Tổng hợp những mở bài về bài thơ Thương vợ hay nhất (25 mẫu), Tổng hợp những mở bài về bài thơ Thương vợ hay nhất mang tới 25 mẫu mở bài về bài thơ Thương vợ của
Tổng hợp những mở bài về bài thơ Thương vợ hay nhất mang tới 25 mẫu mở bài về bài thơ Thương vợ của Tú Xương, giúp các em học sinh lớp 11 tham khảo, viết đoạn mở bài súc tích nhất. Mời các em cùng tham khảo chi tiết trong bài viết dưới đây:
Xem Tắt
- 1 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ
- 1.1 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 1
- 1.2 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 2
- 1.3 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 3
- 1.4 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 4
- 1.5 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 5
- 1.6 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 6
- 1.7 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 7
- 1.8 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 8
- 1.9 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 9
- 1.10 Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 10
- 2 Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương vợ
- 3 Mở bài phân tích hai câu cuối bài Thương vợ
- 4 Mở bài vẻ đẹp nhân cách Tú Xương qua bài Thương vợ
- 5 Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú trong bài Thương vợ
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 1
Nói về tình nghĩa vợ chồng không thể không nhắc đến tác phẩm Thương vợ của Trần Tế Xương. Đúng là Tú Xương đã ý thức được sâu sắc cái vô tích sự của mình, cái gánh nặng mình đã đem đến cho vợ nên mới có lời “tự chửi” như thế. Nhưng một người chồng mà dám viết và đã viết ra một lời như vậy thì hẳn là phái ăn năn nhiều về mình và thương quý, nể trọng vợ biết bao nhiêu. Người viết ra câu thơ “có chồng hờ hững” này chắc chắn không thể là người chồng hờ hững, mà trái lại, luôn mang ơn và biết đến công lao vợ đã nuôi mình. Chỉ có điều, ông không làm gì, không có cách gì để giúp cho vợ. Đó chính là “cái bi kịch” gia đình đã thành nỗi niềm Thương vợ của ông trong bài thơ này.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 2
“Văn học nằm ngoài những quy luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Thơ văn Tú Xương là một trường hợp như vậy. Thể xác của ông hơn 100 năm nay đã hòa tan làm một cùng với đất mẹ nhưng sự nghiệp văn chương của con người tài hoa ấy chưa bao giờ ngừng sống làm lay chuyển lòng người, bất chấp mọi thử thách của thời gian. Nhắc đến Tú Xương ta không thể không nhắc đến “Thương vợ” bài thơ trữ tình thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh, trào phúng bản thân và bày tỏ tấm lòng yêu thương, kính trọng của ông đối với người vợ tần tảo hy sinh suốt một đời vì chồng, vì con, vì gia đình.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 3
Nhà văn Trần Tế Xương là một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm nói về lòng thương. Cũng như Nguyễn Khuyến, Tú Xương có công phát triển tiếng Việt văn học, Việt hóa thể thơ Đường luật thêm một bước dài, góp phần đổi mới nghệ thuật dân tộc. Ông để lại hơn 100 bài thơ đều bằng tiếng Việt. Thương vợ được viết khoảng 1896 – 1897. Tác phẩm giới thiệu hoàn cảnh kiếm sống lam lũ, vất vả của bà Tú. Thời gian là quanh năm, có nghĩa là ngày nào cũng vậy, liên tục từ đầu năm đến cuối năm, không nghỉ một ngày nào; không gian là mom sông, một nơi kiếm sống lam lũ, có khi còn nguy hiểm, nhất là đối với người phụ nữ.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 4
Trần Tế Xương (1870 – 1907) thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, Nam Định (nay là phố hàng Nâu, thành phố Nam Định). Ông có cá tính rất phóng túng nên dù có tài nhưng thi đến tám lần chỉ đỗ tú tài. Tú Xương sông vào giai đoạn giao thời, giữa lúc xã hội phong kiến chuyển thành xã hội thực dân nửa phong kiến. Nam Định là nơi diễn ra cuộc sống ấy sớm và khá tập trung. Đó chính là hiện thực mà Tú Xương đã phản ánh rất sinh động và sắc nét trong một tiếng thơ trào phúng đặc sắc, với tiếng cười vỗ mặt sâu cay. Bên cạnh đó, ông còn có những bài thơ trữ tình đằm thắm mà tiêu biểu là bài Thương vợ viết về người bạn đời hiền thục, tần tảo của mình. Cũng như Nguyễn Khuyến, Tú Xương có công phát triển tiếng Việt văn học, Việt hóa thể thơ Đường luật thêm một bước dài, góp phần đổi mới nghệ thuật dân tộc. Ông để lại hơn 100 bài thơ đều bằng tiếng Việt. Thương vợ được viết khoảng 1896 – 1897. Nhà thơ có đến mấy bài thơ viết về vợ. Bà là Phạm Thị Mẫn, quê ở Hải Dương, là người vợ hiền thục, đảm đang tần tảo, rất mực yêu chồng thương con, biết trọng tài năng cá tính của ông. Vì vậy, Tú Xương rất nể và thương quý vợ. Bài thơ thể hiện được cả hai mặt của thơ Tú Xương: ân tình và hóm hỉnh.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 5
Nói đến thơ trào phúng không ai có thế quên ông, một giọng thơ đả kích, phê phán sắc sảo, cay độc, mạnh mẽ hiếm có. Chế Lan Viên từng viết: “Tú Xương cười như mảnh vỡ thủy tinh”. Nhưng Trần Tế Xương không chỉ là một nhà thơ hiện thực chủ nghĩa như vậy, nói như Nguyễn Tuân, chất hiện thực ấy chỉ là “chân trái”, còn “chân phải” của ông là chất trữ tình. Trân trọng cảm phục và nhớ tới thơ Tú Xương nhiều hơn có lẽ do người đời được nghe nhịp đập của một trái tim chân thành, giàu cảm xúc, biết trọng nhân cách, mang một nỗi đau vời vợi không nguôi. Buồn vì không có tiền để giúp một người ăn mày, một đồng bào cùng cảnh ngộ, ông thề độc: “Cha thằng nào có tiếc không cho”. Mang nỗi nhục nô lệ của một tri thức, ông chua chát: “Nhân tài đất Bắc kìa ai đó! Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”…
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 6
Tú Xương là nhà thơ trào phúng bậc thầy trong nền văn học Việt Nam. Ngoài những bài thơ trào phúng sắc nhọn, lấy tiếng cười làm vũ khí chế giễu và đả kích sâu cay bộ mặt xấu xa, đồi bại của cái xã hội thực dân nửa phong kiến, ông còn có một số bài thơ trữ tình, chứa chất bao nỗi niềm của một nhà nho nghèo về tình người và tình đời sâu nặng. “Thương vợ” là bài thơ cảm động nhất trong những bài thơ trữ tình của Tú Xương. Nó là một bài thơ tâm sự, đồng thời cũng là một bài thơ thế sự. Bài thơ chứa chan tình thương yêu nồng hậu của nhà thơ đối với người vợ hiền thảo.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 7
Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi còn sống càng hiếm hoi hơn. Các thi nhân thường chỉ làm thơ khi người bạn trăm năm đã qua đời. Kể cũng là điều nghiệt ngã khi người vợ đi vào cõi thiên thu mới được bước vào địa hạt thi ca. Bà Tú Xương có thể đã phải chịu nhiều nghiệt ngã của cuộc đời nhưng bà lại có niềm hạnh phúc mà bao kiếp người vợ xưa không có được: Ngay lúc còn sống bà đã đi vào thơ ông Tú Xương với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chồng. Trong thơ Tú Xương, có một mảng lớn viết về người vợ mà bài Thương vợ là một trong những bài xuất sắc nhất.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 8
Trần Tế Xương (bút danh là Tú Xương) là nhà thơ trào phúng nổi tiếng, có lẽ là nhà thơ trào phúng đặc sắc nhất trong nền văn học của nước nhà. Thơ trào lộng, châm biếm, đả kích của Tú Xương sở dĩ được nhiều người yêu thích vì có tính chất trữ tình (trong tiếng cười có nước mắt). Dòng trữ tình trong thơ Tú Xương đôi khi được tách ra thành những bài thơ trữ tình thuần khiết, thấm thía. Hai kiệt tác “Sông Lấp” và “Thương vợ” tiêu biểu cho dòng thơ trữ tình của Tú Xương.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 9
Trần Tế Xương hay còn có bút danh là Tú Xương, ông là một tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm mang chất trào phúng và trữ tình. Ông chỉ sống 37 tuổi và học vị tú tài, nhưng sự nghiệp thơ ca của ông đã trở thành bất tử. Ông để lại khoảng 100 tác phẩm gồm: thơ, văn tế, phú, câu đối. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là bài thơ “Thương vợ”. Một bài thơ tô đọng trong đó là những phẩm chất tốt đẹp của người vợ, người phụ nữ đảm đang, chịu thương, chịu khó vì hạnh phúc của chồng con.
Mở bài phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 10
Thơ văn Trần Tế Xương gồm hai mảng lớn: trào phúng và trữ tình. Có bài hoàn toàn là đả kích, châm biếm, có bài thuần là trữ tình. Tuy vậy, hai mảng không tuyệt đối ngăn cách. Thường là châm biếm sâu sắc nhưng vẫn có chất trữ tình. Ngược lại, trữ tình thấm thìa cũng pha chút cười cợt theo thói quen trào phúng. Thương vợ là một bài thơ như vậy.
Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu bài Thương vợ
Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu – Mẫu 1
Dưới thời phong kiến, thân phận người phụ nữ có chồng rẻ rúng, bèo bọt. Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực, song văn học trung đại chưa bao giờ quan tâm tới người phụ nữ, riêng có Tú Xương. Ít nhà văn nhà thơ cùng thời nào dám viết về vợ của mình. Qua khổ thơ đầu bài thơ “Thương vợ”, ta thấy một Tú Xương đầy nhân đạo, nhân văn.
Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu – Mẫu 2
Tú Xương là một nhà thơ lớn của dân tộc luôn tỏa sáng trên bầu trời văn học Việt Nam. Thơ ông luôn mang tính chất trào phúng sâu,đả kích hoặc là thuần trữ tình sâu sắc. Thương vợ là một bài thơ miêu tả về hình ảnh bà Tú vất vả lặng lẽ hi sinh vì chồng vì con ,qua đó cũng thể hiện được tình yêu thương của ông dành cho bà với một sự biết ơn và quý trọng người vợ của mình.
Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu – Mẫu 3
Nhan đề Thương vợ không biết có phải do tác giả hay người đời sau đặt tên cho bài thơ? Thế nhưng có một điều chắc chắn rằng bài Thương vợ được xem là một trong những bài xuất sắc nhất trong mảng thơ lớn viết về người vợ của Tú Xương. Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi đang còn sống lại càng hiếm hoi. Các thi nhân thường chỉ làm thơ khóc vợ khi người bạn trăm năm của mình qua đời. Bà Tú Xương dù có phải chịu nghiệt ngã của cuộc đời nhưng bà lại có một niềm hạnh phúc mà bao kiếp người vợ xưa không có được, đó là bà bước vào địa hạt thi ca ở ông Tú: Bà bước vào thơ ca của ông Tú với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chồng. Tình thương vợ sâu nặng của Tú Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao và phẩm chất cao đẹp người phụ nữ – bà Tú. 4 câu thơ đầu tái hiện công việc của bà Tú cũng như những tình cảm mà tác giả dành cho vợ.
Mở bài phân tích hai câu cuối bài Thương vợ
Mở bài phân tích hai câu thơ cuối – Mẫu 1
Trần Tế Xương (1870-1907), thường hay gọi là Tú Xương, quê ở Nam Định, sinh thời là người học rộng tài cao, có chí nhưng lại không gặp may mắn trong con đường công danh. Vì bất đắc chí trong chuyện học hành thi cử nên ông Tú thường lấy việc sáng tác văn chương làm thú vui để đỡ đi nỗi chán chường, day dứt. Thơ văn của ông là sự kết hợp, lồng ghép giữa các yếu tố trữ tình, trào phúng và hiện thực sâu sắc, đôi lúc người ta thường ví đôi mắt nhìn của ông Tú và những tác phẩm của ông chính là cuốn nhật ký đặc sắc về một thời đại mà xã hội rối ren Tây, Tàu, Ta lẫn lộn. Với cuộc đời ngắn ngủi chỉ khoảng 37 năm trời thế nhưng Tú Xương đã để lại một sự nghiệp thơ ca khá đồ sộ với 100 tác phẩm, ấn tượng hơn cả là trong số những tác phẩm ấy ông đã dành hẳn một đề tài để viết người vợ tào khang – bà Tú. Trong số đó, bài thơ Thương vợ là một trong những tác phẩm đặc sắc và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú, tình cảm ấy được bộc lộ một cách chân thực và rõ nét nhất là ở hai câu kết tự như lời “chửi” của bài thơ “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/Có chồng hờ hững cũng như không”.
Mở bài phân tích hai câu thơ cuối – Mẫu 2
Ai cũng biết hai câu kết trong bài Thương vợ là Trần Tế Xương mượn lời bà Tú để chửi đời và chửi mình. Chính cái thời buổi nhố nhăng dở tây dở ta lúc bấy giờ đã buộc một người giỏi thơ phú văn chương như ông phải lận đận ở chốn trường thi. “Thi không ăn ớt thế mà cay“, “Đau quá đòn hằn rát hơn lửa bỏng“, “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi” …Vì hỏng thi liên tục nên Tú Xương không thể đỡ đần san sẻ cái gánh nặng gia đình với vợ. Ông đành để một mình bà “nuôi đủ năm con với một chồng”. Ông chửi cái vô tích sự của mình nhưng chỉ dừng lại ở đó tôi e chúng ta chưa hiểu hết Tú Xương và nỗi niềm thương vợ của ông.
Mở bài phân tích hai câu thơ cuối – Mẫu 3
Bài thơ “Thương vợ” không chỉ thể hiện tình thương, sự trân trọng của nhà thơ Trần Tế Xương với sự tần tảo, hi sinh của bà Tú mà còn là lời tự giễu, chê trách chính bản thân nhà thơ khi thân nam nhi nhưng lại chẳng thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình mà mãi lận đận với con đường công danh, mang đến gánh nặng cho đôi vai gầy yếu của vợ. Nỗi bất bình với thời thế, lời tự trách đối với sự hờ hững của bản thân được tác giả Trần Tế Xương thể hiện rõ nét qua hai câu thơ cuối của bài thơ.
Mở bài vẻ đẹp nhân cách Tú Xương qua bài Thương vợ
Mở bài vẻ đẹp nhân cách Tú Xương – Mẫu 1
Thơ xưa viết về người vợ đã ít mà viết về vợ khi đang còn sống lại càng hiếm hoi hơn. Các thi nhân chỉ làm thơ khi người bạn trăm năm đã qua đời, kể cũng là điều nghiệt ngã, khi người vợ đi vào thiên thư mới được đi vào địa hạt thi ca. Bà Tú có thể đã chịu nghiệt ngã của cuộc đời nhưng lại có được niềm hạnh phúc mà bao kiếp người vợ xưa không có được. Ngay lúc còn sống, bà đã đi vào thơ ông với tất cả niềm yêu thương, trân trọng của chồng. Ông Tú phải thương vợ lắm thì mới hiểu và viết được như thế. Trong thơ ông ta bắt gặp hình ảnh bà Tú hiện lên phía trước, ông Tú khuất lấp theo sau.
Mở bài vẻ đẹp nhân cách Tú Xương – Mẫu 2
Tú Xương có nhiều vần thơ, phú nói về vợ. Bà Tú vốn là “con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”. một người con dâu giỏi làm ăn buôn bán, hiền lành được bà con xa gần mến trọng. Nhờ thế mà ông Tú mới được sống cuộc đời phong lưu: “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm – Ngựa xe chẳng lúc nào ngơi”. “Thương vợ” là bài thơ cảm động nhất trong những bài thơ trữ tình của Tú Xương. Nó là bài thơ tâm sự, đồng thời cũng là bài thơ thế sự. Bài thơ chứa chan tình thương yêu nồng hậu của ông Tú đối với người vợ hiền thảo của mình.
Mở bài vẻ đẹp nhân cách Tú Xương – Mẫu 3
Nguyễn Khuyến khi viết về Tú Xương đã dùng những vần thơ đầy cảm xúc:
“Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”
Đó là sự còn lại của một tài năng nghệ thuật, một tâm hồn, một nhân cách lớn trong nền văn học trung đại nói riêng cũng như văn học Việt Nam nói chung: Trần Tế Xương.
Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú trong bài Thương vợ
Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú – Mẫu 1
Trần Tế Xương là một nhà thơ trào phúng nổi tiếng của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đã dùng ngòi bút sắc bén của mình để đả kích, trào lộng một cách chua cay, sâu sắc về xã hội nửa tây nửa ta, về nạn tham nhũng, thi cử. Nét đặc biệt nhất là ông còn viết những vần thơ trào lộng chính mình. Trong bài thơ “Thương vợ”, Tú Xương không chỉ thể hiện tình thương sâu nặng với vợ thông qua sự thấu hiểu nỗi vất vả, gian lao của bà Tú mà còn châm biếm chính mình vì làm thân nam nhi nhưng lại làm gánh nặng cho vợ con.
Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú – Mẫu 2
Người phụ nữ đã đi vào văn học khá nhiều và trở thành một trong những hình tượng lớn của văn chương kim cổ. Tuy nhiên viết về người phụ nữ với tư cách là một người vợ bằng tình cảm của một người chồng thì quả thật rất hiếm. Thương vợ của Tú Xương nằm trong số những trường hợp hiếm hoi đó. Bài thơ là chân dung bà Tú, người bạn đời của Tú Xương, được tái hiện bằng tất cả tấm lòng chân thành của một người chồng dành cho vợ.
Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú – Mẫu 3
Trong sự nghiệp thơ ca phong phú, đa dạng của Tú Xương, “Thương vợ” được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất. Cái hay của bài thơ là đã thể hiện được một cách thấm thía, cảm động thái độ trân trọng, tri ân của nhà thơ đối với sự hi sinh, tảo tần của vợ. Quan trọng hơn từ tác phẩm này người ta thấy hiện lên bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam với những nét phẩm chất điển hình.
Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú – Mẫu 4
Tú Xương là người có tố chất thông minh từ nhỏ, ông từng tám lần đi thi nhưng chỉ đậu đến Tú tài vì phạm. Cuộc đời ông đầy những chua chát, đắng cay và tất cả những điều đó đã được thể hiện đầy đủ trong các bài thơ của ông. Thơ của Tú Xương dành một dung lượng khá lớn viết về vợ của mình, một điều hiếm thấy xưa nay. Và trong chùm đề tài ấy bài thơ Thương vợ là bài hay nhất, chỉ với bài thơ này nhưng hình ảnh bà Tú đã hiện lên với đầy đủ vẻ đẹp cũng như số phận của người phụ nữ.
Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú – Mẫu 5
Phụ nữ là một đề tài lớn trong văn học Việt Nam. Từ các tác phẩm văn chương hiện lên với vẻ đẹp chân dung, đức hạnh trên nhiều bình diện. Tuy nhiên hiếm có thi nhân nào viết về người phụ nữ với tư cách là người vợ bằng tình cảm chân thành của một người chồng như trong thơ Trần Tế Xương. “Thương vợ” là một bài thơ tiêu biểu khắc họa sinh động hình ảnh bà Tú cùng với những phẩm chất tốt đẹp giàu đức hi sinh, chịu thương chịu khó và nhẫn nại, kiên cường vì chồng con. Hình ảnh ấy đã trở thành điển hình cho nét đẹp của người phụ nữ Việt.
Mở bài phân tích hình ảnh bà Tú – Mẫu 6
Viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, đã từng có rất nhiều những áng thơ văn nói lên nỗi khổ hạnh, buồn tủi của số phận nữ nhi bất hạnh, khổ đau. Nhà thơ Trần Tế Xương cũng vậy, người phụ nữ trong thơ ông không phải ai khác mà chính là người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh của mình. Với những tình cảm chân thành, mộc mạc, ông đã khắc họa lại hình ảnh bà Tú trong bài thơ “Thương vợ” một cách rất chân thực và giàu cảm xúc.