Bài thơ Viếng lăng Bác, Bài thơ ‘Viếng lăng Bác’ được sáng tác năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước được thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí
Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước được thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành. Bài thơ này in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978).
Dưới đây là tài liệu giới thiệu về nhà thơ Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác. Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo.
Xem Tắt
I. Nội dung bài thơ Viếng lăng Bác
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
II. Đôi nét về tác giả Viễn Phương
– Viễn Phương (1928 – 2005), tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang.
– Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông hoạt động ở Nam Bộ.
– Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng Văn nghệ giải phóng miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
– Một số tác phẩm chính: Chiến thắng hòa bình (trường ca, 1952), Anh hùng mìn gạt (truyện kí, 1968), Mắt sáng học trò (thơ, 1970), Như mây mùa xuân (1978), Quê hương địa đạo (truyện và kí, 1981), Sắc lụa Trữ La (1988)…
III. Giới thiệu về bài thơ Viếng lăng Bác
1. Hoàn cảnh sáng tác
– Năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội cũng vừa được khánh thành.
– Viễn Phương nhân dịp này ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Ông đã sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác và in trong tập “Như mây mùa xuân” (thơ, 1978).
2. Bố cục
Gồm 4 phần:
– Phần 1. Khổ thơ thứ nhất: Khung cảnh ngoài lăng Bác.
– Phần 2. Khổ thơ thứ hai: Hình ảnh đoàn người vào lăng viếng Bác và cảm xúc của nhà thơ.
– Phần 3. Khổ thơ thứ ba: Hình ảnh Bác Hồ và cảm xúc của nhà thơ.
– Phần 4. Khổ thơ cuối. Cảm xúc và ước nguyện của nhà thơ khi ra về.
3. Ý nghĩa nhan đề
– “Viếng lăng Bác” là một nhan đề ngắn gọn nhưng để lại ý nghĩa sâu sắc.
– “Viếng” – chỉ hành động thăm hỏi, chia buồn khi có người mất.
– “Lăng Bác” là một địa danh ở Hà Nội.
=> Như vậy, trước hết nhan đề cho người đọc biết được sự kiện nhà thơ nhân dịp đất nước thống nhất đã ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Đồng thơ qua đó, Viễn Phương cũng bộc lộ tình cảm thành kính, yêu thương nhưng cũng đầy xót xa đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
IV. Video bài hát Viếng Lăng Bác
Nhạc sĩ: Hoàng Hiệp, biểu diễn: Bảo Yến
Viếng Lăng Bác – Trọng Tấn [Audio]