Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9, Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 gồm các dạng bài tập trọng tâm, những đề mẫu giúp các em học sinh lớp 9 ôn
Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 gồm các dạng bài tập trọng tâm, những đề mẫu giúp các em học sinh lớp 9 ôn tập thật tốt cho kỳ thi học kì 2 sắp diễn ra. Đây cũng là tài liệu hữu ích cho thầy cô khi ra đề cho học sinh của mình. Mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo nội dung chi tiết dưới đây:
Đề cương ôn tập học kì 2 môn Văn lớp 9
A. NỘI DUNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 9
I. Phần văn bản.
1. Văn bản nghị luận hiện đại:
– Đọc kỹ 3 văn bản: Bàn về đọc sách – Chu Quang Tiềm; Tiếng nói văn nghệ – Nguyễn Đình Thi; Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan. Nêu được nội dung nghệ thuật.
2. Văn học hiện đại Việt Nam:
a. Thơ hiện đại:
- Học thuộc phần tác giả: Chế Lan Viên, Thanh Hải, Viễn Phương, Hữu Thỉnh, Y Phương,
- Học thuộc lòng và nắm được nội dung, nghệ thuật các bài thơ Con cò, Mùa xuân nho nhỏ, Viếng Lăng Bác, Sang thu, Nói với con của các tác giả trên.
b. Truyện hiện đại:
Học thuộc lòng và nắm được nội dung, nghệ thuật các truyện Làng, Chiếc lược ngà, Lặng lẽ Sa Pa, Bến quê, Những ngôi sao xa xôi các tác giả trên.
II. PHẦN TIẾNG VIỆT:
- Thế nào là thành phần khởi ngữ? Cho ví dụ
- Thành phần biệt lập là gì? Có mấy thành phần biệt lập, nêu khái niệm? Cho ví dụ mỗi loại
- Nêu các phép liên kết câu và liên kết đoạn văn
- Phân biệt nghĩa tường minh và hàm ý, để sử dụng hàm ý cần có những điều kiện nào ? Viết đoạn văn có sử dụng hàm ý và cho biết đó là hàm ý gì?
- Nắm khái niệm các từ loại, vận dụng để nhận biết
- Kể tên các thành phần chính và thành phần phụ của câu, nêu dấu hiệu nhận biết từng thành phần
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN:
1. Lý thuyết:
- Nắm được một số phép lập luận trong văn nghị luận như: phân tích, tổng hợp. Học ghi nhớ.
- Phân biệt các kiểu bài nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề tưởng đạo lí, nghị luận văn học (Nghị luận thơ và nghị luận về tác phẩm truyện)
- Biết liên kết câu, liên kết đoạn văn trong văn bản đê viết được đoạn văn, bài văn mạch lạc có liên kết .
2. Một số dạng đề thực hành tiêu biểu
Câu 1: Chép nguyên văn khổ thơ cuối của bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương. Cho biết nghệ thuật đặc sắc của khổ thơ đó.
Câu 2: Chép khổ thơ cuối bài Sang thu của Hữu Thỉnh. Cho biết giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ.
Câu 3: Những hình ảnh ẩn dụ “mặt trời”, “vầng trăng”, “trời xanh” trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương có tác dụng như thế nào trong việc biểu hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ đối với Bác Hồ.
Câu 4: Suy nghĩ về tình cha con trong Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Câu 5: Phát biểu suy nghĩ của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
Câu 6: Em hãy làm sáng tỏ nhận định sau: “Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng thể hiện tình yêu và khát vọng được cống hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải.
Câu 7: Suy nghĩ của em về nhan đề bài thơ: “Mùa xuân nho nhỏ”.
Câu 8: Nêu những nét chính về tác giả Thanh Hải và hoàn cảnh ra đời bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.
PHẦN B: GỢI Ý ĐÁP ÁN
I. Phần văn bản:
1. Văn bản nghị luận hiện đại; Xem phần ghi nhớ: SGK
2. Văn học hiện đại Việt Nam:
Văn bản: “Con Cò”
- Nội dung: Bài thơ ca ngợi tình mẹ và ý nghĩa lời ru đối với cuộc sống của con người.
- Nghệ thuật: Vận dụng sáng tạo hình ảnh giọng điệu ca dao, giọng thơ thiết tha, trìu mến. Có những câu thơ đúc kết được những suy ngẫm sâu sắc.
Văn bản: “Mùa xuân nho nhỏ”
* Nội dung:
Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước,góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
* Nghệ thuật:
- Nhạc điệu trong sáng thiết tha, tứ thơ sáng tạo tự nhiên, h/a thơ gợi cảm.
- Nghệ thuật so sánh sáng tạo.
Văn bản: “Viếng lăng Bác”
* Nội dung: Lòng thành kính xúc động của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
* Nghệ thuật:
- Giọng điệu trang trọng thiết tha
- Nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp gợi liên tưởng
- Sử dụng điệp từ, điệp ngữ.
Văn bản: “Sang thu”
- Nội dung: Cảm nhận tinh tế của tác giả về sự biến chuyển nhẹ nhàng của thiên nhiên khi vào thu.
- Nghệ thuật: Hình ảnh gợi tả bằng nhiều cảm giác. Giọng thơ nhẹ nhàng mà lắng đọng.
Văn bản: “Nói với con”
- Nội dung: Bằng lời trò chuyện với con, tác giả thể hiện sự gắn bó, niềm tự hào với quê hương và đạo lí sống của dân tộc.
- Nghệ thuật: Cách nói giàu hình ảnh: vừa gần gũi mộc mạc, vừa có sức khái quát cao. Giọng điệu tha thiết.
II. PHẦN TIẾNG VIỆT: Xem SGK
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN: Một số gợi ý cho dàn bài tập làm văn.
* Đề 1: Tình cảm chân thành và tha thiết của nhân dân ta với Bác Hồ được thể hiện qua bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương.
a. Mở bài:
- Khái quát chung về tác giả và bài thơ.
- Tình cảm của nhân dân đối với Bác thể hiện rõ nét trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương
b. Thân bài:
Khổ 1: Cảm xúc của tác giả khi đến thăm lăng Bác
- Câu thơ thật giản dị thân quen với cách dùng đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thân thương.
- Tác giả sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” mong sao giảm nhẹ được nỗi đau thương, mất mát.
- Hình ảnh hàng tre qua cảm nhận của nhà thơ đã trở thành biểu tượng của tình cảm nhân dân gắn bó với Bác, thành biểu tượng sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của dân tộc.
Khổ 2: Sự tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác khi đứng trước lăng Người.
- Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng” thể hiện sự tôn kính biết ơn của nhân dân đối với Bác. Cảm nhận về sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh, về suy nghĩ Bác còn sống mãi chứa đựng trong mỗi hình ảnh của khổ thơ.
- Hình ảnh dòng người thành một tràng hoa trước lăng. =>Hình ảnh “tràng hoa” một lần nữa tô đậm thêm sự tôn kính, biết ơn tự hào của tác giả cũng như của dân tộc VN đối với Bác.
Khổ 3 – 4: Niềm xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác
- Những cảm xúc thiêng liêng của nhà thơ về Bác.
- Những cảm xúc chân thành, tha thiết ấy nâng lên thành ước muốn sống đẹp.
- Những cảm xúc của nhà thơ về Bác cũng là cảm xúc của mỗi người dân miền Nam với Bác.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại tình cảm chân thành tha thiết của nhân dân đối với Bác.
- Suy nghĩ của bản thân.
* Đề 2: Cảm nhận của em về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”của Thanh Hải.
* Gợi ý:
a. Mở bài:
- Khái quát về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
- Cảm nhận chung về bài thơ trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn làm “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho cuộc đời.
b. Thân bài
- Mùa xuân của thiên nhiên rất đẹp, đầy sức sống và tràn ngập niềm vui rạo rực: Qua hình ảnh, âm thanh, màu sắc…
- Mùa xuân của đất nước: Hình ảnh “người cầm súng, người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động dựng xây lại quê hương sau những đau thương mất mát.
-> Âm hưởng thơ hối hả, khẩn trương với nhiều điệp từ, điệp ngữ láy lại ở đầu câu.
- Suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân đất nước là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp.
-> Thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp.
- Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và mang một ý nghĩa mới: Niềm mong muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời.
c. Kết luận:
- Ý nghĩa đem lại từ bài thơ.
- Cảm xúc đẹp về mùa xuân, gợi suy nghĩ về một lẽ sống cao đẹp của một tâm hồn trong sáng.