Bài viết số 7 lớp 8 đề 1: Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước, Bài viết số 7 lớp 8 đề 1: Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước bao gồm dàn ý chi tiết,
Bài viết số 7 lớp 8 đề 1: Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước bao gồm dàn ý chi tiết, cùng 9 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 8 ôn tập thật tốt, để viết bài tập làm văn số 7 đề 1 lớp 8 đạt kết quả cao.
Với 9 bài văn nghị luận xã hội về tuổi trẻ và tương lai của đất nước sẽ giúp các em hiểu sâu hơn, hiểu rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước ngày một văn minh, hiện đại hơn.
Xem Tắt
Dàn ý nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước
a) Mở bài:
– Dẫn dắt, nêu vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước.
– Có thể dẫn dắt lời thư của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam công học tập của các em”hoặc một số câu khác có nội dung tương tự. (0,5 đ)
b) Thân bài:
* Giải thích thế nào là tuổi trẻ?
+ Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. Là lứa tuổi được học hành, được trang bị kiến thức và rèn luyện đạo đức, sức khỏe, chuẩn bị cho việc vào đời và làm chủ xã hội tương lai.
+ Tuổi trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Một trong những việc làm quan trọng nhất của tuổi trẻ chính là nhiệm vụ học tập.
* Vì sao thế hệ trẻ lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước?
+ Thanh niên học sinh hôm nay sẽ là thế hệ tiếp tục bảo vệ, xây dựng đất nước sau này.
+ Vốn tri thức được học và nền tảng đạo đức được nhà trường giáo dục là quan trọng, cơ bản để tiếp tục học cao, học rộng, đem ra thực hành trong cuộc sống khi trưởng thành.
+ Một thế hệ trẻ giỏi giang, có đạo đức hôm nay hứa hẹn có một lớp công dân tốt trong tương lai gần. Do đó, việc học hôm nay là rất cần thiết.
+ Thế giới không ngừng phát triển, muốn “sánh vai các cường quốc” thì đất nước phải phát triển về khoa học kĩ thuật, văn minh – điều đó do con người quyết định mà nguồn gốc sâu xa là từ việc học tập, tu dưỡng thời trẻ.
* Thực tế đã chứng minh, việc học tập của tuổi trẻ tác động lớn đến tương lai đất nước.
– Những người có sự chăm chỉ học tập, rèn luyện khi còn trẻ thì sau này đều có những cống hiến quan trọng cho đất nước:
+ Ngày xưa: Những người tài như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi từ thời trẻ đã chăm chỉ luyện rèn, trưởng thành lập những chiến công làm rạng danh đất nước.
+ Ngày nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng. Các nhà khoa học xã hội có nhiều đóng góp cho đất nước trong mọi lĩnh vực như nhà bác học Lương Định Của, tiến sĩ Tạ Quang Bửu, anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa.
– Từ xưa đến nay, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại gian khó, hy sinh.
+ Trong chiến tranh: (Dẫn chứng cụ thể)
+ Trong thời bình: (Dẫn chứng cụ thể)
Các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay cũng đang ra sức luyện tài, đã gặt hái được những thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học đó sẽ là tiền đề quan trọng để đưa đất nước phát triển hơn trong tương lai.
* Làm thế nào để phát huy được vai trò của tuổi trẻ?
– Đảng và nhà nước cần có những chính sách ưu tiên hơn nữa cho việc đào tạo thế hệ trẻ.
– Nhà trường phải đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ về tài, đức.
– Mỗi người trẻ cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển của đất nước, phải chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức.
c) Kết bài:
– Khẳng định tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước.
– Liên hệ bản thân, rút ra bài học.
Bài văn mẫu Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước
Bài văn mẫu 1
Để khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển cuộc sống tương lai, tổ chức UNESCO đã đưa ra câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Thái độ quan tâm lo lắng ấy đã được Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng thể hiện qua lời căn dặn của Người trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập cách đây hơn sáu mươi năm: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trải qua nhiều thập kỷ, câu nói trên của Bác vẫn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với học sinh chúng ta.
Lời căn dặn của Bác vừa thiết tha vừa hàm súc chứa đựng bao niềm tin yêu và hy vọng đối với lớp trẻ Việt Nam. Đầu tiên Bác nêu vấn đề như một câu nghi vấn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không” và những dòng tiếp theo cũng là câu trả lời của Bác: “Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Qua những lời căn dặn của Bác ta nhận thấy sự kỳ vọng của một vị lãnh tụ đất nước đối với các thế hệ học sinh. Bác đã trao cho lớp trẻ trách nhiệm nặng nề nhưng không kém phần vinh quang. Đó là kế tục sự nghiệp của cha ông đi trước để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh tươi đẹp, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Để gánh vác trách nhiệm này thì học sinh chỉ có một con đường là phải cố công học tập rèn đức luyện tài, phấn đấu không ngừng nghỉ không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.
Tại sao Bác lại khẳng định tương lai đất nước phụ thuộc vào sự gắn công học tập của lớp trẻ. Đó bắt nguồn từ thực trạng nước ta những ngày đầu giành độc lập từ tay thực dân Pháp. Bên cạnh nạn đói đang đe dọa, giặc dốt cũng hoành hành không kém. Hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ.
Một đất nước có trình độ dân trí thấp luôn đồng hành với đói, nghèo, lạc hậu. Cho nên ngoài việc trừ giặc đói, Bác đã quan tâm đến phong trào diệt trừ giặc dốt. Để đất nước có một tương lai xán lạn cần phải có những con người có trình độ với học thức, tài năng và đạo đức và điều đó cần được chú trọng ngay trong thời điểm hiện tại và các thế hệ học sinh chính là những người phải thực hiện trách nhiệm nặng nề và vinh quang ấy vì tương lai vận mệnh đất nước sau này hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ mai sau, học sinh là người chủ tương lai đất nước.
Một đất nước muốn vươn lên từ đói nghèo và lạc hậu và phát triển sánh vai với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới cần phải có một đội ngũ cán bộ khoa học-kĩ thuật giỏi để vận dụng nền công nghệ tiên tiến của thế giới vào trong việc xây dựng và phát triển, cần phải có những người có học vấn cao, có đầu óc nhạy bén, có tầm nhìn xa, trông rộng để định hướng cho con thuyền đất nước vượt qua giông bão của thời đại để tiến đến bến bờ thành công. Ngược lại nếu thế hệ học sinh không chăm chỉ học tập, không chuyên tâm rèn luyện, phấn đấu thì liệu trong tương lai ta có thể gánh vác được và xây dựng đất nước hay không?
Học sinh là đối tượng luôn được Bác Hồ yêu thương quan tâm nhiều nhất. Vì vậy chúng ta phải biết vâng lời Bác tự xây dựng cho mình một phương pháp học sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất. Mà muốn học tốt đầu tiên chúng ta cần phải xác định mục tiêu học tập đúng đắn, ý thức được trách nhiệm quan trọng của mình là phải xây dựng Tổ quốc. Mục đích học tập càng cao đẹp thì động cơ học tập càng mãnh liệt.
Có mục đích học tập vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải có nội dung học tập đúng đắn. Trong điều kiện hiện tại, chúng ta phải chăm chỉ học tập các môn văn hóa để nâng cao trình độ, phát huy hết khả năng của mình trong mọi lĩnh vực. Không chỉ học tập trong nhà trường, chúng ta còn phải tham khảo thêm sách báo, phân tích những cái sai và học hỏi những cái hay của người khác để, tiếp thu thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm khác và tránh những sai lầm.
Chúng ta phải học các môn thể dục để rèn luyện sức khỏe vì “một đầu óc minh mẫn chỉ có trong một thân thể cường tráng”. Nhưng học không chưa đủ chúng ta còn phải biết vận dụng những điều mình học được vào trong những thao tác thực hành.
Việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức theo năm điều Bác dạy cũng là một phương pháp học tập. Một con người hoàn mĩ phải hội tụ hai yếu tố tài năng và phẩm chất đạo đức.
Tóm lại qua lời căn dặn trong bức thư gửi học sinh, Bác đã khẳng định vai trò quan trọng của việc học của thế hệ trẻ đối với tương lai đất nước. Bác đã tin tưởng giao cho thế hệ trẻ chúng ta nhiệm vụ khó khăn và vinh quang, giao cho chúng ta tương lai đất nước. Vậy chúng ta phải cố gắng học hành, rèn đức luyện tài để có thể đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu đáp lại lời mong mỏi thiết tha của Bác.
Bài văn mẫu 2
Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng biết rằng tuổi trẻ là một thành phần, yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai đất nước, vì thế mà Bác đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò của tuổi trẻ với tương lai đất nước.
Tuổi trẻ là những công dân ở lứa thành niên, thanh niên là thế hệ măng đã sắp thành tre, là người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết vai trò của mình đối với bản thân, xã hội.
Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.
Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ.
Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ. Bởi đó là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc.
Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết.
Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ – tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh của tuổi trẻ khiến “sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước.
Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nước như lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Sinh ra ở đời ai cũng khao khát được sống hạnh phúc, sung sướng. Mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là lý tưởng sống. Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn: “Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?” Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.
Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Đây là những thanh niên của hơn 40 năm trước còn lớp thanh niên ngày nay thì sao?
Vâng. Các bạn ạ! Chúng ta nên biết một điều: những thế hệ trước đã dâng hiến xương máu để ngày sau độc lập thì chúng ta phải biết “cùng nhau giữ nước” và nối tiếp, kế thừa truyền thống cao đẹp đó. Và một điều quan trọng là các bạn đừng nghĩ đó là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta phải hiểu rằng: được sinh ra là một hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên mà có mà đó xương máu, tâm huyết của biết bao người con của đất nước. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Chúng ta không được bác bỏ, phủ nhận quá khứ hay công sức của những anh hùng dân tộc. Đơn giản là vì mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng, nhận thức riêng mà chúng ta không nên so bì, tính toán. Vì vậy: “Không có chuyện lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ” (như tổng bí thư Đỗ Mười nói)
Nhưng tuổi trẻ chúng ta có điều kiện gì để xây dựng đất nước? Vâng, đó chính là học tập. Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói đến việc học hành. Trong cuộc sống ta gặp không ít trường hợp xem việc học là việc khổ sai chỉ do cha mẹ, thầy cô thúc ép, chứ không ham học. Họ xem đi học như một hình thức giải khuây cho vui nên không cần học tập, coi học học tập là một nỗi nhọc nhằn. Có người lại coi việc học là để ứng phó với đời, để không xấu hổ với mọi người, để có “bằng cấp” mà hãnh diện với đời, dù đó chỉ là “hàng giả” mà thực lực không làm được. Chúng chẳng những không đưa nước ta “sánh kịp với cường quốc năm châu” mà còn đưa nước ta về lạc hậu, lụn bại.
Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới sáng lạn, lấp lánh hào quang.
Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này. Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình xứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Bài văn mẫu 3
Người Việt Nam thường nói: “tre già măng mọc”, “con hơn cha là nhà có phúc”. Vấn đề truyền thống là mạch ngầm trong lòng dân tộc, là sức sống diệu kỳ trong hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cha ông ta trao cho con cháu ngọn lửa thiêng liêng của nền văn hóa, văn hiến và hơn ai hết tuổi trẻ của thế hệ hôm nay phải có sứ mệnh thắp sáng hơn, đưa ngọn lửa thiêng liêng ấy đến đài vinh quang trong tương lai.
Thời kì nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, tuổi trẻ là nguồn tài nguyên vô giá và là nhân vật chính tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho Tổ quốc, cho dân tộc. Tuổi trẻ là thế hệ măng đã sắp thành tre, là những con người đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận thức vị trí của mình trong cuộc đời đối với chính mình và xã hội.
Tuổi trẻ của đất nước hôm nay là bạn, là những anh chị hơn mình tuổi tác đang có mặt trong các giảng đường Đại học, Cao đẳng, đang hoạt động bằng tâm huyết của mình để cống hiến nhiều nhất sức trẻ với sự đam mê, hăng say, nhiệt tình bốc lửa.
Nhiệm vụ của tuổi trẻ thời nào cũng có những mục đích rất cụ thể. Thời kì chống Pháp, chống Mĩ, hàng triệu thanh niên đã ngã xuống, đem lại độc lập, tự do cho đất nước. Giờ đây, hàng triệu Thanh niên Việt Nam cần phải thấm nhuần lời dạy của Bác là phải: “Học tập tốt, lao động tốt”. Hơn bao giờ hết chúng ta cần suy ngẫm tới những lời nói vàng ngọc xuất phát tự đáy lòng của Bác trong “Thư gửi học sinh Việt Nam” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm Châu được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các cháu”.
Ngay những ngày đầu mở nước, Bác đã quan tâm diệt giặc dốt. Bác coi loại giặc này còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Với kinh nghiệm từng trải, với việc chứng kiến nhiều nền văn minh khác nhau trên thế giới Bác đã hiểu rằng: “Một dân tộc dốt nát, dân trí thấp thì trước sau cũng chỉ là nô lệ cho thế lực bên ngoài”.
Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói tới việc học hành. Tuy nhiên, có người coi chuyện học hành như một việc khổ sai. Việc học là sự thúc ép của cha mẹ, của thầy cô. Việc học không tự giác đã dẫn tới lười biếng, cẩu thả. Chính mình tự đầu độc mình bằng…học. Người ta coi học tập là ngày hội, thì một số người coi học tập là nỗi nhọc nhằn phải chịu đựng. Kiến thức các bộ môn cứ y như cỏ rơm mà con người phải nhai lại vậy.
Có người coi chuyện học tập, chuyện thi cử chỉ là hình thức. Bởi họ cần bằng cấp không cần kiến thức. Có bằng cấp họ lại được “sắp”, “xếp” vào những vị trí như mong muốn của bản thân, thậm chí theo như ý của các ông bố, bà mẹ. Vị trí của họ sớm đã được xác định nên dẫn tới một bộ phận thanh niên không đem hết tài sức để phấn đấu. Thật nguy hại cho lối học cơ hội này bởi lối học đó sẽ tạo nên những nhân cách cơ hội, phương cách làm giàu “kiểu chụp giật may rủi” chúng chẳng những không đưa nước ta sánh vai với các cường quốc mà ngược lại chúng làm dân tộc ta tụt hậu, lụn bại.
Thời đại của tri thức, của khoa học công nghệ. Ai nắm được tri thức công nghệ, người ấy sẽ nắm chiếc đũa thần để tạo bước đi thần diệu cho đất nước. Nhiệm vụ của tuổi trẻ phải có chiếc đũa thần ấy. Bất cứ ai ở tuổi ăn học, phải tạo mọi điều kiện, tiếp cận với tri thức. Chỉ có tri thức dồi dào, đạo đức nhân tâm trong sáng, khát vọng sống, lao động cống hiến mãnh liệt trong tầng lớp tuổi trẻ thì tương lai của dân tộc mới sáng lạn, lấp lánh hào quang.
Tuổi trẻ Việt Nam không phải không có nhân tài. Nhưng tất cả tuổi trẻ Việt Nam phải biết hóa thân cho “dáng hình xứ sở”. Mọi người phải là anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân ngày nào.
“Đoàn vệ quốc quân một ngày ra đi
Nào có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi…”
Chúng ta phải học tập với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Phải coi chuyện học tập hằng ngày của chúng ta là những chiến công. Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thanh niên ta hiện nay cần phải lập những Điện Biên Phủ mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên huy hoàng, ấm no, hạnh phúc.
“Thành công là do 99% tài năng và 1% may mắn”. Tôi, bạn và những người lắng nghe dòng tâm sự này hãy cố gắng nỗ lực hết mình để Việt Nam mãi trường tồn với thời thời gian, vĩnh cửu trên thế giới.
Bài văn mẫu 4
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời nhắn nhủ của Bác một lần nữa càng giúp ta thấm thía hơn vai trò, trách nhiệm của thế hệ với tương lai đất nước.
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Cuộc đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vâng, tuổi trẻ là chặng đời con người có thể có những đóng góp lớn lao nhất cho xã hội. Vì sao vậy? Bởi lẽ, tuổi trẻ là tuổi sung sức nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tuổi trẻ là tuổi ôm ấp bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là tuổi năng động và sáng tạo. Tuổi trẻ cũng là tuổi có sức bật mạnh hơn hết thảy. Với tất cả những phẩm chất tinh túy ấy, không bàn cãi gì nữa, thế hệ trẻ sẽ là những chủ nhân của đất nước, sẽ là nguồn động lực hàng đầu trong công cuộc xây dựng một đất nước phát triển và giàu mạnh. Song, để có thể sống và đóng góp một cách trọn vẹn, viên mãn nhất cho đất nước, tuổi trẻ cũng cần chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết để tiến vào tương lai, đảm đương vai trò, sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Tuổi trẻ ấy không ai khác chính là chúng ta, thế hệ học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Vậy, chúng ta phải chuẩn bị những gì cho hàng trang đi vào tương lai? Thiết nghĩ, trước hết chúng ta phải là những con người có đạo đức tốt, có nhân cách cao đẹp. Đồng thời, phải không ngừng nỗ lực để nâng cao tri thức, hiểu biết, trí tuệ nhằm đem tài năng của mình phục vụ cho Tổ quốc. Nghĩa là, mỗi người phải phần đấu để trở thành con người toàn diện, vừa có đức, vừa có tài. Lời Bác dạy vẫn còn đó: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Con đường tiếp cận tri thức của nhân loại là cả một hành trình không mệt mỏi, không có chỗ dừng. Để có thể thực sự trở thành những chủ nhân vững vàng của đất nước tương lai, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta phải không ngừng học tập, nắm bắt một cách đầy đủ những kiến thức cơ bản để có thể tiến xa hơn trên con đường khám phá tri thức nhân loại, trở thành lực lượng lao động tri thức, trở thành những con người cốt cán của thời đại khoa học kĩ thuật.
Tương lai đất nước phụ thuộc vào việc học của chúng ta. Lời nhắn nhủ của Bác đặt trong hoàn cảnh hiện nay càng sâu sắc hơn bao giờ hết. Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ không chấp nhận những ai bằng lòng với những gì mình đang có. Điều đó cũng có nghĩ làm không chịu học, không ham học thì chúng ta sẽ bị tụt hậu. Chắc chắn, sứ mệnh của những chủ nhân tương lai sẽ không phải là chúng ta. Điều này quả là ngoài ý muốn của những ai biết yêu Tổ quốc, giống nòi, biết tự hào với truyền thống cao đẹp của “con Hồng cháu Lạc”.
Vậy chúng ta phải học tập như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu lớn lao đó? Thiết nghĩ, mỗi người phải ý thức rõ vai trò chủ nhân tương lai đất nước. Không ngừng học tập và học hỏi, học với tất cả sự nhiệt tình và niềm say mê khám phá không ngừng để tiếp cận chân lí của tri thức nhân loại. Xác định rõ mục tiêu học tập vinh quang ấy, mỗi học sinh phải xem những tấm gương hiếu học, những gương mặt tài năng trẻ không chỉ là niềm tự hào của tuổi trẻ chúng ta mà còn là cái đích vươn lên của mỗi con người. Trau dồi kiến thức, học đến đâu chắc đến đó; kết hợp học với hành, lí thuyết gắn với thực nghiệm để có kích thích sáng tạo; tìm tòi cái mới. Và tất nhiên, không bao giờ quên ý thức trau dồi trở thành con người toàn diện cả tài và đức. Bởi chỉ thực sự có tài và có đức thì mới mong đóng góp được nhiều cho đất nước, cho dân tộc.
Bác mong các cháu ma khôn lớn
Nối gót ông cha bước kịp mình.
(Tố Hữu)
Lời Bác dạy và mong ước tha thiết của Người sẽ mãi là lẽ sống đẹp của mỗi chúng ta, hôm nay và mai sau. Bạn, tôi và tất cả chúng ta chắc chắn sẽ là những chủ nhân xứng đáng của đất nước. Và, tất nhiên phải bắt đầu ngay từ bây giờ, những gì cần thiết nhất để hoàn thành sứ mệnh của tương lai.
Bài văn mẫu 5
Tuổi trẻ là lực lượng những con người đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, thời gian cống hiến cho xã hội lâu dài. Họ có sức khoẻ, có khát vọng hoài bão, có lý tưởng, dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn hay lùi bước trước gian khổ. Nói một cách khác, họ là nguồn tài nguyên vô giá của mỗi dân tộc. Còn tương lai đất nước là để chỉ con đường phía trước của một dân tộc. Nó có thể tươi đẹp hoặc có thể ảm đạm. Nói đến tương lai của đất nước là nói đến sự phát triển của mỗi dân tộc, tuổi trẻ có vai trò quyết định rất lớn. Bởi vì lịch sử của mỗi dân tộc, thì trong mỗi giai đoạn đều có những đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết mà con người phải đáp ứng. Và hơn hết, lực lượng tuổi trẻ là những con người có thể đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.
Để hiểu rõ được điều này, chúng ta cần thấy được, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, tuổi trẻ đã làm được gì? Xưa kia, những vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi đã làm cho để quốc phương Bắc hiểu rằng không dễ gì có thể thôn tính được dân tộc ta. Ví dụ như hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã dấy lên cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô vào thế kỷ thứ I, khiến toàn thể Giao Châu bị chấn động. Hay như ông Quang Trung, ông đã chỉ huy nhân dân ta, chiến thắng hai mươi vạn quân Thanh xâm lược. Ông là một con người đánh trăm trận trăm thắng. Họ là những con người của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, họ cứ kế tiếp nhau đứng dậy đánh giặc, duy trì sự tồn tại của đất nước.
Vào những năm thế kỷ hai mươi, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tuổi trẻ Việt Nam đã lập được rất nhiều chiến công. Họ là những lực lượng bộ đội du kích, dân quân, thanh niên xung phong, họ bảo vệ đất nước, họ đánh đuổi giặc, với một khát vọng giải phóng đất nước. Nào là chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Bế Văn Đàn, họ đã viết tiếp những trang sử vàng cho dân tộc ta. Và đặc biệt, người thiếu niên trẻ tuổi, tiêu biểu nhất đó là Nguyễn Ái Quốc. Người đã dùng sức mạnh của tri thức để giải phóng dân tộc ta. Với đức tình cần cù, ham học hỏi, Bác đã thu nhận được nguồn kiến thức to lớn khiến người đời phải thán phục.
Tuổi trẻ hiện nay, chiến tranh đã lùi xa ba mươi năm, và hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta phải góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước để thỏa lòng mong ước của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.” Tuổi trẻ Việt Nam luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, kinh doanh, sản xuất. Những tấm gương học tập như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Ngọc đã làm rạng danh cho nền toán học nước nhà, để thế giới phải khâm phục tuổi trẻ Việt Nam, hay như Đặng Lê Nguyên Vũ – một doanh nghiệp trẻ, Phan Hồng Huy – 15 tuổi giải nhất tin học không chuyên,… Và còn biết bao con người Việt Nam khác, họ đã trở thành những lực lượng thanh niên tình nguyện, đi đến những miền đất xa xôi của tổ quốc để lập nghiệp, cứu giúp những người còn nghèo khổ.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những học sinh, sinh viên không biết tôn trọng tuổi trẻ, sống hời hợt, vô trách nhiệm. Họ đam mê những thị yếu tầm thường, như là rượu chè, cờ bạc, nặng hơn nữa, họ lười lao động, sống bằng lừa đảo, trộm cắp.
Vậy, chúng ta phải làm gì? Tuổi trẻ hiện nay phải sống có lý trí, có hoài bão và có đạo đức. Chúng ta phải trau dồi tri thức để đáp ứng kịp thời những nhu cầu của đất nước, của xã hội.
Bài văn mẫu 6
Mỗi người trong chúng ta ai cũng từng đi qua tuổi trẻ – tuổi của sức mạnh phi thường với sự căng tràn bầu nhiệt huyết, tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì đạo nghĩa.
Tuổi trẻ mọi thời đại chính là niềm tự hào và sức mạnh của dân tộc. Thuở xưa mỗi khi đất nước lâm nguy thì lại xuất hiện những anh hùng trẻ tuổi dũng cảm, tài trí. Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước tuổi trẻ Việt Nam cũng không kém cha anh xưa. Thuở xưa tuổi trẻ Việt Nam đã làm cả thế giới phải nghiêng mình khâm phục một Việt Nam anh hùng thì nay cả thế giới cũng đang biết đến một Việt Nam năng động qua thế hệ trẻ. Điều đó cho thấy tuổi trẻ Việt Nam luôn suy nghĩ, lo lắng và quan tâm đến vận mệnh của dân tộc và luôn phát huy truyền thống dân tộc.
Mỗi người trong chúng ta ai cũng từng đi qua tuổi trẻ – tuổi của sức mạnh phi thường với sự căng tràn bầu nhiệt huyết, tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì đạo nghĩa. Sức mạnh vô song của tuổi trẻ khiến “sông kia sông phải chuyển, núi kia núi phải dời”. Tuổi trẻ cả nhân loại đang ra sức tìm kiếm và xây dựng những thứ tưởng chừng như viễn tưởng nhưng nay lại trở thành hiện thực, như những thành tựu trong ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Họ có đủ điều kiện để phát huy hết khả năng nội lực của chính mình, họ có tự do trong suy nghĩ và hành động, họ có sự dân chủ trong mọi ý tưởng và lí tưởng, họ có được sự tôn trọng về thực quyền sáng tạo. Vậy thì tiềm năng và tương lai phát triển của mỗi quốc gia đều mong đợi và đều đặt niềm tin vào tuổi trẻ.
Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay có nhiều cơ hội để phát triển tài năng và cống hiến cho đất nước vì các bạn đang được sống trong hòa bình, được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để học tập, làm việc và thể hiện năng lực của mình. Các bạn đã và đang khẳng định được sức mạnh của chính minh trong mọi lĩnh vực như: kinh tế, khoa học kĩ thuật, giáo dục. Ngày càng xuất hiện nhiều nhà kinh doanh trẻ năng động; những nhà khoa học tài năng; đặc biệt là những thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Với sức mạnh nội lực của con người và tuổi trẻ Việt Nam, với sự ưu đãi của thiên nhiên, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng khẳng định và vươn lên trở thành một quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta vẫn bị xếp vào những nước đang phát triển, còn nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên các bạn cũng đang chịu nhiều thách thức trước nhiều áp lực trong cuộc sống, trước nguy cơ bị tụt hậu trước sự phát triển mạnh mẽ của thế giới.
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Lời dạy của Bác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước. Thế kỉ XXI, thế kỉ của sự phát triển, nâng cao không ngừng của văn hóa, kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người, mà lực lượng chủ yếu chính là tuổi trẻ. Bởi tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho Tổ quốc Việt Nam. Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát hơn là một lí tưởng sống. Và nhất là tuổi trẻ hiện nay, những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước phải xác định được cho mình một lí tưởng sống đúng đắn. Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuổi trẻ chúng ta được đặt ra câu hỏi: sống như thế nào để có ích cho xã hội? Tuổi trẻ là nhân tố quyết định sự tồn vong của đất nước, vì thế lí tưởng sống của chúng ta là xây dựng đất nước, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, nối tiếp cha ông bảo vệ Tổ quốc và đi lên vì sự tiến bộ của nhân loại. Tuổi trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Chính vì vậy mà các bạn thanh thiếu niên cần phải sống có lí tưởng cao đẹp. Hãy nhớ rằng lời nhắn nhủ thiêng liêng của Bác phải được thực hiện bởi các bạn biết đấy cả tuổi trẻ của mình Bác đã sống cho dân tộc. Chúng ta không có quyền để những hi sinh của Bác thành vô nghĩa. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác đã để lại lời căn dặn trong bản di chúc: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa “Hồng” vừa “Chuyên”. Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết…”.
Đảng và Bác Hồ kính yêu đã đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Những đóng góp của thanh niên vào thành quả của những năm đổi mới đã khẳng định quyết tâm của thế hệ trẻ Việt Nam là ra sức lao động, học tập, rèn luyện và tuyệt đối trung thành với sự nghiệp đổi mới của Đảng, quyết tâm đưa nước ta trở thành nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh như mong muốn của Bác lúc sinh thời.
Bài văn mẫu 7
Tương lai đất nước chính là con đường phía trước của mỗi dân tộc. Nói đến tương lai đất nước là nói đến thời kì phát triển thịnh vượng sắp tới mà đất nước đang hướng đến.
Thế hệ tuổi trẻ ngày nay được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình; được thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới đất nước; được cống hiến và trưởng thành trong sự ổn định về chính trị, sự phát triển vững chắc của kinh tế – xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; được gia đình và xã hội dành cho nhiều cơ hội học tập để có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn các lớp thanh niên đi trước. Những lợi thế to lớn ấy khiến tuổi trẻ trở thành lực lượng lao động quan trọng nhất tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay mang trên vai trọng trách lịch sử, đó là phải trở thành lực lượng lao động có trí tuệ và có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cường tráng để đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với lợi thế năng động, sáng tạo, giàu nhiệt huyết, không ngại ngần khó khăn, tuổi trẻ là lớp người có khả năng học tập, tiếp nhận trình độ khoa học công nghệ kĩ thuật tiên tiến của các nước trên thế giới và vận dụng hiệu quả vào tình hình thực tiễn đất nước. Nhiều thanh niên Việt Nam đã không ngại khó khăn, ngày đêm ra sức học tập, sáng tạo và thành công rực rỡ trên con đường khởi nghiệp làm giàu. Họ chính là những tấm gương sáng ngời cho ý chí vượt khó vươn lên thành công.
Tuổi trẻ là lớp người tiên phong trong chiến lược quảng bá hình ảnh con người và nền văn hóa Việt Nam ra khắp năm châu. Với trình độ công nghệ cao, sự nhạy bén tiếp biến và vận dụng tri thức, giỏi ngoại ngữ, tuổi trẻ Việt Nam từng bước giới thiệu với bạn bè khắp thế giới một nền văn hóa Việt Nam bình dị, nhân văn, mang đậm bản sắc Á Đông trên khắp các diễn đàn.
Tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Hằng năm, lớp lớp thanh niên đã hăng hái lên đường nhập ngũ đi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với tổ quốc.
Như Bác Hồ đã nói: “Đâu cần thì thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tuổi trẻ ngày nay xông xáo vào các phong trào tình nguyện, đem sức trẻ dẻo dai giúp đỡ nhân dân các vùng khó khăn, thiên tai, bão lũ… Màu áo xanh thắm của đoàn thanh niên tình nguyện từ bao năm qua đã trở nên quen thuộc với người dân nghèo khó trên khắp mọi miền đất nước.
Trước hết, tuổi trẻ phải có ý thức rõ ràng trách nhiệm, vai trò và nghĩa vụ của mình đối với tương lai đất nước. Tuổi trẻ phải tích cực bồi dưỡng và nâng cao tình yêu tổ quốc và ý thức trách nhiệm của bản thân đối với nhân dân và đất nước. Không ngừng rèn luyện bản thân, nâng cao bản lĩnh, nắm bắt cơ hội, biến tri thức thành công cụ đắc lực trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Tuổi trẻ cần tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, tay nghề. Trong thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, thanh niên nước ta cần nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khả năng thực tế, kỹ năng lao động để thích ứng với thị trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế. Người thanh niên nào cũng phải học; ở đâu, làm gì, thời gian nào cũng phải học; người thanh niên nào cũng phải xác định tham gia học tập thường xuyên, suốt đời là quyền và nghĩa vụ của bản thân.
Tuổi trẻ phải tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh văn minh, tiến bộ. Tích cực tham gia phòng chống ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ sự sống trên trái đất. Tuổi trẻ phải là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tích cực tham gia các chương trình, dự án của địa phương; tự nguyện, tự giác tham gia các thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuổi trẻ cần chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế; không ngại ngần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; tham gia vào công tác ngoại giao nhân dân để nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động và tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu như: giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ dân số, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước. Chính tuổi trẻ sẽ là người quyết định vị thế của đất nước trên trường quốc tế, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã thiết tha căn dặn.
Với tình hình thế giới có nhiều biến động như ngày nay, tuổi trẻ Việt Nam phải tăng cường học tập, rèn luyện mình vững vàng, sẵn sàng đưa đất nước phát triển, hội nhập cùng thế giới.
Bài văn mẫu 8
Mỗi dân tộc muốn bền vững và phát triển, muốn tiến bước và thăng hoa, thế hệ trẻ chính là nhân tố thiết yếu làm nên điều ấy. Tuổi trẻ là thanh xuân của mỗi người, nhưng cũng lại là tương lai của cả dân tộc. Bạn có bao giờ nhận ra điều ấy?
Tuổi trẻ là những thế hệ mầm non đang và sẽ trưởng thành. Đó là độ tuổi con người có nhiều sức lực, trí tuệ và nhiệt huyết nhất, có thể đóng góp cho cuộc đời nhiều thành tựu nhất. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường coi độ tuổi hoa niên là tuổi quý giá nhất, mất đi không thể lấy lại được. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà mỗi dân tộc lại dành hết tâm lực để phát triển cho thế hệ trẻ của đất nước. Bởi họ nhận ra rằng, đất nước ngày hôm nay chính là dáng hình của thế hệ trẻ ngày hôm qua. Không có thế hệ trẻ, đất nước ấy chẳng mấy chốc mà suy tàn. Những tinh hoa của đất nước cũng từ tuổi trẻ mà nảy nở ra.
Vậy tại sao tuổi trẻ lại làm nên tương lai của đất nước?
Mỗi dân tộc đều có những thế hệ già trẻ khác nhau. Dù thế hệ đi trước có đạt được nhiều thành tựu đến mấy đi nữa, dù nó có lưu truyền đến ngàn đời sau, vẫn sẽ có ngày nó đi vào dĩ vãng. Bởi quy luật của thời gian là băng hoại mọi thứ, không có gì là tồn tại vĩnh viễn. Bởi vậy, chỉ có gì là tồn tại trước mắt, là của tương lai mới thực sự có giá trị nhất. Một trong số đó là thế hệ trẻ với tài năng và tâm huyết tràn trề. Chúng chỉ có thể mong ngóng vào những lớp mầm non đó có làm nên được tương lai của đất nước hay không, chúng ta chẳng thể ngược lại quá khứ hay tìm đến với tương lai xa vời. Thế hệ trẻ là những gì kết tinh nhất, gần gũi nhất với tương lai.
Sẽ chẳng ai có thể dám cá cược rằng, thế hệ trẻ sẽ không làm được gì cho đất nước. Thế hệ cũ cũng từ non nớt mà trưởng thành, cũng đã bước những bước đi đầu tiên vụng về như vậy, có lí do gì để chúng ta không tin vào ngày hôm nay? Xã hội chúng ta đã phát triển được đến ngày hôm nay là nhờ vào ai? Chúng ta được sống trong môi trường đủ đầy hạnh phúc là nhờ vào ai? Chính là những người đã từng là thế hệ trẻ. Bởi vậy mà mỗi quốc gia, dân tộc đều không tiếc gì tiền của, nhân lực để bồi dưỡng cho một thế hệ mầm non, bởi họ tin tưởng vào tài năng và trí tuệ của những người còn trẻ.
Nhưng hiện nay, chúng ta lại dường như không nhận thức rõ được điều ấy. Soi chiếu vào thực tại của Việt Nam, chúng ta nhận ra một sự thật rằng, những hạt giống mới lại ngày càng yếu ớt. Một bộ phận giới trẻ lao vào ăn chơi đua đòi, một bộ phận lại vi phạm pháp luật, hay sống cuộc đời dựa dẫm vào bố mẹ. Liệu chúng ta có thể nhờ cậy vào thế hệ ấy? Người trẻ bây giờ, phải chăng không nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của bản thân? Họ lo để hưởng lạc, thoả mãn các thú vui của mình mà quên đi rằng, mình phải sống vì tương lai, vì dân tộc của mình. Chúng ta vẫn tìm được những người tài, nhưng đó dường như chỉ là một hạt cát trên sa mạc. Thực tại ấy thật đáng buồn biết nhường nào!
Chúng ta còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa phải chịu những áp lực to lớn trước mắt. Nhưng thiết nghĩ, mỗi chúng ta cũng nên tự hiểu về điều mình cần làm, về bổn phận trước tương lai của đất nước. Chúng ta nên hiểu rằng, chỉ có con đường rèn luyện nhân cách và tu dưỡng trí tuệ mới đưa chúng ta trở thành một người có ích, để chúng ta làm tròn bổn phận của mình. Hãy luôn nhớ rằng: tuổi trẻ là tương lai của đất nước!
Tuổi trẻ là tuổi trẻ của đất nước và tương lai là tương lai của tuổi trẻ. Chúng ta có cống hiến, có cho đi thì mới có thể nhận lại được nhiều hơn thế. Các bạn trẻ, các bạn hãy vững tin để chân cứng đá mềm, để làm giàu cho quê hương xứ sở.
Bài văn mẫu 9
Cuộc đời mỗi con người đang dần trôi theo thời gian, những ai đã sống trong tuổi trẻ và những người đang đắm mình trong độ tuổi ấy có lẽ đều trân trọng, ý thức được trách nhiệm, bổn phận của bản thân. Đó là độ tuổi đẹp nhất của đời người, là cái tuổi một đi không trở lại khiến người ta muốn níu giữ mãi như có lần thi sĩ Xuân Diệu thốt lên:
“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”
Thế mới thấy tuổi trẻ đẹp đẽ và ý nghĩa đến nhường nào. Tuổi trẻ của những thanh niên thiếu niên còn có vai trò to lớn với xã hội, với tương lai đất nước.
Tuổi trẻ là chỉ những công dân ở lứa tuổi tuổi thanh niên, là thế hệ măng đã sắp thành tre và họ là những người đủ điều kiện và nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội và đất nước. Đây cũng là độ tuổi mà con người ta trẻ sức và trẻ lòng nhất, ấy là khi những chàng trai, cô gái căng đầy bầu nhiệt huyết của sự đam mê, khát khao cống hiến, tỏa sáng và theo trọn khát vọng của mình.
Vì vậy, tuổi trẻ luôn gắn với vận mệnh dân tộc, là tương lai của đất nước. Trước hết những người trẻ tuổi đều là những thanh niên dồi dào sức khỏe, tràn đầy nhiệt tình và trách nhiệm vì thế họ là cánh tay đắc lực tham gia vào quá trình lao động sản xuất để dựng xây đất nước. Việt Nam ta bước ra khỏi hai cuộc kháng chiến với vô vàn những khó khăn và thiếu thốn song với sự vận động của đoàn cùng với những thanh niên xung phong đi đầu đã đưa đất nước dần đứng lên để sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Đó là phong trào thanh niên xung phong với khẩu hiệu “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; là những tấm gương sẵn sàng hi sinh bản thân để đi khai phá, xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Tuổi trẻ còn là những con người trẻ trung. Là tuổi trẻ nên như một lẽ tất yếu, họ tự tin về bản thân, họ luôn cố gắng phấn đấu và nỗ lực để đạt được mục đích. Không chấp nhận lối sống mờ nhạt và yếu ớt, tuổi trẻ là những con người tràn đầy khát vọng, luôn ấp ủ những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng. Cùng với sự sáng tạo, trí tuệ, sự kiên trì, bền bỉ và niềm tin; bao thế hệ trẻ đã biến ước mơ thành hiện thực và rồi đưa đất nước lên những tầm cao mới, để hội nhập cùng thế giới. Đó là tiến sĩ Chu Hoàng Long với phương pháp đo lường nước trong nông nghiệp hay một sinh viên người Việt đã dùng sóng âm thanh để dập tắt lửa. Trên đấu trường tri thức, đất nước Việt Nam dù nhỏ bé nhưng tuổi trẻ cũng chẳng thua kém ai như nữ sinh Đinh Thị Hương Thảo hai năm liên tiếp giành huy chương vàng Vật lí quốc tế. Tất cả đều khiến mọi người ngưỡng mộ, không chỉ trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế.
Như vậy, tuổi trẻ đã cống hiến hết mình để dựng xây đất nước ngày một giàu mạnh, có vị thế trong trường quốc tế. Để cống hiến cho đất nước, tuổi trẻ hôm nay phải ra sức học tập và rèn luyện, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, thi đua lập thành tích trong mọi lĩnh vực của đời sống và chủ động tiếp nhận, gánh vác công việc của thế hệ trước. Bên cạnh đó cũng cần khắc phục những nhược và hạn chế để tận tâm và tận hiến. Sống như vậy thật ý nghĩa biết bao, vì ta sống đâu chỉ cho riêng mình mà còn biết cống hiến và hy sinh.
Tuổi trẻ chính là người quyết định tương lai đất nước sau này. Tôi bỗng nhớ lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm – một bài học triết lí cho tất thảy mọi người:
“Em ơi em đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời”