Bài văn mẫu Lớp 12: Bài viết số 2 (Đề 1 đến Đề 3), Bài văn mẫu Lớp 12: Bài viết số 2 gồm 3 đề từ đề số 1 đến đề số 3, trong mỗi đề lại có những bài văn mẫu riêng
Bài văn mẫu Lớp 12: Bài viết số 2 gồm 3 đề từ đề số 1 đến đề số 3, trong mỗi đề lại có những bài văn mẫu riêng cho các em học sinh lớp 12 dễ dàng ôn tập, tham khảo để lấy ý tưởng viết văn cho mình.
Toàn bộ 16 bài văn mẫu số 2 lớp 12 trong bài viết dưới đây được chọn lọc từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh giỏi, đạt các giải thưởng lớn trong các kỳ thi cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Các đề trong bài viết số 2 lớp 12:
- Đề 1: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
- Đề 2: Nhiều cá nhân, tổ chức thu nhận trẻ lang thang về những mái ấm tình thương để nuôi dạy. Suy nghĩ về hiện tượng này?
- Đề 3: Trình bày quan điểm trước cuộc vận động Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục
Bài viết số 2 lớp 12 đề 1
Dàn ý bài viết số 2 lớp 12 đề 1
I. Mở bài:
– Đặt vấn đề: trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề tai nạn giao thông đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà 1 vấn đề này gây ra.
– Nhận thức: tuổi trẻ học đường – những công dân tương lai của đất nước – cũng phải có những suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
II. Thân bài:
1. Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay?
2. Hậu quả của vấn đề:
+ Thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng.
+ Gây đau đớn, mất mát, thương tâm cho người thân, xã hội.
3. Nguyên nhân của vấn đề:
+ Ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông (lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm…)
+ Thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông (lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm dụng đường…)
+ Sự hạn chế về cơ sở vật chất (chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn….).
+ Đáng tiếc rằng, góp phần gây ra nhiều tai nạn giao thông, còn có những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
4. Hành động của tuổi trẻ học đường góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông:
+ Tham gia học luật giao thông đường bộ ở trường lớp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông.
+ Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư.
+ Đi bộ sang đường đúng quy định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường đúng quy định.
+ Tuyên truyền luật giao thông.
III. Kết bài
– An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội.
– Tuổi trẻ học đường có cần góp phần về an toàn giao thông.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 1 – Mẫu 1
Tai nạn giao thông đã và đang là vấn đề nóng hổi cũng là mảng tối trong bức tranh giao thông đòi hỏi cả xã hội phải có một cuộc chiến thực sự với nó. Đi khắp các nẻo đường, khẩu hiệu An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà như là lời nhắc nhở cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm túc luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho mọi người. Dẫu không phải là một chính trị gia, một nhà kinh tế, một nhà khoa học, một bác sĩ hay một kĩ sư nhưng bạn và tôi, mỗi học sinh chúng ta hoàn toàn có thể góp phần nhỏ bé vào việc đẩy lùi hiểm họa ấy vì sự bình yên của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội.
Bạn đã bao giờ tận mắt chứng kiến tai nạn giao thông – điều đang xảy ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước chúng ta? Bạn đã bao giờ bực bội trước sự hỗn loạn của giao thông mà bất lực vì mình chẳng thay đổi được gì? Tôi tin chắc câu trả lời là “có”. Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một thực trạng đau xót: tai nạn giao thông là một điểm đen trong bức tranh giao thông phức tạp ở Việt Nam hiện nay.
Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam trong những năm qua không ngừng tăng cùng với lưu lượng xe gắn máy di chuyển ngày càng nhiều. Thật khủng khiếp khi chúng ta biết rằng số người chết do tai nạn giao thông lớn hơn nhiều so với số người chết do bão lũ. Có gì đáng tự hào khi Việt Nam nằm trong nhóm nước đứng đầu thế giới về số vụ tai nạn giao thông? Có gì để tự hào đâu khi phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều do những người Việt trẻ gây ra?
Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn ấy, trước hết là từ ý thức của những người tham gia giao thông. Họ chưa biết quý trọng bản thân, chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của những hành vi vi phạm luật lệ giao thông, mà khi hối tiếc thì sự thể đã muộn. Vì thế, đi trên đường họ nghênh ngang, coi thường, không chấp hành luật giao thông. Bạn đừng giật mình khi tôi nêu ra một vài con số sau đây: 80% số người tham gia giao thông không dùng đèn báo khi chuyển hướng, 85% không dùng còi đúng luật quy định, 70% không dùng phanh tay, 90% không dùng đèn chiếu xa và rất rất nhiều người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng hoặc không đúng quy cách nhằm đối phó với lực lượng công an. Và bạn sẽ lại giật mình nữa khi nhận thấy người thân của chúng ta cũng vi phạm những lỗi như vậy một cách rất “hồn nhiên”. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông còn xảy ra do ý thức thấp kém của những người chỉ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sự an toàn tính mạng của người đi đường. Tivi, báo chí đã nhiều lần cảnh báo việc rải đinh trên đường quốc lộ làm người đi xe trên đường bị tai nạn dẫn đến thương tật hoặc tử vong. Đó là một thực tế đau lòng mà chúng ta không thể phủ nhận.
Trên cái nền chung ấy, thực trạng tham gia giao thông của tuổi trẻ học đường ra sao? Chúng ta vui mừng trước việc ý thức tham gia giao thông của học sinh chúng ta ngày một nâng cao. Nhiều hoạt động, nhiều lời kêu gọi về an toàn giao thông đã được các bạn nhiệt tình hưởng ứng. Song bên cạnh đó, vẫn có những hiện tượng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chắc chắn bạn cũng như tôi đã từng chứng kiến cái cảnh cổng trường giờ tan học bị mắc kẹt. Từng nhóm bạn chờ nhau, tụ tập nói chuyện, mặc bác bảo vệ ra sức giải tán, mặc người đi đường la lối, nhắc nhở. Rồi khi đi trên đường, mặc cho mật độ giao thông vốn đã dày đặc, các bạn dàn hàng ba, hàng bốn nói chuyện ầm ĩ, mải mê đến mức quên cả xung quanh. Có những bạn đã bị tai nạn vì thiếu tập trung chú ý vào việc đi đường. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những hiện tượng nổi cộm khác. Do điều kiện kinh tế khá giả, học sinh đi xe gắn máy đến trường dù chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe. Khi đi xe, nhiều bạn vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, phóng nhanh lạng lách, quẹt lửa chân chống, “tráng trứng” trên đường,… Khi xảy ra va chạm giao thông thì có thái độ hung hăng, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, bất chấp phải trái. Đặc biệt, một vấn nạn nhức nhối là hiện tượng các “anh hùng xa lộ” lập phi đội bay, sẵn sàng đánh đổi với tính mạng của mình.
Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do ý thức của mỗi học sinh mà còn do đặc điểm tâm, sinh lí lứa tuổi: bồng bột, ham vui, thích ra oai, thích thể hiện “cái tôi”. Tại sao bạn lại đánh đổi mạng sống của mình để bốc đầu ra oai với bạn bè? Tại sao bạn lại đánh đổi mạng sống của mình để lạng lách phóng nhanh, vượt ẩu chỉ vì một lời khích bác? Bạn ơi, đó đâu phải cách tuyên xứng “cái tôi” cá nhân của mỗi người. Cái tôi của chúng ta được khẳng định bằng những dạng thức khác: bằng học tập, bằng tính cách chân thành, cởi mở, nhiệt tình, ham học hỏi. Và bạn sẽ đẹp dần lên trong mắt mọi người.
Thực trạng giao thông Việt Nam nói chung và của nhiều bạn học sinh nói riêng đang gióng lên một hồi chuông khẩn thiết yêu cầu bạn và tôi, chúng ta cùng phải nhập cuộc và hành động. “Một cây làm chẳng nên non” nhưng “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chỉ cần bạn thấy đau trước tai nạn giao thông, chỉ cần trong bạn vang lên tiếng nói của trách nhiệm, bạn hoàn toàn có thể tham gia giảm thiểu tai nạn giao thông bằng những việc làm thiết thực. Trước hết, mỗi chúng ta phải nắm vững luật giao thông, tôn trọng và chấp hành nghiêm túc luật giao thông. Bạn không chỉ là người thực hiện tốt mà hãy là một tuyên truyền viên tốt nữa, nhắc nhở chính bố mẹ, người thân, bạn bè nếu họ vi phạm, làm gương cho các em nhỏ tuổi hơn. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các phong trào tìm hiểu về an toàn giao thông, phong trào tình nguyện trong giao thông. Một giọt nước không làm nên biển cả nhưng vô số giọt nước sẽ tạo thành đại dương. Chỉ cần tất cả chúng ta hợp sức, tôi có lòng tin vào sự chuyển biến tích cực của bức tranh giao thông Việt Nam.
Bản thân tôi cũng từng dàn hàng ngang đi trên đường khi tan học về và đã phải bó bột suốt hai tuần liền. Tôi tự thấy mình may mắn vì vẫn còn cơ hội để hối hận và sửa chữa sai lầm. Nhưng có bao nhiêu người đã không còn cơ hội để hối hận và làm lại nữa. Vậy thì bạn ơi, để không bao giờ phải thốt lên “nếu như”, “giá như” thì bạn hãy nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông nhé.
Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Ngày mai bắt đầu từ chính ngày hôm nay, tương lai bắt đầu từ chính hiện tại”. Bức tranh giao thông hôm nay và ngày mai phụ thuộc rất nhiều vào tuổi trẻ học đường – những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, chúng ta bằng sức trẻ và nhiệt huyết, hãy hành động thiết thực để đem lại khoảng sáng cho giao thông Việt Nam.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 1 – Mẫu 2
Hiện nay an toàn giao thông là một vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình.
Nhưng hàng năm số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề suy giảm, ngược lại nó còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm, Việt Nam có tới gần một nghìn vụ tai nạn giao thông, nhiều nhất là xe máy. Nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn phần lớn là do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân: uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm ở phần đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, chở trên ba người phóng nhanh vượt ẩu.
Một mặt, đó là chất lượng đường sá kém và nguyên nhân là do sự tắc trách của các cơ quan xây dựng, ăn hối lộ, rút xén vật liệu. Mặt khác chúng ta phải lên án những kẻ chỉ vì các lợi ích cá nhân mà quên đi tính mạng, sự an toàn của người đi đường. Trên đường quốc lộ, đường lớn vẫn còn những kẻ rải đinh xuống lòng đường để thu lợi bởi những đồng tiền kiếm được từ vá xe, thay lốp. Họ không hiểu hết được sự nguy hiểm của việc làm đó, với tốc độ cao như vậy những người tham gia giao thông khi bị thủng săm đột ngột sẽ bị văng người ra khỏi xe và nguy cơ tử vong là rất lớn.
Theo thống kê, những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào trong dòng lệ vì tới đây sẽ chẳng còn được vòng tay người cha âu yếm vỗ về, bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Họ mang đến sự thương tâm cho toàn xã hội.
Hàng năm, nhà nước đã bỏ ra hàng tỉ đồng để nâng cấp các cơ sở giao thông, đường xá cầu cống phục vụ cho việc đi lại an toàn ở mọi nơi. Nhưng số tiền đó lại không được dùng hết, vậy thì nó rơi vào đâu? Phải chăng, số tiền đó đã rơi vào túi những kẻ rút lõi công trình, rút lõi vật tư để làm giàu cho mình. Đó là những kẻ vô lương tâm vì lợi ích bản thân mà quên đi sự an toàn chung cho xã hội.
Một vấn đề cũng đang gây sự chú ý và bị lên án rất nhiều đó là tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên – những người chủ tương lai đất nước. Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu” cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh đổi với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe SH, @ phi như bay trên những con đường lớn ta không khỏi xót xa cho họ. Chỉ vì quá được nuông chiều, thiếu sự bảo ban của cha mẹ mà họ đã phải trả giá đắt. Những tai nạn xảy ra là điều chắc chắn, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, gãy tay gãy chân, nặng thì họ phải mãi mãi rời xa cuộc đời. Lý do vì đâu cũng là ở nhận thức của thanh niên. Họ chưa biết suy nghĩ đúng về những cái lợi hại của việc mình đã làm. Những bậc cha mẹ khi con mình xảy ra tai nạn, nhận ra thì đã quá muộn, tại sao họ sắm cho con những chiếc xe thật tốt, phân khối thật lớn để chúng đi đua. Họ làm ra nhiều tiền rồi cũng nhận ra khi mất đứa con thì tiền bạc cũng chẳng giải quyết được gì. Họ hối hận vì tại sao ngay từ đầu không bảo ban con cái mình.
Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, vấn đề giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn của cả nước, càng trở nên phức tạp. Hạ tầng giao thông không theo kịp với sự phát triển của kinh tế – xã hội đã dẫn đến sự ách tắc giao thông và đặc biệt đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nhắc đến con số người chết và bị tàn tật do tai nạn giao thông gây ra, ai cũng thấy bàng hoàng. Vì thế, vấn đề an toàn giao thông đã trở nên cấp bách. Mọi thành phần trong xã hội hầu như tham gia giao thông trong đó có tuổi trẻ học đường. Vậy tuổi trẻ học đường sẽ ứng xử như thế nào về vấn đề này?
Văn hóa, xét cho cùng là giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo thể hiện mối quan hệ, lối ứng xử, biểu hiện văn minh giữa con người với người. Văn hóa giao thông là biểu hiện lối ứng xử “đẹp” giữa những người tham gia giao thông trong cộng đồng xã hội. Giao thông trở nên rối loạn nếu không có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, hoặc khi tín hiệu đèn không hoạt động do mất điện. Va quẹt nhau một tí, không thấy lời xin lỗi nhau mà chỉ thấy văng tục, gườm nhau. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường giao thông không đúng luật lệ và cả việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng vẫn diễn ra đặc biệt ở các đô thị lớn, các bến tàu, xe, nơi sinh hoạt đông người.
Biết bao lần người ta nói đến việc nhân viên xe buýt hành hung hành khách. Đó chỉ hành vi côn đồ, vô giáo dục phải kể đến là xe tải nặng “đánh võng” như xiếc trên xa lộ. Nào là người khoẻ mạnh giành đường với người khuyết tật, chàng thanh niên sang trọng, cô gái xinh đẹp cứ dửng dưng đứng án ngữ ở đầu xe cứu thương, xe tang dù phía sau xe còi báo động xin đường inh ỏi, và nhiều hình ảnh khác đã làm nhói lòng những ai yêu cái đẹp trong đời sống con người! Và, những tai nạn giao thông từ những cuộc đi “bão” mà người ta dùng chỉ những loại người bất hảo ưa trờ tốc độ một cách vô lí đã làm mất đi những công dân lương thiện đang tham gia giao thông.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 1 – Mẫu 3
Trong những năm gần đây, có thể nhận thấy tình hình trật tự an toàn giao thông ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Tính chất tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn. Vậy là thế hệ tuổi trẻ, là thế hệ mai sau của đất nước, chúng ta phải làm thế nào để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông?
Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đang là nỗi lo và vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đó là thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại về nhân lực, trí tuệ, gây tổn thương về tinh thần xã hội, về vật chất, tiền của và cả nỗi đau thể xác, tinh thần dai dẳng. Điều ấy đã và đang đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ tuổi trẻ hơn bao giờ hết phải nêu cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm để chung sức kiềm chế, đẩy lùi những nguy cơ trên.
Sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông đường bộ và số người chết do tai nạn giao thông, sự hiểu biết còn hạn chế về quy định giao thông, về các hành vi lái xe an toàn. Môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn. Những hành động nguy hiểm thường gặp của thanh niên như lạng lách, đua xe máy là nguồn gốc của nhiều tai nạn giao thông.
Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần. Theo điều tra chấn thương liên trường, trong năm 2001 có 4.100 trẻ chết do tai nạn giao thông, tương đương với 11 trẻ chết 1 ngày. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em trai gấp 2 lần tỷ lệ này ở trẻ em gái. Trong khi đó có 290.000 trẻ bị thương do tai nạn giao thông cũng trong 2001, tương đương với 794 trẻ/ngày. Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em từ 15 tuổi trở lên.
Bà Isabelle Bardem, Trưởng phòng Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em của UNICEF nói “Tai nạn giao thông có ảnh hưởng nặng nề đối với trẻ Việt Nam. Không chỉ rất nhiều trẻ trực tiếp bị tai nạn giao thông gây tử vong hoặc thương tật nặng nề, còn có biết bao trẻ khác bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cha, mẹ các em bị tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh hoặc tàn tật”. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là người đi xe máy.
Ở cấp quốc gia, vận động để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về luật giao thông và tăng cường nghiêm chỉnh chấp hành luật.
Thực hiện chương trình giáo dục phòng chống thương tích trong trường học giúp học sinh có kỹ năng về giao thông để phòng tránh tai nạn khi đi bộ, đi xe đạp hay xe máy. Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là thanh thiếu niên. Hỗ trợ người dân thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện địa phương. Huấn luyện cho các tuyên truyền viên đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền về phòng chống tai nạn bao gồm cả các tai nạn giao thông. Hỗ trợ các xã xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ để trẻ có thể chơi an toàn xa đường giao thông. Tổ chức các cuộc hội thảo cho các cấp lãnh đạo xã về việc thi hành pháp luật bao gồm luật an toàn giao thông.
Để hạn chế tai nạn giao thông không phải còn là vấn đề đơn giản, mà đó đã và đang là vấn đề nóng cho toàn xã hội và đất nước. Vì vậy, với việc giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung, nhà nước cần phải có một số biện pháp mạnh với những kẻ không ý thức, những kẻ cố tình gây nạn cho người khác, và đó chính là những kẻ phóng nhanh vượt ẩu làm mối đe dọa cho người tham gia giao thông. Còn đối với giao thông học đường nói riêng chấn chỉnh giao thông học đường, cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông, mà phải bằng hành động cụ thể.
Trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng cần phải xem xét khi không hoàn thành nhiệm vụ giáo dục các em. Nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Hàng năm, nếu điều kiện cho phép, các trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức học luật và sát hạch cấp giấy phép lái xe tại trường đối với những học sinh đủ tuổi. Cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên: xếp loại đạo đức trung bình đối với học sinh, sinh viên vi phạm giao thông lần một và xếp loại yếu nếu vi phạm lần hai trong cùng một năm học.
Là một học sinh, mỗi chúng ta phải xem xét lại mình đã bao giờ vi phạm lỗi giao thông không, có bao giờ gây tai nạn giao thông không. Tất nhiên là có, không ai chưa bao giờ vi phạm lỗi giao thông dù đó chỉ là một lỗi nhỏ, nhưng qua mỗi lần như vậy chúng ta phải biết nhìn nhận và rút kinh nghiệm để lần sau không tái phạm và mỗi học sinh chúng ta phải tự giác làm đúng các nguyên tắc an toàn giao thông mà nhà trường và xã hội đã chỉ dẫn. Có như thế thì tuổi trẻ học đường đã góp một phần nào trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn nạn mà xã hội và đất nước đang tìm cách khắc phục.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 2
Dàn ý bài viết số 2 lớp 12 đề 2
I. Mở bài:
– Dẫn dắt vấn đề: Có thể dẫn dắt vấn đề bằng cách sử dụng câu ca dao dân gian: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương… nhau cùng” để khẳng định truyền thống nhân đạo, tinh thần tương thân tương ái của nhân dân ta từ xưa đến nay.
– Nêu vấn đề: Có nhiều hình thức thể hiện tình yêu thương giữa người với người, một trong số đó là những mái ấm tình thương – nơi cưu mang những trẻ em không nơi nương tựa.
II. Thân bài:
– Khái niệm hạnh phúc của mỗi người là khác nhau:
+ Đối với một số người, hạnh phúc là có thật nhiều tiền; có nhà lầu xe hơi,…
+ Một số người khác, hạnh phúc là khi được ăn những món ăn ngon, được đi du lịch khắp mọi nơi.
+ Đối với các em nhỏ, hạnh phúc là khi có cha mẹ, có một mái ấm hạnh phúc; là được người lớn che chở, bảo vệ…
+ Đối với các em bé không nơi nương tựa, không được may mắn như những người khác, hạnh phúc là khi có một mái ấm => Mái ấm tình thương đã hình thành.
– Mái ấm tình thương là gì?
+ Là mô hình tổ chức xã hội với mục đích giúp đỡ những em bé bị bỏ rơi có một gia đình và được chở che, học hành dưới sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
+ Trên đất nước ta, có nhiều mái ấm tình thương được hình thành: Làng trẻ SOS, làng trẻ em Birla, Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ở xã Thụy An, huyện Ba Vì,…
– Ở mái ấm tình thương, các em nhỏ được:
+ Chăm sóc, bảo vệ, được học hành.
+ Sống trong tình thương yêu của thầy cô, bạn bè và cộng đồng.
+ Giúp đỡ để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, trở thành những người công dân tốt cho xã hội.
– Lật lại vấn đề: Bên cạnh những giá trị nhân văn đầy tốt đẹp của mái ấm tình thương, một số kẻ lợi dụng danh nghĩa đó để trục lợi cho bản thân mình, làm những điều trái lương tâm, trái pháp luật,… => Những cá nhân, tổ chức đó rất đáng bị lên án, phê phán.
– Bài học: Khi muốn đóng góp tấm lòng từ thiện, chúng ta cần lựa chọn những tổ chức uy tín, tìm hiểu thật rõ đối tượng mình mong muốn giúp đỡ để giúp đúng người, gửi niềm tin đúng chỗ.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị nhân văn đầy tốt đẹp của những mái ấm tình thương
– Nêu suy nghĩ của bản thân.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 2 – Mẫu 1
“Trẻ em như búp trên cành” ta vẫn hay ví von trẻ là như thế. Trẻ em là măng non của đất nước, là những đứa bé được nâng niu, lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ và sự dạy bảo của thầy cô. Thế nhưng, thoáng đâu đó, khi đi trên đường, ta sẽ dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ lang thang, kiếm sống rất vất vã giữa cái nắng oi ả của trưa hè hay của cơn mưa dầm nặng hạt. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức đã thu nhận trẻ em lang thang,cơ nhỡ, kiếm sống trong thành phố, thị trấn về các mái ấm để nuôi dạy giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
Vậy, nguyên nhân tại sao lại có trẻ em lang thang cơ nhỡ? Trẻ lang thang có rất nhiều nguyên nhân,mà nguyên nhân chủ yếu đưa trẻ vào đời sớm là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn, mồ côi, sống với mẹ kế hoặc dượng, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, sự quản lý trẻ của gia đình lỏng lẻo hoặc quá khắt khe; không những thế, việc giáo dục trẻ em của cha mẹ chưa đúng đắn, thậm chí có hành vi ngược đãi cũng tạo cho trẻ nhận thức về đạo đức kém, muốn rời bỏ gia đình…Bất mãn với hoàn cảnh của mình, lại không được quan tâm, giáo dục kịp thời, như một phản xạ tự nhiên, các em tìm cách bỏ đi khỏi nhà, lang thang với cuộc sống mà các em cho rằng đó là cách giải thoát. Ra đời sớm, chưa có nhận thức về cuộc sống, không thể tự lao động nuôi sống bản thân, các em chỉ có con đường ăn cắp, móc túi… Đối với các em lớn hơn 1 chút, có sức khoẻ thì đi làm mướn, làm thuê nhưng cũng dễ bị người xấu dụ dỗ vào con đường phạm pháp, nghiện ngập. Hơn nữa, các trẻ em lang thang này thường sống thành từng băng nhóm, sinh hoạt không lành mạnh, tiêu xài hoang phí với số tiền bất chính có được…Một cuộc khảo sát cho thấy trẻ đi lang thang: 16% do mồ côi, không nơi nương tựa; 75% do đói nghèo; 9% do bắt buộc và do gia đình bất hòa, đó không phải là con số nhỏ . Vì vậy, việc tập hợp trẻ em đường phố về các mái ấm tổ chức nuôi dạy là hết sức cần thiết và thật sự quan trọng.
Mái ấm tình thương là những ngôi nhà thân thương đã dang rộng tay chào đón các em . Hiện ở nước ta đang xây dựng và thành lập rất nhiều mái ấm như: mái ấm Hồng Ân, mái ấm Huynh Đệ Nhân Nghĩa… Chính những tấm lòng nhân ái đã vỗ về những trái tim, những số phận kém may mắn, đưa những đứa trẻ ấy thoát khỏi hoành cảnh khổ cực, tạo điều kiện tốt hơn cho các em học tập và sống cuộc sống tốt đẹp, đó là nhân đạo.. Bà Vũ Ngọc Oanh, là phó chủ nhiệm chương trình chăm sóc trẻ em xa mẹ, bà đã nuôi dưỡng rất nhiều em nhỏ lang thang từ bé cho tới khi trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống mới hạnh phúc. Xuất phát từ tờ báo “xa mẹ”, bà lãnh những tờ báo về cho các em bán, tiền lãi được phục vụ cho chi phí sinh hoạt và bà dần dần uốn nắn chúng vào một nề nếp, tập thể. Về sau, bà quyết định thành lập Chương trình Chăm sóc giáo dục trẻ em Xa mẹ, khi này, trẻ không phải đi bán báo nữa mà được bà nuôi cho ăn học. Đứa nhỏ thì học chữ, lớn thì học nghề. Giờ đây bà đã làm mẹ của rất nhiều trẻ em lang thang, sống trong niềm hạnh phúc khi thấy chúng trưởng thành và sống cuộc sống tốt đẹp. Cũng giống như bà Oanh,ông Nguyễn Quốc Thể, là cựu tù nhân của Pháp, khi thấy các em nhỏ lang thang trên đường, trong ông nổi lên ý chí giúp các em được cắp sách tới trường. Xây dựng một lớp học nho nhỏ, ông đi hết các con đường, ngóc ngách của thành phố vận động để các em tới lớp học. Bên cạnh đó, ông còn vận động các mạnh thường quân để có thêm sách vở, bút viết, và cả những “bữa ăn khuyến học” thuận lợi cho việc các em tới trường. Tới nay, lớp học của ông đã thu hút nhiều em nhỏ lang thang, và cũng đã giáo dục nhiều em nhỏ thành tài.
Thế đó, những người già đã cống hiến hết sức lực cho đàn em hôm nay, cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thế còn những thanh niên, họ đã làm gì? Hiện nay xuất hiện nhiều nhóm thanh niên tình nguyện như nhóm “những ước mơ xanh” “tuổi trẻ xanh”, hay các tổ chức như “tổ chức nhân đạo thế giới”.Họ là những thanh niên có bầu nhiệt huyết, có tấm lòng cao đẹp. Những cử chỉ như dạy học, tổ chức trung thu, giáng sinh … cho các em nhằm phần nào xua đi những bất hạnh. Tổ chức Unesco là tổ chức lớn về nhi đồng, trẻ em của Liên Hợp Quốc cũng đã bắt tay vào việc giúp đỡ các trẻ em lang thang ở Việt Nam Đó là những hành động đẹp, thiết thực và rất có ý nghĩa. Qua đó, ta thấy được, dù già hay trẻ,dù giàu hay nghèo, bạn vẫn có thể góp sức giúp các em lang thang, các mảnh đời bất hạnh bằng tất cả tấm lòng. Cái các em nhỏ cần ngoài vật chất chình là tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc mà các em không có được.Nó xoa dịu phần nào nỗi đau, hay là quá khứ không đẹp, để các em tin vào con người, tin vào cuộc đời, để sống tốt hơn .
Xã hội đâu phải ai cũng là người tốt. Nếu như có những người đang cố sức giúp đỡ các em nhỏ lang thang có tương lai tươi sáng, thì đâu đó cũng có người lợi dụng sự nhẹ dạ, ngây thơ của trẻ để thu về lợi nhuận cho riêng mình.Đó là các dịch vụ ”tuyển lao động nhí” “chăm trẻ”. Khó mà tưởng tượng được nó là thế nào nhỉ? Họ tìm xuống những vùng quê khó khăn, gặp các em nhỏ, “tuyển” những đứa trẻ ở đây lên thành phố, phát cho chúng 1 cọc vé số rồi bắt chúng đi bán bất kể trời nắng hay mưa. Tiền bán được thì vào túi của “ông chủ”. Cứ như thế họ giàu lên nhờ bóc lột sức lao động của những đứa trẻ ấy. Đội lốt là cha, là mẹ, là chú, ngày ngày, họ chở trẻ thả ở 1 góc phố nào đó, rồi bắt chúng ăn xin, bán kẹo, bán bông, … hay thậm chí là ăn cắp. Hay là có cả những người bán trẻ em lang thang qua biên giới, làm tổn hại nhân phẩm của các em gái tuổi mới lớn,…. Đó là những kẻ đáng bị trừng phạt. Cần phải có thái độ nghiêm khắc và hình phạt xử lí những người thế này thì xã hội mới không có trẻ lang thang và cuộc sống mới trở nên văn minh .
Trẻ em lang thang do nhiều lí do, nhưng nguyên nhân quan trọng là do những người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm. Nếu như đã sinh chúng ra thì phải cố gắng bằng mọi cách chăm lo được cho chúng, mặc dù về kinh tế thiếu thốn thì ít nhất cũng phải có tình thương, hạnh phúc. Thế nên người đáng trách nhất vẫn là những bậc cha mẹ vô tâm kia. Kẻ đáng trách thứ hai là những kẻ thờ ơ, lạnh lùng và có thái độ khinh bỉ đối với trẻ em lang thang. Nếu như đã sống trong hạnh phúc thì phải biết san sẻ niềm hạnh phúc với mọi người, nếu không ta sẽ trở nên ích kỉ và đó là hạng người mà xã hội khinh bỉ. Kẻ đáng trách cuối cùng là những người sử dụng trẻ em lang thang như một món hàng, món đồ chơi đem về cho mình lợi nhuận.
Là một thanh niên được sống trong hạnh phúc, chúng ta phải có thái độ tích cực ngăn chặn những hành vi sai phạm này, đồng thời chung tay góp sức giúp các em về lại cuộc sống tươi đẹp. Tham gia nhóm tình nguyện là việc làm thiết thực.Tiếp cận để hiểu rõ về cuộc sống khó khăn, gian khổ, đồng cảm và chia sẻ những vui buồn cùng các em; hãy xóa bỏ những khoảng cách, rào cản mà kết nối triệu triệu trái tim lại với nhau, vì chúng ta đều là con một mẹ sinh ra. Hãy cống hiến cả tấm lòng của mình cho những mảnh đời bất hạnh
Vấn đề trẻ lang thang đang là vấn đề thật sự quan trọng cần được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều phía, không chỉ có mỗi cá nhân mà toàn thể cộng đồng, dân tộc phải chung tay góp sức để không còn hình bóng trẻ lang thang trong đêm vắng, hok còn những nỗi đau, bất hạnh trên đất nước Việt Nam thân yêu, không còn những câu hát “ trong đêm một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường, ánh mắt buồn mệt nhoài của em, em rất buồn vì em không biết đi về đâu ….”
Bằng tất cả trái tim con người Việt Nam, chúng ta, những thế hệ trẻ của đất nước, phải chung tay góp sức xây dựng đất nước văn minh, phải ươm trồng những mầm non của đảng, phải thế hiện sự đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái mà bấy lâu ta rất tự hào. Giúp trẻ em lang thang học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp là giúp cho đất nước phát triển tiến bộ, giúp tình đoàn kết dân tộc vững mạnh, giúp cho con người thêm niềm tin vào cuộc sống, và ngay cả giúp bản thân ta tự hoàn thiện chính mình. Đây là học quý báu đối với mỗi cá nhân, và với tôi, tôi học được một điều, “ sống trên đời cần phải có một tấm lòng”, sống không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh, sống cho xã hội tốt đẹp hơn.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 2 – Mẫu 2
Bạn vẫn thường gặp những trẻ em nhỏ không cửa không nhà, những trẻ em lang thang bất kỳ lúc nào, ở đâu… khắp những con phố nhỏ hay những nẻo đường rộng lớn giữa cõi đời này? Bạn hẳn đã nghĩ: Mình thật may mắn… Rồi lại băn khoăn vì một nỗi day dứt: Do đâu những đứa bé ấy ra nông nỗi này? Điều gì sẽ xảy ra với các em trên con đường lang thang vô định kia?…
Nhưng rồi bạn trở về nhà mình, ngôi nhà ấm áp… Bạn dần dần quên lãng, không nghĩ ngợi gì nhiều nữa. Thỉnh thoảng, bất chợt những hình ảnh thương tâm kia trở lại trong tâm trí bạn. Bạn đành gạt bỏ nó, tự bằng lòng rằng mình quá đỗi may mắn, những người thân của mình cũng quá đỗi hạnh phúc, chúng ta không phải là những kẻ lang thang không cửa không nhà, cầu bơ cầu bất,…
Nhưng có những con người tràn đầy thiện tâm không nghĩ như chúng ta, không đành lòng nhắm mắt làm ngơ như tôi và bạn. Những con người ấy đã cứu chuộc cho nhiều người, cho cả chúng ta nữa. Chỉ với lẽ sống thương người như thể thương thân, mới có thể thấu hiểu rằng thực ra mỗi người trong chúng ta, dù lớn nhỏ, sang hèn,… sinh ra trên thế gian này, đều có thế trở thành một đứa trẻ lang thang bất cứ khi nào. Khi ta cô đơn, buồn tủi, bế tắc trước cuộc đời, bị đẩy ra khỏi những gì thân thiết nhất, ta đã mang nỗi niềm của đứa trẻ lưu lạc. Nhưng trong cuộc đời, bao em nhỏ lang thang đã phải lưu lạc từ khi tấm bé. Vì biết bao nguyên cớ khác nhau, biết bao cảnh ngộ không thể nói hết bằng lời và có lẽ không em nhỏ nào muốn nhắc lại những kỉ niệm cay đắng ấy – cái thời khắc mà các em bị bật ra khỏi mái nhà của mình và bắt đầu phiêu bạt trên những con đường. Khi những mái nhà không còn tổ ấm nữa, khi các em sinh ra không phải trong vòng tay âu yếm, mà trong sự ruồng bỏ, ghẻ lạnh, khi một tiếng sét của số phận đột ngột giáng xuống, cướp đi người thân yêu nhất,… các em thành những đứa trẻ côi cút giữa cảnh đời. Biết bao nhiêu em nhỏ phải khóc ngất đi vì đói và lạnh ngay từ phút chào đời khi bị bỏ rơi ở cổng bệnh viện, trước mái tam quan nhà chùa, dưới chân gác chuông nhà thờ, hay ở bất kỳ nơi nào bên lề đường, hè phố, góc chợ,… Biết bao nhiêu em nhỏ khác nữa, lang thang hết nơi này đến nơi khác, làm đủ nghề để kiếm sống: đánh giày, bán báo, bán vé số dạo, phụ việc nhà hàng… Cái đói và cái lạnh vẫn chưa phải là điều tủi cực nhất, đáng sợ nhất. Còn biết bao nguy hiểm rình rập các em trên mỗi bước đường đời đầy bất trắc. Nhiều em nhỏ bị ngược đãi, bị bạo hành và lạm dụng thân thể. Nhiều em nữa bị đẩy vào tệ nạn xã hội: ma túy, trộm cắp, cờ bạc, lừa đảo,… Sự tàn khốc và đáng sợ của cuộc sống ngoài lề đường nhiều khi làm thui chột những tâm hồn bé bỏng, non nớt. Không được học hành, không có sự giáo dục, chăm lo của người thân, nhiều em còn rất nhỏ đã bị xã hội đen làm hư hỏng. Các em không được yêu thương nên cũng không biết yêu thương. Các em không được ai chia sẻ nên trở nên cộc cằn, gai góc. Các em luôn bị xua đuổi, nghi ngờ và xa lánh tất cả. Cái đói và cái lạnh len lỏi vào tận tâm hồn trong trắng của trẻ thơ, làm thui chột, làm đông rắn lại cả những điều tốt lành nhất, êm dịu nhất. Có lẽ cuộc sống của các em sẽ mãi chìm trong những góc tối, mãi mãi trôi dạt trên đường đời này. Một lần, tôi đã được chứng kiến cảnh vị sư thầy trụ trì một ngôi chùa nhỏ nuôi mấy chục em nhỏ mồ côi. Sư thầy vừa là người mẹ, người cha, người thầy học của tất cả các em. Và kì diệu thay các em nhỏ lớn lên thật ngoan hiền, thật giỏi giang. Nhiều em đã thi đậu đại học. Nhiều em phải đi làm và gửi tiền về phụ với thầy mẹ nuôi những đứa em chưa trưởng thành. Các em đã có một mái ấm gia đình, ánh sáng của tình thương yêu, vị tha đã thắp sáng những cuộc đời bé nhỏ. Dưới cửa chừa của Đức Phật, dưới mái nhà của người cha nhân từ, bao dung, độ lượng, các em đã lớn lên như những thiên đồng, trái tim ngập tràn tri ân và đức từ bi hỷ xả.
Tôi còn được biết một nữ giám đốc doanh nghiệp, vốn là một trẻ mồ côi, được một người cha nuôi cưu mang từ tấm bé. Vị nữ giám đốc ấy sau này trở thành người mẹ của hơn bốn ngàn em nhỏ lang thang cơ nhỡ. Ngọn lửa nào đã thắp sáng trái tim người mẹ ấy? Tình yêu thương mà chị nhận được từ người cha nuôi từ thuở còn thơ ấu đã theo chị suốt cuộc đời bất hạnh. Trao tặng tình yêu và thiện tâm, cuộc đời chị giàu có hơn bội phần. Và cuộc đời những em nhỏ được chị cưu mang cũng không còn khốn khó, lạnh lẽo. Chị đã mang trái tim của mẹ Tê-rê-sa, trái tim hiền mẫu.
Trên đường phố, chúng ta vẫn gặp những em bé của tố bán báo Xa mẹ. Nhưng lòng ta đã đờ phấp phỏng hơn, thầm biết ơn người cha của các em – bác Tiến, người đã dựng cho các em mái ấm tình thương để các em có chốn đi về, học tập, chia sẻ với bạn bè như anh em trong một gia đình.
Còn biết bao mái ấm như vậy trên cuộc đời này. Mỗi khi nghĩ về những mái ấm ấy, lòng tôi tràn ngập lòng biết ơn. Bởi lẽ, những mái ấm ấy còn cưu mang cả chúng ta nữa. Nếu thiếu đi những tấm lòng thiện hảo như vậy, cuộc đời này hẳn lạnh lẽo, đáng sợ vô cùng.
Nhưng tôi vẫn thầm ước giá như mỗi mái nhà của gia đình nhỏ thực sự là mái ấm,… Giá như những vòng tay cha mẹ luôn nâng niu những hài nhi chứ không tàn nhẫn vứt bỏ các em bên lề cuộc đời. Điều mong ước ấy có lẽ khó thành sự thực. Bởi cuộc đời có muôn mặt và muôn vàn góc tối đáng sợ.
Tôi có thể làm gì đây? Bàn tay tôi nắm bàn tay một em nhỏ và dắt em ngang đường. Trên xe buýt, tôi nhường chỗ cho một em nhỏ và người phụ nữ mang bầu. Người mẹ mỉm cười với tôi. Em nhỏ nháy mắt với tôi… Tôi hạnh phúc vì được cho và nhận. Dù chỉ là một điều rất bé nhỏ.
Tôi biết ơn những mái ấm tình thương, những vòng tay nhân ái dù tôi may mắn có được mái ấm của cha mẹ, anh em ruột thịt. Những mái ấm ấy đã che chở cho tất cả chúng ta, trên thế giới còn đầy bất trắc này…
Bài viết số 2 lớp 12 đề 2 – Mẫu 3
“Trong đêm, một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường, ánh mắt buồn mệt nhoài của em, em rất buồn vì em không biết đi về đâu,về đâu…”.
Đây chính là thực trạng xã hội hiện nay ở nước ta, tình trạng trẻ em lang thang ngày càng tăng và là một vấn nạn cần được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhà nước ta đã rất cố gắng hết mình, nhưng không dễ gì có thể xóa đi vấn nạn này một cách nhanh chóng được do nhà nước ta không có đủ điều kiện. Vì thế trong xã hội đã xuất hiện một lực lượng mới, một lực lượng cảm thông với tình trạng hiện nay của các em, một lực lượng giàu tâm huyết và đầy tình thương,đó chính là nhiều cá nhân, gia đình & tổ chức có lòng hảo tâm đã thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang, kiếm sống trong thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy,giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
Số phận của những đứa trẻ lang thang, khác với các bạn bè cùng trang lứa, lẽ ra giờ này chúng phải đang được yêu thương, được nâng niu chăm sóc bởi gia đình, cha mẹ; thì giờ đây những đứa trẻ ấy phải lang thang kiếm sống dưới những tiêu cực của xã hội, những lừa lọc, áp bức, xâm hại tới bạn thân, mà quan trọng nhất là xâm hại tới tinh thần, tới tư tưởng. Vì thế các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước đã cùng chung tay lập nên những Mái ấm tình thương, những gia đình không cùng chung huyết thống nhưng lại có chung một tấm lòng, để chăm lo và dạy bảo cho trẻ em lang thang, những mảnh đời bất hạnh có được một cuộc sống hạnh phúc, một tuổi thơ vui tươi và một tương lai tươi sáng.
Tiêu biểu về các tổ chức nhân đạo ở Việt Nam là: Làng trẻ em SOS, một gia đình lớn của trẻ em lang thang. Nhưng trong số những nhà hảo tâm có đầy đủ điều kiện về vật chất lẫn tấm lòng thì cũng có không ít người không có điều kiện vật chất nhưng lại có tấm lòng như Cổ tích “bà bụt sinh viên” đăng trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 26-9-2008 về nữ SV Nguyễn Hòang Oanh đảm đang, vững vàng với vai trò là chị, là mẹ của 3 em “nuôi” nhỏ mù lòa. Dù chỉ là sinh viên, lo tiền học của bản thân còn không đủ, nhưng Oanh vẫn gắng chăm sóc cho các em, lo cho các em có được một cuộc sống no đủ, được vui chơi, được học hành bằng những mối làm thêm đến tận khuya để có tiền cho các em. Thật đúng là một câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường.
Nhưng do đâu mà trẻ em lang thang trong xã hội ngày một đông? Trẻ em lang thang do nhiều lý do, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do những người mang tiếng là bậc sinh thành, nhưng lại thiếu trách nhiệm, đang tâm bỏ con giữa một xã hội đen tối, không nơi nương tựa, để chúng bị lợi dụng, lầm đường lạc lối. Thật đáng trách cho những kẻ đã quyết định sinh con ra đời thì ít nhất cũng phải mang đến cho chúng một cuộc sống hạnh phúc cho dù là không no đủ.
Nguyên nhân thứ hai có thể do bọn trẻ mồ côi từ nhỏ, không nơi nương tựa, chúng phải sống dựa vào những đứa trẻ lang thang lớn hơn, những băng nhóm đường phố, học theo thói xấu, làm việc xấu để mưu sinh. Và nguyên nhân thứ ba chính là những kẻ có tâm địa độc ác, xấu xa đã lừa gia đình các em, dụ dỗ các em, xem các em như một món hàng đem lại lợi nhuận cho chúng.
Trong cuộc sống có kẻ xấu, người tốt, cũng như có những nhà hảo tâm thì song song đó cũng có những kẻ gian, lừa đảo, chăn dắt các em gọi là “mẹ mìn”. Những người “mẹ” này đã lợi dụng các em, bóc lột sức lao động của các em, bắt các em làm việc quá sức: xin ăn,bán vé số, thậm chí là ăn cắp để kiếm tiền nuôi chúng. Nếu các em không kiếm đủ tiền, thì bị “mẹ” đánh đập dã man, bắt các em nhịn đói. Những kẻ nhẫn tâm hơn nữa thì đánh gãy tay, gãy chân, thậm chí là chặt ngón tay, ngón chân của các em để việc ăn xin đạt “hiệu quả” cao hơn. Những đứa trẻ bị lợi dụng chăn dắt thường xuất thân ở các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, bị những kẻ chăn dắt lường gạt đi vào TP.HCM làm việc kiếm tiền.
Một thực trạng đau lòng khác là nhiều vụ việc khi phát hiện, lại do chính cha, mẹ ruột đẩy các em theo những kẻ chăn dắt để kiếm tiền. Như trường hợp em Hoa (khoảng 6 tuổi) trên báo Phụ nữ,quê ở Nghệ An, mẹ bệnh mất sớm từ lúc hai tuổi. Nhà có bốn chị em, thu nhập hàng ngày trông vào hai công đất trồng sắn và công việc phụ hồ hàng ngày của ba. “Khoảng giữa năm 2008, bác Năm ở TP.HCM ra quê đưa nhà em ba triệu đồng bảo ba cho con vào TP.HCM phụ bác Năm bán hàng. Bác sẽ cho ăn học đến nơi đến chốn. Khi vào TP.HCM, bác Năm Bắt con gọi bằng “mẹ”. Khi đi bán phải mặc đồng phục học sinh để người ta thấy tội nghiệp, mới bán được nhiều. Mỗi ngày làm việc, “mẹ” sẽ giữ dùm 10.000đ, cuối năm sẽ đưa con gửi về quê” – Hoa nói. Thật đáng xấu hổ khi một người lớn khỏe mạnh lại sống bằng số tiền ít ỏi kiếm được của một đứa trẻ, mà không biết tự lao động để nuôi sống bản thân, chỉ biết bóc lột sức lao động của các em. Những kẻ có hành vi này cần phải bị xử phạt thật nghiêm minh, để làm gương cho bọn xấu còn lại.
Việc làm của những nhà hảo tâm đối với các em lang thang thật là tuyệt vời. Đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp mà xã hội đang rất cần có ở mỗi công dân. Là một thanh niên sống trong xã hội, chúng ta phải có thái độ tích cực ngăn chặn những hành vi sai phạm của bọn xấu, đồng thời chung tay góp sức giúp các em có một cuộc sống tươi đẹp. Vì trẻ em chính là tương lai của đất nước, là tương lai của chính chúng ta. “Trẻ em hôm nay, đất nước ngày mai”, hãy để trẻ được sống trong ấm no hạnh phúc, có thế thì tương lai do chúng xây dựng mới có thể tốt đẹp được.
Giúp đỡ người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ cần có sự chung tay của nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức từ thiện và các cấp, các ngành và cả chính bản thân chúng ta nữa. Chúng ta hãy cùng nhau vận động mọi người xây nên những mái ấm, những gia đình thật lớn, để xã hội không còn cảnh trẻ em lang thang nữa. Hãy để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 3
Dàn ý bài viết số 2 lớp 12 đề 3
I. Mở bài
Giới thiệu về tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích – một căn bệnh đang gây nguy hại cho xã hội đang ngày càng lan rộng.
II. Thân bài
1. Khái niệm
– Tiêu cực trong thi cử: là những hành vi gian lận trong thi cử (Thí sinh mang những tài liệu hoặc những thiết bị không được cho phép vào phòng thi…).
– Thành tích: là kết quả tốt đẹp đạt nhờ sự nỗ lực, thường được biểu dương hoặc khen thưởng, đem lại cho con người động lực cố gắng.
– Bệnh thành tích: làm việc mà không quan tâm đến thực tế, không suy nghĩ về hậu quả lâu dài chỉ chăm chút đến vẻ bề ngoài, đến việc đạt được những chỉ tiêu một cách khiên cường.
2. Bình luận và chứng minh
– Nguyên nhân của bệnh thành tích:
- Mong muốn đạt được kết quả mà không cần phải cố gắng học tập, làm việc.
- Tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên tìm cách đốt cháy giai đoạn muộn để có thành tích ngay.
- Sự quản lý thiếu sát sao của các cấp lãnh đạo, hình thức trong quản lý chỉ quan tâm đến văn bản, báo cáo.
– Tác hại của bệnh thành tích:
- Gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”.
- Là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liêu.
- Đặc biệt nguy hại đến sự phát triển lao dài cho nền giáo dục của một đất nước.
– Giải pháp:
- Cần chú ý đến hậu quả lâu dài, tránh “ăn xổi ở thì”.
- Các cấp lãnh đạo phải sát sao, thực tế hơn, điều chỉnh quản lý.
- Bản thân học sinh cần nói không với tiêu cực trong thi cử.
3. Liên hệ bản thân
– Nhà trường, giáo viên cần tránh xa bệnh thành tích.
– Học sinh cần trung thực trong thi cử.
III. Kết bài
Khẳng định tầm quan trọng của việc khắc phục tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Đó là công việc của toàn xã hội.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 3 – Mẫu 1
Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh xã hội: tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.
Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” – bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.
Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy… bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%… Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% – 70%.
Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu. Bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.
Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học… Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.
Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành.
Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.
Như vậy, cuộc vận động: “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là vô cùng cần thiết đối với xã hội hôm nay. Mỗi công dân hãy ý thức được tác hại to lớn của “bệnh thành tích” trong giáo dục để tránh xa căn bệnh này.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 3 – Mẫu 2
Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.
“Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thế nhưng cũng thật đáng buồn khi xã hội ngày càng phát triển, những nỗ lực, cố gắng để đạt một thành tích tốt đẹp của con người lại trở thành một căn bệnh đang là mối đe dọa trong xã hội.
Một biểu hiện dễ thấy nhất đó là bệnh thành tích trong giáo dục. Các thầy cô muốn thành tích cao cho trường, cha mẹ muốn thành tích tốt cho con mình. Khi còn đương nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “Các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao và hàng chục triệu phụ huynh, gia đình học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích”.
Phụ huynh muốn con em mình điểm cao mà sẵn sàng đưa tiền bồi dưỡng các thầy cô. Thầy cô vì muốn học trò được điểm cao lấy thành tích cho trường mà mua chuộc giám thị. Chúng ta biết rằng kết quả thi cử của học sinh sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên và nhà trường. Từ đó nếu có một kết quả thi tốt của học sinh, thầy cô sẽ được khen thưởng, nâng lương… Và những phụ huynh học sinh cũng có được một bảng điểm đẹp cho con em mình. Ai cũng được lợi. Bên cạnh những phụ huynh thực sự muốn con em mình đi lên bằng chính sức lực của chúng không ít những phụ huynh vẫn đang tìm mọi cách giúp con có một bảng điểm đẹp, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng sau này. Điều đó từ sâu xa đều xuất phát từ lòng thương con của cha mẹ. Ai mà không muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Cứ tới mỗi kỳ thi, chúng ta lại bắt gặp những cuộc trò chuyện như “Đã lo chỗ nào chưa?”, “Đã đi thầy/cô này chưa?”… Chính tình thương quá đáng của bậc cha mẹ đã vô tình trở thành công cụ cho bệnh thành tích ngày càng lây lan rộng hơn.
Chúng ta hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đọc được những bản tin như học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6 vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, chưa đọc thông viết thạo vậy mà các em vẫn được lên lớp đều đều. Chúng ta hẳn thấy thật chua xót khi sau mỗi năm thi đại học, cao đẳng lại xuất hiện những bài thi được chép kín những mặt giấy nhưng hoàn toàn không đúng nội dung đề bài. Sau mỗi ngày thi, sân trường phủ kín bằng phao trắng xóa. Hình ảnh thật xót xa.
Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành một căn bệnh khó chữa. Nó không chỉ là căn bệnh của ngành giáo dục mà nó còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác của xã hội nữa. Bệnh thành tích không còn giới hạn ở một con người cụ thể, một lĩnh vực riêng lẻ nào. Nhớ trước đây số xã nghèo ở nước ta chỉ khoảng 1700. Sau khi có các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tiền để xóa nghèo thì rất nhiều địa phương đã đăng ký thoát nghèo. Để rồi khi báo chí vào cuộc phanh phui thì vẫn có hàng trăm hộ trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đã được thoát nghèo. Âu cũng là bệnh thành tích mà ra.
Cấp trên thích nghe thành tích tất nhiên sẽ có cấp dưới tạo ra những thành tích ảo. Từ nhỏ thành lớn, từ ít đến nhiều, căn bệnh thành tích từ đó ngày càng lây lan rộng. Những câu chuyện về những công trình, dự án trên giấy, vấn đề giải quyết việc làm, câu chuyện xóa đói giảm nghèo… với những báo cáo xa rời thực tế là vấn đề muôn thuở.
Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Nó sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.
Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.
Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.
Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.
Bài viết số 2 lớp 12 đề 3 – Mẫu 3
Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ… sẽ đem lại lợi ích cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, nhân dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.
Nhưng đến khi nào thì những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội, lại trở thành một bệnh, mà ngày chúng ta gọi tên nó là bệnh thành tích? Suy cho cùng, nếu diễn dịch bằng thuật ngữ thông thường, sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực.
Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Tiêu cực trong thi cử cũng gắn liền với bệnh thành tích trong giáo dục. Hành vi này xuất phát từ chính lòng ham muốn đạt được thành tích mà không phải cố gắng học tập, làm việc.
Tuy nhiên, muốn khắc phục căn bệnh nguy hiểm này, có nhiều vấn đề được phân tích thêm và làm sáng tỏ. Tại sao các trường và các thầy cô ham muốn kết quả thi cao? Phải chăng vì kết quả cao đó – dù là kết quả không phản ánh đúng thực chất – là tiêu chí được Sở hay Bộ sử dụng để đánh giá thành tích điều hành và giảng dạy của Ban giám hiệu, các thầy cô? Phải chăng với thành tích được đánh giá cao theo cách đó, chắc chắn ban giám hiệu và thầy cô sẽ có lợi là nâng lương, khen thưởng và tiếp tục “sự nghiệp” nhân lên căn bệnh thành tích? Và nếu tất cả các trường trên cả nước đều có những kết quả xuất sắc tương tự, phải chăng Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ được đánh giá là có thành tích tốt trong công tác điều hành giáo dục trên cả nước?
Tại sao các phụ huynh muốn con em có điểm cao hơn thực chất. Ở đây cũng cần có hai cách nhìn: thực chất và tác dụng. Xét về thực chất, không có phụ huynh học sinh nào muốn con em mình là học “giả”. Họ là những người đã bỏ ra tiền thật, công sức thật, thời gian thật và hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình. Không có lý do gì họ lại mong muốn nhận được một môn hàng giả. Tuy nhiên, đứng trên điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất chúng ta đã được biết để con em họ qua được các kỳ thi, có một tấm bằng. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh học sinh và học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích hơn là “đồng tác giả”. Khi sự lây nhiễm của bệnh thành tích đã thành phổ biến, làm gì có ai được miễn dịch? Cuối cùng, không có ai khác là xã hội phải gánh chịu rủi ro. Một sự lãng phí nghiêm trọng về thời gian và tiền bạc, hậu quả của bệnh thành tích. Khi nguồn nhân lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế bị méo mó nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Các doanh nghiệp đành phải chấp nhận “hàng giả” lẫn lộn với “hàng thật” và phải thêm ngân sách để đào tạo và đào tạo lại sau khi tuyển dụng, bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của người. Hơn nữa, hàng rào thì có quá nhiều và tập trung càng làm nặng thêm tinh thần học tủ, học rập khuôn, sao chép của học sinh.
Chúng ta đều nhận thức rõ ràng, một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là xuất phát điểm, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và thành thục sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.
Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh. Đất nước này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Trên tiến trình đổi mới giáo dục bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng.
….
>>>Tải file để tham khảo trọn bộ các mẫu bài viết số 2 lớp 12!