Bài thơ Ánh trăng, Bài thơ “Ánh trăng” in trong tập thơ cùng tên, được Nguyễn Duy sáng tác vào năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây mời các bạn cùng tham
Bài thơ “Ánh trăng” in trong tập thơ cùng tên, được Nguyễn Duy sáng tác vào năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ ca ngợi vầng trăng tri kỉ của tuổi thơ, của người lính một thời trận mạc, đồng thời gợi nhắc mọi người biết sống ân nghĩa thủy chung, giữ tròn đạo lí tốt đẹp.
Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ bố cục rõ ràng, mạch lạc. “Ánh trăng” có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và tự sự, hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa sinh động vừa khát, giàu tính biểu cảm, giọng điệu tâm tình tự nhiên như lời tâm sự của nhân vật trữ tình. Mời các bạn cùng theo dõi bài thơ trong bài viết dưới đây:
Xem Tắt
I. Đôi nét về nhà thơ Nguyễn Duy
Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1948 tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa.
Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là học sinh trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa. Năm 1973, ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt nam trong tập Cát trắng. Ngoài thơ, ông cũng viết tiểu thuyết, bút ký.
Thơ Nguyễn Duy nhiều bài có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm vì thế cứ ngấm vào người đọc và trong cái đà ngấm ấy có lúc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ. Ông được đánh giá cao trong thể thơ lục bát, một thể thơ có cảm giác dễ viết nhưng viết được hay thì lại rất khó. Thơ lục bát của Nguyễn Duy được viết theo phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ.Nguyễn Duy còn có bộ 3 bài thơ theo thể tự do nổi tiếng được công chúng biết tới viết về những trăn trở, suy nghĩ của ông về tương lai đất nước, tương lai của con người và môi sinh: Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa…Tổ quốc, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Năm 1997 ông tuyên bố “gác bút” để chiêm nghiệm lại bản thân rồi tập trung vào làm lịch thơ, in thơ lên các chất liệu tranh, tre, nứa, lá, thậm chí bao tải. Từ năm 2001, ông in nhiều thơ trên giấy dó. Ông đã biên tập và năm 2005 cho ra mắt tập thơ thiền in trên giấy dó (gồm 30 bài thơ thiền thời Lý, Trần do ông chọn lọc) khổ 81cm x 111 cm có nguyên bản tiếng Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Việt, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Anh với ảnh nền và ảnh minh họa của ông.
Nhận xét về Nguyễn Duy, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói như sau: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó.”
II. Bài thơ Ánh trăng
1. Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978, khi ông đang là đại diện thường trú của Báo Văn nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên của tác giả.
Nguyễn Duy vốn là người lính. Sau khi đất nước giải phóng, ông vào làm việc và sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ chính là những trải nghiệm thực tế của chính bản thân ông. Nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, những người từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ mà nghĩa tình. Mượn hình ảnh ánh trăng, nhà thơ bộ lộ chân thành và cảm động những ưu tư và niềm mong mỏi trân trọng và giữ gìn quá khứ nghĩa tình của con người khi bước vào cuộc sống mới.
Bài thơ ca ngợi vầng trăng tri kỉ của tuổi thơ, của người lính một thời trận mạc, đồng thời gợi nhắc mọi người biết sống ân nghĩa thủy chung, giữ trọn đạo lí tốt đẹp.
2. Bố cục
– Đoạn 1 (3 khổ thơ đầu): Ký ức về vầng trăng trong quá khứ của tác giả và vầng trăng trong hiện tại
– Đoạn 2 (Khổ 4): Tình huống bất ngờ khiến kí ức ùa về
– Đoạn 3 (2 khổ cuối): Sự hối hận của tác giả vì đã lãng quên vầng trăng
3. Ý nghĩa nhan đề
Trăng là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân xưa. Chúng ta từng bắt gặp ánh trăng sáng soi rọi tình yêu, nỗi nhớ quê hương trong “Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch hay ánh trăng huyền ảo, người bạn tri âm với người tù cộng sản qua bài Ngắm trăng của Hồ Chí Minh. Vẫn lựa chọn đề tài ánh trăng ngỡ như đã rất quen thuộc đó, nhà văn NGuyễn Duy đã sáng tạo và làm phong phú hơn cho vẻ đẹp và ý nghĩa của vầng trăng.
“Ánh trăng” là nhan đề bài thơ đồng thời cũng là hình ảnh xuyên suốt bài thơ và là đối tượng để nhà thơ Nguyễn Duy thể hiện những quan niệm, triết lý về cuộc đời. Bởi vậy có thể nói “Ánh trăng” là nhan đề mang tính đa nghĩa.
Trước hết, “Ánh trăng” xuất hiện với tư cách là hình ảnh thực, một hiện tượng, biểu tượng của thiên nhiên. Ánh trăng gắn liền với cái thi vị, lãng mạn, tươi mát. Trong bài thơ ánh trăng, vầng trăng lại là người bạn gắn bó với những kỉ niệm tuổi thơ, ánh trăng cũng dịu dàng, trong sáng như chính mây nước, đất trời.
4. Nội dung bài thơ Ánh trăng
Nghe đọc bài thơ Ánh trăng:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.