Chiến thuật làm bài thi Trắc nghiệm môn LỊCH SỬ đạt điểm cao, Chiến thuật làm bài thi Trắc nghiệm môn LỊCH SỬ đạt điểm cao là tổng hợp những kinh nghiệm hay được
Chiến thuật làm bài thi Trắc nghiệm môn LỊCH SỬ đạt điểm cao
Để làm tốt môn Lịch sử thi THPT quốc gia 2017, ngoài việc ôn tập thật kỹ những kiến thức trong chương trình học lớp 12 các bạn học sinh cần phải nắm vững những chiến thuật làm bài thi Trắc nghiệm môn LỊCH SỬ đạt điểm cao. Dưới đây là những kinh nghiệm hay được Tài Liệu Học Thi tổng hợp từ các thầy cô giáo. Mời các bạn cùng tham khảo nhé! Chúc các bạn thi tốt và đạt điểm số cao với bài thi Lịch sử.
400 câu trắc nghiệm Lịch sử thế giới giai đoạn 1945 – 2000 (Có đáp án)
350 câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử ôn thi THPT Quốc gia 2017
Từ các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, có thể thấy kiến thức trong đề thi trắc nghiệm rải đều các phần, các chương của chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 hiện hành. Số lượng kiến thức của phần lịch sử thế giới là 30% và lịch sử Việt Nam là 70%.
Phần thứ nhất, gồm 24 câu đầu, nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức “nhận biết” và “thông hiểu” chiếm khoảng 60% tổng số câu trong đề thi.
Phần thứ hai, gồm 16 câu còn lại là những câu hỏi có tính phân loại, đòi hỏi khả năng “vận dụng” và “vận dụng cao” phục vụ cho việc xét tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.
Những câu vận dụng cao chỉ chiếm tỷ trọng 10% (4 câu), tương đương 1/10 điểm. Như vậy, một học sinh khá có thể đạt được điểm tối đa là 9/10. Một điểm còn lại sẽ dành cho học sinh giỏi.
Lần đầu tiên, Lịch sử trở thành môn thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Vì vậy, thí sinh cần trang bị cho mình những phương pháp, kỹ năng ôn luyện phù hợp, tránh tình trạng ‘học tủ’ một cách bài bản.
Vận dụng công thức 5W Và 2H
Theo thầy Nguyễn Mạnh Hưởng, với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh nên vận dụng công thức 5W và 2H, không phải thuộc lòng quá nhiều mà quan trọng là phải tư duy, hiểu rõ bản chất của từng mốc lịch sử.
Theo đó, thí sinh sẽ trả lời lần lượt:
What – Sự kiện lịch sử gì đã diễn ra?,
When – Diễn ra khi nào?,
Where – Diễn ra ở đâu?,
Who – Gắn liền với nhân vật lịch sử nào?,
Why – Vì sao lại xảy ra?,
How: Thực hiện mục tiêu như thế nào?
How much: Tốn bao nhiêu thời gian/chi phí?
Theo phương pháp này, học sinh sẽ nắm được các nội dung trọng tâm trong chương trình, nắm vững kiến thức cơ bản, ghi nhớ và hiểu những sự kiện cốt yếu gắn với thời gian, địa danh, nhân vật lịch sử.
Trong quá trình ôn tập, học sinh phải chỉ ra đâu là những ý lớn, đâu là chi tiết, minh họa, phải biết tóm tắt bài học và diễn đạt sơ đồ ý, dàn ý của từng bài. Đó cũng là cách để hệ thống kiến thức, chỗ nào quên thì mở sách xem lại nhằm rèn luyện khả năng làm chủ thời gian, khả năng diễn đạt nội dung, văn phong trong bài thi.
Chỉ có 50 phút để làm bài thi, học sinh không nên để mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi nào đó, vì thời gian trung bình mỗi câu chỉ khoảng 1,25 phút. Không cần làm theo thứ tự câu hỏi, với những câu dễ thí sinh hãy làm trước, khoảng thời gian còn lại sẽ ‘chiến đấu’ với những câu khó sau.
Lập sơ đồ tư duy kết hợp với từ khóa
Đặc thù của môn Sử là hiện hữu nhiều mốc sự kiện, không gian, thời gian nên học sinh phải hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn.
Học sinh làm “sơ đồ tư duy” dựa trên nguyên lý từ “cây” đến “cành” đến “nhánh”, từ ý lớn sang ý bé. Nhờ đó, các em sẽ thấy các bài học sẽ trở nên ngắn gọn hơn, súc tích và dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Từ những kiến thức, sự kiện, vấn đề cơ bản của từng bài, từng chương, từng phần trong sách giáo khoa hiện hành, thông qua sơ đồ tư duy, học sinh sẽ tự biết cách tổng hợp và xâu chuỗi kiến thức theo trình tự, trật tự kiến thức và lý giải các mối quan hệ tác động biện chứng, nhân quả giữa các vấn đề, sự kiện.
Tiếp theo, học sinh cần đọc kỹ yêu cầu của câu hỏi và tìm “từ khóa”, có thể lấy bút chì khoanh tròn “từ khóa” đó để lựa chọn phương án trả lời với những kiến thức nào. Đây được xem như cách giúp học sinh giải quyết câu hỏi nhanh nhất và không bị lạc đề hay nhầm kiến thức.
Nếu thí sinh không nhớ chính xác phương án trả lời một số câu hỏi thì không nên đoán mò hoặc làm theo kiểu “phủ xanh đất trống” một cách may rủi mà cần dùng phương pháp loại trừ.
Hơn nữa, thay vì đi tìm đáp án đúng, học sinh hãy thử tìm phương án sai cũng là cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.
Đặc biệt, với thi trắc nghiệm sẽ có những đáp án gây nhiễu, đáp án khá giống nhau, vậy nên học sinh phải đọc kỹ sách giáo khoa để hiểu rõ, kết nối các sự kiện với nhau rồi phân tích câu trả lời và chọn ra đáp án đúng.
Chúc các bạn thi tốt nhé!