Biểu đồ đường: Dấu hiệu nhận biết và cách vẽ biểu đồ đường, Biểu đồ đường được dùng để thể hiện tiến trình phát triển, động thái phát triển của một đối tượng hay
Biểu đồ đường được dùng để thể hiện tiến trình phát triển, động thái phát triển của một đối tượng hay một nhóm đối tượng nào đó qua thời gian. Biểu đồ đường có thể được hiển thị với các điểm đánh dấu trong hình dạng của hình tròn, hình vuông hoặc các định dạng khác.
Trong bài viết dưới đây Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến các bạn học sinh toàn bộ kiến thức về biểu đồ đường như: khái niệm biểu đồ đường, dấu hiệu nhận biết, các loại biểu đồ, công thức tính, cách vẽ, cách nhận xét và một số dạng bài tập có đáp án về biểu đồ đường kèm theo. Thông qua tài liệu các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, từ đó biết cách nhận dạng vẽ biểu đồ cho đúng. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: biểu đồ miền, biểu đồ tròn, biểu đồ cột.
Xem Tắt
- 1 1. Biểu đồ đường là gì?
- 2 2. Dấu hiện nhận biết biểu đồ đường
- 3 3. Các loại biểu đồ thường gặp
- 4 3. Công thức tính biểu đồ đường
- 5 4. Cách vẽ biểu đồ đường
- 6 5. Cách nhận xét biểu đồ đường
- 7 6. Một số lỗi thường gặp khi vẽ biểu đồ đường
- 8 7. Bài tập vẽ biểu đồ đường có đáp án
- 9 8. Bài tập tự luyện vẽ biểu đồ đường
1. Biểu đồ đường là gì?
Biểu đồ đường là một trong những dạng biểu đồ thông dụng, được dùng để thể hiện tiến trình phát triển, động thái phát triển của một đối tượng hay một nhóm đối tượng nào đó qua thời gian.
Biểu đồ đường có thể được hiển thị với các điểm đánh dấu trong hình dạng của hình tròn, hình vuông hoặc các định dạng khác.
2. Dấu hiện nhận biết biểu đồ đường
Biểu đồ đường thể hiện tiến trình phát triển, động thái phát triển của một đối tượng hay một nhóm đối tượng, chính vì vậy dấu hiệu nhận biết biểu đồ đường rất đơn giản:
- Thường xuất hiện cụm từ: sự phát triển, tốc độ tăng trưởng, tốc độ phát triển.
- Mốc thời gian: >= 4 năm.
- Đơn vị: xử lí số liệu về %, rất ít trường hợp vẽ số liệu thô (chưa qua xử lí).
3. Các loại biểu đồ thường gặp
Các loại biểu đồ dạng đường :
- Loại có một hoặc nhiều đường vẽ theo giá trị tuyệt đối.
- Loại có một hoặc nhiều đường vẽ theo giá trị tương đối.
3. Công thức tính biểu đồ đường
Tốc độ tăng trưởng = Giá trị năm sau / Giá trị năm gốc x 100% (Năm gốc là năm được lấy làm mốc, 100%).
4. Cách vẽ biểu đồ đường
Có rất nhiều cách vẽ biểu đồ đường. Tuy nhiên hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn 2 cách vẽ chính xác, đơn giản nhất.
CÁCH 1
Bước 1 : Phân tích, xử lí bảng số liệu và xây dựng hệ trục tọa độ
– Xử lí bảng số liệu, chuyển từ số liệu tuyệt đối sang số liệu tương đối trong trường hợp yêu cầu thể hiện tốc độ tăng trưởng, tốc độ gia tăng, nhịp độ tăng trưởng,…
Công thức: Tốc độ tăng trưởng = Giá trị năm sau / Giá trị năm gốc x 100% (Năm gốc là năm được lấy làm mốc, 100%).
– Phân tích bảng số liệu đã xử lí (tìm số lớn nhất, số nhỏ nhất) để xây dựng hệ tọa độ.
– Xác định tỉ lệ, phạm vi khổ giấy phù hợp.
– Xây dựng hệ trục tọa độ hợp lí chiều cao trục tung = 2/3 chiều dài trục hoành.
Bước 2: Vẽ biểu đồ
- Đánh số chuẩn trên trục tung phải cách đều nhau.
- Chia khoảng cách năm ở trục hoành đúng và hợp lí.
- Không được tự ý sắp xếp lại thứ tự số liệu (nếu không có yêu cầu).
- Năm đầu tiên chính là trục tung (không có khoảng cách như biểu đồ cột).
- Nối các điểm bằng các đoạn thẳng (nên hoàn thành từng đường nhằm tránh nối nhầm).
Bước 3 : Hoàn thiện biểu đồ
- Ghi số liệu tại các điểm (nếu các đường quá gần nhau thì không nhất thiết phải ghi).
- Viết đơn vị vào trục tung và trục hoành.
- Hoàn chỉnh bảng chú giải và tên biểu đồ.
CÁCH 2
– Bước 1: Kẻ hệ trục tọa độ vuông góc (trục đứng thể hiện độ lớn của các đối tượng như số người , sản lượng , tỉ lệ %.. còn trục nằm ngang thể hiện thời gian)
– Bước 2: Xác định tỉ lệ thích hợp ở cả 2 trục (chú ý tương quan giữa độ cao của trục đứng và độ dài của trục nằm ngang sao cho biểu đồ đảm bảo được tính trực quan và mĩ thuật)
– Bước 3: Căn cứ vào các số liệu của đề bài và tỉ lệ đã xác định để tính toán và đánh giá dấu tọa độ của các điểm mốc trên 2 trục . Khi đánh dấu các năm trên trục ngang cần chú ý đến tỉ lệ (cần đúng tỉ lệ cho trước) . Thời điểm năm đầu tiên nằm trên trục đứng
– Bước 4: Hoàn thiện bản đồ (ghi số liệu vào bản đồ , nếu sử dụng kí hiệu thì cần có bản chú giải cuối cùng ta ghi tên biểu đồ)
Lưu ý:
- Nếu vẽ 2 hoặc nhiều đường biểu diễn có chung 1 đơn vị thì mỗi đường cần dùng 1 kí hiệu riêng biệt và có chú giải kèm theo
- Nếu vẽ 2 đường biểu diễn có đơn vị khác nhau thì vẽ 2 trục đứng ở 2 bên biểu đồ , mỗi trục thể hiện 1 đơn vị
- Nếu phải vẽ nhiều đường biểu diễn mà số liệu đã cho lại thuộc nhiều đơn vị khác nhau thì phải tính toán để chuyển số liệu thô (số liệu tuyệt đối với các đơn vị khác nhau ) sang số liệu tinh (số liệu tương dối , với cùng đơn vị thông nhất là đơn vị % ). Ta thường lấy số liệu năm đầu tiên là ứng với 100% , số liệu của các năm tiếp theo là tỉ lệ % so với năm đầu tiên . Sau đó ta sẽ vẽ đường biểu diễn
Biểu đồ đường là biểu đồ thường dùng để vẽ sự thay đổi của các đại lượng địa lí khi số năm nhiều và tương đối liên tục, hoặc thể hiện tốc độ tăng trưởng
5. Cách nhận xét biểu đồ đường
* Trường hợp thể hiện một đối tượng
- So sánh số liệu năm đầu và năm cuối có trong bảng số liệu để trả lời câu hỏi: đối tượng tăng hay giảm? Nếu tăng (giảm) thì tăng (giảm) bao nhiêu?
- Xem đường biểu diễn đi lên (tăng) có liên tục hay không?
– Hai trường hợp:
- Nếu liên tục thì cho biết giai đoạn nào tăng nhanh, giai đoạn nào tăng chậm.
- Nếu không liên tục: Thì năm nào không còn liên tục.
- Một vài giải thích cho đối tượng, giải thích những năm không liên tục.
– Trường hợp cột có hai đường trở lên
- Nhận xét từng đường một giống như trên theo đúng trình tự bảng số liệu cho: đường a trước, rồi đến đường b, rồi đến c, d.
- Tiến hành so sánh (cao, thấp,…), tìm mỗi liên hệ giữa các đường biểu diễn.
- Kết luận và giải thích.
6. Một số lỗi thường gặp khi vẽ biểu đồ đường
– Các yếu tố chính trên biểu đồ
- Thiếu số liệu trên đường, thiếu đơn vị ở trục tung và trục hoành.
- Thiếu số 0 ở gốc tọa độ.
- Chia sai khoảng cách năm ở trục hoành, sai tỉ lệ ở trục tung.
– Các yếu tố phụ ngoài biểu đồ: thiếu tên biểu đồ hoặc bảng chú giải.
– Mốc thời gian đầu tiên không gắn liền với trục tung, dùng đường nét cong để nối một đối tượng có giá trị khác nhau.
7. Bài tập vẽ biểu đồ đường có đáp án
Câu 1: Cho bảng số liệu sau:
TỔNG SỐ DÂN, SẢN LƯỢNG LƯƠNG THỰC VÀ BÌNH QUÂN LƯƠNG THỰC THEO ĐẦU NGƯỜI CỦA NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 1990 – 2015
Năm |
Tổng số dân (nghìn người) |
Sản lượng lương thực (nghìn tấn) |
Bình quân lương thực theo đầu người (kg / người) |
1990 | 66016 | 19879,7 | 301,1 |
2000 | 77635 | 34538,9 | 444,9 |
2005 | 82392 | 39621,6 | 480,9 |
2010 | 86947 | 44632,2 | 513,4 |
2015 | 91731 | 50498,3 | 550,6 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất để thể hiện tốc độ phát triển của tổng dân số, sản lượng lương thực và bình quân lương thực theo đầu người của nước ta, giai đoạn 1990 – 2015?
b) Nhận xét và giải thích.
Trả lời
a) Vẽ biểu đồ
* Xử lí số liệu
– Công thức: Tốc độ tăng trưởng = Giá trị năm trước / giá trị năm gốc x 100%.
– Lấy năm 1990 là 100%, áp dụng công thức trên. Ta tính được bảng sau:
Năm | Tổng số dân | Sản lượng lương thực | Bình quân lương thực theo đầu người |
1990 | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
2000 | 117,6 | 173,7 | 148,7 |
2005 | 124,8 | 199,3 | 159,7 |
2010 | 131,7 | 224,5 | 170,5 |
2015 | 138,9 | 254,0 | 182,9 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
b) Nhận xét và giải thích
* Nhận xét
– Dân số, sản lượng lương thực và bình quân lương thực theo đầu người đều có xu hướng tăng liên tục qua các năm.
– Sản lượng lương thực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (254%), tiếp đến là bình quân lương thực theo đầu người (182,9%) và dân số có tốc độ tăng trưởng chậm nhất (138,9%).
– Giai đoạn 1990 – 2015, sản lượng lương thực tăng nhanh và tăng thêm 30618,6 nghìn tấn; dân số tăng thêm 25715 nghìn người và bình quân lương thực đầu người tăng 249,5 kh/người.
* Giải thích
– Sản lượng lương thực tăng nhanh là do sự phát triển của cơ giới hóa trong nông nghiệp, việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ trong sản xuất; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa có chất lượng cao,… sản lượng lương thực tăng nhanh đã làm cho bình quân lương thực tăng theo.
– Dân số tăng do qui mô dân số ở nước ta lớn, tỉ lệ gia tăng tự nhiên vẫn ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới.
Câu 3: Cho bảng số liệu sau:
DIỆN TÍCH CHO SẢN PHẨM MỘT SỐ CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 2010 – 2016 (Đơn vị: Nghìn ha)
Năm | 2010 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 |
Điều | 339,8 | 300,9 | 285,8 | 280,3 | 288,3 |
Cao su | 429,1 | 548,8 | 570,0 | 593,8 | 600,1 |
Cà phê | 518,2 | 581,3 | 588,8 | 604,3 | 622,2 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự phát triển của một số sản phẩm cây công nghiệp lâu năm ở nước ta, giai đoạn 2010 – 2016?
b) Nhận xét và giải thích tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm cây công nghiệp lâu năm ở nước ta, giai đoạn 2010 – 2016?
Gợi ý đáp án
a) Vẽ biểu đồ
DIỆN TÍCH CHO SẢN PHẨM MỘT SỐ CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 2010 – 2016
b) Nhận xét và giải thích
* Nhận xét
– Các sản phẩm cây công nghiệp ở nước ta có sự thay đổi theo thời gian.
- Cây điều có diện tích nhỏ nhất (288,3 nghìn ha) và có xu hướng giảm (51,5 nghìn ha) nhưng không ổn định.
- Cây cao su tăng lên liên tục và tăng thêm 171 nghìn ha.
- Cây cà phê có diện tích lớn nhất (622,3 nghìn ha), tăng lên liên tục qua các năm và tăng thêm 104 nghìn ha.
– Tốc độ tăng của các cây công nghiệp cũng khác nhau. Cây cao su tăng nhanh nhất (139,9%), tiếp đến là cây cà phê (120,1%) và cây điều giảm (84,8%).
* Giải thích
Sự tăng, giảm không ổn định của các sản phẩm cây công nghiệp là do ảnh hưởng của sự không ổn định thị trường trong nước và quốc tế. Sự ưu chuộng về một sản phẩm sẽ kích thích việc mở rộng sản xuất, mở rộng diện tích cây trồng và ngược lại. Ngoài ra còn do một số yếu tố tự nhiên (khí hậu, đất đai,…) và yếu tố kinh tế (cơ sở chế biến, bảo quản, vận chuyển,…).
8. Bài tập tự luyện vẽ biểu đồ đường
Câu 1 Cho bảng số liệu sau:
TÌNH HÌNH XUẤT – NHẬP KHẨU Ở NƯỚC TA TRONG, GIAI ĐOẠN 2000 – 2017 (Đơn vị: triệu USD)
Năm | Kim gạch xuất khẩu | Kim gạch nhập khẩu |
2000 | 14 482,7 | 15 636,5 |
2005 | 32 447,1 | 36 761,1 |
2010 | 72 236,7 | 84 836,6 |
2014 | 114 529,2 | 113 780,4 |
2017 | 150 217,1 | 147 849,1 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê Việt)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất để thể hiện tốc độ tăng trưởng giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong giai đoạn 2000 – 2017?
b) Nhận xét và giải thích.
Câu 2: Cho bảng số liệu sau:
SẢN LƯỢNG CÀ PHÊ NHÂN VÀ SẢN LƯỢNG CÀ PHÊ XUẤT KHẨU CỦA NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 1980 – 2017 (Đơn vị: Nghìn tấn)
Năm | 1980 | 1990 | 2005 | 2010 | 2015 | 2017 |
Sản lượng cà phê nhân | 8,4 | 92,0 | 802,5 | 752,1 | 1105,7 | 1408,4 |
Sản lượng cà phê xuất khẩu | 4,0 | 89,6 | 733,9 | 912,7 | 1184,0 | 1691,0 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê Việt)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tốc độ tăng trưởng sản lượng cà phê nhân và sản lượng cà phê xuất khẩu của nước ta, giai đoạn 1980 – 2017?
b) Nhận xét sản lượng cà phê nhân và sản lượng cà phê xuất khẩu của nước ta. Giải thích tại sao sản lượng cà phê xuất khẩu nước ta những năm gần đây tăng rất nhanh?
Câu 3: Cho bảng số liệu sau:
SỐ DÂN, SẢN LƯỢNG LƯƠNG THỰC VÀ BÌNH QUÂN LƯƠNG THỰC THEO ĐẦU NGƯỜI CỦA NƯỚC TA, GIAI ĐOẠN 1990 – 2015
Năm | Tổng số dân (nghìn người) | Sản lượng lương thực (nghìn tấn) | Bình quân lương thực theo đầu người (kg / người) |
1990 | 66 016 | 19 879,7 | 301,1 |
2000 | 77 635 | 34 538,9 | 444,9 |
2005 | 82 392 | 44 632,2 | 513,4 |
2010 | 86 947 | 44 632,2 | 513,4 |
2015 | 91 731 | 50 498,3 | 550,6 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê Việt)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tốc độ tăng trưởng dân số, sản lượng lương thực và bình quân lương thực theo đầu người ở nước ta, giai đoạn 1990 – 2015?
b) Nhận xét biểu đồ đã vẽ. Giải thích tại sao bình quân lương thực theo đầu người ở nước ta ngày càng tăng lên?
Câu 4: Cho bảng số liệu sau:
DIỆN TÍCH, NĂNG SUẤT LÚA CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG, GIAI ĐOẠN 2005 – 2016
Năm | 2005 | 2008 | 2010 | 2016 |
Diện tích (nghìn ha) | 3826 | 3859 | 3946 | 4089 |
Năng suất (tạ/ha) | 50,4 | 53,6 | 54,7 | 56,7 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê Việt)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tốc độ tăng trưởng diện tích, năng suất lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2005 – 2016?
b) Nhận xét tốc độ tăng trưởng diện tích, sản lượng và năng suất lúa của Đồng bằng sông Cửu Long. Giải thích?
Câu 5: Cho bảng số liệu sau:
TỔNG SẢN PHẨM TRONG NƯỚC (GDP) THEO GIÁ HIỆN HÀNH CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA, GIAI ĐOẠN 2000 – 2016 (Đơn vị: Tỉ USD)
Năm | 2000 | 2005 | 2010 | 2012 | 2014 | 2016 |
Cam-pu-chia | 3,6 | 6,6 | 11,2 | 14,0 | 16,8 | 20,0 |
Xin-ga-po | 91,5 | 127,4 | 199,6 | 289,3 | 284,6 | 305,0 |
Việt Nam | 31,2 | 57,6 | 115,9 | 156,7 | 186,2 | 205,3 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê Việt)
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tốc độ tăng trưởng GDP của một số quốc gia, giai đoạn 2000 – 2016?
b) Nhận xét tốc độ tăng trưởng GDP của một số quốc gia. Giải thích?