Nghị luận về câu nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh” (Dàn ý + 3 mẫu), Tài liệu tham khảo Bài làm văn mẫu lớp 9: Nghị luận
Chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Bài làm văn mẫu lớp 9: Nghị luận về câu nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh”, giới thiệu cho các bạn cách làm một bài văn nghị luận xã hội.
Tài liệu này gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu lớp 9 Nghị luận về câu nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh”, kính mong các bạn và quý thầy cô cùng tham khảo.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh
- 2 Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh – Mẫu 1
- 3 Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh – Mẫu 2
- 4 Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh – Mẫu 3
Dàn ý Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh
I. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Trong cuộc sống mỗi con người được sinh ra đều có giá trị. Cũng giống như câu nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. (Xukhôm linxki)
II. Thân bài
1. Giải thích:
– Hạt cát vô danh: sự nhỏ bé, mờ nhạt giữa một sa mạc rộng lớn.
=> Con người giống như “hạt cát vô danh” chỉ khi họ sống một cuộc đời nhạt nhòa, vô ích và không dám tự khẳng định giá trị của chính mình.
– “Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”.
=> Mỗi người phải biết sống có ích, biệt được giá trị của bản thân trong xã hội.
Như vậy, câu nói khuyên mỗi con người hãy biết trân trọng cuộc sống của bản thân, sống là một người có ích, ghi lại một dấu ấn tốt đẹp trong cuộc đời. Tuy nhỏ bé nhưng không vô danh, mà sẽ để lại những điều tốt đẹp trong trái tim mỗi người chúng ta quen biết.
2. Bình luận:
– Mỗi người sinh ra đều có một giá trị riêng đối với bản thân họ, gia đình và xã hội.
– Thế giới rộng lớn còn con người thì nhỏ bé, nhưng không vô danh tầm thường.
– Bản thân mỗi người phải ý thức được giá trị của mình nằm ở đâu và phát triển nó: tìm ra điểm yếu và khắc phục, tìm ra điểm mạnh để phát triển.
=> Chỉ khi làm được điều đó, mỗi người chúng ta mới có thể để lại những dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời, khiến cho những người biết đến chúng ta phải nhớ đến với lòng yêu thương kính trọng.
– Một số dẫn chứng:
- Trên thế giới: nhà bác học Newton (quá khứ), tổng thống Obama (hiện tại)…
- Ở Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh…
3. Liên hệ bản thân
– Là một học sinh đang đứng trước một kì thi quan trọng, tôi luôn cố gắng học tập thật tốt để có thể đạt kết quả cao nhất từ đó có thể chứng minh khả năng của bản thân.
– Tôi cũng luôn cố gắng sống thật có ích: thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ bạn bè trong học tập…
III. Kết bài
– Qua phân tích trên, có thể thấy mỗi con người sinh ra đều có những giá trị riêng.
– Chúng ta hãy sống sao để có thể lưu lại “dấu ấn trên mặt đất và trong trái tim người khác”.
Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh – Mẫu 1
Xukhôm linxki đã từng nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Thật vậy, mỗi con người sống đều phải tạo ra cho mình những giá trị riêng thật tốt đẹp.
Được sinh ra trên đời là một điều thực sự tốt đẹp và hạnh phúc. Vậy tại sao mỗi người không sống một cuộc đời ý nghĩa? Cũng giống lời khuyên mà Xukhôm linxki: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Trước hết, “hạt cát” thể hiện sự nhỏ bé ít ỏi đối lập với một sa mạc cát mênh mông. Con người cũng vậy, mỗi người chỉ là một hạt cát nhỏ bé sống giữa một thế giới biết bao nhiêu con người. Nhưng không chỉ nhỏ bé, đó còn là một “hạt cát vô danh”, từ “vô danh”, hai từ “vô danh” muốn thể hiện sự mờ nhạt, vô định. Con người giống như “hạt cát vô danh” chỉ khi họ sống một cuộc đời nhạt nhòa, vô ích và không dám tự khẳng định giá trị của chính mình. Bản thân họ luôn cho mình chỉ là một “hạt cát” dễ dàng bị cuốn trôi theo gió, không lưu lại một dấu ấn gì cho cuộc đời. Nhưng không phải vậy, mỗi con người được sinh ra “để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Mỗi người phải biết sống có ích, biết được giá trị của bản thân nằm ở đâu trong xã hội và có quyền chứng minh điều đó. Như vậy, câu nói trên khuyên mỗi chúng ta hãy biết trân trọng cuộc sống của bản thân. Hãy sống và cống hiến để trở thành một người có ích, ghi lại một dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời. Tuy nhỏ bé nhưng không vô danh, mà sẽ để lại những điều tốt đẹp trong trái tim mỗi người chúng ta quen biết.
Cuộc sống của mỗi người có ý nghĩa hay không phụ thuộc vào cách sống của họ. Hoặc chúng ta cố gắng để biến nó trở nên tốt đẹp, hoặc chúng ta bỏ mặc cuộc đời trôi theo vô định. Trên thế giới, có được bao nhiêu con người vĩ đại như các nhà bác học Anhxtanh, Newton hay Edison sáng chế ra những phát minh vĩ đại cho nhân loại? Họ đã ghi tên mình vào lịch sử thế giới với những phát minh, định luật có ích cho sự phát triển của nhân loại. Hay như ở Việt Nam, cũng có được bao nhiêu con người vĩ đại như chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, họ là những người lãnh đạo tài năng có công lao to lớn với sự nghiệp giải phóng dân tộc đất nước? Những con người ấy, tuy đã ra đi nhưng họ thực sự đã lưu lại cho cuộc đời mình một dấu ấn, lưu lại trong trái tim mỗi người một tình cảm tốt đẹp. Cũng có cả những con người bình thường, họ không quá vĩ đại như vậy, nhưng họ lại sống thực có ý nghĩa. Đó có thể là các chiến sĩ lính biển đang ngày đêm bảo vệ nơi biển đảo của tổ quốc để đổi lại sự yên bình cho nhân dân. Đó có thể là các thầy cô giáo luôn tận tâm với học trò, bồi dưỡng nên những thế hệ thành công là chủ nhân tương lai của đất nước. Đó cũng có thể là đội ngũ y bác sĩ đang hết lòng chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Hay đó là những người nông dân, ngày ngày vất vả ngoài đồng áng để tạo ra những sản phẩm an toàn, thơm ngon cho người tiêu dùng và xuất khẩu ra thế giới… Tất cả những con người đó, họ không sống có mục tiêu khi làm tốt công việc của bản thân mà còn giúp đỡ phát triển xây dựng đất nước nhờ thành quả lao động mình tạo ra. Sống không chỉ vì bản thân mà còn vì cộng đồng. Sống không hời hợt mà sống đầy nhiệt huyết, biết yêu thương chia sẻ.
Nhưng có những con người lại chọn lối sống như “hạt cát vô danh”. Họ chỉ sống thu mình trong một ốc đảo nhỏ bé. Những người đó chắc hẳn sẽ bị lãng quên giống như những hạt cát nhỏ bé trong sa mạc, cuộc sống chỉ tồn tại mà không có ý nghĩa. Điều này có thể bắt gặp nhiều nhất ở giới trẻ. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay đang sống một cách hời hợt, không có lí tưởng sống. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, chạy theo những giá trị vật chất xa hoa, chạy theo thời đại. Ví dụ như khi chọn trường đại học, nhiều học sinh chỉ lựa chọn theo yêu cầu của gia đình hoặc những ngành nghề đang hot hiện nay chứ không quan tâm đến đam mê hay sự phù hợp của bản thân với công việc đó. Có nhiều người sa ngã vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật để rồi phải trả giá bằng cả cuộc đời. Người thân của họ luôn cảm thấy xấu hổ và đau lòng. Những lối sống đó thực sự đáng lên án.
Như vậy, câu nói trên thực sự đúng đắn khi nhắc nhở con người phải sống ý nghĩa, không trở thành một hạt cát vô danh. Hướng tới những chân giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Cũng giống như một câu nói rất nổi tiếng của nhân vật Pa-ven trong “Thép đã tôi thế đấy”: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh – Mẫu 2
Trong cuộc sống, mỗi một con người được sinh ra đều mang trong mình những giá trị nhất định. Đúng như câu nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác” (Xu-khôm lin-xki).
“Hạt cát” tượng trưng cho sự nhỏ bé giữa một sa mạc mênh mông. Con người cũng vậy, mỗi người chỉ là một hạt cát nhỏ bé sống giữa một thế giới rộng lớn với hơn bảy tỷ người. Nhưng không chỉ nhỏ bé, đó còn là một “hạt cát vô danh”, từ “vô danh” thể hiện sự mờ nhạt, vô định của hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc rộng lớn ấy. Con người giống như “hạt cát vô danh” chỉ khi họ sống một cuộc đời nhạt nhòa, vô ích và không dám tự khẳng định giá trị của chính mình. Họ luôn cho rằng bản thân mình chỉ là một “hạt cát” cứ thế bị cuốn trôi theo gió, không lưu lại một dấu ấn gì cho cuộc đời. Nhưng không phải vậy, mỗi con người được sinh ra “để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Mỗi người phải biết sống có ích, biết được giá trị của bản thân nằm ở đâu trong xã hội và có quyền chứng minh điều đó. Như vậy, câu nói trên khuyên mỗi chúng ta hãy biết trân trọng cuộc sống của bản thân, sống là một người có ích, ghi lại một dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời. Tuy nhỏ bé nhưng không vô danh, mà sẽ để lại những điều tốt đẹp trong trái tim mỗi người chúng ta quen biết.
Thế giới mà chúng ta đang sống thực sự quá rộng lớn. Nhưng tạo hóa đã tạo ra con người với những giá trị tốt đẹp nhất. Bản thân mỗi người sinh ra đều có một giá trị riêng đối với bản thân họ, gia đình và xã hội. Chỉ khi làm được điều đó, mỗi người chúng ta mới có thể để lại những dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời, khiến cho những người biết đến chúng ta phải nhớ đến với lòng yêu thương kính trọng. Trên thế giới, có được bao nhiêu con người vĩ đại như các nhà bác học Anhxtanh, Newton hay Edison sáng chế ra những phát minh vĩ đại cho nhân loại. Ở Việt Nam, cũng có được bao nhiêu con người vĩ đại như chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của loài người. Nhưng mỗi người đều có thể làm được những công việc có ích cho xã hội. Điều đó xuất phát từ chính việc bạn sống có đam mê, theo đuổi đam mê và thành công trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Những doanh nghiệp biết tận dụng khó khăn trong đại dịch để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử. Những doanh nghiệp sáng tạo ra sản phẩm tiêu dùng mới đến từ nguyên liệu mới như bún thanh long, bánh mì dưa hấu vừa để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp vừa để giải quyết khó khăn của bà con nông dân. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, có lẽ những người mà chúng ta cảm thấy biết ơn nhiều nhất có lẽ chính là các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, họ chỉ là những con người nhỏ bé nhưng không tầm thường. Mỗi giờ mỗi phút họ đang vật lộn với tử thần để đem lại sự sống cho bệnh nhân. Có những sinh viên y khoa, tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, tuy còn trẻ nhưng mỗi người trong số họ đều đã ý thức được trách nhiệm với cộng đồng. Có những con người thầm lặng như các chiến sĩ công an, bộ đội phải nhường nơi ở của mình cho những người đến cách ly. Không chỉ vậy, cũng có những người dân bình thường họ đã cùng nhau chung tay đóng góp cho công tác chống dịch: ủng hộ khẩu trang cho các ý bác sĩ, sáng kiến về cây gạo ATM giúp đỡ người nghèo… Phải chăng những con người nhỏ bé đó, họ chính là những con người sống có ích và đã lưu lại dấu ấn trong trái tim mỗi người chúng ta về một tấm lòng cao thượng tốt đẹp?
Nhưng có những con người lại chọn lối sống như “hạt cát vô danh”, sống nhạt nhòa vô ích, không có cá tính không có sự khác biệt. Họ chỉ sống thu mình trong một ốc đảo nhỏ bé. Người đó sẽ bị lãng quên giống như hạt cát nhỏ bé trong sa mạc, cuộc sống tồn tại không ý nghĩa không thấy được giá trị cuộc đời như cuộc sống vô nghĩa. Một số bộ phận thanh niên hiện nay rơi vào tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội rồi bỏ bê việc học tập. Từ đó trở thành những con người không có công việc, không có mục đích sống dễ dàng sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Những con người đó không để lại được dấu ấn cho cuộc đời mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy xấu hổ, đau lòng và thậm chí là muốn quên đi.
Còn đối với riêng tôi, là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi đọc được câu nói này, tôi chợt hiểu ra bản thân mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Cố gắng học tập để giành được kết quả cao nhất có thể trong kì thi sắp tới. Cùng với đó, tôi cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện: ủng hộ vì người nghèo, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn… Từ đó, tôi mới có thể chứng minh cho mọi người thấy mình là một người có ích cho gia đình và xã hội.
Qua phân tích trên, có thể thấy mỗi con người sinh ra đều có những giá trị riêng. Chúng ta hãy sống sao để có thể lưu lại “dấu ấn trên mặt đất và trong trái tim người khác”.
Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh – Mẫu 3
Con người sinh ra tuy bình thường nhưng không sống tầm thường. Cũng giống như câu nói của Xukhôm linxki: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”.
Một “hạt cát” thể hiện sự nhỏ bé ít ỏi, đối lập với một sa mạc cát mênh mông. Con người cũng vậy, mỗi người chỉ là một hạt cát nhỏ bé sống giữa một thế giới biết bao nhiêu con người. Nhưng không chỉ nhỏ bé, đó còn là một “hạt cát vô danh”, từ “vô danh”, hai từ “vô danh” muốn thể hiện sự mờ nhạt, vô định. Con người giống như “hạt cát vô danh” chỉ khi họ sống một cuộc đời nhạt nhòa, vô ích và không dám tự khẳng định giá trị của chính mình. Bản thân họ luôn cho mình chỉ là một “hạt cát” dễ dàng bị cuốn trôi theo gió, không lưu lại một dấu ấn gì cho cuộc đời. Nhưng không phải vậy, mỗi con người được sinh ra “để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Như vậy, câu nói trên khuyên mỗi chúng ta hãy biết trân trọng cuộc sống của bản thân. Hãy sống và cống hiến để trở thành một người có ích, ghi lại một dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời. Tuy nhỏ bé nhưng không vô danh, mà sẽ để lại những điều tốt đẹp trong trái tim mỗi người chúng ta quen biết.
Mỗi con người sinh ra đã là một cá thể độc lập, được thượng đế tạo ra với một sứ mệnh riêng. Quan trọng, chúng ta phải hoàn thành tốt sứ mệnh ấy. Sống một cuộc đời có nghĩa. Cho dù chỉ là một hạt cát nhỏ bé, cũng là một hạt cát góp phần tạo nên một sa mạc mênh mông, chứ không phải bị cuốn bay theo gió bụi. Trong thực tế, có tấm gương tiêu biểu cho câu nói của Xukhôm linxki. Đó là các bậc vĩ nhân của thế giới như Lênin hay Hồ Chí Minh. Họ đã tìm ra con đường đấu tranh giải phóng cho dân tộc họ khỏi kẻ thù xâm lược. Hay như Nick Vujicic, người đàn ông không có cả chân lẫn tay, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân đã trở thành một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới. Anh chính là một biểu tượng cho sự kiên cường, mạnh mẽ và sống có ý nghĩa. Bản thân mỗi con người, cũng có thể sống một cuộc đời có nghĩa, nếu bản thân không ngừng cố gắng học hỏi, trau dồi và định vị được giá trị của bản thân. Luôn giữ được sự tự tin, dám khẳng định tiếng nói của cá nhân để trở thành một bản sắc riêng biệt chứ không chạy theo đám đông hời hợt. Có rất nhiều người tự ti cho rằng mình quá tầm thường, chẳng có cống hiến gì cho xã hội. Nhưng họ không biết rằng, một xã hội được tạo ra từ tất cả những con người nhỏ bé. Mỗi công việc mà tốt chúng ta đang làm, mỗi hành động nhỏ mà có ích chúng ta đang thực hiện cũng có thể thay đổi thế giới theo chiều hướng tích cực hơn.
Đừng lựa chọn cách sống như một hạt cát vô danh hay thu mình trong ốc đảo của bản thân. Người đó sẽ bị lãng quên giống như hạt cát nhỏ bé trong sa mạc hay một giọt nước giữa đại dương. Rất nhiều thanh niên hiện nay không tìm được lí tưởng sống, sống một cuộc đời vô nghĩa. Hằng ngày, chỉ lặp lại công việc như một người máy. Sống đấy mà như chỉ đang tồn tại Những con người đó không để lại được dấu ấn cho cuộc đời sẽ chẳng có được thứ tình cảm chân quý của mọi người xung quanh.
Đối với chúng tôi, những học sinh cuối cấp thì việc cố gắng không ngừng học tập nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt kì thi quan trọng sắp tới chính là mục tiêu hàng đầu. Cùng với đó, tôi cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện: ủng hộ vì người nghèo, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn… Như vậy, mỗi học sinh sẽ trở thành những con người có ích cho xã hội, xứng đáng với cương vị chủ nhân tương lai của đất nước.
Cuộc đời của mỗi con người giống như một cuốn tiểu thuyết. Mỗi ngày qua đi, chúng ta lại tự viết nên những câu chuyện có ý nghĩa cho cuộc đời mình. Để đến khi câu chuyện ấy kết thúc, chúng ta có thể cảm thấy tự hào và mãn nguyện.