Tập làm văn lớp 3: Kể lại từng đoạn truyện Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử (2 mẫu), Hôm nay, Tài Liệu Học Thi sẽ cung cấp tài liệu Tập làm văn lơp 3: Kể lại từng đoạn truyện
Hôm nay, Tài Liệu Học Thi sẽ cung cấp tài liệu Tập làm văn lơp 3: Kể lại từng đoạn truyện Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử.
Hy vọng với 2 mẫu dưới đây, các bạn học sinh lớp 3 sẽ có thêm tài liệu tham khảo hữu ích khi tìm hiểu về tác phẩm này.
Đề bài: Dựa vào các tranh, em hãy đặt tên và kể lại từng đoạn truyện Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử.
Kể lại từng đoạn truyện Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử – Mẫu 1
Đoạn 1: Gia cảnh của Chử Đồng Tử
Vào đời Hùng Vương thứ mười tám, ở làng Chử Xá bên bờ sông Hồng, có một chàng trai tên là Chử Đồng Tử. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, hai cha con chỉ có một chiếc khố để mặc chung. Đến khi cha mất, vì thương cha nên chàng đã quấn khố chôn cha, còn mình đành ở không.
Đoạn 2: Cuộc gặp gỡ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung
Một lần nọ, Chử Đồng Tử đang mò cá ở dưới sông. Chàng nhìn thấy một chiếc thuyền lớn đang tiến đến. Thuyền của công chúa Tiên Dung, con gái của vua Hùng. Chàng hoảng hốt chạy tới khóm lau thưa trên bãi, nằm xuống, bới cát phủ lên mình để ẩn trốn. Công chúa thấy cảnh đẹp, ra lệnh cắm thuyền, lên bãi rồi cho vây màn ở khóm lau để tắm. Nước giội làm trôi cát đi, để lộ một chàng trai khỏe mạnh. Công chúa rất đỗi bàng hoàng. Đến khi biết rõ sự tình, nàng cảm động, cho rằng duyên trời đã sắp đặt nên quyết định nên duyên cùng Chử Đồng Tử.
Đoạn 3: Vợ chồng Chử Đồng Tử giúp nhân dân
Hai vợ chồng Chử Đồng Tử về kinh tìm thầy học đạo. Sau đó, họ đi khắp nơi dạy cho nhân dân cách trồng lúa, dệt vải. Cuối cùng, cả hai đều hóa lên trời. Sau khi về trời, Chử Đồng Tử còn nhiều lần hiển linh giúp dân đánh giặc.
Đoạn 4: Nhân dân tưởng nhớ công ơn
Nhân dân ghi nhớ công ơn lập đền thờ ở nhiều nơi bên sông Hồng. Từ đó hằng năm, suốt mấy tháng mùa xuân, cả một vùng bờ bãi sông Hồng lại nô nức làm lễ, mở hội để tưởng nhớ ông.
Kể lại từng đoạn truyện Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử – Mẫu 2
Đoạn 1: Hoàn cảnh của Chử Đồng Tử
Đời Hùng Vương thứ mười tám, tại làng Chử Xứ, có chàng trai tên là Chử Đồng Tử. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, chàng sống cùng với cha. Họ chỉ có một chiếc khố để mặc chung. Khi cha mất, Chử Đồng Tử thương cha nên đã quấn khố chôn cha, còn mình đành ở không.
Đoạn 2: Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung
Một hôm, Chủ Đồng Từ đang mò cá dưới sông thì nhìn thấy một đoàn thuyền sang trọng đi tới. Đó là đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung, con gái Vua Hùng. Chàng hoảng hốt chạy tới khóm lau để trốn, rồi lấy cát phủ lên mình. Nào ngờ, công chúa lại chọn chỗ bãi sông đẹp làm nơi dừng chân và sai người quây màn nơi khóm lau mà tắm. Nước dội làm cát trôi đi, để lộ ra một chàng trai tuấn tú. Công chúa Tiên Dung rất đỗi bàng hoàng. Nhưng khi biết được gia cảnh của chàng trai, nàng rất cảm động và cho rằng đây là duyên phận nên đã quyết định lấy Chử Đồng Tử làm chồng.
Đoạn 3: Vợ chồng Chử Đồng Tử giúp nhân dân
Hai vợ chồng Chử Đồng Từ quay về kinh, tìm thầy học đạo rồi đi khắp nơi truyền dạy cho nhân dân nhiều nghề như trồng lúa, dệt vải. Sau này, cả hai đều hóa lên trời. Tuy vậy, Chử Đồng Tử vẫn hiển linh giúp nhân dân đánh giặc.
Đoạn 4: Nhân dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Chử Đồng Tử
Nhân dân ghi nhớ công ơn Chử Đồng Tử đã lập đền thờ bên bờ sông Hồng. Ngoài ra, họ còn nô nức làm lễ, mở hội để tưởng nhớ ông.