Văn mẫu lớp 6: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình (ông, bà, cha, mẹ..), Bài văn mẫu lớp 6: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần
Tài Liệu Học Thi xin gửi đến quý thầy cô giáo và các em học sinh những bài văn mẫu lớp 6 hay nhất với chủ đề tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình. Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp các thầy cô giáo có thêm nhiều tài liệu hay, hỗ trợ công tác giảng dạy.
Xem Tắt
Tả người mẹ thân yêu
Bài làm 1
“Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này.
Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi. Chỉ chín tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Nhưng hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi.
Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất. Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết làm mẹ buồn, mẹ khóc.
Mẹ dạy tôi rất nhiều điều “Phải sống trung thực, ngay thẳng. Phải biết ơn nhưng không được nhớ oán. Phải biết tha thứ yêu thương người khác. Nhất định chị em phải đoàn kết với nhau mà sống, đừng để mọi người chê cười con không có dạy”. Đó là tất cả những gì mẹ để lại cho tôi trước lúc ra đi. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi sống vô tư có mẹ cũng như không có mẹ. Nhưng Mẹ ơi? Giờ con mới hiểu mồ cô mẹ là gì? Giờ con mới biết những lời nói đó là tài sản quý giá nhất mà mẹ đã dành cho con. Con nhớ me nhiều lắm, nhất định cn sẽ làm theo những gì mẹ dạy.
Mẹ tôi đã vượt qua khó khăn để sống và tôi cũng sẽ thế. Mẹ luôn là một vầng ánh sáng soi dẫn đường tôi. Những nụ cười của mẹ sao nó cứ hiện mãi trong đầu tôi cả lúc mẹ ra đi nữa. Giờ tôi muốn được nắm tay mẹ, muốn được ngồi vào mẹ nhưng tôi không thể! Mẹ tôi rất thương yêu tôi, mẹ đã hi sinh cuộc đời mình để tôi được sống tốt hơn. Ngày ấy, lúc mẹ đau đớn giữa đêm khuya, thấy mẹ đau tôi chẳng biết làm gì mà chỉ biết khóc. Mẹ nắm tay tôi và cười trong những giọt nước mắt “Mẹ không sao đâu con. Thế là tôi đã ngủ thiếp đi, sao tôi lại khờ dại đến ngu ngốc thế chứ? Tôi hiểu mẹ yêu tôi nhường nào và tôi cũng vậy. Tuy giờ không có mẹ bên cạnh nhưng mẹ vẫn sống trong tâm trí tôi. Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.
Mẹ tôi là người thế đó, tôi chỉ có thể nói là mẹ tôi rất tuyệt. Mẹ là người tôi yêu quý nhất trên đời và dù me đi xa nhưng mẹ vẫn như còn đó đứng bên cạnh tôi. Giá như, tôi được sống với mẹ dù chỉ là một ngày. tôi sẽ chăm sóc cho mẹ, việc mà tôi chưa từng làm, tôi sẽ làm mẹ vui, không làm mẹ phải khóc. Và điều tôi muốn nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và lo cho mẹ. Mẹ ơi! Con rất muốn”.
Hỡi những ai còn mẹ thì đừng làm mẹ mình phải khóc, dù chỉ là một lần!”
Bài làm 2
“Nhớ ngày xưa khi còn bé, mẹ ôm ấp tôi những lúc trời lạnh. Mẹ kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích ly kỳ, hấp dẫn bằng giọng nói trầm ấm. Đôi mắt mẹ yêu thương nhìn tôi trìu mến. Đôi mắt đen láy làm cho mẹ thật thông minh. Cả những lúc chui vào trong chăn cùng mẹ, tôi cảm nhận được hơi thở ấm nồng, nhè nhẹ. Mẹ muốn tôi ngủ yên, ngủ say để sáng mai còn đi học sớm, không bị thiếu ngủ…”. Có những điều không cần phải nói ra, tuy con còn nhỏ, con cũng có thể cảm nhận được!
“Những lần tôi ốm, mẹ thức trắng cả đêm để săn sóc tôi. Sáng dậy, đôi mắt mẹ trũng xuống vì thiếu ngủ. Tôi hiểu được, mẹ lo lắng cho tôi thế nào. Những hôm đó, trông mẹ xanh xao quá. Hôm nào tôi làm bài muộn, mẹ luôn nhắc nhở, lo lắng, thúc giục tôi ngủ sớm để ngày mai đi học. Còn những lần bị điểm kém, mẹ không bao giờ mắng tôi. Mẹ kiên nhẫn, giảng lại cho tôi từng ly từng tí cho đến khi tôi hiểu thì thôi. Mẹ luôn nói với tôi: Con cố găng ngoan ngoãn, đừng để mẹ mất kiên nhẫn. Mẹ đánh con là mẹ đánh chính mẹ…”
Tôi đã khóc khi đọc những lời văn của con gái. Bài văn tràn đầy những cảm nhận chân thực của con về những việc tôi làm hàng ngày. Những câu nói, những cử chỉ, những hành động của tôi đều được con lần lượt kể lại bằng ngôn từ của chính mình.
“Dù bận rộn đến đâu, mỗi ngày mẹ đều dành thời gian nói chuyện với tôi. Có chuyện gì, dù xấu hay tốt, tôi đều kể với mẹ. Trước khi thi, mẹ cùng ôn bài với tôi. Mẹ vuốt ve tôi bằng đôi tay trắng mịn màng và dặn: Nhớ đọc lại kỹ bài làm để dành cho mẹ một điểm nhé, mèo con! Mẹ đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để chiến thắng. Cứ mỗi lần nhớ về khuôn mặt tròn tròn, bầu bĩnh của mẹ, tôi lại tự nhủ: Phải chiến thắng, Phải chiến thắng….!”
Tôi thường tự nhủ, điều thành công nhất của tôi trong việc dạy con từ trước tới nay là con tôi coi tôi như một người bạn thân, không giấu tôi dù là chuyện buồn hay vui. Tôi tâm niệm, để giữ được thói quen đó của con, tôi không được gây sức ép cho con bất kể chuyện gì, đặc biệt chuyện học hành. Giao tiếp hàng ngày với con rất quan trọng, mẹ con tôi thường nói đùa: Tâm tín con như mặt nước phẳng lặng. Con chỉ hơi gợn sóng là mẹ biết liền!
“Nhưng những điều đó chỉ xảy ra từ hồi tôi còn nhỏ. Bây giờ mẹ đã khác. Mẹ bận rộn hơn, mẹ hay mệt hơn và cũng dễ nổi nóng hơn. Mẹ ít để ý đến tôi và tính kiên nhẫn của mẹ cũng giảm nhiều. Vậy là mẹ đã không còn trẻ nữa… Tôi nghĩ rằng, dù sao tôi cũng đã lớn, mẹ không cần để ý đến tôi nhiều nữa. Tôi sẽ tự lập như mẹ mong muốn. Thế nhưng, đôi tay mẹ vẫn đẹp như xưa. Tôi vẫn mong được đôi tay ấy vuốt ve mỗi ngày, không phải như những khi tôi cọ má vào mẹ, mẹ nghiêm mặt lại và bảo: Con lớn rồi, không làm nũng mẹ nữa… Tôi hiểu, dù có nói vậy, tình yêu của mẹ dành cho cô con gái đầu lòng của mẹ không thay đổi”.
Trái tim tôi thắt lại khi đọc đến những dòng này. Sau khi bác giúp việc bị ốm cách đây 6 tháng, vào thời điểm con lớn lên cấp 2, con nhỏ bắt đầu vào lớp 1, ngoài giờ làm việc, tôi phải đảm đương nhiều việc nhà hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 2 tiếng buổi tối rảnh rỗi với con trước đây bị chia sẻ làm ba, hai phần cho bé nhỏ và một phần cho bé lớn. Đôi lúc thấy con tủi thân, tôi giải thích cho con qua loa: em còn nhỏ, chưa biết đọc, biết viết, mẹ phải bên em, giống như bên con 5 năm trước đây… Tôi rất sợ con phụ thuộc vào tôi nhiều quá nên đặt mục tiêu rèn luyện tính tự lập cho con lên hàng đầu. Vì vậy, tôi tránh những động chạm tình cảm, dù con là con gái. Hay là tôi ngụy biện, tôi đã trở thành một người mẹ khô khan mất rồi? Giai đoạn dậy thì là giai đoạn đặc biệt của con với nhiều biến chuyển tâm sinh lý. Vậy mà tôi lại dần dần xa con. Tôi mải mê bon chen kiếm tiền để lo cho tương lai của con mà quên mất dù ở lứa tuổi nào, con cũng rất cần hơi ấm của mẹ. Tôi mải mê với cơm áo gạo tiền, đôi khi về nhà nổi nóng và tức giận vô cớ khi những việc ở cơ quan không như ý muốn, khi mục tiêu tài chính của tôi không đạt được. Đôi khi tôi nhận ra sự sợ sệt của con, nhưng tôi xoa dịu lương tâm bằng câu nói “Tất cả vì tương lai tốt đẹp của con”. Tôi đã làm con sợ, con không kể cho tôi nghe những câu chuyện dài lê thê trên lớp hay những buồn vui của con nữa… Cho dù con đã rất rộng lượng cho tôi một câu an ủi “Tình yêu của mẹ dành cho con không thay đổi”, tôi vẫn nhìn lại những gì mình đã làm và thấy rằng mình đã rất khác hình ảnh người mẹ trong tâm trí con, hình ảnh người mẹ “ngày xưa” của con! Tôi đã sai khi nghĩ rằng, con tôi đã lớn, tôi cần kiếm tiền để lo cho con đi du học. Tôi quên mất rằng, con tôi cần hơi ấm và sự động viên của tôi hơn là cần những sắp đặt tương lai của tôi!
Cám ơn đề văn của cô giáo, cám ơn những lời văn tha thiết của con. Con đã có những con sóng lớn trong suy nghĩ và tôi đã bỏ qua một thời gian dài! Tôi biết mình phải làm gì để có thể là người mẹ tốt nhất của con trong lúc này! Con gái à, con luôn là nữ hoàng trong thế giới của mẹ!
Bài làm 3
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
Mẹ là người đã sinh ra em, nuôi dạy em từng ngày, dõi theo em từng bước đi trên đường đời từ khi sinh ra đến khi trưởng thành. Mẹ là người thân gần gũi nhất của em. Chắc điều này không chỉ đúng với riêng em mà có lẽ nó còn là lời khẳng định của nhiều người.
Mẹ em không xinh đẹp như những người phụ nữ thành phố với những nét đẹp son phấn. Mẹ em có một khuân mặt rám nắng, vầng trán cao, những nếp nhăn của độ tuổi ngoài bốn mươi. Mái tóc dài đen óng, nhẹ nhàng,chưa một vết đốm bạc được mẹ buộc gọn gàng phía sau. Mẹ em có một cái mũi dọc dừa cùng đôi mắt tinh nhanh nhưng ẩn chứa phía sâu bên trong đôi mắt đó là những sự lo lắng. Đó là những nỗi lo cho gia đình, cho con cái, cho tương lai. Mẹ em có hàm răng trắng đều như bắp và một đôi môi mỏng. Bà ngoại em từng nói trước đây bàn tay của mẹ em trắng đẹp vô cùng nhưng vì phải làm nhiều việc nặng nên dần dần bàn tay ấy không còn đẹp như trước mà sần sùi, trai sạn. Hàng ngày, em rất thích được nắm bàn tay ấm áp ấy trước khi đi ngủ. Mẹ có một vóc dáng cân đối nên mẹ mặc bộ quần áo nào em cũng thấy đẹp. Ở nhà, mẹ em thường hay mặc những bộ quần áo giản dị, chỉ khi nào mẹ đi đám cưới hoặc họp lớp, em mới thấy mẹ mặc những bộ đồ thời trang hơn. Em tự ngẫm nghĩ, nếu mẹ được sinh ra, lớn lên và được gả vào nhà giàu có, chắc mẹ em sẽ đẹp và quý phái hơn nhiều.
Mẹ luôn ăn nói nhẹ nhàng với những người xung quanh. Mẹ sống hòa nhã và hay giúp đỡ hàng xóm láng giềng nên được mọi người quý mến. Mẹ cũng thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn thể của thôn xóm. Mẹ thường hay tham gia những hội thi “Kéo tay hay làm” của hội phụ nữ xã như: hội thi cắm hoa, hội thi nấu ăn “Gia đình điểm 10”…và luôn dành được những giải cao trong các cuộc thi đó. Em luôn tự hào vì người thân gần gũi nhất của em luôn có một vẻ đẹp bất diệt – vẻ đẹp tâm hồn.
Mẹ em rất tận tụy với công việc. Mẹ nấu ăn rất ngon, trình bày đẹp mắt nhất là những món ăn truyền thống của người Việt Nam. Mẹ thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và giữ gìn cho nhà cửa luôn gọn gàng, sạch sẽ. Mẹ rất yêu thương và bao dung em. Mỗi lần em mắc lỗi hoặc bị điểm kém thì mẹ luôn động viên,khuyên bảo em cần cố gắng hơn . Còn khi em được điểm cao trong các kì thi học kì mẹ luôn có những phần thưởng xứng đáng để khích lệ tinh thần em. Mẹ luôn quan tâm, chăm sóc cho em từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi lần em bị ốm, mẹ lại thức cả đêm ngồi trực bên giường chăm sóc em, canh giấc ngủ cho em. Em vẫn còn nhớ một lần mà em không bao giờ quên được, hôm đó em lao ra khỏi nhà, vội chạy thật nhanh ra bến xe bus kẻo xe đi mất, bỗng thấy tiếng mẹ gọi:
– Con ơi, con đem theo cái ô kẻo nhỡ trời mưa con à!
– Không cần đâu mẹ, trời không mưa đâu – Em trả lời mẹ rồi chạy như lao về phía bến xe trước cái nhìn theo của mẹ.
Thật may là em không bị nhỡ xe, không muộn học. Ngước lên nhìn trời, thấy mặt trời vẫn buông xuống những tia nắng rực rỡ, em nghĩ “Trời nắng chang chang thế này mà mẹ bảo mang ô kẻo mưa, mưa làm sao được…!” Nhưng đúng là thay đổi như thời tiết, trời vừa nắng, ấy vậy mà chỉ chốc lát mây đen ùn ùn kéo đến chả mấy chốc những trận mưa ào ào chút xuống. Đã hết bốn tiết học mà trời vẫn mưa chưa ngớt. Em không thể ra bến xe để bắt xe về. Em nghĩ: “Giờ này ở nhà chắc mẹ lo lắm vì giờ này mình chưa về”. Vừa chợt nghĩ xong bỗng nhiên em nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc. Thì ra mẹ đã đi xe máy đến đón em về, em mừng quýnh, leo ngay lên xe và cùng mẹ về nhà. Em ngồi sát và ôm mẹ thật chặt vì lạnh. Hôm ý em đã bị sốt vì cảm lạnh. Mẹ lại là người chạy xe đội mưa đi mua thuốc cho em uống. Đêm ý, mẹ đã thức trắng bên giường em vì em sốt cao quá. Đến sáng tỉnh dậy, em vẫn thấy mẹ ngồi đó đôi mắt mẹ thâm quầng, tay nắm chặt tay em, em chợt nhớ ra việc chiếc ô, giá mà hôm qua em nghe lời mẹ mang theo ô, em đã về nhà bằng xe bus và đã không bị cảm lạnh như thế này. Em nhận ra lỗi của mình, em thì thầm bên tai mẹ “Con xin lỗi vì đã không nghe lời mẹ”. Mẹ vỗ về em: “Không sao, không sao con, con khỏe lại là tốt rồi”. Em chợt hiểu, tình yêu của người mẹ dành cho con là vô tận, không có gì có thể so sánh được và em không thể phủ nhận mẹ là người thân gần gũi nhất của em.
Em rất yêu thương mẹ và luôn tự hào được là con của mẹ. Mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho em. Em luôn tự hứa với bản thân sẽ cố gắng rèn luyện đạo đức và học tập thật giỏi để sau này trở thành nhân tài giúp ích cho xã hội, cho đất nước và mãi là niềm tự hào của mẹ.
Tả ông ngoại của em
Ông bà ngoại có cả thảy sáu đứa cháu lít nhít cả nội lẫn ngoại. Không hiểu sao các anh chị em họ của tôi đều quấn riết lấy bà. Chỉ duy có tôi là làm cái đuôi của ông.
Ông thường nằm ngủ trưa trên một tấm phản gỗ kê xuềnh xoàng trên mấy viên gạch. Buổi trưa tôi lại cắp tờ báo nhi đồng vào ngủ với ông. Cầm tờ báo ngược xuôi một lúc thì chán. Tôi thấy tờ báo xanh đỏ thì kì kèo ông xin mua cho chứ tôi chưa biết đọc. Ông xoay nghiêng tôi, rồi vừa xoa xoa lưng vừa kể chuyện cổ tích.
Ông chỉ có mỗi chuyện “tủ” là Thạch Sanh thôi, thế mà chưa bao giờ tôi nghe hết chuyện của ông. Lòng bàn tay người già ram ráp, ấm áp, tấm phản gỗ ông nằm bao năm lên nước, bóng loáng, mát lịm, chỉ đến đoạn “đàn kêu tích tịch tình tang” là tôi lăn ra ngủ khoèo.
Tôi được năm tuổi, ông dạy tôi tập đánh vần. Đúng là một cuộc đánh vật của hai ông cháu. Tôi vốn hiếu động và hay lơ đãng, ông dạy chữ này thì quên chữ kia, nhớ được chữ hôm này thì quên tiệt chữ hôm trước, ông phải vận dụng đủ mọi hình ảnh để tôi nhớ được mặt chữ: “O là quả bóng da lũ trẻ trong xóm vẫn đá bình bịch mỗi chiều. Olà quả trứng gà bà bồi dưỡng tôi mỗi sáng, đội thêm nón của mẹ…”
Mỗi lần tôi học là mấy nhà hàng xóm xung quanh đều biết, tiếng ông thì không thấy đâu, chỉ thấy giọng tôi cười khanh khách. Nhưng hôm sau hỏi lại tôi đã quên rồi, chỉ nhớ chữ gì nghe “bình bịch” và chữ nữa thì “ăn được”.
Trong trí nhớ tôi, chỉ có mỗi chữ c hoa là không bao giờ tôi lẫn lộn. Chữ c hoa của ông bao giờ cũng một gạch tựa ở lưng. Tôi hỏi: “Để làm gì hả ông?”, ông trả lời: “Đểnó khỏi ngã”. Tôi cười khanh khách: “Thế thì chữ “cờ” còn già hơn ông, ông nhỉ ? Ông có cần chống gậy đâu?!” Ông cười, mặt nhăn tít lại: “A, con nhóc của ông giỏi thật!!”.
Rồi tôi đi học, tự nhiên chững chạc hẳn ra, học chữ nào thì thuộc chữ ấy. Ông hãnh diện lắm, đi khoe với những người bạn già “đứa cháu của tôi …”
Hôm nào ông cũng đi tập thể dục từ bốn giờ sáng. Tôi cũng dậy lạch bạch bám đuôi ông. Ông chạy chầm chậm, hai chân run run. Nhưng sáng nào ông cũng chạy được năm vòng quanh vườn hoa Pasteur. Tôi thì ngồi thùlu trên ghế, đếm vòng chạy của ông, đợi trời sáng rồi hai ông cháu xem mọi người đánh cầu lông, sau đó mới đi bộ về nhà.
Ông ra đi nhẹ nhàng. Như “chữ C” ra đi, để lại cho cái gạch đỡ bao nhiêu thương nhớ.
Tả ông nội của em
Nhà em khá đông người, nhưng người em kính trọng và gần gũi nhất là ông nội của em.
Nội em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng cử chỉ vẫn còn khá nhanh nhẹn. Người tầm thước, hơi gầy, còn da dẻ nội vẫn hồng hào.
Đầu ông hói, lơ thơ những sợi tóc bạc như cước. Vầng trán cao hằn sâu những nếp nhăn. Đôi mắt còn tinh nhanh ẩn dưới cặp lông mày đã ngả bạc. Má hơi hóp làm hai gò má nhô cao lên. Răng ông đã rụng nhiều nhưng nhờ lắp răng giả nên nụ cười vẫn tươi tắn. Em thích nhất chòm râu bạc của ông. Mỗi lần được ngồi trong lòng ông, em ngước nhìn mãi những sợi râu trắng dài và thích được ông cho vuốt râu.
Hằng ngày, ông thường mặc bộ quần áo màu xanh, đi đôi dép nhựa đã mòn. Chỉ lúc đọc sách ông mới đeo kính và khi nào đi bộ xa ông mới chống cây gậy trúc. Tuổi đã cao nhưng ông làm việc luôn chân, luôn tay. Khi quét nhà, quét sân, quét vườn; lúc vun gốc cho các cây trong vườn; lúc tìm bắt sâu đục phá cây chanh. Ông thường xuyên kiểm tra việc học của em, dạy em làm toán, làm văn… Ông còn tham gia việc chăm sóc thiếu nhi trong xã và xây dựng tủ sách cho nhà văn hóa xã. Khi rảnh rỗi, ông đọc sách, báo, nằm võng ngoài hiên và nghe đài truyền thanh hoặc chăm dãy hoa trước sân và dọc hai bên lối ra vào cổng. Những đêm trăng sáng, ông thường ngồi trên chõng tre kê giữa sân kể chuyện cổ tích cho em và các bạn nhỏ trong xóm nghe.
Con cháu làm gì sai, ông nhẹ nhàng răn dạy chứ không quát mắng bao giờ. Bà con hàng xóm có điều gì xích mích với nhau thường gặp nhờ ông giải quyết.
Mọi người đều yêu quý ông và khen ông tuổi cao mà vẫn còn minh mẫn. Riêng em, nếu được một điều ước như trong truyện cổ tích ông kể, em sẽ ước ông có sức khỏe, sống mãi bên em.
Tả người bà của em
Bài làm 1
Chuông đồng hồ đều đặn buông chín tiếng. Màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Chỉ còn âm thanh của gió khuya xào xạc trong khu vườn trước ngõ. Em rời bàn học bước ra sân, vươn vai hít thở không khí trong lành để cố xua đi cơn buồn ngủ. Còn hai bài tập Toán nữa, phải cố làm cho hết. Từ giường bên có tiếng trở mình khe khẽ. Bà nội vẫn thức chờ em.
Bà nội em năm nay hơn bảy mươi tuổi, dáng gầy guộc và lưng đã hơi còng. Dấu ấn thời gian in rõ trên mái tóc bạc phơ và trên gương mặt nâu rám hằn sâu vết nhăn của bà. Mắt bà đã hơi mờ nhưng đôi tai còn thính lắm. Chỉ nghe bước chân hay giọng nói từ xa là bà đã nhận ra đúng từng người trong gia đình.
Cũng vì quen với công việc nhà nông quanh năm vất vả từ thời còn trẻ cho nên đến nay, bà vẫn còn khỏe mạnh, dẻo dai. Những lúc bố mẹ em ra đồng, một mình bà lo đi chợ, nấu cơm, chăm sóc bầy gà, bầy lợn. Ít khi em thấy bà ngồi yên một chỗ. Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác chiếc cuốc ra vườn, cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, bón phân cho mấy luống rau và hơn chục gốc na, gốc bưởi.
Bà hay kể chuyện. Em rất phục trí nhớ của bà. Ngày xưa bà chỉ học trường làng, thế nhưng bà lại thuộc lòng “Truyện Kiều”, “Nhị Độ Mai”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Đồng tiền vạn lịch”… cùng với bao nhiêu là ca dao, và truyện cổ. Những trưa hè gió nồm nam mát lộng, bà mắc võng ở chái nhà, nằm đung đưa và bỏm bẻm nhai trầu vừa ngâm nga hát. Em nghe mấy cụ già bảo rằng hồi con gái, bà là một “liền chị” quan họ nổi tiếng trong vùng.
Con cháu, họ hàng làng xóm rất quý bà vì bà hiền lành, phúc hậu. Ai gặp khó khăn cần đến bà sẵn sàng giúp đỡ, chẳng quản sớm khuya. Bà thường khuyên con cháu “Thương người như thể thương thân” và đối xử với làng xóm có tình có nghĩa.
Học xong bài, em thu xếp sách vở cho vào cặp, cài cửa, tắt đèn rồi nhẹ nhàng chui vào màn. Bà nằm dịch sang bên nhường chỗ cho em. Hơi ấm tỏa ra từ người bà rất dễ chịu. Em vòng tay ôm lấy lưng bà, thủ thủ “Bà ơi! Cháu đấm lưng cho bà nhé!” Bà mắng yêu: Bố chị! Để bà chờ mãi! Thôi, ngủ đi, mai dậy sớm còn đi học!
Em yêu bà lắm và mong bà mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu.
Bài làm 2
Từ lúc thơ bé cho đến bây giờ, tôi đã được ở bên ông nội. Nội luôn yêu thương, chở che cho tôi và dạy tôi những điều hay lẽ phải, cách cư xử làm người. Ông nội cũng là người mà tôi kính yêu nhất.
Nội tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Nội được mọi người trong nhà và bà con khu phố kính trọng không phải chỉ với nội có nhiều công lao đóng góp cho quê hương mà còn bởi nội là người sống rất đức độ, giàu lòng yêu thương. Với tôi, nội giống như một ông tiên trong truyện cổ tích, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ mọi người.
Nội có một khuôn mặt phúc hậu, vầng trán cao thanh thản. Mặc dù thời gian đã để lại trên gương mặt nội nhiều nếp nhăn và những vết đồi mồi nhưng mỗi khi nội cười, trông nội lại như trẻ lại, hồng hào, tươi tắn hẳn lên. Cặp mắt hiền từ ẩn sau cặp kính trắng vẫn toát lên vẻ tinh anh và ánh mắt trìu mến. Thời gian và những thăng trầm trong cuộc sống đã khiến nội luôn có một cái nhìn điềm tĩnh và bao dung với mọi người như thế. Giọng nói của nội ấm áp và truyền cảm.
Nội nói những ngày còn công tác trong quân đội, nội là một cây văn nghệ tham gia rất tích cực vào các phong trào, nội không chỉ hát mà còn biết đánh đàn ghi ta nữa. Tôi thích nhất là được nghe nội kể chuyện, chuyện kháng chiến, chuyện ngày xưa, ngày nay. Giọng kể của nội trầm ấm, sinh động, như thể nội là một cuốn từ điển sống không bao giờ vơi cạn. Đó cũng là giọng nói quen thuộc với tôi từ những ngày thơ ấu. Tôi được lớn lên trong sự bảo ban ân cần của nội. Nội chẳng to tiếng, nặng lời với con cháu bao giờ. Nội chỉ khuyên răn chúng tôi bằng những lời tâm sự chân thành mỗi khi chúng tôi làm sai điều gì đó. Những lời nội nói nhẹ nhàng thủ thỉ mà thật sâu sắc, thấm thía.
Thời gian và những năm tháng vất vả đã nhuốm mái tóc của nội tôi một màu bạc trắng. Nội để tóc dài nhưng được búi gọn đằng sau gáy, trông nội giống hệt những võ sư nổi tiếng mà tôi đã được xem trên ti vi. Tôi thích nhất là được ngồi gọn vào trong lòng nội, đan những ngón tay vào chòm râu bạc trắng như cước của nội. Thỉnh thoảng, tôi còn nghịch ngợm tết chòm râu của nội lại thành hai bím và thích thú cười khanh khách khi nội giả vờ phết vào mông tôi và mắng yêu: “Thằng cu tí của ông hư quá”.
Nội tôi cũng rất giản dị trong nếp sống hằng ngày. Hình ảnh quen thuộc nhất với tôi về nội là bộ quần áo lụa màu nâu rộng. Bữa cơm, nội thường chỉ ăn những món ăn dân dã, thanh đạm. Dù nội tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi, từng ăn không biết bao nhiêu món ngon vật lạ nhưng nội thích nhất là được ăn cơm tấm với cá tép kho, hay bát canh cua đồng với mấy quả cà giòn tan do chính tay bà nội tôi nấu. Tuy đã có tuổi mà nội tôi vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Nội hay dậy sớm để tập thể dục, đều đặn mỗi sáng dù là mùa đông hay mùa hè. Nội cũng thường dành thời gian rỗi để chăm sóc vườn cây ăn quả do một tay nội trồng và vun xới. Ngày còn bé, cứ mỗi lần nội ra thăm vườn, tôi lại lũn cũn bám theo nội. Nội giảng giải cho tôi về đời sống của các loài cây. Bàn tay gầy gầy, xương xương của nội chăm chút nâng niu từng gốc cây một để mỗi mùa quả chín thơm lựng vườn, nội lại dành cho con cháu những thức quà thơm ngon nhất. Ba mẹ tôi hay phải đi công tác xa nên tối tối tôi được ở với nội, nằm cạnh nội nghe nội kể những câu chuyện cổ tích về những bà tiên có phép màu, những chàng hoàng tử dũng cảm và những nàng công chúa xinh đẹp. Khi tôi đã chìm vào giấc mơ ngọt ngào, nội lại cẩn thận mắc màn và dém chăn cho tôi.
Nội tôi tuyệt vời như thế đấy các bạn ạ! Tôi thật hạnh phúc và tự hào khi có nội. Mỗi khi nội có việc phải đi vắng, căn nhà với tôi trống trải và vắng lặng biết bao. Nhưng khi nội về như đem theo cả niềm vui trở lại. Tôi mong nội sẽ sống mãi để mai này lớn khôn hơn, tôi có cơ hội đền đáp lại tình yêu thương và những điều tốt đẹp mà nội đã dành cho tôi.
Bài làm 3
Hình ảnh bà luôn gắn với những câu chuyện cổ tích thuở ấu thơ. Bà là người đã đưa tôi vào những giấc mơ đẹp đẽ, lạ kỳ.
Bà đã già rồi song vẫn còn hoạt bát và rất mực yêu thương tôi. Mái tóc bà không bạc trắng như tóc bà tiên mà còn điểm cả những sợi đen. Không hiểu sao tôi vẫn yêu, vẫn nhớ mái tóc ấy, một mái tóc đượm mùi bồ kết, đượm mùi hương thơm mát, giản dị của quê nhà… Tôi vẫn nhớ như in những lần nhìn bà gội đầu và được bà gội đầu cho. Bàn tay bà vuốt nhẹ mái tóc tôi sao mà ấm áp, thân thương thế!
Tôi muốn mãi được bé bỏng trong vòng tay thương mến của bà. Thời gian trôi đi nhanh quá, nó khiến cho bàn tay bà trỏ’ nên nhăn nheo, yếu dần đi, đôi mắt bà cũng mờ dần. Tôi cũng ít được bà gội đầu cho nữa..
Tôi cũng không sao quên được giọng nói ấm áp mà bà thường nhắc nhở chúng tôi:
– Nhà ta tuy không nghèo nhưng các con phải biết tiết kiệm. Các con nên nhớ công các bác nông dân làm ra hạt thóc, hạt gạo, nghe chưa!
Rồi bà cầm chiếc quạt phe phẩy cho chúng tôi và khẽ hát:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Thế là không biết từ bao giờ, những bàị ca dao đó đã đi vào tâm hồn tôi như một suối nguồn cảm xúc, với biết bao đạo lí làm người.
Năm tôi học lớp 2, có một lần bị một bạn trai bắt nạt, tôi vừa chạy về vừa khóc thút thít với bà. Bà vội lấy tay lau nước mắt cho tôi, ôm tôi vào lòng dỗ dành:
– Thôi nín đi rồi bà cho kẹo.
Tôi đón lấy chiếc kẹo của bà. Vị ngọt của kẹo dần thấm vào đầu lưỡi. Tôi cũng nhận ra vị ngọt của tình yêu thương đang thấm dần vào trái tim nhỏ bé của tôi…
Tuy giờ không còn ở bên bà nhiều như trước nữa, nhưng hình ảnh bà sẽ mãi in đậm trong tâm trí tôi. Trong từng hành động, từng suy nghĩ, tôi luôn ghi nhớ những gì mà bà thường dặn dò dạy bảo.
Mỗi khi năm học sắp kết thúc, tôi lại háo hức mong được về với bà, được sống lại với bao kí ức tuổi thơ tươi đẹp. Nghĩ đến hình bóng bà cứ mỗi năm một yếu dần di, sống mũi tôi dường như lại cay cay. Và rồi bất giác, tôi thầm cất lên tiếng gọi:
– Bà ơi!!!!!!!!!!!
Tả người bố của em
Bài làm 1
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Đây là những câu thơ câu hát, mà ai ai cũng khắc ghi trong lòng. Tình cảm của cha vô bờ bến. Tình cha mênh mông bao la hơn cả biển rộng sông dài. Cha là người luôn lo lắng, yêu thương, chăm sóc và luôn dành cho em nhiều tình cảm nhất.
Cha em ngoài 40 tuổi nhưng dáng người vẫn nhanh nhẹn tháo vác. Cha có làn da ngăm đen, một phần cũng do tính chất công việc thường xuyên dằm mưa dãi nắng. Gương mặt cha hiền lành nhân từ, các nét hòa hợp với nhau tạo nên vẻ đẹp giản dị. Đặc biệt là nụ cười rất thân thiện, tươi tắn, rạng rở luôn nở trên môi, để lại cho mọi người một ấn tương khó quên. Mái tóc cha điểm vài lốm đốm hoa râm theo thời gian. Đôi mắt cha không còn tỏ tường, mỗi khi đọc sách báo cha thường đeo kính. Nhưng khi nhìn em luôn với ánh mắt trìu mến và gần gũi chứa đựng biết bao tình cảm. Giọng nói của cha đầy truyền cảm và ấm áp. Đôi bàn tay của cha chai sạn hơn nhiều vì đã vất vả mưu sinh nuôi em khôn lớn từng ngày. Cha em rất yêu thương gia đình. Công việc của cha tuy cực nhọc cả ngày nhưng cha không hề than phiền. Đi làm về cha còn giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Tối đến cha còn dạy em học bài. Phương châm sống của cha là luôn vui vẻ hòa đồng và giúp đỡ mọi người. Còn kỷ niệm về cha ư? Nó như một cái kho đầy ấp không biết tự bao giờ. Em nhớ nhất là ngày đầu tiên cha đưa em đi học. Khi đến cổng trường, em vừa sợ cũng có chút nũng nịu nhất định không vào trường. Nhưng rồi em nhanh chóng bị thuyết phục bằng những lời nói ngọt ngào, bằng nụ cười và ánh mắt của cha. Em ngoan ngoãn cầm tay cô giáo bước vào lớp.
Trong trái tim em cha là người tuyệt vời nhất.Tình cha là thiên đàng hạnh phúc thăm thẳm ngút ngàn.Tình Cha là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời. Con yêu cha với tất cả tấm lòng, không một từ nào có thể tả hết, không gì có thể so sánh được. Hạnh phúc của con là được làm con của cha. Dù con có lớn khôn đến đâu, con vẫn là con của cha.
Bài làm 2
Tôi có thể đoán ấn tượng đầu tiên của một ai đó khi lần đầu tiên gặp cha tôi. Thế nào họ cũng cho rằng ông là một người có dáng vẻ nghệ sĩ và trông rất nhàn hạ với gương mặt khá điển trai, đôi mắt sáng và mái tóc đen bồng bềnh. Nhưng tôi chắc rằng bạn sẽ nghĩ khác khi chú ý đến đôi bàn tay to, thô ráp vì chai sạn của cha tôi.
Cha có bàn tay theo tôi là rất to. Bàn tay đó sần sùi, cứng và thô. Nó là dấu tích lao động suốt cả cuộc đời của ông: lúc bé làm ruộng giúp ông bà nội, lớn lên lái xe ô tô chở hàng và giờ làm công nhân trong một công ty nhỏ gần nhà. Chính những công việc vô cùng bình dị ấy đã khiến cha tôi có bàn tay đó. Bàn tay đã nuôi dưỡng và che chở cho tôi suốt những năm tháng cuộc đời.
Cha tôi không phải tuýp người cao to. Ông có thân hình nhỏ nhưng rắn chắc. Nước da hơi ngăm ngăm nhuốm màu thời gian. Cha là một người hiền lành và vui vẻ. Ông thường dành hàng giờ đồng hồ để chơi cùng chị em tôi. Có khi cha làm chú kỵ mã, có lúc lại làm hành khách trên con tàu tý hon của chúng tôi. Rồi rùng mình một cái, cha lại trở thành vị khán giả trung thành cho hai cô ca sĩ nhí thể hiện. Cha là người bạn lớn gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ của chị em tôi.
Bởi tình yêu trẻ nhỏ của cha nên nhà tôi lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp. Lũ trẻ con trong xóm thường coi nhà tôi là điểm tập kết cho mọi trò chơi. Tôi và tụi nó chơi đùa, chạy nhảy và thậm chí còn phá phách trong nhà. Cha chỉ luôn mỉm cười và đôi lúc nhắc nhở khi chúng tôi quá nghịch, ông không bao giờ lớn tiếng hoặc đánh mắng chị em tôi.
Cha yêu thương vả chiều chuộng chị em tôi như vậy có lẽ một phần vì thương chúng tôi còn quá nhỏ mà đã thiếu thốn tình cảm. Năm tôi tám tuổi, mẹ tôi đột ngột qua đời, để lại cho cha hai đứa con nhỏ. Lúc đó em tôi mới sáu tuổi, còn chưa biết gì. Một nách hai con, cha tôi mang trách nhiệm vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ. Đó là một thời kì khó khăn của gia đình tôi.
Em tôi còn nhỏ nên thường hay quấy nhiễu và hành tội cha. Tôi thì lâm vào tình trạng khủng hoảng và luôn có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi và thấy mình thật bất hạnh. Lúc đó chính hơi âm từ bàn tay xù xì, thô ráp của cha đã vỗ về, động viên, an ủi tôi. Mẹ luôn ở trong trái tim cha và con. Mỗi khi nghe nhịp đập con tim mình, con hãy nhớ rằng mẹ luôn ở bên cạnh con Hãy nhìn ra thế giới xung quanh con. Con sẽ thấy rằng con vẫn còn rất hạnh phúc với những đau khổ mà người khác phải chịu đựng. . Những câu nói đó của cha đã giúp tôi rất nhiều trong khoảng thời gian khó khăn này.
Tôi tưởng cha là người vui vẻ, không bao giờ biết buồn. Nhưng tôi đã nhận ra là mình đã nhầm, cha cũng như bao nhiêu bậc cha mẹ khác, cũng buồn khi con cái mình không ngoan. Một lần, tôi và lũ bạn nghịch ngợm rủ nhau ra sông chơi, khi về, đứa nào đứa nấy đều ướt như chuột. Cha biết chuyện đã mắng tôi một trận, cấm không cho tôi ra khỏi nhà trong vòng mấy ngày. Tôi giận cha lắm. Vì tôi nghĩ cha không còn thương tôi nữa. Tôi dỗi không thèm nói chuyện với cha. Đêm hôm đó, tưởng tôi đã ngủ, cha vào đắp lại chăn cho tôi, rồi ông ra ngoài ghế ngồi. Trong bóng tối chỉ có le lói một chút ánh sáng của chiếc đèn ngủ, tôi nhìn dáng cha sao mà buồn đến vậy. Cha ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng lại nheo đôi mắt đã bắt đầu có nếp nhăn nhìn xa xăm. Khuôn mặt không còn dáng vẻ giận dữ như lúc mắng tôi, thay vào đó là một nét buồn, thoáng suy tư. Lúc này, tôi mới cảm thấy hối hận vì việc làm của mình. Tôi đã làm cha phiền lòng. Tự hứa với bản thân sẽ không như vậy nữa, tôi quyết tâm làm cho bằng được. Từ sau lần đó, tôi ngoan hơn rất nhiều, không nghịch ngợm nữa mà còn biết giúp cha chăm sóc cho em. Cha rất vui truớc những biểu hiện đó của tôi.
Bây giờ, khi đã lên cấp hai, tôi càng cảm thấy yêu cha nhiều hơn. Tuy tôi không có mẹ để dìu dắt những bước chập chững vào đời nhưng tôi đã có cha. Người đã tận tâm chăm sóc, dạy dỗ chị em tôi. Nếu bạn hỏi ai là người có ảnh hưởng lớn đến tôi nhất thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay đó là cha tôi. Còn bạn thì sao?
Tả người chị của em
– Hà đứng yên Đề chị tết tóc cho nhé! Xong rồi đấy! Đẹp chưa nào, cô bé?! Chị Thanh sáng nào cũng chải đầu cho em. Hai bàn tay chị nhẹ nhàng làm sao! Thoáng chốc, tóc em đã được tết gọn thành hai bím, có buộc thêm chiếc nơ hồng xinh xinh.
Chị Thanh là chị gái của em. Năm nay, chị mười lăm tuổi, là học sinh lớp 9 của trường Trung học cơ sở Nguyễn Du.
Cũng bởi cái dáng cao gầy mà bạn bè cùng lớp đã đặt cho chị biệt danh là “Thanh kều”. Mái tóc chị Thanh dài đến thắt lưng và đen mướt. Nước da trắng trẻo. Đôi mắt với ánh nhìn hiền dịu cùng nụ cười thân thiện tạo cho gương mặt chị một vẻ đẹp mộc mạc, dễ thương.
Nhiều năm liền, chị Thanh đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Môn chị học giỏi nhất là môn Văn. Chị ham đọc sách và thích tìm hiểu những điều kì thú trong thiên nhiên. Chị cũng là cây bút quen thuộc của tập san Tuổi hồngvà Mực tím.
Mảnh vườn nhỏ sau nhà là thế giới riêng của chị. Chị trồng hoa hồng, hoa cúc, cẩm chướng, loa kèn, thuỷ trúc… và những bụi tóc tiên, dương xì xùm xoà dọc lối đi. Đôi tay khéo léo của chị đã tạo nên những bình hoa, giỏ hoa thật đẹp Đềtrang trí cho phòng khách và bàn học, làm cho căn nhà nhỏ luôn rạng rỡ và đầy sức sống.
Nhờ có tính kiên nhẫn của chị Thanh mà em đã bỏ được nhiều tật xấu như ham chơi, lười học và hay ỷ lại. Chị ân cần khuyên nhủ, hướng dẫn em trong lúc học, lúc chơi. Chị thường bảo em rằng: – Nhà mình nghèo, chớ nên so sánh, đua đòi với các bạn con nhà giàu. Chị em mình hãy cố gắng chăm ngoan, học giỏi Đềlàm vui lòng ông bà, cha mẹ. Cứ chăm học, chăm làm thì sau này tự mình sẽ làm nên tất cả. Tuy chỉ hơn em vài tuổi nhưng chị Thanh tỏ ra “người lớn” hơn em nhiều lắm.
Em coi chị Thanh như người bạn thân thiết và đáng tin cậy. Có gì thắc mắc em cũng hỏi chị và bao giờ cũng được chị giải đáp đến nơi đến chốn. Em học được từ chị gái của mình nhiều điều hay, điều tốt. Thấy chị Thanh được thầy cô và bạn bè yêu mến, em rất tự hào.
Tả em gái của em
Trong gia đình tôi, mỗi người đều có một sở thích riêng. Bố tôi thích đọc báo, mẹ say mê nấu ăn, tôi thì không xa rời đống truyện tranh, và đặc biệt nhất là Linh – em gái tôi – với sở thích rất đáng yêu: vẽ tranh về những người thân trong gia đình. Tôi đã có lần xem Linh vẽ tranh, và cũng chính nhờ đó mà tôi đã phát hiện ra nhiều điều thú vị về cô em của mình.
Linh là một cô bé rất dễ thương khiến cả nhà ai cũng yêu mến em. Nhưng nó cũng nghịch ngợm lắm. Nó luôn nghĩ đủ thứ trò tai quái để trêu trọc tôi.
Một lần, Linh mượn tôi quyển album ảnh. Tôi đoán nó lại nghịch ngợm gì đây nên bí mật nấp sau cánh cửa theo dõi. Thật ngạc nhiên, Linh đang vẽ tôi. Khéo léo đặt tấm ảnh chân dung của tôi lên bàn, Linh bắt đầu thể hiện. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, trắng hồng của nó cẩn thận cầm cây chì sáp đen khoanh một vòng tròn rõ to. Đôi mắt đen long lanh chăm chú nhìn bức ảnh rồi khoanh hai vòng tròn nhỏ hơn màu tím. Thì ra, đó là khuôn mặt của tôi – mà đúng hơn là cục đá méo mó đến thảm hại và chiếc kính bị lệch gọng gần nửa mặt. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho khuôn mặt của mình quá. Còn Linh không biết sự có mặt của tôi, vẫn cái vẻ vui tươi, nó tiếp tục vẽ. Mái tóc tết đuôi sam của nó lúc lắc, cái miệng hồng tươi vừa vẽ vừa cười. Bàn tay nó vẫn tiếp tục tạo cho tôi một mái tóc đen buộc vểnh lên như cái đuôi gà và được điểm trang bằng một chiếc nơ xanh xinh xinh. Chợt ánh mắt Linh bỗng trở nên tinh nghịch lạ thường, gương mặt vui tươi hẳn lên, đôi má hồng hào, chân cứ dập vào thành bàn và còn hát nữa. Không biết nó nghĩ ra trò gì đây.
Tay cầm một viên sáp đỏ. Linh viền thành hình một chiếc môi – giống như một quả chuối. Nó chọn cây sáp màu đỏ, nhưng chỉ tô một nửa, còn dùng màu xanh tô nửa còn lại. Vậy là môi của tôi có những hai màu – thật nghịch ngợm. Nhưng ánh mắt của nó lại càng thích thú hơn, miệng nó cười tươi hơn khi dùng màu hồng chấm vào giữa má tôi.
Tôi không thể hiểu nổi Linh đang vẽ cái gì. Sờ lên má, trời ơi, thì ra đó là cái mụn mởi mọc của tôi. Chuyện gì nó cũng nghĩ ra được. Cô nàng vẫn tiếp tục vẽ. vẻ mặt vẫn tươi vui.
Nhưng càng về sau, Linh càng thấm mệt. cố vẽ cho tôi một chiếc áo màu hồng thật độc đáo tôi yêu thích. Mồ hôi nó bắt đầu lấm tấm, mặt nó đỏ lên. Dường như để tô một chiếc áo với rất nhiều bông hoa như vậy là rất khó khăn với nó, nhưng nó vẫn rất say sưa vẽ. Bàn tay nhanh nhẹn tô màu, ánh mắt long lanh dễ thương, mái tóc lúc lắc. Cuối cùng Linh cũng hoàn thành bức tranh. Nó vui vẻ chạy ra khoe với tôi
Sau lần tận mắt xem Linh vẽ, tôi thấy Linh thật đáng yêu. Biết đâu trong tương lai em gái tôi sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng.