Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nhằm giúp các em ôn tập và rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức môn Ngữ Văn để chuẩn bị cho kì thi sắp tơi. Tài Liệu Học Thi
Nhan đề của mỗi tác phẩm, mỗi truyện ngắn đều ẩn chứa biết bao ý nghĩa. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa này cũng vậy, chỉ với 4 từ nhưng nhan đề này đã để lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc, sự tò mò.
Mà muốn viết văn hay, các em phải hiểu rõ ý nghĩa của nhan đề thì mới hiểu được bản chất sâu xa, mới có cái nhìn tổng quát được. Vậy ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu này như nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé:
Xem Tắt
Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Bài mẫu 1
a. Nghĩa tả thực.
Chiếc thuyền là biểu tượng của bức tranh thiên nhiên đẹp và cuộc sống sinh hoạt của người dân làng chài “Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum,đang hướng mặt vào bờ.”
b. Nghĩa biểu tượng:
– Là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Đó là chiếc thuyền có thật trong cuộc đời, là không gian sinh sống của gia đình người hàng chài. Cuộc sống gia đình;đông con, khó kiếm ăn,cuộc sống túng quẫn là nguyên nhân làm cho người chồng trở nên cục cằn, thô lỗ và biến vợ thành đối tượng của những trận đòn. Những cảnh tượng đó,những thân phận đó nếu nhìn từ xa,ở ngoài xa thì sẽ không thấy được.
– Vì ngoài xa nên con thuyền mới cô đơn. Đó là sự đơn độc của con thuyền nghệ thuật trên đại dương cuộc sống, đơn độc của con người trong cuộc đời. Chính sự thiếu gần gũi, sẻ chia ấy là nguyên nhân của sự bế tắc và lầm lạc. Phùng đã chụp được chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm – một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích, một chân lí của sự toàn diện. Nhưng khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ, chứng kiến cảnh đánh đập vợ của người đàn ông kia, anh đã kinh ngạc và vứt chiếc máy ảnh xuống đất. Anh nhận ra rằng, vẻ đẹp ở ngoài xa kia cũng ẩn chứa nhiều oái oăm, ngang trái và nghịch lí. Nếu không đến gần thì chẳng bao giờ anh nhận ra xa và gần, bên ngoài và sâu thẳm… đó cũng là cách nhìn, cách tiếp cận của nghệ thuật chân chính.
=> Sự đối lập giữa cuộc đời và nghệ thuật. Nó giúp nghệ sĩ phùng giác ngộ được nhiều điều như: Phải nhìn nhận cuộc đời với nhiều chiều khác nhau và phải đem nghệ thuật gắn với cuộc đời hơn.
Bài mẫu 2
“Chiếc thuyền ngoài xa” là một nhan đề mang tính biểu tượng, hé mở tình huống truyện, thể hiện chủ đề của tác phẩm. Nhan đề bao gồm đối tượng quan sát là “Chiếc thuyền”, cự li quan sát là “ngoài xa”, người quan sát là nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng. Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng ở các cự li khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau.
Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong truyện ngắn trước hết hướng người đọc về một hình ảnh tuyệt đẹp, đó là con thuyền thu lưới trong biển sớm mờ sương, nó toàn bích như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến cho người nghệ sỹ bối rối, xúc động, cảm thấy “khám phá thấy chân lí của cái toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng khi con thuyền tới gần, phía sau vẻ đẹp toàn bích ấy là bao ngang trái, đau khổ, phũ phàng. Cuộc sống của những người dân chài bị giam cầm bởi đói nghèo tăm tối và bạo lực gia đình.
Vậy là qua mâu thuẫn giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh với hiện thực phũ phàng của cuộc sống, nhà văn mang đến cho người đọc một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống con người: phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tránh cái nhìn giản đơn, sơ lược, hời hợt, nhìn hình thức, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” là một khái quát giản dị về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với hiện thực cuộc sống, người nghệ sỹ phải có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực, dẫu là tàn nhẫn của cuộc sống con người. Nguyễn Minh Châu đã khẳng định về trách nhiệm của người nghệ sĩ: “nhà văn không có quyền nhìn sự việc một cách đơn giản mà nhân vật cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Chỉ khi nào người nghệ sĩ có trách nhiệm trong cái nhìn hiện thực cuộc sống, có “mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh” thì khi ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được giá trị cao nhất. Ấy là “giá trị nhân đạo”.
“Chiếc thuyền ngoài xa” đã trở thành tấm ảnh đẹp treo ở nhiều nơi, nhất là ở trong các gia đình sành nghệ thuật, nhưng có ai hiểu được câu chuyện con người trên chiếc thuyền ấy. Chỉ có nghệ sĩ Phùng, mỗi khi ngắm nhìn tấm ảnh bao giờ cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”, một người đàn bà lam lũ, cam chịu, giàu tình thương và lòng vị tha. Đó cũng là thông điệp tác giả gửi tới người đọc: nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc đời.
Bài mẫu 3
Đây là 1 nhan đề mang ý nghĩa biểu tượng, hé mở tình huống và thể hiện được chủ đề của tác phẩm. Với 2 tầng nghĩa:
- Tầng nghĩa thứ nhất “Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh”: Hình ảnh 1 cánh buồm nhòa mờ trong màn sương huyền ảo của buổi sớm mai trên biển xa. Vẻ đẹp hài hòa, toàn bích như trong “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ” khiến người nghệ sĩ xúc động như vừa “khám phá thấy chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.
- Dẫn đến tầng nghĩa thứ 2: Đằng sau vẻ đẹp tuyệt diệu ấy lại là cuộc sống của những người dân chài bị giam cầm bởi đói nghèo tăm tối và bạo lực gia đình. -> sự đối lập giữa ngoại cảnh và hiện thực cuộc sống.
Ý nghĩa về cách nhìn cuộc sống: Không phải bao giờ cái đẹp cũng tồn tại song song với cái thiện, không phải cái bên ngoài lúc nào cũng thể hiện bản chất bên trong và muốn hiểu đúng 1 con người, hiểu cuộc sống cần có cái nhìn thấu đáo, đa chiều, sâu sắc ở nhiều góc độ.
Nhan đề còn đưa đến 1 quan niệm về trách nhiệm của người nghệ sĩ: Chỉ khi nào người nghệ sĩ có trách nhiệm trong cái nhìn hiện thực cuộc sống, có “mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh” thì khi ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được giá trị cao nhất. Ấy là “giá trị nhân đạo”.
Bài mẫu 4
Nhan đề chiếc thuyền ngoài xa là 1 ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Đó là chiếc thuyền có thật trong cuộc đời, là không gian sinh sống của gia đình người đàn bà hàng chài. Ở đó, ngoài 2 vợ chồng họ còn có cả 1 đàn con. Cuộc sống khó khăn đói kém, nơi ở chật chội,… làm cho con người thay đổi tâm tính.
Trước đây, anh chồng là 1 người hiền lành lấy chị – một người hết sức chăm lo cho cuộc sống gia đình – đông con, khó kiếm ăn, cuộc sống túng quẫn là nguyên nhân làm cho người chồng trở nên thô lỗ, cục cằn và biến chị thành đối tượng của những trận đòn. Những cảnh tượng đó, thân phận đó nếu nhìn từ ngoài xa sẽ không thể thấy được.
Nhưng cũng chính vì ở ngoài xa nên con thuyền mới đơn độc. Đò là sự đơn độc của con thuyền nghệ thuật trên đại dương cuộc sống, sự đơn độc con người trong cuộc đời. Chính sự thiếu sẻ chia và gần gũi là nguyên nhân của sự bế tắc và lầm lạc. Phùng đã chụp được cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm – một “vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”, một chân lí của sự hoàn thiện.
Chiếc thuyền là biểu tượng của sự toàn mĩ, mà khi chiêm ngưỡng nó anh thấy tâm hồn mình trong ngần. Nhưng khi chiếc thuyền kia “đâm thẳng vào bờ”. Chứng kiến cảnh người chồng đánh đập vợ, anh đã “kinh ngạc … và vứt chiếc máy ảnh xuống đất”. Anh nhận ra rằng, cái đẹp ngoài xa kia cũng ẩn chứa nhiều oái oăm, ngang trái và nghịch lí. Nếu không đến gần thì chẳng bao giờ anh có thể phát hiện ra. Xa và gần, bên ngoài và thẳm sâu… đó cũng là cách nhìn, cách tiếp cận của nghệ thuật chân chính.