lên bài học về cái nhìn đa diện, cái nhìn khám phá trong sáng tạo nghệ thuật đối với các nghệ sĩ chân chính. Từ tình huống truyện có ý nghĩa khám phá, phát hiện về sự thật đời sống và qua sự thay đổi nhận thức của Phùng, của Đẩu, tác giả đã khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Theo ông, bổn phận của người nghệ sĩ là phải phát hiện ra bản chất của cuộc đời. Cái Đẹp, cái Thiện trước hết phải là sự chân thực, Cuộc sống vốn phức tạp, chúng ta không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận con người và cuộc sống mà cần có cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc cùng với sự tìm tòi, phát hiện để hiểu đúng bản chất của nó.
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 4
Với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, mới lạ, mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc đời, và cách trao ngòi bút cho nhân vật kể chuyện( nhân vật Phùng), “Chiếc thuyền ngoài xa” đã để lại ấn tượng sâu đậm. Thành công của Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho người đọc một tác phẩm đầy tính triết lý và chiêm nghiệm về cuộc đời, con người và cả nghệ thuật. Những triết lý luôn đúng với mọi thời đại.
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 5
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu thể hiện sâu sắc những đổi mới cơ bản của văn học Việt Nam sau 1975. Văn học đã trở về với những vấn đề của đời sống nhân sinh, quan tâm nhiều hơn đến các đề tài đạo đức – thế sự (như câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn này). Khác với giai đoạn trước- chủ yếu khắc hoạ con người, ở giai đoạn này, văn học đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm phức tạp và đầy mâu thuẫn của con người trong cuộc sống thường nhật (đời sống tâm hồn của người đàn bà vùng biển).
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 6
Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm văn học xuất sắc của Nguyễn Minh Châu, để lại cho chúng ta những bài học quý giá về triết lý nhân sinh của cuộc đời, biết đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời khốn khó. Từ tình huống truyện có ý nghĩa như một nút thắt để người đọc khám phá về sự thật cuộc đời, từ những thay đổi trong nhận thức con người, tác giả đã chỉ rõ mối liên hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Nhà văn cũng như thư ký của thời đại, phải có trách nhiệm tái hiện cuộc sống trong ngòi bút nghệ thuật của mình.
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 7
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Mỗi người trong cõi đời,nhất là người nghệ sĩ,không thể đơn giản,sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người. Cần một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Đồng thời tác phẩm in đậm phong cách tự sự – triết lí của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Kết bài phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 8
Qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, chúng ta có thể hiểu vì sao Nguyễn Minh Châu được đánh giá là “thuộc trong số những nhà văn mở đường cho tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay”. Thông qua các nhân vật trong truyện, nhà văn đã cho ta thấy hành trình khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự với việc đặt con người, cách nhìn con người lên làm trung tâm của sáng tạo văn chương, nghệ thuật.
Kết bài phân tích nhân vật Phùng
Kết bài phân tích nhân vật Phùng – Mẫu 1
Nhân vật Phùng là nhân vật không thể thiếu trong tác phẩm này của Nguyễn Minh Châu. Anh vừa là nhân vật tạo tình huống, vừa là nhân vật gắn kết các sự kiện với nhau, thể hiện thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm. Là một người có tâm hồn chiến sĩ và nghệ sĩ, Phùng đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng người đọc.
Kết bài phân tích nhân vật Phùng – Mẫu 2
Truyện Chiếc thuyền ngoài xa qua những phát hiện của Phùng về vẻ đẹp của thiên nhiên, về sự thật cay đắng, đầy bi kịch, nghèo khổ của những con người lao động bằng nghề chài lưới, đã bộc lộ những lo lắng, trăn trở của nhà văn về nhân cách, đời sống con người, bộc lộ lòng thương cảm, trắc ẩn, trân trọng những vẻ đẹp trong tâm hồn người dân lao động. Truyện đậm chất tự sự, triết lý, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.
Kết bài phân tích nhân vật Phùng – Mẫu 3
Như vậy, giữa nghệ thuật và cuộc đời có một khoảng cách quá xa khiến người nghệ sĩ có sự ngộ nhận. Phải chăng qua tình huống này, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc. Để phản ánh đúng về bản chất của cuộc sống, con người. Người nghệ sĩ đích thực không thể đứng ngoài xa để quan sát mà phải sống gắn bó với hiện thực đời sống, phải nhìn nhận sự vật một cách đầy đủ, toàn diện. Mặt khác, muốn có được một bức ảnh nghệ thuật đẹp theo đúng nghĩa của nó thì trước hết phải làm cho cuộc sống đẹp đẽ, mới mẻ với những con người có tâm hồn trong sáng, tinh khôi.
Kết bài phân tích nhân vật Phùng – Mẫu 4
Đọc truyện ngắn, Phùng hiện ra cùng với những nét đẹp của một nghệ sĩ đam mê cái đẹp, yêu tha thiết sự công bằng. Qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện, anh nhận ra được nhiều điều về hiện thực cuộc sống và từ đó có những phát hiện mới mẻ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Cuộc đời và nghệ thuật có mối quan hệ gần gũi với nhau không tách rời nhau.
Kết bài phân tích nhân vật Đẩu
Kết bài phân tích nhân vật Đẩu – Mẫu 1
Thông qua tình huống truyện nhận thức, Nguyễn Minh Châu đã giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học thông điệp có ý nghĩa sâu sắc. Không thể đơn giản, khi nhìn nhận về một vấn đề, đánh giá một hiện tượng. Người nghệ sĩ không thể đứng từ xa nhìn ngắm cuộc đời mà cần có những khám phá đi sâu, kéo sắt nghệ thuật gần với cuộc sống. Tình huống truyện đã góp phần tô đậm giá trị của tác phẩm.
Kết bài phân tích nhân vật Đẩu – Mẫu 2
Tuy không phải nhân vật trung tâm xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, nhân vật Đẩu vẫn hiện lên với đầy đủ những hành động, suy nghĩ rất đẹp. Qua sự thức nhận của tâm hồn Đẩu, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng gửi gắm những triết lý rất đời, rất thấm thía tới người đọc, để họ cùng nghĩ suy và chia sẻ với tác giả.
Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài
Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 1
Tóm lại, người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài là hai nhân vật được xây dựng rất thành công của Kim Lân và Nguyễn Minh Châu. Tuy có nhiều điểm khác nhau trong phong cách nhưng với tinh thần nhân đạo cao cả, hai nhà văn đều khám phá và nâng niu trân trọng những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Qua hai tác phẩm, các tác giả còn cho chúng ta thêm tin tưởng vào sự bất diệt của những phẩm chất tốt đẹp trong con người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Với tất cả giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy, chắc chắn cả hai nhân vật cũng như tên tuổi của Kim Lân và Nguyễn Minh châu sẽ có sức sống lâu dài trong kho tàng văn học dân tộc.
Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 2
Qua những nét khắc họa ấn tượng từ ngoại hình dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, hành động,…nhân vật người đàn bà hàng chài đã trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh giúp Nguyễn Minh Châu thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn. Đó là niềm cảm thương và nỗi lo âu cho số phận con người bất hạnh bị cầm tù trong đói nghèo, khốn khổ, bạo lực. Đồng thời thể hiện niềm tin yêu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn, tính cách những con người luôn sống cuộc sống lòng người nhân hậu, vị tha.
Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 3
Gấp trang truyện lại người đọc còn mãi ám ảnh bởi những câu hỏi: Cuộc đời người đàn bà ấy rồi sẽ kết thúc ra sau? Những đứa con tội nghiệp của bà có được cuộc sống hạnh phúc? Đó là những vấn đề nhà văn vẫn chưa đưa ra lời giải đáp. Câu trả nằm trong cuộc sống, hành động của mỗi người chúng ta . Điều đó nói lên giá trị của tác phẩm và tầm vóc to lớn của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 4
Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, chỉ qua một nhân vật người đàn bà trong truyện mà người đọc như được nhìn thấy cuộc đời của biết bao nhiêu người phụ nữ Việt nam trong mọi thời đại. Tấm lưng bạc phếch, ánh mắt cam chịu hay nụ cười hạnh phúc khi nhìn những đứa con có lẽ sẽ còn ám ảnh rất lâu trong tâm trí độc giả. Tác giả đã gửi gắm không chỉ niềm cảm thương, xót xa cho số phận con người bị đánh đập, đói nghèo mà còn thể hiện niềm tự hào, trân trọng vì những vẻ đẹp tâm hồn không gì có thể làm lấm bùn, thui chột.
Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 5
Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thành công nhân vật người đàn bà hàng chài. Nhân vật này đã giúp bạn đọc cảm nhận được sự thấu hiểu, sự đồng cảm và tình thương mà tác giả dành cho nhân vật của mình. Qua đó, Nguyễn Minh Châu cũng phần nào khẳng định mình xứng đáng với vị trí là một trong những “người mở đường đầy tài hoa và tinh anh” (Nguyên Ngọc) trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam.
Kết bài phân tích hình tượng người đàn bà làng chài – Mẫu 6
Tóm lại, nhân vật người đàn bà hàng chài là một người mẹ giàu đức hi sinh và thấu hiểu lẽ đời.Một phụ nữ vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của người Á Đông là biết nhẫn nhịn, biết hi sinh bản thân vì gia đình, chồng con. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, tác giả muốn gửi đến người đọc những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, về nghệ thuật. “Chiếc thuyền ngoài xa” mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống con người. Đó là cái nhìn đa chiều , ở các cự li khác nhau, để phát hiện ra bản chất sau vẻ ngoài của cuộc sống và con người. Phải chăng sau câu chuyện rất buồn này,trái tim nhân hậu của Nguyễn Minh Châu vẫn ấm áp niềm tin yêu cuốc ông, trân trọng vẻ đẹp của tuổi thơ, của tình mẫu tử , sự can đảm và tấm lòng bao dung của người phụ nữ? Đó không phải là vẻ đẹp chói chang, hào hùng mà là những hạt ngọc khuất lấp, lẫn trong cái lấm láp, lam lũ của đời thường.
Kết bài phân tích tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm
Kết bài phân tích tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm – Mẫu 1
Như vậy, chỉ một chi tiết“tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm”, nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ khép lại, đặt dấu chấm cho một câu chuyện mà còn tổng kết được những giá trị tư tưởng, gợi mở ra những suy tư, chiêm nghiệm nơi độc giả.
Kết bài phân tích tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm – Mẫu 2
Khép lại tác phẩm, chính bức ảnh ấy lại làm anh không dứt khỏi những ưu tư, vỡ ra bao nhiêu nhận thức. Chi tiết bức ảnh đã trở thành một cấu tứ cho truyện ngắn này. Riêng tôi vẫn tự đặt câu hỏi: Nếu được chụp lại bức ảnh Phùng sẽ chụp như thế nào? Điều đó hẳn cũng có nhiều thú vị!
Kết bài phân tích tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm – Mẫu 3
Tóm lại, qua đoạn kết, phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nói Chiếc thuyền ngoài xa chính là vẻ đẹp của ước mơ, của lí tưởng mà người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới. Nhưng để cho nó có máu thịt của cuộc sống, người nghệ sĩ khi thể hiện nó cần có một tấm lòng trân trọng, cảm thông. Nó là nỗi dằn vặt, đau đáu khi người nghệ sĩ cảm thấy mình chưa thể hiện được hết điều muốn nói.