Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 1), Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 1) có đáp án đi kèm. Cấu trúc của đề thi bám sát yêu cầu của Bộ GD-ĐT sẽ giúp các bạn học sinh ôn tập và củng cố lại kiến thức của môn Ngữ văn trước khi bước vào kỳ thi THPT 2017 sắp tới. Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Hóa học trường THPT Đa Phúc, Hà Nội (Lần 1)
Đề thi trắc nghiệm môn Toán lớp 12 THPT Quốc gia năm 2017 trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Sinh học trường chuyên Đại học Vinh (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN (Đề thi gồm 01 trang) |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2017 – LẦN 1 Bài thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Để theo đuổi ước mơ của mình, bạn phải hành động. Nếu không, bạn sẽ mất cơ hội. Hãy chủ động hành động thay vì để cuộc đời đưa đẩy bạn. Nếu không có được những gì bạn muốn, thì hãy chủ động tạo ra những gì bạn muốn. Đấng Sáng Tạo sẽ thắp sáng con đường bạn đi. Vận may của cả đời bạn, cánh cửa của những ước mơ đang mở ra. Con đường dẫn tới mục đích sống có thể xuất hiện trước bạn bất cứ lúc nào.
Ngay cả khi đã xác lập được mục đích sống mạnh mẽ và đã phát triển được nguồn hy vọng lớn lao, niềm tin sâu sắc, lòng tự tôn, thái độ sống tích cực, lòng dũng cảm, tính kiên cường, khả năng thích nghi và những mối quan hệ tốt, bạn không thể chỉ ngồi đó và chờ đợi vận may đến với mình. Trên con đường vươn tới thành công, bạn phải nắm bắt từng cơ hội. Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn. Nhưng bạn phải có lòng dũng cảm và sự quyết tâm để vươn lên.
Một trong những khẩu hiệu của tôi tại Tổ chức Life Without Limbs là “một ngày mới, một cơ hội mới”. Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường – chúng tôi cố gắng tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình.
(Trích Sống cho điều ý nghĩa hơn – Nick Vujicic, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 89 – 90)
Câu 1. Nêu nội dung và đặt nhan đề cho văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt, thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói: “Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn”? (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến được nêu trong văn bản ở phần Đọc hiểu: “Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường – chúng tôi cố gắng tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình”.
Câu 2 (5,0 điểm)
– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 109)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, hãy bình luận ngắn gọn về nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu được thể hiện qua đoạn trích.
—————Hết—————
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. – Nội dung chính của văn bản:
- Để theo đuổi và đạt được ước mơ, chúng ta phải hành động.
- Trên con đường vươn tới thành công, phải nắm bắt từng cơ hội.
- Hãy tạo ra khẩu hiệu bằng các hành động thực tiễn.
– Đặt nhan đề cho văn bản:
- Một ngày mới, một cơ hội mới.
- Sức mạnh của hành động.
(Thí sinh có thể lựa chọn các phương án trên hoặc đặt một số nhan đề khác phù hợp với nội dung của văn bản).
2. – Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
– Thao tác lập luận chính: Bình luận
3. Giải thích câu nói: “Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn”:
- Câu nói khẳng định vai trò, ý nghĩa của trở ngại, thử thách trên con đường đi đến thành công của mỗi người. Thông thường, theo thói quen suy nghĩ của nhiều người thì khó khăn, thử thách là rào cản khiến con người khó đạt được mục đích. Tuy nhiên, câu nói đã cho thấy: trở ngại, khó khăn cũng là cơ hội giúp con người phát huy năng lực bản thân, đạt được thành công và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
- Câu nói đã thể hiện cách suy nghĩ, và thái độ sống tích cực: lạc quan, có niềm tin, bản lĩnh, ý chí và lòng quyết tâm… để biến trở ngại thành cơ hội.
4. Học sinh có thể rút ra thông điệp ý nghĩa nhất khác nhau nhưng phải kiến giải lựa chọn của mình một cách hợp lý và thuyết phục.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến được nêu trong văn bản ở phần Đọc hiểu: “Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường – chúng tôi cố gắng tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình.”
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. (0,25đ)
b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. (1.5đ)
- Giải thích (0,25đ)
– Khẩu hiệu: những câu văn ngắn gọn, súc tích, thường tóm tắt một nhiệm vụ, một thái độ sống, một triết lý, phương châm hành động… nhằm mục đích định hướng, tuyên truyền, cổ vũ, phát động mọi người thực hiện việc làm nào đó.
– Ý kiến khẳng định: cách thức để tuyên truyền, cổ vũ mọi người cùng thực hiện một nhiệm vụ, hành động, phương châm sống đúng đắn không phải chỉ bằng những triết lý, lời nói suông mà quan trọng là phải bằng việc làm, hành động cụ thể, thiết thực.
- Bàn luận
- “Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường” vì: (0,25đ)
- Khi ấy khẩu hiệu mới chỉ là lý thuyết, chưa được hiện thực hóa thành hành động và chưa được kiểm chứng trong thực tiễn. Nhiều lúc, nó chưa đủ sức mạnh tác động làm thay đổi nhận thức, hành động để mỗi người tự nguyện làm theo.
- Khẩu hiệu được đóng khung bất biến, trong khi thực tiễn lại phong phú, sinh động, nảy sinh nhiều tình huống phức tạp. Vì vậy, trong một số hoàn cảnh cụ thể, nếu chỉ làm theo khẩu hiệu một cách cứng nhắc, máy móc thì hiệu quả công việc sẽ không cao.
- Phải “tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình” vì: (0,5đ)
- Bằng hành động thực tiễn thì những nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra trong khẩu hiệu mới trở thành hiện thực. Và qua thực tế đời sống thì khẩu hiệu mới được kiểm chứng, từ đó sẽ khái quát được những triết lý, phương châm hành động đúng đắn.
- Hành động đúng đắn có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả trên thực tế. Vì vậy, nó có tác dụng nêu gương, khích lệ, thuyết phục, cổ vũ mọi người tạo thành phong trào hành động được nhân rộng trong xã hội.
- So với khẩu hiệu được đóng khung, thì hành động trong thực tiễn có tính linh hoạt, từ đó có khả năng thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể khác nhau của đời sống. Do đó, hiệu suất công việc sẽ cao hơn.
- Mở rộng: (0,25đ)
- Nhận định không đồng nghĩa với việc phủ định vai trò của các khẩu hiệu trong đời sống.
- Không phải bất cứ hành động nào cũng tạo nên “khẩu hiệu”. Chỉ có những hành động đúng đắn, tác động tích cực đến bản thân và cộng đồng mới có sức tuyên truyền, định hướng, cổ vũ mọi người làm theo.
- Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp. (0,25đ)
c. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)
Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận đoạn thơ, từ đó bình luận ngắn gọn về nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu được thể hiện qua đoạn trích thuộc bài thơ Việt Bắc
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25đ)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận đoạn trích, từ đó thấy được nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu: thơ trữ tình chính trị, có tính dân tộc, giọng thơ ngọt ngào thương mến. (0,5đ)
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận (đặc biệt là thao tác phân tích, so sánh); kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung chính sau: (3.5đ)
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: (0,5đ)
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam với phong cách thơ trữ tình – chính trị, mang khuynh hướng sử thi và tính dân tộc đậm đà.
- Việt Bắc là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp, cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu, ra đời nhân sự kiện lịch sử tháng 10/1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Tác phẩm là khúc hùng ca và tình ca về cách mạng.
- Đoạn trích mở đầu tác phẩm, thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
- Cảm nhận đoạn thơ:
- Đoạn thơ là cảnh đưa tiễn lưu luyến, bịn rịn, đầy nhớ thương của người đi và kẻ ở. Bằng cách sử dụng kết cấu đối đáp giữa “mình” với “ta” quen thuộc trong ca dao giao duyên truyền thống, cảnh đưa tiễn của đồng bào Việt Bắc với cán bộ cách mạng về xuôi được diễn tả như cảnh chia tay lưu luyến của đôi bạn tình, đôi lứa yêu nhau.
- 4 câu đầu: Lời của người ở lại với người ra đi (0,75đ)
- Hai câu hỏi được láy đi láy lại: “Mình về mình có nhớ ta/Mình về mình có nhớ không”, kết hợp với biện pháp điệp ngữ “có nhớ” đã cho thấy niềm day dứt khôn nguôi, sự băn khoăn, lo lắng của kẻ ở về sự đổi thay trong tình cảm của người ra đi cũng như thể hiện nỗi nhớ thương trào dâng mãnh liệt. Đây là trạng thái tình cảm tất yếu trong lòng người ở lại.
- Kết hợp với hai câu hỏi là hai câu thơ gợi nhắc kỉ niệm. Người ở lại đã gợi nhắc, nhắn nhủ người ra đi nhớ về: kỷ niệm mười lăm năm kháng chiến đầy nghĩa tình; về đạo lý sống nghĩa tình, thủy chung đẹp đẽ mang tính truyền thống của dân tộc; về không gian quen thuộc của thiên nhiên Việt Bắc; gợi nhắc Việt Bắc là cái nôi, quê hương cách mạng.
- 4 câu sau: Lời đáp của người ra đi với người ở lại (0,75đ)
- Trước nỗi niềm của kẻ ở, người đi im lặng trong trạng thái trữ tình sâu lắng để tri âm, thấu hiểu, đồng cảm với “Tiếng ai tha thiết bên cồn” tạo thành sự hô ứng, đồng vọng tình cảm nhớ nhung, quyến luyến trong giờ phút chia li.
- Những từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” đặt trong vị trí mở đầu hai vế câu thơ, với nhịp chẵn 4/4 cân xứng, từ “dạ” đặt giữa dòng tạo nên câu thơ trĩu nặng tâm trạng, cảm xúc. Đó là nỗi nhớ thương, day dứt, khắc khoải, bịn rịn…
- Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” đã khắc sâu trong tâm khảm hình ảnh người dân Việt Bắc mộc mạc cùng tấm lòng son sắt.
- Buổi chia tay, đưa tiễn xúc động trào dâng đến đỉnh điểm khiến cả người đi kẻ ở đều nghẹn lời. Hành động “cầm tay nhau”, kết hợp với nhịp thơ 3/3/2 trong câu “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” đã thể hiện sức nặng của tình cảm, của những lời trao gửi, và sự bịn rịn, lưu luyến.
- Nghệ thuật: (0,5đ)
- Thể thơ lục bát kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất cổ điển với chất dân gian, âm hưởng tha thiết ngọt ngào.
- Đoạn thơ sử dụng kết cấu đối đáp gồm hai cặp lục bát cân đối, chủ yếu ngắt nhịp chẵn tạo sự hô ứng, đồng cảm.
- Ngôn ngữ quen thuộc, hình ảnh thơ gần gũi, giàu giá trị biểu cảm.
- Vận dụng sáng tạo cặp đại từ nhân xưng “mình” – “ta”.
- Bình luận về nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu được thể hiện qua đoạn trích. (0,5đ)
- Nêu nét nổi bật về phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu thể hiện trong đoạn trích:
- Chất trữ tình chính trị: Sự kiện lịch sử lớn, tình cảm lớn được thể hiện tràn đầy cảm xúc.
- Tính dân tộc đậm đà:
- Về nội dung: thể hiện tình cảm gắn bó thủy chung, sâu nặng, nghĩa tình của người cách mạng với nhân dân Việt Bắc và ngược lại; khắc họa bức tranh thiên nhiên quen thuộc…
- Về nghệ thuật: thể thơ lục bát truyền thống; sử dụng kết cấu đối đáp mình – ta của ca dao, dân ca; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị; vận dụng những phép tu từ quen thuộc của ca thơ ca dân gian; giai điệu thơ ngọt ngào, sâu lắng; sử dụng các từ láy, dùng vần và phối hợp các thanh điệu… kết hợp với nhịp thơ tạo thành nhạc điệu phong phú, diễn tả nhạc điệu bên trong của tâm hồn mà ở bề sâu của nó là điệu cảm xúc và tâm hồn dân tộc.
- Đánh giá: (0,5đ)
- Đoạn thơ đã giới thiệu cảm hứng chủ đạo của thi phẩm, và thể hiện tập trung những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật của tác giả.
- Những nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật Tố Hữu đã tạo nên diện mạo riêng và sự thành công cho thơ ông. Nó còn góp phần làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho thơ ca cách mạng, đặc biệt là thơ trữ tình – chính trị. Đồng thời bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với cách mạng và kháng chiến.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,5đ)
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)