Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn lớp 4, 5 đạt hiệu quả, Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn lớp
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn lớp 4, 5 đạt hiệu quả là tài liệu tham khảo hay dành cho thầy cô giáo. Với tài liệu này sẽ giúp giáo viên hướng dẫn học sinh biết đọc thông viết thạo, biết sử dụng từ ngữ một cách chuẩn xác và có kĩ năng giao tiếp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Những kiến thức của môn học Tiếng Việt là tiền đề, là cơ sở cho học sinh tiếp cận với các môn học khác. Việc dạy và học Tiếng Việt trong nhà trường luôn được chú trọng ngay từ lớp đầu cấp. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến “Một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn lớp 4, 5 đạt hiệu quả”.
Xem Tắt
I/ Tên đề tài:
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP BỒI DƯỠNG
HỌC SINH GIỎI VĂN LỚP 4, LỚP 5 ĐẠT HIỆU QUẢ
II/ Đặt vấn đề
Bồi dưỡng học sinh giỏi là việc làm hết sức cần thiết và có tầm quan trọng. Bởi lẽ nó giúp đào tạo con người học sinh trở thành “hiền tài” cho đất nước. Nói như hiện nay, “chiến lược con người” có mục tiêu là “ Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” thì Bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ cấp thiết, phù hợp xu thế thời đại.
Việc Bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 4, lớp 5 từ trước đến nay được trường tiểu học Đoàn Trị tiến hành hằng năm ( kể từ ngày thành lập trường đến nay), nhưng kết quả đạt được thì chưa như mong muốn. Nhìn chung, một số em đạt điểm thì bình quân lấy điểm Toán bù vào điểm Văn, do vậy, hướng Bồi dưỡng Văn lớp 4, lớp 5 cần phải tìm ra con đường đi để đạt hiệu quả. Chính vì vậy mà chúng tôi từ thực tiễn bồi dưỡng văn lớp 4, lớp 5 nhiều năm qua, đã nảy ra ý định đúc kết lại một số biện pháp nên viết đề tài: “Một số biện pháp giúp bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp4, lớp 5 đạt hiệu quả”, mong góp một phần nhỏ vào hướng đi chung cùng trường Đoàn Trị trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
III/ Cơ sở lí luận
“Khái niệm “giỏi văn” và khái niệm “có năng khiếu” không phải là một. Có năng khiếu văn nhưng nếu không được bồi dưỡng chăm sóc chu đáo thì năng khiếu ấy cũng có thể bị thui chột, bị tàn lụi”. Đó là ý kiến của tác giả Trịnh Mạnh (Chuyên viên Ngữ văn ở Viện Khoa học Giáo dục Bộ GD) và Trần Mạnh Hưởng (Chuyên viên Ngữ văn ở Vụ Các trường phổ thông cơ sở Bộ Giáo dục).
Do vậy, người giáo viên tiểu học cần phải làm cho năng khiếu của học sinh tiểu học phát triển. Mà muốn cho các em trở thành giỏi văn thì phải nắm rõ cơ sở tâm lí học sinh tiểu học, đó là đặc điểm nhận thức của học sinh (bao gồm sự chú ý, trí nhớ, tưởng tượng và tư duy), để có cơ sở vận dụng các phương pháp, biện pháp làm cho các em chiếm lĩnh được kiến thức văn học. Cũng bài tập đó, cũng là lời giảng đó nhưng đặt vào đúng tâm lí, không làm học sinh bị ức chế thì rõ ràng các em tiếp thu nhanh và tốt hơn. Ở lớp 2,3 tư duy hình tượng bắt đầu được hình thành, qua lớp 4,5 tư duy này chiếm ưu thế hơn. Môn văn đòi hỏi tư duy hình tượng cao, hiển nhiên để khỏi bị “thui chột”, “tàn lụi” óc tưởng tượng của các em học sinh lớp 4,5 ta cần phải “chăm sóc” thật là chu đáo bằng nhiều hình thức bài tập phong phú, lời giảng kết hợp với điệu bộ, nét mặt và cảm xúc biểu hiện qua nội dung của bài văn bằng giọng đọc truyền cảm, làm sao khơi gợi trong các em cảm xúc chân thật chứ không phải nói theo, làm theo như một robot. Được vậy, cái ấn tượng của thầy cô để lại trong các em không phai mờ. Hãy nghe nhà văn Marquez (Cô-lôm-bi-a ; Giải thưởng Nobel văn chương năm 1982) nói: “Một trong những người thầy không thể nào quên của tôi là một cô giáo từng dạy tôi tập đọc hồi tôi mới năm tuổi. Bà là người trong lớp học từng đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ đầu tiên đã làm nát óc tôi mãi mãi”.
Để khơi gợi cảm xúc ấy, đòi hỏi chúng ta lại phải hiểu rõ đặc điểm nhân cách của học sinh. Nhân cách học sinh tiểu học hình thành qua nhận thức, năng lực học tập và tình cảm. Đặc điểm thứ nhất là nhu cầu nhận thức. Nhu cầu nhận thức là một loại nhu cầu của hoạt động học tập hướng tới tiếp thu tri thức mới và phương pháp đạt được tri thức đó. Bởi vậy ta cần kích hoạt được để các em luôn luôn say mê với câu hỏi “tại sao ?”, “cái đó là cái gì ?” và để tìm ra các em phải nảy sinh trí tưởng tượng để hỗ trợ sự sáng tạo trong cảm nhận. Cái mà nhà văn Marquez nói “đã làm nát óc tôi mãi mãi” chính là nhu cầu nhận thức mà cô giáo đã gợi ra trong ông. Đặc điểm thứ hai là năng lực học tập, đó là tổ hợp các thuộc tính tâm lí của học sinh đáp ứng được yêu cầu của hoạt động học đảm bảo cho hoạt động đó diễn ra có kết quả. Hiểu năng lực học tập để xác định yêu cầu cụ thể với từng em mới mong gặt hái kết quả (thông qua chỉ số về tốc độ tiến bộ, chất lượng học, xu hướng, năng lực và sự kiên trì học tập). Đặc điểm thứ ba là tình cảm của học sinh tiểu học mà chúng ta phải luôn luôn hiểu biết và xây dựng nuôi dưỡng thông qua cách giảng giải, cách biểu hiện, cách đọc truyền cảm của thầy cô trước bài văn, bài thơ. Tình cảm của học sinh là thái độ cảm xúc đối với sự vật, hiện tượng có liên quan tới sự thỏa mãn hay với nhu cầu, động cơ của học sinh. Nó được biểu hiện qua những xúc cảm do sự tổng hợp hóa, động lực hóa và khái quát hóa. Biết khơi nguồn cho rung cảm ở học sinh là điều kiện thành công trong dạy văn, bởi lẽ nó sẽ làm cho học sinh nảy nở các loại tình cảm có sẵn trong các em như tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mĩ, tình cảm hoạt động. Và đây chính là điều cốt lõi để các em thành người.
IV/ Cơ sở thực tiễn
Từ cơ sở lí luận trên, chúng ta đối chiếu với thực tiễn dạy học văn lớp 4,5 hiện nay tại trường tiểu học Đoàn Trị. Cơ sở tâm lí chắc chắn là mỗi giáo viên đều được trang bị nhưng không mấy ai “đào sâu, xới kĩ” để làm cơ sở xây dựng một kế hoạch bài dạy nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng các học sinh có năng khiếu phát triển thành giỏi văn. Thực tế khi dạy Tập đọc, giáo viên chúng ta chưa truyền được ngọn lửa vào tâm hồn các em thông qua cách đọc diễn cảm như nhà văn Marquez đã nói, mà chúng ta còn cứng nhắc, rập khuôn, gò mình theo một hướng có sẵn, thậm chí từ khó đọc cũng không dám lấy thực tế từ học sinh. Bởi vậy nên không giúp cho học sinh cảm nhận được một cách tự nhiên cái hay cái đẹp của bài văn em học, dần dần các em chai cứng coi học văn như một nghĩa vụ mà không có cái hứng thu coi nó như một quyền lợi. Về dạy Tập làm văn, chúng ta còn thiên về kĩ thuật làm bài, đòi hỏi ở kiểu bài này là vậy, kiểu kia là thế mà không xây dựng cái hồn trong cái vỏ bọc kiểu này cách nọ. Cái túi thì học sinh nhận ra nhưng phải giúp các em biết bên trong cái túi và mỗi loại túi thì đựng được cái gì, đựng như thế nào, đấy mới là cơ bản. Ở lớp 4,5 văn miêu tả được chọn dạy với nhiều thời lượng và bài văn mang tính quy phạm. Tuy có nhiều thời gian cho loại văn này nhưng hạn chế thì cả học sinh và giáo viên vẫn còn tồn tại. Chúng ta chưa làm rõ đặc điểm của văn miêu tả là mang tính thông báo, thẩm mĩ, chứa đựng tình cảm của người viết; chúng ta chưa chỉ ra được ở bài viết các em hạn chế này. Nhất là khâu trả bài, hầu như chúng ta còn chung chung, hời hợt. Một hạn chế nữa là bài các em còn mờ nhạt, vô vị bởi lẽ trong bài làm của các em thiếu tính sinh động, tạo hình. Đồng thời ngôn ngữ miêu tả không giàu cảm xúc, hình ảnh do vốn từ ngữ không đủ sức diễn đạt. Vậy nên, cả ba đặc điểm đều có ảnh hưởng, bởi thế kết quả bài văn miêu tả của các em không đạt yêu cầu cao.
Từ thực trạng trên, chúng ta cần có biện pháp khắc phục hạn chế, một vấn đề cần thiết để có hướng đi thuận lợi cho công tác bồi dưỡng văn lớp 4,5 ở trường có hiệu quả.
V/ Nội dung nghiên cứu
Để đạt hiệu quả trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi văn Tiểu học nói chung và bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp 4,5 nói riêng đòi hỏi một quá trình lâu dài về phía Nhà trường, đồng thời người giáo viên phải có năng lực, nhiệt tình và yêu mến trẻ. Việc bồi dưỡng đòi hỏi người giáo viên phải có nghệ thuật, thủ thuật lên lớp, luôn luôn tạo không khí thoải mái, gây sức hấp dẫn ở học sinh qua các tiết học. Có như vậy học sinh mới dễ dàng đáp lại đòi hỏi của thầy cô bằng sự quyết tâm học tập tốt, say mê làm bài.
Chúng tôi xin trình bày một số nội dung sau:
1/ Biện pháp 1: Phát hiện học sinh có năng khiếu văn
a) Mùa được bội thu là nhờ một trong các điều kiện ta chọn được giống tốt, phù hợp, có khả năng thích ứng. Học sinh có năng khiếu cũng như hạt giống tốt, do vậy chọn học sinh có năng khiếu là khâu đầu tiên. Cách phát hiện như thế nào đây để khỏi nhầm ( thực tế nhiều năm qua ta đã chọn không kĩ, để các em ngồi nhầm chỗ nên không phát huy được điểm đồng đội). Chọn như thế nào ? Theo chúng tôi cách làm như sau:
b) Cách tiến hành:
– Trong quá trình dạy, cần phát hiện những em say mê đọc sách văn học. Đây là biểu hiện rất rõ. Chúng ta phải thừa nhận say mê đọc sách là một ưu điểm, còn cách đọc sách như thế nào thì thầy cô phải uốn nắn dần mới đem lại sự bổ ích cho các em (tránh đọc sách có nội dung xấu).
– Cái phát hiện thứ hai là những lúc kể chuyện, ta thấy các em kể chuyện tốt, kể chuyện có nhiều tình tiết phức tạp nhưng các em vẫn kể với lời kể lưu loát, mạch lạc; đồng thời các em nhớ nhiều chuyện kể, thuộc nhiều bài thơ hơn các em khác.
– Khi chấm bài của các em, ta thấy bài của các em có năng khiếu thường có nhiều ý hay, chân thực, có sáng tạo, có cá tính. Mà làm được bài như thế là do các em biết rung cảm, nhạy bén trước hiện thực. Tâm hồn nhạy cảm mới diễn đạt được nhiều tình, nhiều ý trong bài văn.
– Phát hiện trong bài làm của các em có năng khiếu văn thường thể hiện khả năng quan sát tinh vi, giàu trí tưởng tượng và tư duy hình tượng; có sự kết hợp hài hòa giữa tư duy lôgich và tư duy hình tượng. Đồng thời đọc bài văn của các em, ta thấy vốn từ ngữ của các em khá phong phú, các em giàu vốn từ hơn các em khác, biết dùng từ chính xác, nhiều em đã đạt mức dùng từ bóng bẩy, ngôn ngữ hình tượng và biết dùng các biện pháp tu từ.
Sau khi phát hiện học sinh có năng khiếu, vấn đề đặt ra là: Bồi dưỡng cái gì ? Bồi dưỡng như thế nào ? Chúng tôi xin nêu tiếp biện pháp.
2/ Biện pháp 2: Làm giàu vốn từ ngữ cho các em
a) Mặc dù học sinh có năng khiếu văn có vốn từ khá phong phú nhưng không phải như vậy mà ta bỏ hoang mảnh đất này mà không khai phá (nghĩa là không cần làm giàu thêm vốn từ ngữ cho các em). Chúng ta cần giúp cho các em phát triển vốn từ, nhất là những từ tượng hình, tượng thanh, từ chỉ màu sắc rất cần thiết trong văn miêu tả.
b) Cách tiến hành:
– Trong lớp học, giáo viên cho học sinh tìm các từ có khái niệm đẹp. Các em đã làm được: xinh, xinh xinh, xinh đẹp, duyên dáng, kháu khỉnh, điển trai, kẻng, khôi ngô, tuấn tú, đĩnh ngộ, …Hoặc tìm các từ chỉ màu xanh, các em đã làm: xanh biếc, xanh lơ, xanh thẳm, xanh ngắt, xanh nước biển, xanh da trời, xanh lá mạ, xanh lá cây, xanh hoa lý, xanh rì, xanh um, xanh rờn, xanh xanh, xanh xao, xanh bủng, xanh rớt,…
– Tương tự như vậy, ta có thể gợi cho học sinh tìm từ qua rất nhiều đề tài nhỏ mà các em gặp hằng ngày. Các đề tài nhỏ này cần gắn chặt với các thể văn đang học. Ví dụ đang học văn tả người, chúng ta cho học sinh tìm từ nói về khuôn mặt, con mắt, mái tóc, giọng nói, dáng đi,… như thế giúp cho các em ngày càng giàu vốn từ.
– Về mặt làm giàu vốn từ này có nhiều loại bài tập (xin xem phụ lục) mà giáo viên chúng ta phải rèn luyện và cung cấp thường xuyên cho các em như:
* Bài tập mở rộng vốn từ
* Bài tập về nghĩa từ
* Bài tập về thành ngữ, quán ngữ
* Bài tập phát hiện từ sai thay thế từ đúng.
3/ Biện pháp 3: Luyện viết câu văn sáng sủa, ngắn gọn, biết dùng tốt các dấu ngắt câu,diễn đạt bằng những câu sinh động có hình ảnh.
a) Đã có vốn từ nhưng mà không biết dùng nó viết câu thì cũng như không. Vậy tiếp theo là rèn luyện học sinh viết câu văn đạt mục đích như: câu văn sáng sủa, ngắn gọn, biết dùng tốt các dấu ngắt câu.
b) Cách tiến hành:
Kế hoạch bài dạy cần đưa vào một số bài tập rèn luyện (Chú ý phân tích và đặt ra một số tình huống các em có thể mắc phải, nhằm đúc kết kinh nghiệm và có hướng chữa bài linh hoạt giúp các em hiểu thấu đáo hơn), có như thế học sinh mới nắm chắc và thực hành viết câu tốt.
Sau đây là một số bài tập và cách tiến hành các bài tập này.
1.3/ Bài tập ngắt câu trong đoạn văn chưa ghi dấu câu
Giáo viên đọc hoặc viết lên bảng bài tập để học sinh tự ghi dấu câu. Đòi hỏi học sinh phải giải thích nếu đánh dấu câu vào vị trí đó thì câu hoặc ngữ đó nói lên được ý gì, có bị khiên cưỡng không,…Có thể chọn đoạn văn trong SGK lớp 4,5 – nên chọn đoạn văn có nhiều loại dạng ngắt câu khác nhau để bài tập được đa dạng.
2.3/ Tập chữa câu rườm, câu tối nghĩa
Ví dụ:
a) Trong vườn nhà em, có một cây to là cây mít rất to.
b) Em thích con lợn vì ta có thức ăn hằng ngày.
c) Ở giữa bồn hoa có một tượng là tượng anh Trỗi.
d) Thỉnh thoảng có những chiếc xe đạp lướt trên mặt phố.
Khi chữa câu, cần tiến hành 2 bước. Bước thứ nhất cho học sinh phát hiện chỗ sai, sai về mặt nào, bước thứ hai tập chữa lại theo ý của em, sau đó giáo viên gợi ý chung về cách đúng nhất.
Ví dụ:
Câu a): Câu này là câu rườm, cần bỏ bớt một số từ. Chữa lại: Trong vườn nhà em có một cây mít rất to.
Câu b): Câu này tối nghĩa. Chữa lại: Em thích nuôi lợn vì nó cung cấp thức ăn cho ta.
Câu c): Câu này rườm. Chữa lại: Ở giữa bồn hoa có tượng anh Trỗi.
Câu d): Câu này sai ý. Chữa lại: Thỉnh thoảng có những chiếc xe đạp lướt trên mặt đường (hoặc lướt trên đường phố)
3.3/ Tập gộp câu và chia câu
a) Gộp các câu ngắn thành câu dài
Ví dụ: Mặt biển mênh mông. Trời đã về chiều. Từng đoàn ghe mành đang lướt sóng ra khơi.
Từ 3 câu trên, các em có thể gộp lại thành một câu mà nội dung không khác 3 ý trên, còn cách diễn đạt lại rõ ràng hơn: Trên mặt biển mênh mông, dưới ánh chiều tà, từng đoàn ghe mành đang lướt sóng ra khơi.
b) Chia câu dài thành nhiều câu ngắn
Ví dụ: Hôm nay là ngày khai giảng, sau ba tháng nghỉ hè xa nhau, mọi người đều sung sướng túm tụm lại chuyện trò vui vẻ vì bây giờ mới gặp nhau đông đủ.
Học sinh có thể chia ra như sau: Hôm nay là ngày khai giảng. Sau ba tháng hè bây giờ mới gặp nhau đông đủ, mọi người đều vui vẻ. Họ túm tụm lại chuyện trò.
Vậy tập gộp câu và chia câu đòi hỏi tư duy cao ở HS và GV cũng phải chuẩn bị các câu văn trong đoạn văn cho các em làm bài tập rất công phu, tốn nhiều thời gian suy nghĩ.
4.3/ Bài tập chọn dòng chưa thành câu để chữa lại cho thành câu
Ví dụ: a) Là người mẹ, chị rất thương yêu các con mình.
b) Bạn Thủy với ý thức của người học sinh mới.
c) Bên kia sông những dãy nhà san sát mọc lên.
d) Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.
Sau khi đọc xong bốn dòng của bài tập, HS phải phát hiện dòng chưa thành câu là b và c và phải nêu được ở dòng đó thiếu thành phần nào, cách chữa như thế nào.
HS có thể chữa: Dòng b) thiếu bộ phận trả lời cho câu hỏi làm gì ?, như thế nào ?(Bộ phận vị ngữ) Nêu được: Bạn Thủy với ý thức của người học sinh mới đã nhiệt tình giúp đỡ bạn bè. Tương tự dòng d) : Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã sống rất giản dị.
Kết hợp với cách trên chúng ta cho HS luyện tốt câu đơn có thành phần trạng ngữ gắn với việc luyện dấu phẩy và dấu chấm.
5.3/ Bài tập sắp xếp thành nhiều dạng câu với các từ cho trước.
Từ phát hiện, luyện viết câu, biết sử dụng dấu phẩy dấu chấm, các em làm được bài tập sắp xếp các từ cho trước thành nhiều dạng câu dễ dàng.
Ví dụ: Cho các từ: đi, trên đường, Thanh, lững thững hãy sắp xếp thành các dạng câu khác.
HS có thể làm:
– Trên đường, Thanh lững thững đi.
– Trên đường, Thanh đi lững thững.
– Lững thững, Thanh đi trên đường
– Lững thững, trên đường, Thanh đi.
– Thanh trên đường đi lững thững.
Còn sắp xếp được thêm nữa hay không tùy theo mức độ và thời gian dành cho các em, và qua bài tập kiểu này chúng ta nhận thấy các em có hứng thú sáng tạo nhiều câu văn.
6.3/ Tập mở rộng câu bằng cách thêm thành phần phụ
Ví dụ: Mặt trời mọc.
Học sinh hiểu được đây là một câu có đầy đủ thành phần chính chủ ngữ và vị ngữ. Bây giờ để làm cho câu văn hay thì phải thêm các thành phần phụ ( Cho các em tham gia mở rộng cho đến khi nào đủ các thành phần và câu văn trở nên hay hơn)
– Phía đông, mặt trời đang mọc.
– Mặt trời đang mọc sau lũy tre làng.
– Phía đông, mặt trời mọc làm đỏ ửng cả một góc trời.
– Mặt trời đang từ từ mọc lên từ phía biển làm cho những đợt sóng cũng pha màu hồng nhạt.
7.3/ Bài tập diễn đạt ý bằng nhiều cách khác nhau
Ví dụ: Trời hôm nay đẹp.
Đòi hỏi các em tư duy cao, các em phải giữ nguyên cái ý trời nắng đẹp nhưng phải diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau.
Các em có thể làm:
– Hôm nay hửng nắng, trời quang mây tạnh.
– Bầu trời hôm nay trong vắt, không một gợn mây.
– Sau mấy ngày mưa rả rích, hôm nay mặt trời tươi cười nhô lên như cùng vui với mọi cảnh vật.
– Bầu trời cao xanh, mấy đám mây xốp như bông vờn quanh đỉnh núi màu tím sẫm.
– Giữa mùa đông thế mà hôm nay nắng hoe vàng như nắng đầu thu.
8.3/ Bài tập luyện viết câu sinh động
Luyện viết câu sinh động bao gồm các dạng bài tập như: Tập viết câu văn gợi tả, tập viết câu văn gợi cảm, tập viết câu văn vừa gợi tả vừa gợi cảm. Đây là bài tập khó đòi hỏi nhiều công sức của giáo viên và cần có nhiều nỗ lực của học sinh.
Cách tiến hành dạng bài này cần nhẹ nhàng, từng bước một. Trước hết đưa ra hai câu để đối chiếu và học sinh cần chỉ được câu nào có sự sinh động (gợi tả, gợi cảm, vừa gợi tả vừa gợi cảm). Tiếp theo cho học sinh tìm từ thay thế vào từ có trong câu nhưng chưa gợi lên sự sinh động. Sau dần chúng ta đưa ra câu văn, đoạn văn để cho các em chữa thành sinh động. Quen rồi, ta cho các em viết câu văn, đoạn văn sinh động.
Ví dụ: Các câu lệnh như:
– So sánh những cặp câu ở 2 cột sau đây và nhận xét câu nào hay hơn, vì sao ?
– Tìm những từ ngữ thay thế cho những từ ngữ được in đậm ở mỗi câu văn sau làm cho câu văn thêm gợi tả (gợi cảm)
– Tìm những từ ngữ gợi tả (gợi cảm) điền vào chỗ trống trong những câu văn sau làm cho câu văn thêm gợi tả.
– Sửa lại những câu văn, đoạn văn sau cho gợi tả (gợi cảm) hơn.
– Dựa vào ý cần diễn tả trong những câu văn dưới đây, hãy viết lại các câu để có đoạn văn gợi tả (gợi cảm) hơn.
4/ Biện pháp 4: Tích lũy các hình ảnh văn học
a) Vốn văn học tích lũy dần cũng giống như những viên gạch dùng để xây nhà. Có nhiều nguyên vật liệu thì nhà xây càng to càng đẹp. Cái vốn này có được đòi hỏi các em phải dày công, cần mẫn như con ong cần cù hút nhụy hoa để làm nên mật ngọt.
b) Cách tiến hành:
Qua các bài tập đọc, học thuộc lòng, chính tả, tập làm văn và sách đọc thêm, chúng ta nên cho các em thu thập những ý hay, những hình ảnh đẹp vào sổ tay văn học. Cần giúp cho các em có thói quen hễ thấy câu văn câu thơ nào hay, thấy rung cảm thì ghi ngay vào sổ.
Ví dụ: …Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đấy là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời…( Bài tập đọc: Cánh diều tuổi thơ, Tiếng Việt 4/Tập 1/tr. 146)
Ví dụ: Mùa thu, trời như một chiếc dù xanh bay mãi lên cao. Các hồ nước quanh làng như mỗi lúc một sâu hơn. Chúng không còn là hồ nước nữa, chúng là những cái giếng không đáy, ở đó ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất.
Những con nhạn bay thành đàn trên trời cao, như một đám mây mỏng lướt qua thôn làng, gieo xuống những tiếng kêu mát lành, trong veo sương sớm, khiến tim tôi vang lên dịu dàng những câu thơ không nhớ đã thuộc tự bao giờ. (Tiết 7, Bài luyện tập, tr.103 SGK Tiếng Việt 5/Tập 2)
Ghi để rồi các em đọc, đọc để rồi các em nghe tiếng nhạc lòng rung lên những cung bậc đồng cảm với câu văn câu thơ đó, và không biết tự lúc nào nó trở thành người bạn thân thiết của ta làm cho tâm hồn ta thêm phong phú. Như vậy, trong sách Tiếng Việt lớp 4,5 có rất nhiều hình ảnh văn học không thể bỏ qua, giáo viên chúng ta cần giúp các em nhìn thấy và cùng rung cảm trong quá trình học với sách.
5/ Biện pháp 5: Nâng cao năng lực cảm thụ văn học
a) Cảm thụ văn học tức là cảm xúc thẩm mĩ trong văn học (thuộc phạm trù mĩ học). Trong nhà trường, các môn học đều có thể giáo dục thẩm mĩ cho học sinh, mà môn văn là môn có điều kiện thuận lợi nhất. Ở tiểu học giáo dục thẩm mĩ chủ yếu là giáo dục cho học sinh rung cảm với cái đẹp ( cái đẹp trong thiên nhiên và cái đẹp trong xã hội)
b) Cách tiến hành:
Khi dạy tập đọc, kể chuyện giáo viên phải gợi ý, hướng dẫn để bản thân học sinh tự khám phá ra cái hay cái đẹp mà lúc đầu các em chưa thấy. Chú ý quyết không nên cảm thụ hộ rồi áp đặt cho các em.
Khi hướng dẫn học sinh quan sát để làm văn miêu tả, tường thuật giáo viên cũng phải dẫn dắt để học sinh tự khám phá ra các nét đẹp, các nét tiêu biểu và tạo cho bản thân có rung động thẩm mĩ thì bài văn mới hay, mới thể hiện bản sắc riêng của mình.
Vậy trong quá trình soạn giảng cần nhiều thời gian đầu tư, nghiên cứu mới gặt hái thành công khi lên lớp.
Khi tiến hành biện pháp bồi dưỡng này chúng ta sử dụng các dạng bài tập sau:
1.5/ Bài tập phát hiện ý và tín hiệu nghệ thuật trong văn thơ.
Đối với kiểu “Bài tập phát hiện ý” bao gồm nhiều khía cạnh mà các em cần nắm vững như:
– Tình cảm chứa đựng trong đoạn văn, bài văn.
– Hiện thực đời sống được phản ánh trong bài văn.
– Tính cách các nhân vật.
– Thời gian và không gian được tả trong bài.
– Thể loại bài văn.
– Đại ý và bố cục bài văn.
– Xuất xứ bài và tác giả.
Đối với kiểu “Bài tập phát hiện tín hiệu nghệ thuật” có thể khai thác là:
– Nghệ thuật dùng từ.
– Nghệ thuật đặt câu.
– Khai thác chất nhạc như vần, nhịp, âm điệu.
– Khai thác nghệ thuật miêu tả.
– Khai thác một số biện pháp tu từ.
– Khai thác nghệ thuật bố cục.
2.5/Tập nêu câu hỏi sau khi đọc một đoạn văn, đoạn thơ.
Kiểu bài tập này là một hình thức rất tốt để học sinh cảm thụ văn học. Học sinh tập hợp thành từng nhóm nhỏ, nêu hết những câu hỏi có thể khi đọc một đoạn văn thơ. Sau đó giáo viên tập hợp câu hỏi, chọn ra một số câu hỏi cho cả lớp thảo luận. Để phát huy tính độc lập sáng tạo của các em, chúng ta nên chọn những bài thuộc về bài đọc thêm hoặc ở ngoài sách giáo khoa.
Ví dụ: Em hãy đọc bài thơ “Quê cát” (Chép cả bài thơ vào)
a) Nêu những câu hỏi về nội dung và nghệ thuật (khoảng 4 câu hỏi về nội dung và 1 câu hỏi về nghệ thuật)
b) Tự trả lời những câu hỏi đã nêu ra.
Đối với yêu cầu bài trên, học sinh có thể nêu các câu hỏi như:
– Bài “Quê cát” tả ở vùng nào ?
– Vùng này khí hậu có gì nổi bật ?
– Những từ ngữ nào tả cái nóng ở vùng này ?
– Tại sao tác giả lại viết “Những thân tre thắp lửa” ?
– Những cây dừa ở đây có gì nổi bật ?
– Khổ 3 nói lên thành tích gì của vùng “Quê cát” ?
– Bài này thuộc thể thơ gì ?
– Tìm vần ở mỗi khổ thơ ?
– Đại ý bài này nói gì ?
Cũng có thể các câu hỏi của các em nêu còn vụng về, thậm chí ngây ngô, nhưng chúng ta cần khuyến khích, tránh cười chế giễu làm cho các em nhụt chí. Sau vài bài tập, các em đã thành thạo trong loại bài tập này và có những em đã nêu được những câu hỏi rất hay, rất tinh tế và điều đó chứng tỏ trình độ cảm thụ của các em ngày càng sâu.
6/ Biện pháp 6: Bồi dưỡng kĩ năng quan sát, tìm ý
a) Khi làm văn miêu tả và tường thuật, nếu học sinh không quan sát mà chỉ ngồi tưởng tượng ra thì dù trí tưởng tượng phong phú đến đâu, bài văn vẫn nghèo ý. Quan sát trong văn miêu tả, tường thuật đều phải nhằm mục đích tìm được nét tiêu biểu về màu sắc, hình dáng, âm thanh,…lẽ tất nhiên nét tiêu biểu đó gắn với sự quan sát và cá tính mỗi người. Học sinh tiểu học chưa có thói quen quan sát toàn diện một đối tượng nếu không có sự hướng dẫn của giáo viên. Bởi vậy, muốn cho các em làm văn tốt người giáo viên phải tích cức hướng dẫn các em quan sát một cách toàn diện.
b) Cách tiến hành:
Giáo viên cho học sinh xác định đối tượng quan sát và hướng dẫn học sinh quan sát bằng nhiều hình thức như hướng dẫn quan sát trực tiếp hoặc gợi ý cho học sinh tự quan sát. Chú ý xác định rõ mục đích và trọng tâm quan sát.
Khi gợi ý cho học sinh quan sát, chúng ta phải tập cho học sinh có thói quen quan sát bằng nhiều giác quan. Ví dụ: Tả một cảnh gặt lúa, học sinh thường chỉ nêu được những hình ảnh và màu sắc do mắt nhìn thấy như bầu trời xanh, lúa chín vàng, nón trắng. Nếu giáo viên gợi ý thêm quan sát bằng tai, bằng mũi thì các em sẽ tìm được thêm nhiều ý khác như: tiếng ca hát, tiếng lội bì bõm, tiếng lưỡi hái cắt lúa xoèn xoẹt, mùi lúa chín, mùi bùn đất,…
Hướng dẫn cho học sinh tìm được ý rồi, còn phải tìm được từ thật chính xác để diễn tả ý đó. Vậy quan sát tìm ý và tìm từ thường không tách rời nhau. Coi trọng việc bồi dưỡng kĩ năng quan sát, tìm ý nhất định sẽ giúp học sinh phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo…và chắc chắn bài văn của các em làm sẽ đạt hiệu quả.
7/ Biện pháp 7:Bồi dưỡng tình cảm và mĩ cảm
a) Nếu chúng ta chỉ chú ý đến luyện văn, luyện kĩ thuật làm bài mà coi nhẹ việc trau dồi tình cảm, mĩ cảm cho học sinh thì dù cho ta có nhiệt tình, có thủ thuật rèn luyện chăng nữa nhưng sự tiến bộ của học sinh vẫn chậm chạp. Các em không có tình cảm đúng thì khó mà làm văn hay, vì khi nói đến văn là phải nói đến cảm xúc. Vậy bồi dưỡng tình cảm và mĩ cảm đóng một vai trò rất quan trọng.
b) Cách tiến hành:
Việc trau dồi tình cảm, mĩ cảm cho học sinh đòi hỏi một quá trình lâu dài và có sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều môn, nhiều môi trường. Trong môn Tiếng Việt, phân môn tập đọc có khả năng đắc lực vì thông qua hình thức nghệ thuật, môn này giáo dục các em một cách nhẹ nhàng nhưng sắc bén và thấm thía. Có thể giáo dục đạt hiệu quả ngay từ khâu đọc bài tập đọc một cách diễn cảm.
Cũng tiến hành giáo dục tình cảm, mĩ cảm cho học sinh qua môn tập làm văn. Từ khâu ra đề, khâu hướng dẫn quan sát, khâu chọn lọc ý, khâu diễn đạt, đến khâu trả bài đều góp phần giáo dục tình cảm, mĩ cảm.
VI/ Kết quả nghiên cứu
Bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung và học sinh giỏi văn lớp 4, lớp 5 nói riêng ở trường tiểu học Đoàn Trị là một quá trình lâu dài không phải một sớm một chiều. Theo thời gian, từng biện pháp cũng dần được hình thành trên cơ sở áp dụng thử nghiệm qua từng năm và từng lứa học trò. Điều chúng tôi nhận thấy ở đây là các biện pháp đưa đến con đường đi đúng hướng cho kế hoạch dạy học của bản thân của người giáo viên dạy bồi dưỡng, tạo cho học sinh nắm chắc được kiến thức văn học cơ bản và đồng thời phong phú thêm cho tâm hồn. Thực nghiệm cho thấy, khi sử dụng các biện pháp nghiên cứu trong đề tài để dạy, các em học sinh càng về sau càng tiến bộ hơn nhiều so với các em khi chưa áp dụng đề tài. Mặc dù kết quả học sinh giỏi trường tiểu học Đoàn Trị đạt được hết sức khiêm tốn nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn nói rằng cái vốn quý là các em có một nền móng vững chắc trong tâm hồn qua các biện pháp bồi dưỡng văn trên; các em sẽ giữ được trong lòng mình ngọn lửa tình yêu văn học và đến một lúc nào đó nó sẽ cháy lên. Thực tế một số em học sinh khi đi học ở các trường khác vẫn không phụ công sức dạy dỗ của thầy cô ở trường Đoàn Trị, đó là các em vẫn giữ vững ngôi vị học tốt, là học sinh giỏi và chắc hẳn cái hạt giống ấy sẽ tồn tại mãi ở mai sau.
Đưa ra một con số thống kê ư, thật khó nói ! Như vậy, nói các biện pháp này là mơ hồ ư ? Không phải vậy. Nó rất cụ thể, nó rất thực, tuy nhiên để phát huy tối đa biện pháp thì phải chờ thực nghiệm nhiều hơn và cần phải có lực lượng thầy cô ở trường “ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Điều cốt lõi chúng tôi muốn nói là các biện pháp chắc chắn khơi gợi trong lòng học sinh sự rung cảm trước cái đẹp cái hay của văn học cũng như cuộc sống.
VII/ Kết luận
Như trên đã trình bày, đề tài “Một số biện pháp giúp bồi dưỡng hoc sinh giỏi văn lớp 4, lớp 5 đạt hiệu quả” đạt được kết quả là do:
– Giáo viên trang bị cho mình vững về kiến thức, kĩ năng thực hành Tiếng Việt, có vốn sống, vốn cảm xúc phong phú.
– Phát huy năng lực và sở trường, phải yêu nghề, gần gũi, thân thiện học sinh, tâm huyết với công việc bồi dưỡng học sinh giỏi.
– Nghiên cứu bài kĩ, lập kế hoạch bài dạy khoa học, tham khảo nhiều tài liệu giảng dạy và sách , báo có liên quan.
– Giáo viên khơi gợi niềm say mê, hứng thú của học sinh đối với môn văn, đốt cháy lên trong lòng các em ngọn lửa tình cảm và mĩ cảm đối với văn học.
– Học sinh phải yêu thích học văn, có ý thức và thái độ đúng đắn trong học tập.
Từ cơ sở nêu trên, đề tài chọn 7 biện pháp như sau:
* Phát hiện học sinh có năng khiếu văn
* Làm giàu vốn từ ngữ cho các em
* Luyện viết câu văn sáng sủa, ngắn gọn, biết dùng tốt các dấu ngắt câu, diễn đạt bằng những câu sinh động có hình ảnh.
* Tích lũy các hình ảnh văn học
* Nâng cao năng lực cảm thụ văn học
* Bồi dưỡng kĩ năng quan sát, tìm ý
* Bồi dưỡng tình cảm và mĩ cảm
Qua thực tế cho thấy việc áp dụng các biện pháp này vào việc bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp 4, lớp 5 có đạt hiệu quả rõ rệt. Các em học sinh viết văn tốt hơn trước, dùng câu văn có hình ảnh và nhất là trong bài văn các em biết thể hiện cảm xúc trước vấn đề đặt ra trong đề bài. Khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện đề tài là thời gian bồi dưỡng có hạn chế, việc học sinh dành thời gian cho môn văn chưa nhiều.
VIII/ Đề nghị
Đề tài còn có thể mở rộng thêm một số biện pháp khác nhưng thời gian đầu tư không cho phép, vậy cũng có thể một ngày gần sẽ có hướng mở khác cho đề tài. Về mặt cách tiến hành có thể bổ sung thêm, cụ thể hóa hơn nữa nhất là bổ sung việc phân tích làm rõ hướng đi.
Đề nghị dùng biện pháp 1 trong đề tài để áp dụng cho khối lớp 1,2,3. Cũng có thể lựa chọn một số biện pháp trong đề tài áp dụng cho học sinh lớp 1,2,3 cơ bản cách tiến hành còn phần kiến thức thì linh hoạt giáo viên sửa đổi nhẹ hơn trên cơ sở các dạng bài tập của đề tài.
Người viết |
IX/ Phần phụ lục
Một số dạng bài tập điển hình (minh họa mẫu) dùng trong các biện pháp:
* Bài tập mở rộng vốn từ
1) Tìm từ chỉ đặc điểm ngoại hình, nội tâm và trí tuệ của người. Đặt câu với các từ đó.
2) Tìm các từ nói về các dạng mây. Viết một đoạn văn ngắn tả cảnh mây trời trong một ngày nắng đẹp.
* Bài tập về nghĩa từ
3) Tìm các nghĩa của từ “đánh”. Tìm những thành ngữ có từ “đánh”.
* Bài tập về thành ngữ, quán ngữ
4) Tìm những thành ngữ so sánh chỉ màu sắc, chỉ cảm giác của lưỡi, cảm giác của mũi, cảm giác của da (Ví dụ: đen như than, cay như ớt, thơm như hoa, nóng như lửa,…)
* Bài tập phát hiện từ sai thay thế từ đúng
5) Hãy tìm trong câu văn (hoặc đoạn văn) từ nào (những từ nào) chưa hợp, vì sao ? Tìm từ thích hợp thay thế.
Quê quán em có con sông chảy qua gồ ghề khúc khuỷu
* Bài tập tìm các bộ phận của câu đơn (chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ)
6) Xe chúng tôi bon bon chạy trên con đường nhựa giữa cánh đồng.
* Bài tập gộp câu và chia câu (Có minh họa ở biện pháp 3)
* Bài tập mở rộng câu bằng cách thêm thành phần phụ ( Có ở biện pháp 3)
* Bài tập ngắt câu (Các dạng trong SGK)
* Tập chữa câu rườm câu tối nghĩa (Có minh họa ở biện pháp 3)
* Bài tập diễn đạt ý bằng nhiều cách khác nhau (Biện pháp 3)
* Bài tập chọn dòng chưa thành câu để chữa lại cho thành câu (Có minh họa ở BP 3)
* Bài tập sắp xếp thành nhiều dạng câu với các từ cho trước (Ở BP 3)
* Bài tập tu từ
6) Phát hiện biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay
(Trần Đăng Khoa – Hạt gạo làng ta)
* Bài tập về quan sát và tìm ý
7) Trong bài thơ “Nửa đêm tỉnh giấc” viết thời niên thiếu, Trần Đăng Khoa đã biết quan sát và cảm nhận cảnh vật quanh nhà mình một cách sâu sắc và tinh tế : (Ghi bài thơ “Nửa đêm tỉnh giấc”)
Em hãy cho biết:
a) Trần Đăng Khoa đã quan sát kĩ những sự vật, hiện tượng gì trong đêm trăng và cảm nhận nó như thế nào ?
b) Bài thơ giúp em thêm kinh nghiệm gì khi quan sát, tìm ý để miêu tả cảnh vật ?
c) Hãy quan sát và ghi lại những ý tìm được về một phong cảnh ở quê hương mà em yêu thích.
* Bài tập về cảm thụ văn học (đã gợi ý ở phần biện pháp 5)
* Bài tập về đọc diễn cảm có sáng tạo (Sử sụng các bài văn, bài thơ trong SGK) Ví dụ: Bài “Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà” SGK Tiếng Việt 5/T1 trang 69.
Sau khi tìm hiểu bài thơ theo câu hỏi và bài tập SGK, em chép lại bài thơ có ghi kí hiệu đọc về phía tay trái, phần trống phía tay phải ghi nhiệm vụ đọc ở từng đoạn thơ ( đoạn 1 cần diễn tả cho người nghe thấy được điều gì ? đoạn 2…?,
đoạn 3….?). Em tập đọc theo sự chuẩn bị của mình.