Đề cương ôn thi học kì 1 môn GDCD lớp 7 năm 2020 – 2021, Đề cương ôn thi học kì 1 môn GDCD lớp 7 năm 2020 – 2021 dành cho các bạn học sinh lớp 7 tham khảo. Với những
Nhằm đem đến cho các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn tập học kì 1 lớp 7, Tài Liệu Học Thi giới thiệu Đề cương ôn thi học kì 1 môn GDCD lớp 7 năm 2020 – 2021.
Tài liệu được biên soạn với nội dung bám sát chương trình học môn Giáo dục công dân 7. Qua đó giúp các bạn dễ dàng ôn tập chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối học kì 1 đạt kết quả cao. Ngoài ra các em học sinh lớp 7 tham khảo thêm: đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn, đề cương ôn thi học kì 1 môn Toán. Chúc các bạn học tốt.
Xem Tắt
Đề cương ôn tập HKI GDCD
I. Thống kê nội dung các chủ đề đã học.
Chủ đề 1: Quan hệ với bản thân:
- Bài 1: Sống giản dị.
- Bài 2: Trung thực.
- Bài 3: Tự trọng.
- Bài 11: Tự tin.
Chủ đề 2 : Quan hệ với người khác:
- Bài 5: Yêu thương con người.
- Bài 6: Tôn sư trọng đạo.
- Bài 7: Đoàn kết tương trợ
- Bài 8: Khoan dung.
Chủ đề 3 : Quan hệ với cộng đồng, đất nước, nhân loại:
- Bài 9: Xây dựng gia đình văn hóa.
- Bài 10: Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
II. Hệ thống kiến thức các nội dung trên.
Bài 1: Sống giản dị.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội.
– Biểu hiện:
+ Không xa hoa, lãng phí.
+ Không cầu kỳ, kiểu cách.
+ Không chạy theo vật chất và hình thức bề ngoài.
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Giản dị là phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi người.
– Đỡ tốn thời gian, công sức vào những việc không cần thiết.
– Được mọi người yêu quý, tôn trọng, giúp đỡ.
Đối với gia đình:
– Giản dị => Tiết kiệm => Giúp cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn.
Đối với xã hội:
– Làm xã hội trong sạch hơn.
3) Rèn luyện
– Ăn mặc, tác phong phù hợp với lứa tuổi học sinh, với điều kiện và hoàn cảnh gia đình.
– Không đua đòi chạy theo nhu cầu vật chất hình thức bên ngoài, không đua đòi những trào lưu của xã hội.
– Lời nói ngắn gọn dễ hiểu.
– Đối xử với mọi người một cách chân thành, cởi mở.
– Biết quý trọng những gì mình đang có, biết thông cảm chia sẻ với cuộc sống khó khăn của người khác, chia sẻ với các em nhỏ, cụ già đang sống trong hoàn cảnh khó khăn.
– Tiết kiệm thời gian, của cải, tiền bạc.
Bài 2: Trung thực.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý, lẽ phải.
– Biểu hiện:
+ Luôn nói đúng sự thật.
+ Dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm.
+ Sống ngay thẳng, thật thà.
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Trung thực là đức tính cần thiết và quý báu của mỗi con người.
– Sống trung thực giúp ta nâng cao phẩm giá và được mọi người tin yêu, kính trọng.
Đối với xã hội:
– Làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội.
3) Rèn luyện
– Trong học tập: ngay thẳng không gian dối, không dấu dốt. Kiên quyết đấu tranh khi bạn mắc khuyết điểm.
– Với cha mẹ, thầy cô phải thật thà, ngay thẳng.
– Ra ngoài phải thật thà, trung thực, nhặt được của rơi trả người đánh mất.
Bài 3: Tự trọng.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Tự trọng là biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh các hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội.
– Biểu hiện:
+ Cư xử đàng hoàng, đúng mực, có văn hóa.
+ Biết giữ lời hứa.
+ Luôn làm tròn nhiệm vụ được giao.
+ Không để người khác nhắc nhở, chê trách.
2) Ý nghĩa.
– Tự trọng là đức tính cao quý và cần thiết của mỗi con người
– Giúp người ta có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
– Nâng cao phẩm giá, uy tín cá nhân của mỗi người.
– Nhận được sự quý trọng của mọi người xung quanh.
– Tránh những việc làm xấu ảnh hưởng đến danh dự của bản thân và gia đình.
3) Rèn luyện
– Khi mình thiếu sót thì phải tự biết nhận khuyết điểm.
– Phải luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình.
– Phải tôn trọng lẽ phải và làm theo lẽ phải.
– Tôn trọng bản thân mình cũng như tôn trọng những người xung quanh.
– Sống đúng với chuẩn mực và phải suy nghĩ thận trọng trước khi hành động.
– Luôn giữ lời hứa với bạn bè, người thân.
Bài 11: Tự tin.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Tự tin là tin tưởng vào khả năng của bản thân, chủ động trong mọi việc.
– Biểu hiện:
+ Chủ động, dám nghĩ, dám làm.
+ Không hoang mang, dao động.
+ Biết tự giải quyết công việc của mình.
+ Gặp việc khó khăn không nản.
+ Không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác.
+ Mạnh dạn, không lúng túng.
2) Ý nghĩa.
– Tự tin giúp người ta có thêm sức mạnh, nghị lực để làm nên sự nghiệp lớn.
3) Rèn luyện
– Xác định được ước mơ, mục đích của mình.
– Chủ động, tự giác học tập.
– Tham gia các hoạt động tập thể để hòa nhập với nhiều người.
– Luôn cố gắng tin tưởng vào khả năng của mình trước khi làm một việc gì đó.
– Khắc phục tính rụt rè bằng cách tham gia nhiều hoạt động tập thể, nơi đông người.
– Cố gắng làm việc trên khả năng của mình không phải dựa dẫm nhiều vào người khác.
Chủ đề 2 : Quan hệ với người khác:
Bài 5: Yêu thương con người.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Yêu thương con người là sự quan tâm, giúp đỡ, làm những điều tốt đẹp cho người khác, nhất à những người gặp khó khăn, hoạn nạn.
– Lòng yêu thương con người bắt nguồn từ sự cảm thông, đau xót trước những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của người khác => Mong muốn đem lại hạnh phúc cho họ
– Biểu hiện:
+ Sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với người khác.
+ Dìu dắt, nâng đỡ những người có lỗi lầm.
+ Biết hy sinh quyền lợi cả bản thân cho người khác.
!Chú ý! Phân biệt giữa yêu thương và thương hại:
Yêu thương | Thương hại |
Xuất phát từ tấm lòng chân thành, vô tư, từ cảm xúc của mỗi con người. | Không xuất phát từ tình cảm, cảm xúc thật. Có thể bắt nguồn từ động cơ, vụ lợi cá nhân. |
Nâng cao giá trị con người. | Hạ thấp giá trị con người. |
Thể hiện tình cảm gắn bó giữa người với người. | Ý khinh bỉ, coi thường. |
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Được mọi người quý trọng.
– Có cuộc sống thanh thản.
Đối với xã hội:
– Yêu thương con người là truyền thống quý báu của dân tộc, chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy.
– Làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội.
3) Rèn luyện
– Quan tâm đến mọi người xung quanh.
– Sẵn sàng giúp đỡ, thông cảm, chia sẻ.
– Biết tha thứ, hy sinh, có lòng vị tha.
– Phản đối thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, sống độc ác.
Bài 6: Tôn sư trọng đạo.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Tôn sư trọng đạo là tôn trọng, kính yêu, biết ơn những điều thầy dạy ở mọi nơi, mọi lúc, coi trọng và làm theo những điều thầy, cô giáo dạy, có những việc làm cụ thể để đền đáp công ơn thầy cô.
– Biểu hiện:
+ Cư xử có lễ độ, vâng lời thầy cô.
+ Làm tốt nhiệm vụ của học sinh.
+ Nhớ ơn thầy cô.
+ Quan tâm thăm hỏi thầy cô.
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Giúp ta ngày càng tiến bộ => Trở thành người có ích cho xã hội.
Đối với xã hội:
– Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta cần giữ gìn và phát huy.
– Giúp các thế hệ thầy cô làm tốt trách nhiệm của mình, đào tạo nên những lớp người lao động trẻ tuổi => Đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội.
3) Rèn luyện
– Lễ phép với thầy cô giáo.
– Xin phép thầy cô giáo trước khi vào lớp.
– Khi trả lời thầy cô luôn lễ phép.
– Hỏi thăm thầy cô khi đau ốm.
– Cố gắng học thật giỏi.
– Trân trọng những điều thầy cô đã dạy cho mình.
Bài 7: Đoàn kết tương trợ.
1) Khái niệm.
– Đoàn kết tương trợ là sự thông cảm, chia sẻ và có việc làm cụ thể giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Giúp ta có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn.
– Giúp ta dễ hòa nhập, hợp tác với mọi người và sẽ được mọi người yêu mến, kính trọng.
Đối với xã hội:
– Đoàn kết tương trợ là truyền thống quý báu dân tộc, cần phải phát huy.
3) Rèn luyện.
– Luôn rèn luyện mình để trở thành người biết đoàn kết, tương trợ.
– Thân ái, giúp đỡ bạn bè, mọi người xung quanh khi họ gặp khó khăn.
– Phê phán những hành động thiếu sự đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Bài 8: Khoan dung.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Khoan dung là rộng lòng tha thứ, luôn tôn trọng và thông cảm với người khác, biết tha thứ cho người khác khi họ hối hận và sửa chữa lỗi lầm.
– Biểu hiện:
+ Biết tha thứ, nhường nhịn cho người khác.
+ Công bằng, vô tư khi đánh giá, nhận xét người khác.
+ Thuyết phục, ôn tồn, góp ý giúp bạn sửa lỗi.
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Khoan dung là đức tính quý báu của con người.
– Được mọi người yêu quý, tin cậy và có nhiều bạn tốt.
Đối với xã hội:
– Làm cho cuộc sống, quan hệ giữa người với người với nhau trở nên lành mạnh, thân ái, dễ chịu.
3) Rèn luyện
– Sống cởi mở, gần gũi với mọi người.
– Cư xử chân thành, rộng lượng.
– Tôn trọng, chấp nhận cá tính, sở thích, thói quen của người khác.
Chủ đề 3 : Quan hệ với cộng đồng, đất nước, nhân loại:
Bài 9: Xây dựng gia đình văn hóa.
1) Các tiêu chuẩn của gia đình văn hóa.
– Gồm 4 tiêu chuẩn chính (Theo thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011. của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch):
+ Gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, có đời sống văn hóa lành mạnh
+ Thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình.
+ Đoàn kết với xóm giềng.
+ Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.
– Ngoài ra, để xây dựng gia đình văn hóa, mỗi người cần thực hiện tốt bổn phận của mình đối với gia đình; sống giản dị, không ham những thú vui thiếu lành mạnh, không sa vào các tệ nạn xã hội.
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Gia đình thực sự là tổ ấm, nuôi dưỡng, giáo dục của mỗi con người => Gia đình có văn hóa thì sẽ góp phần hình thành những con người phát triển toàn diện, sống có văn hóa, đạo đức => Gia đình sẽ hạnh phúc, phát triển bền vững.
Đối với xã hội:
– Gia đình là tế bào của xã hội => Mỗi gia đình văn hóa sẽ góp phần tạo nên xã hội văn minh tốt đẹp.
3) Trách nhiệm của công dân.
Đối với mọi người:
– Cần phải làm tròn nhiệm vụ của mình, sống giản dị, lành mạnh, không sa vào tệ nạn xã hội.
Đối với học sinh:
– Cần chăm ngoan, học giỏi, kính trọng, giúp đỡ ông/bà/cha/mẹ, thương yêu anh/chị/em, không đua đòi ăn chơi, không làm tổn hại đến danh dự gia đình.
Bài 10: Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
1) Khái niệm và biểu hiện.
– Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là tiếp nối, phát triển và làm rạng rỡ thêm truyền thống ấy.
– Biểu hiện:
+ Tìm hiểu truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
+ Kiên trì học tập và làm theo, phát triển ở mức cao hơn.
+ Giới thiệu với mọi người về truyền thống tốt đẹp ấy.
2) Ý nghĩa.
Đối với bản thân:
– Truyền thống tốt đẹp là vốn quý, kinh nghiệm.
– Thể hiện lòng biết ơn với những người đi trước: Ông, bà, tổ tiên,… và đạo lý dân tộc Việt Nam.
Đối với xã hội:
– Làm phong phú thêm bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc VN.
III. Một số câu hỏi tự luận
Câu 1: Thế nào là sống giản dị? Biểu hiện ?Nêu ý nghĩa sống giản dị ?
Giải
– Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội.
– Biểu hiện không xa hoa , lãng phí không cầu kì kiểu cách, không chạy theo vật chất bên ngoài.
– Ý nghĩa :– Giản dị là phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi người. Người sống giản dị sẽ được mọi người xung quanh yêu mến
Câu 2: Trung thực là gì ? trung thực biểu hiện ?Lấy vài ví dụ thể hiện sự trung thực của mình trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày.
Giải
– Trung thực: là tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải.
– Biểu hiện: Sống ngay thẳng, thật thà và dám dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm.
Ví dụ : Trong học tập : không nói dối thầy cô, không copy bài của bạn, không lật tài liệu , khi có lỗi thì phải nhận lỗi ………..
Trong cuộc sống : không tham lam , không nói dối cha mẹ , khi có lỗi thì phải nhận lỗi ..
Câu 3 : Trung thực có ý nghĩa như thế nào ? Bản thân em sống Trung thực như thế nào ?
Giải
. Ý nghĩa:
– Là một đức tính cần thiết quý báu
– Nâng cao phẩm giá
– Được mọi người tin yêu kính trọng
– Xã hội lành mạnh.
Bản thân em sống Trung thực :Sống ngay thẳng, thật thà, không đổ lỗi cho người khác , dám dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm, không sợ kẻ xấu, không tham lam , nhặt của rơi trả lại người mất ,trong học tập không nói dối thầy cô và các bạn , không quay cóp khi kiểm tra , không lật tài liệu
Ca dao tục ngữ: Cây ngay không sợ chết đứng
Ăn ngay nói thẳng ;Nhặt của rơi trả lại người mất
Câu 4: Tự trọng là gì ?Biểu hiện ra sao ?
Thế nào là tự trọng?
Giải
Tự trọng là biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực XH.
Biểu hiện: Cư xử đàng hoàng, đúng mực, biết giữ lời hứa và luôn luôn làm tròn nhiệm vụ.
Câu 5 : Tự trọng có ý nghĩa như thế nào ? Nêu ca dao tục ngữ nói về sống tự trọng?Bản thân em rèn luyện tính tự trọng như thế nào?
Giải
Ý nghĩa:
– Là phẩm chất cần thiết, quý báu ;- Giúp ta nâng cao phẩm giá
– Được mọi người yêu quý
Bản thân rèn luyện :
Biết tôn trọng người khác , lắng nghe ý kiến của người khác, lễ phép, trung thực , biết giữ lời hứa và luôn luôn làm tròn nhiệm vụ, không để người khác phải nhắc nhở chê trách .
ca dao tục ngữ : Đói cho sạch, rách cho thơm ; Cây ngay không sợ chết đứng
Nói 9 thì phải làm 10
Câu 6: Khoan dung là gì? Cho ví dụ? Tại sao trong cuộc sống chúng ta phải có lòng khoan dung?
Giải
– Khoan dung có nghĩa là rộng lòng tha thứ. Người có lòng khoan dung luôn tôn trọng và thông cảm với người khác, biết tha thứ cho người khác khi họ hối hận và sửa chữa lỗi lầm .
– Cho ví dụ:
– Ý nghĩa: Khoan dung là một đức tính quý báu của con người. Người có lòng khoan dung sẽ được mọi người yêu mến,tin cậy và có nhiều bạn tốt. Nhờ có lòng khoan dung, cuộc sống và quan hệ giữa mọi người với nhau trở nên lành mạnh, thân ái, dễ chịu.
Câu 7 : Là học sinh, em cần thể hiện tôn sư trọng đạo như thế nào cho đúng?
Giải
Học sinh cần thể hiện tôn sư trọng đạo như:
– Làm tròn bổn phận của người HS: chăm học, chăm làm, lễ độ, vâng lời thầy cô giáo, thực hiện đúng những lời dạy của thầy cô giáo, làm vui lòng thầy cô.
– Thể hiện lòng biết ơn với thầy cô: thường xuyên quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ thầy cô khi cần thiết.
Câu 8: Thế nào là gia đình văn hóa? Học sinh làm gì để góp phần xây dựng gia đình văn hóa?
Giải
– Gia đình văn hóa là gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đoàn kết với xóm giềng và làm tốt nghĩa vụ công dân.
– Trách nhiệm của học sinh: Học sinh góp phần xây dựng gia đình văn hóa bằng cách chăm ngoan, học giỏi; kính trọng, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em; không đua đòi ăn chơi, không làm điều gì tổn hại đến danh dự gia đình.
Câu 9: Cho tình huống: Hồng và Hương chơi rất thân với nhau. Cả hai bạn đều được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Hôm làm bài khảo sát tuyển chọn có một câu Hồng không làm được. Thấy vậy, Hương đưa bài của mình cho Hồng xem nhưng Hồng vẫn ngồi im và không nhìn bài của bạn. Hương rất giận và cho rằng Hồng đã phụ sự giúp đỡ của mình. Hỏi:
a/ Theo em, việc làm của Hồng là đúng hay sai? Vì sao?
b/ Nếu là Hồng, em sẽ nói với Hương như thế nào để bạn hiểu và không giận
Giải
Việc làm của Hồng là đúng vì thể hiện lòng tự trọng của mình, dù không làm bài được nhưng kiên quyết không nhìn bài của bạn….
Em sẽ nói với Hương rằng: Cảm ơn bạn đã giúp đỡ nhưng hãy để cho mình thử sức trong kì thi này để biết được năng lực của mình đến đâu và qua đó mình sẽ cố gắng hơn…
Câu 10: Tình huống
Bố mẹ Minh đều học hành cao, bố là tiến sĩ, mẹ là thạc sĩ, đều giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước. Điều kiện kinh tế gia đình Minh rất khá giả. Minh rất hãnh diện với các bạn và cho rằng mình chẳng cần học hành nhiều cho vất vả mà vẫn có cuộc sống đàng hoàng vì đã có bố mẹ lo cho mình
Suy nghĩ của Minh có thể hiện biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ hay không? Vì sao?
Giải
Suy nghĩ của Minh là không thể hiện biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, vì:
– Gia đình Minh có truyền thống của một gia đình hiếu học và thành đạt trong cuộc sống do bố mẹ Minh đều là những người có ý chí vươn lên. Đây là truyền thống quý báu của gia đình.
– Minh tự hào về gia đình mình thì cũng cần biết giữ gìn truyền thống của gia đình, trước hết là học hành chăm chỉ để trở thành học sinh giỏi. Dù bố mẹ giàu có đến mấy thì mỗi học sinh phải biết sống tự lập, có ý chí, không nên ỷ lại vào bố mẹ. Có như vậy thì truyền thống gia đình sẽ ngày càng thêm rạng rỡ, tốt đẹp.
Câu 11: Tình huống
Nam đã nhiều lần không thuộc bài, khi được cô nhắc nhở, Nam điều vui vẻ nhận lỗi, nhưng chẳng mấy khi sửa chữa.
Em có nhận xét gì về Nam ?Nếu là em, em sẽ làm gì ?
Giải
Em có nhận về Nam là không có lòng tự trọng.
Vì không thực hiện lời hứa, còn để người khác nhắc nhở chê trách và chưa hoàn thành nhiệm vụ .
Nếu là em, em sẽ xin lỗi cô và hứa không tái phạm nữa .