Nghị luận về câu Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra (Dàn ý + 3 mẫu), Sau đây sẽ là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu Tôi
Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ngày càng đến gần, để có thể giúp cho các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn thi, thì hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tài liệu bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra.
Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn sẽ có thêm nhiều cách viết bài văn nghị luận xã hội lớp 12 thật hay. Dưới đây sẽ là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu nghị luận về câu Tôi chỉ có thể
Dàn ý nghị luận về câu Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận (Trích dẫn câu nói)
II. Thân bài:
* Giải thích nội dung câu nói
– Câu nói của nhà triết gia đã làm nổi bật sự khác biệt giữa con người và các loài sinh vật khác.
– Khẳng định con người đóng vai trò then chốt và quyết định trong việc hình thành nhân cách, phẩm chất của bản thân.
* Bàn luận, phân tích, chứng minh nội dung câu nói
– Ngay từ lúc được sinh ra, con vật đã có trong mình tất cả những yếu tố cần thiết để tồn tại.
– Con người khác biệt với các loài sinh vật khác ở quá trình biến chuyển trong các giai đoạn phát triển về nhận thức, tư duy bằng con đường học tập.
– Khẳng định ý nghĩa, vai trò của mỗi một con người trong việc hình thành nhân cách của bản thân, cái “tôi” chính là yếu tố quyết định hàng đầu về việc con người sẽ sống, sẽ tồn tại ra sao.
– Đó là những nhân tố về ý chí, nghị lực, lí tưởng sống, mục đích sống của bản thân.
* Lật lại vấn đề
Có người cho rằng con người là sản phẩm của môi trường sống như gia đình và xã hội. Đây là một ý kiến lệch lạc và phiến diện
III. Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị giáo dục sâu sắc mà câu nói thể hiện. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Nghị luận về câu Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra – Mẫu 1
Các bạn đã từng nghe câu “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra” chưa?. Có lẽ câu nói thật lạ kỳ phải không các bạn, đây là câu nói của một nhà triết học, tuy thật khó hiểu nhưng nó lại hàm chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhà triết học có ý nhắc nhở chúng ta điều gì đây? Vậy bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ ý nghĩa câu nói này nha các bạn.
Không chỉ đơn giản bằng một câu ngắn gọn như vậy, nhà triết học còn nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra’’. Đến đây một phần cánh cửa như được mở rộng.
Tại sao lại nói “mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có”?. Mỗi con vật khi sinh ra đều biết ăn, biết đi lại, biết bắt mồi,…, tất cả đều là do bản năng sinh tồn của nó, giống như con mèo con, khi mới sinh ra là đã biết bò lại gần mẹ để bú, để hưởng chút hơi ấm ngọt ngào mà mẹ nó dành cho những đứa con yêu thương, rồi dần tự mở đôi mắt nhỏ xinh mèo con bắt đầu tập được những bước đi chập chững, rồi chạy nhảy, đến nô đùa, đến bắt chuột, tất cả đều là do tự nhiên mà có, không ai dạy bảo, mèo con trưởng thành và cả vòng đời mèo con vẫn như vậy, không thay đổi. Thật hay, tạo hoá đã ban tặng cho loài vật một bản năng đặc biệt để có thể thích nghi với cuộc sống thế nhưng “Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả’’. Đúng vậy, con người không hề có một chút bản năng đặc biệt nào, tất cả mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, phải trải qua sự rèn luyện, tập tành mới có được khả năng. Con người khi sinh ra vốn chẳng biết gì, chỉ nhắm nghiền đôi mắt bé xíu và oa oa oà lên những tiếng khóc đòi bú mẹ, thật sự chẳng thể nào chạm được tới mẹ. Tất cả là nhờ mẹ nâng niu, ôm ấp vào lòng hòa tan dòng sữa ngọt chạm vào môi hồng bé xinh thì mới tiếp tục sự sống được. Không chỉ vậy, làm sao con người có thể tự đi đứng, bò trườn được, tất cả phải qua quá trình rèn luyện ngay từ thuở ban đầu. Hai tháng biết lật, ba tháng biết bò, sáu tháng chập chững biết đi, mười tháng bắt đầu hoàn thiện bước đi của mình,… Đâu phải tự nhiên! Đều do bàn tay nồng ấm của mẹ dìu dắt từng bước, từng bước một, tạo nên khả năng sinh tồn, hoà nhập với cuộc sống cho một sinh linh bé nhỏ dần bước vào đời. Con người khác với con vật là có tri thức, có phẩm chất đạo đức nhưng đây cũng đâu phải là điều vốn sẵn có trong từng người mà nó được phát huy, phát triển qua những ngày học tập, những ngày được dạy dỗ. Cũng như chúng ta ngay từ nhỏ đã được dạy rằng phải biết hiếu thảo với cha mẹ, bên ngoài xã hội cần tôn trọng người khác, phải chân thành, công bằng,… và nhiều điều khác nữa, những lời dạy đó ăn sâu vào tâm trí, nó lớn theo thời gian khi ta càng lớn, và được áp dụng ngày trong đời sống. Thử hỏi không có sự trui rèn, không có sự luyện tập thì làm sao ta có thể hòa nhập với cuộc sống hiện tại được, bởi vậy “nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó”. Đó chính là lý do ta cần phải biết sống, biết hành động, biết nỗ lực . Cũng như khi muốn đánh được một bản nhạc hay thì ta phải tập đánh đàn, điều đó xuất phát từ lòng yêu thích, bắt nguồn từ sự tự nguyện, không hề bị cưỡng ép, ràng buộc. Con người là một tờ giấy trắng, chỉ từng nét, từng nét bút mới vẽ lên bức tranh hoàn thiện, nên cần phải luyện tập từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, mới có thể hấp thu kiến thức từ cuộc sống được. Giống như trong học tập đâu phải ai mới đầu cũng được ngồi trên chiếc ghế đại học, mà phải bắt đầu từ lớp một, trải qua mười hai năm rèn luyện gian khổ mới được ngồi vững trên chiếc ghế ấy. Tóm lại để đạt được thành công, ước muốn, nguyện vọng thì chính bản thân phải có sự nỗ lực thực sự, cố gắng toàn vẹn thì thành công sẽ đến trong tầm tay thôi. Tuy nhiên đâu phải ai cũng đi được đến cùng của sự thành công. Có nhiều người đang học rất tốt nhưng vì mê chơi bỏ ngang việc học thế là mất tất cả qua một lúc nông nỗi, quả đúng thật họ làm thế nào thì sẽ nhận lại được kết quả như thế ấy thôi!. Chính vì vậy hãy luôn nhớ rằng “tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”, chỉ có ta mới quyết định được số phận của ta, con người ta thế nào thì do chính ta làm nên. Một người nếu biết gắng công học tập, biết chú trọng đến phẩm chất đạo đức,…. Thì sau này sẽ làm nên danh tiếng góp phần đưa đất nước đến một góc trời vinh quang, xây dựng đất nước ta thành tòa lâu đài đẹp nhất mà không cường quốc nào có thể sánh bằng. Nhưng thật đáng tiếc xã hội ta ngày nay vẫn không thiếu những kẻ tự huỷ diệt mình, những con người thân tàn ma dại do ăn chơi sa đoạ, dẫn đến bị AIDS, bị nghiện ngập là cũng do chính họ tự tạo ra, tự tạo cho họ một cuộc sống khổ sở, bị mọi người xa lánh. Bên cạnh là những kẻ chỉ biết trông chờ vào người khác, không biết tự nỗ lực bản thân trong học hành cũng như trong công việc . Thật đáng phê phán!
Qua câu nói vô cùng đáng giá của nhà triết học, có lẽ đã làm thức tỉnh chúng ta, cho nên ngay từ bây giờ phải biết rèn luyện bản thân, học tập thật tốt, khắc phục chỗ hạn chế còn phải trông chờ vào người khác, để bản thân ta phát triển hơn, và hơn hết phải làm nên một con người hợp thời đại thì xã hội mới phát triển, đất nước mới giàu mạnh. Nhưng các bạn cũng hãy nhớ rằng chúng ta không hề cô độc chiến đấu với số phận mà bên cạnh đó còn có gia đình, xã hội nữa. Chính những tác động đó cũng có thể tạo nên tôi của ngày mai. Câu nói của nhà triết học thật thú vị phải không các bạn? Biết bao điều ý nghĩa, vô giá được ẩn chứa trong câu nói này. Hãy tự khẳng định cái tôi của chính mình và làm nên cái tôi thật sự, thật giá trị cho xã hội này nha các bạn!!!! “Tôi chỉ có thể là kẻ do chính tôi làm ra”.
Nghị luận về câu Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra – Mẫu 2
Con người là sinh vật nhỏ bé nhưng không hề yếu đuối mà ngược lại rất mạnh mẽ trong thế giới vô cùng rộng lớn, bao la. Để làm được điều đó, chúng ta cần trải qua quá trình cố gắng, nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân. Bàn về vấn đề này, một nhà triết học từng nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng có gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”.
Trước hết, câu nói của nhà triết gia đã làm nổi bật sự khác biệt giữa con người và các loài sinh vật khác: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng có gì cả”. Ngay từ lúc được sinh ra, con vật đã có trong mình tất cả những yếu tố cần thiết để tồn tại. Điều đó là do đặc trưng loài quyết định, con vật sinh tồn nhờ tạo hóa và tồn tại nhờ những bản năng sẵn có do giống nòi truyền lại. Thời gian qua đi, loài vật chỉ thay đổi về ngoại hình, thể xác, còn những yếu tố thuộc về tư duy, nhận thức thì không hề biến chuyển.
Đối với con người, lúc cất tiếng khóc chào đời và được sinh ra trong vòng tay âu yếm của gia đình, chúng ta chỉ là một trang giấy trắng tinh khôi và không tì vết. Nhưng qua thời gian, cùng với quá trình tích lũy tri thức, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và sự nâng niu, dìu dắt của bố mẹ, những đứa trẻ bắt đầu hình thành những nhận thức đơn giản về thế giới. Hành trình này không chỉ dừng lại ở đó mà còn diễn ra xuyên suốt. Bằng con đường học tập, con người dần nắm bắt tri thức do thế hệ trước truyền lại, từ đó hình thành nên những kinh nghiệm, kĩ năng cho bản thân mình. Như vậy, con người khác biệt với các loài sinh vật khác ở quá trình biến chuyển trong các giai đoạn phát triển về nhận thức, tư duy.
Câu nói “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng có gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó” còn khẳng định ý nghĩa, vai trò của mỗi một con người trong việc hình thành nhân cách của bản thân: “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Bên cạnh những yếu tố về môi trường sống như gia đình, xã hội thì cái “tôi” chính là yếu tố quyết định hàng đầu về việc con người sẽ sống, sẽ tồn tại ra sao. Đó là những nhân tố về ý chí, nghị lực, lí tưởng sống, mục đích sống của bản thân. Con người luôn đặt ra những mục đích rất riêng, không ai giống ai và thực hiện nó bằng những con đường, phương thức khác biệt. Hành trình và đích đến, kết quả đạt được cũng chính là sự thể hiện của thái độ sống, phẩm chất của con người.
Bàn về vấn đề này, sẽ có ý kiến cho rằng môi trường sống mới chính là nhân tố quyết định nhân cách của con người. Ông cha ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nhưng song song bên cạnh đó, trong cuộc sống vẫn tồn tại những người “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Có rất nhiều người dù sinh ra với hình hài không toàn vẹn nhưng với ý chí, nghị lực phi thường và khát vọng mạnh mẽ, họ đã vượt lên trên hoàn cảnh, vượt lên chính mình. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt hai tay nhưng vẫn kiên trì tập viết bằng hai chân. Hay như Nick Vujicic – khi sinh ra không có tay chân, nhưng rồi anh vẫn nỗ lực cố gắng vượt lên tất cả, không những sống, sinh hoạt, làm việc như một người bình thường, thậm chí còn trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng, dệt nên một huyền thoại về “Cuộc sống không có tay chân” ngay giữa cuộc đời thực. Họ chính là những minh chứng điển hình khẳng định giá trị mà ý chí, nghị lực sống mang lại và thể hiện rõ vai trò của con người trong việc quyết định “Tôi là ai”.
Như vậy, thông qua việc nhấn mạnh vai trò của con người trong việc hình thành, phát triển nhân cách, câu nói trên còn là lời nhắc nhở chúng ta cần nỗ lực, rèn luyện tích cực để đạt tới những giá trị đúng đắn trong hành trình hoàn thiện bản thân.
Nghị luận về câu Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra – Mẫu 3
Con người khác con vật ở chỗ nó dự phần quyết định vào việc tạo dựng nên nhân cách của nó. Chính vì vậy, một nhà triết học có nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì mà nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả.
Nó phải làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy và nó phải tự làm bằng chính tự do của nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Câu nói đó chẳng những nêu bật sự khác nhau giữa con người à con vật mà còn nhấn mạnh tới vai trò con người trong việc hình thành nhân cách của mình.
Thật vậy, mỗi con vật khi sinh ra đều đã là tất cả những gì mà nó có. Điều đó có nghĩa lâ
con vật được sinh ra như thế nào thì nó sẽ lớn lên như thế ấy. Một con chó sói được sinh ra thì sẽ trở thành con chó sói, một con chim sẽ thành chim. Dĩ nhiên phải có thời gian để con chó sói trưởng thành, tự kiếm ăn và tự vệ, để con chim được lớn, mở mắt biết bay đi kiếm mồi. Nhưng qua thời gian đó, con sói và con chim trưởng thành vẫn chỉ là con vật được quy định trong bộ gen của no. Con vật được sinh ra trong trạng thái đã tự đầy đủ. Con người thì khác hẳn, khi sinh ra tự nó không đầy đủ, không là gì cả. Một em bé sơ sinh đang oa oa chào đời, tự em không thể sống được nếu thiếu sự chăm sóc, bú mớm đùm bọc của người mẹ. Em sẽ không trở thành người được nếu không biết nói, biết đọc, biết viết, biết giao tiếp với cộng đồng . Em sẽ không có chỗ đứng trong xã hội nếu em không có một nghề nghiệp nào đó. Rồi em có thể có được một nghề nào không, em trở thanh người tốt hay xấu, chưa ai có thể quả quyết được. Vậy là con người, do khi lọt lòng tự nó không đầy đủ, cho nên mỗi người sinh ra đều mang theo một nhiệm vụ, hãy trở thành một con người!
Ai chịu trách nhiệm làm cho một con người trở thành CON NGƯỜI? Xã hội hay cá nhân?tại sao nhà triết học nói con người làm như thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, như vậy có coi nhẹ điều kiện xã hội hay không? Có quá coi trọng vai trò chủ thể cá nhân hay không? Xét về điều kiện, thì gia đình và xã hội là điều kiện để con người trở thành con người. Cha mẹ cho bú mớm, nuôi nấng, dạy dỗ . Xã hội cung cấp trường học. sách vở, kiến thức, ngành nghề. các điều kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng. thử tưởng tượng một con người sinh ra trong một gia đình nghèo túng, ăn không đủ no lại phải làm việc để sống thì sẽ như thế nào? Lại tưởng tượng một người sinh ra trong một gia đình giàu có, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và học tập thì thế nào?nếu một con người ở nơi hẻo lánh, xa trung tâm văn hoá, thiếu trường sở, ít giao lưu thì thế nào?một người khác ở thành phố lớn, nhiều trường tốt, có nhiều thầy giỏi thì sẽ ra sao
Rõ ràng điều kiện tốt là rất thuận lợi và điều kiện xấu là hết sức khó khăn. nhưng điều kiện không thể quyết định tất cả. nhiều người xuất thân nghèo hèn lại có ý chí vươn lên. Ở đây, hoạt động tích cực, chủ động sáng tạo của môi người vẫn là yếu tố quyết định sử dụng điều kiện như thế nào. khi nói tôi sáng tạo ra tối, tôi tự làm ra chính tôi . không có nghĩa là tôi muốn trở thành cái gì cũng được . Một người mà không có giọng hát trời phú thì không thể trở thành danh ca; một người không có thể chất tốt không thể trở thành vận động viên triển vọng…Nhưng khi đã có một số đã có một số điều kiện nào đó thì việc phát huy điều kiện tốt, khắc phục điều kiện xấu phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của cá nhân có điều kiện ấy.
Con người làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy. Đúng như vậy, con người được tự do lựa chọn để tự thực hiện mình theo một lý tưởng nhất định. Nhà sư Tuệ Tĩnh đi tu, nhưng ông tự học để trở thành một nhà thuốc vĩ đại của dân tộc. Ông Tư Mã Thiên đời Hán bị nhục hình, nhưng ông chu du khắp nước, thu thập tài liệu để hoàn thành bộ Sử kí nổi tiếng…Lỗ Tấn đã tốt nghiệp trường khai mỏ, nhưng niềm băn khoăn cho số phận dân tộc dẫn ông đến nghề văn. Pasteur thi đỗ trường sư phạm, nhưng niềm say mê hóa học làm ông dồn sức vào môn khoa học này và cuối cùng và cuối cùng trở thành nhà bác học về vi trùng và phòng dịch vĩ đại . Ngay trước cái chết, con người vẫn có cơ hội để khẳng định mình. Câu nói của Trần Bình Trọng “ Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn Vương đất Bắc” đã khích lệ bao nhiêu thế hệ người Việt Nam yêu nước. Anh Nguyễn Ngọc Ký liệt cả hai tay vẫn học viết bằng chân… Lịch sử cũng cho thấy có nhiều gương lầm lạc, tuy có những điều kiện tốt đẹp nhưng con người đã tự làm hỏng đời mình.
Rõ ràng dù điều kiện hoàn cảnh có vai trò quyết định như thế nào con người vẫn chịu trách
nhiệm trước nhân cách của mình. Hiểu được điều này mỗi người cần thấy hết trách nhiệm của mình trước cuộc đời mình trong từng hành động lớn nhỏ. Trước mỗi con người, con người mở ra muôn ngã, con người có thể chọn một nghề phù hợp với khả năng sở trường của mình. Nhưng khả năng sở trường của con người chỉ có thể thực sự phát huy khi nó gắn liền với mục đích cao đẹp; phục vụ con người, phục vụ xã hội và nhân loại .
Không phải ai cũng hiểu được trách nhiệm của mình đối với cuộc đời của mình. Gặp khó
khăn trắc trở người ta thường than thở, viện ra nào hoàn cảnh nào số phận rồi buông xuôi gặp sao hay vậy. Nhưng tư tưởng đúng đắn thì cho thấy ngoài hoàn cảnh, yếu tố quyết định số phận mỗi người là chính người đó.