Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh (Dàn ý + 8 mẫu), Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh. Đây
Tri thức là một thứ gì đó mà con người phải luôn cần bồi dưỡng, nếu không có trí thức thì trí tuệ của con người sẽ không còn sức mạnh gì nữa. Chính vì vậy mà một nhà khoa học người Anh đã từng nới “Tri thức là sức mạnh”
Hy vọng rằng với dàn ý và một số bài văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh, thì các bạn có thể bổ sung thêm nhiều kiến thức ngữ văn lớp 9 của mình. Sau đây chúng tôi, xin mời các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh
- 2 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 1
- 3 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 2
- 4 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 3
- 5 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 4
- 6 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 5
- 7 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 6
- 8 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 7
- 9 Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 8
Dàn ý nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh
I. Mở bài:
– Dẫn dắt câu nói “Tri thức là sức mạnh”
II. Thân bài:
* Tri thức là gì?
– Tri thức là hệ thống bao gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả hay kỹ năng, kinh nghiệm có được nhờ trải nghiệm thực tiễn hay thông qua giáo dục.
* Người có tri thức là người như thế nào?
– Là người đã tích lũy được một lượng tri thức đủ lớn để làm việc và sáng tạo.
* Tại sao có tri thức thì có sức mạnh?
– Tích lũy và kế thừa tri thức theo thời gian vốn là bản chất của xã hội loài người.
– Không ai có thể phủ nhận sức mạnh làm thay đổi thế giới của tri thức.
* Muốn có được sức mạnh của tri thức ta phải làm gì?
– Phải biết tự giác học tập.
– Biết sàng lọc tri thức, lựa chọn cái phù hợp.
– Vận dụng tri thức được học vào những việc hữu ích, tạo ra lợi ích.
III. Kết bài:
– Cách tốt nhất để chúng ta có được tri thức là học tập, không có tri thức ta không có được thành công.
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 1
Để có thể vững bước trên con đường đời, hành trang thiết yếu nhất mà mỗi người chúng ta đều phải có đó là tri thức. Bởi cuộc sống là những điều kỳ diệu mà con người không bao giờ có thể biết hết được. Chỉ có những tri thức mới giúp chúng ta vượt qua được tất cả những điều trong cuộc sống mà bước tới thành công của chính mình. Chẳng thế mà một nhà khoa học người Anh đã phát biểu rằng: “Tri thức là sức mạnh”.
Câu nói ngắn gọn nhưng đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tri thức. Tri thức, theo nghĩa hẹp, là kiến thức tích lũy được về các lĩnh vực khác nhau của mỗi người nhờ học tập, rèn luyện và suy nghĩ. Theo nghĩa rộng, tri thức có thể hiểu là vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người,… của nhân loại nói chung. Sức mạnh của tri thức là khả năng làm thay đổi thế giới của tri thức thông qua sự vận dụng tri thức của con người trong các hoạt động nghiên cứu, lao động và sản xuất. Sức mạnh của tri thức còn có thể được hiểu là khả năng sáng tạo ra cái mới, cái tiến bộ, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Nhờ biết tích lũy tri thức mà con người có thể hiểu được bản chất của thế giới khách quan, vận dụng tri thức từng bước làm chủ tự nhiên và cuộc sống của mình.
Không ai có thể phủ nhận sức mạnh làm thay đổi thế giới của tri thức. Nhờ có tri thức mà con người có thể tách mình ra khỏi thế giới loài vật hoang dã trở thành loài người văn minh thông qua hệ thống chữ viết, văn hóa trong xã hội loài người. Nhờ có tri thức mà cuộc sống của con người không ngừng phát triển theo từng thời kỳ. Năm 1860 ý tưởng đầu tiên về chiếc điện thoại được Johann Philipp Reis nghĩ ra Vài năm sau đó, cuộc gọi đầu tiên được thực hiện giữa nhà phát minh Alexander Graham Bell và người trợ lý của ông ngồi cách đó 4,5 m vào ngày 10/3/1876 với mẩu hội thoại ngắn ngủi: “Watson, anh đến đây nhé, tôi có việc cần!” là sự kiện lịch sử đánh dấu chính thức sự ra đời của chiếc điện thoại liên lạc .Năm 1879 lần đầu tiên Thomas Edison phát minh ra chiếc bóng đèn sợi đốt làm thay đổi diện mạo nhân loại, khi mà con người không phải sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn ánh sáng tự nhiên của mặt trời nữa. Nhờ có đèn điện, năng suất lao động của thời bấy giờ cũng tăng lên đáng kể nhờ làm thêm ca đêm. Năm 1897 J.J. Thompson chính là người đã phát hiện và chứng minh được sự tồn tại của electron mặc dù ông chưa thể nhìn thấy hay tách được chúng ra. Electron là hạt hạ nguyên tử đầu tiên được phát hiện và được xác nhận là loại hạt đầu tiên cấu tạo nên vật chất nhỏ hơn cả nguyên tử. Khám phá này đã cung cấp cho chúng ta bằng chứng về một đơn vị mang điện cơ bản và miêu tả về nó. Những thí nghiệm và phát hiện của J.J. Thompson đã mở ra một lĩnh vực khoa học mới – Vật lý hạt.
Tất cả những thành tựu đó đều nhờ vào sức mạnh vô hạn của tri thức mà có. Sức mạnh tri thức làm con người có thể đảo lộn các trật tự tưởng như nghìn năm bất dịch, làm được bao điều phi thường trong trong cuộc sống. Trải qua thời gian, bằng tri thức con người đã xây dựng một xã hội loài người văn minh, tiến bộ tột bậc. Dường như, tham vọng khuất phục hoàn toàn hoàn cảnh sống là tham vọng bất tận của con người.
Chính vì thế mà con người không bao giờ ngừng học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo ra những tri thức mới. Mỗi người trong xã hội luôn phải tự trau dồi kiến thức của bản thân thông qua hoạt động học tập. Học tập phải diễn ra đều đặn, lâu dài và xuyên suốt cuộc đời người. Học tập ở mọi nơi, mọi lúc và mọi thứ cần thiết. Thực tế cũng chứng minh, những người đạt đến đỉnh cao của vinh quang đều có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và nhu cầu cầu thị lớn. Học tập kỹ lưỡng và thực hành tỉ mỉ là bí quyết thành công của các nhà khoa học. Mỗi lượng tri thức đều phải được kiểm chứng qua trải nghiệm thực tế mới có thể được khẳng định.
Tri thức giúp chúng ta hoàn thiện mình, dũng cảm và tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Không có tri thức thì không có thành công. Chính vì thế chính là sức mạnh giúp con người hoàn thiện bản thân cũng như hoàn thiện xã hội. Đây là một khẳng định đúng đắn và cũng là chân lý vĩnh hằng được con người khẳng định qua thời gian.
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 2
Nhà văn Francis Bacon nói: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lênin, một nhà triết học, nhà chính trị vĩ đại đã phát triển thành: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh”.
Thật vậy, tri thức là hệ thống bao gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả hay kỹ năng, kinh nghiệm có được nhờ trải nghiệm thực tiễn hay thông qua giáo dục. Đôi khi, người ta còn dùng kiến thức để chỉ tri thức. Thế nhưng, Tri thức có hàm nghĩa rộng lớn hơn kiến thức rất nhiều. Trong triết học, ngành nghiên cứu về tri thức gọi là tri thức luận.
Người có tri thức là người đã tích lũy được một lượng tri thức đủ lớn để làm việc và sáng tạo. Trong cuộc sống, người có tri thức là người có hiểu biết sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học, có khả năng sáng tạo, có nhân cách cao cả, lối sống tốt đẹp và đóng góp tích cực vào sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Sức mạnh của tri thức là khả năng làm thay đổi thế giới của tri thức thông qua sự vận dụng tri thức của con người trong các hoạt động nghiên cứu, lao động và sản xuất. Sức mạnh của tri thức còn có thể được hiểu là khả năng sáng tạo ra cái mới, cái tiến bộ, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Nhờ biết tích lũy tri thức mà con người có thể hiểu được bản chất của thế giới khách quan, vận dụng tri thức từng bước làm chủ tự nhiên và cuộc sống của mình.
Tại sao Lênin lại nói có tri thức thì có sức mạnh?
Như chúng ta đã biết, việc tích lũy và kế thừa tri thức theo thời gian vốn là bản chất của xã hội loài người. Kèm theo quá trình này là lượng tri thức ngày càng lớn hơn, đồ sộ hơn. Bởi thế các phương thức lưu trữ và truyền đạt cũng thay đổi theo mỗi thời đại.
Không ai có thể phủ nhận sức mạnh làm thay đổi thế giới của tri thức. Từ thuở sơ khai tri thức được chạm khắc trên vách đá, xương thú, mai rùa. Khi có chữ viết, con người biết lưu giữ tri thức trên vải, trên giấy. Ngày nay, người ta đã mã hóa tri thức và lưu trữ bằng các bản điện tử. Việc lưu trữ điện tử cho phép con người lưu trữ nhanh chóng, chắc chắn và vô hạn. Bởi nó có sức mạnh nên ở bất cứ thời đại nào con người cũng cố gắng tìm kiếm những cách lưu giữ đầy đủ nhất, chắc chắn nhất, bền lâu nhất. Con người bảo vệ tri thức như một “thanh gươm thần”, xem nó như một báu vật thiêng liêng không thể đánh mất.
Xét về sức mạnh cơ bắp, con người kém xa các loài thú ăn thịt. Xét về năng lực các giác quan khác và khả năng tự vệ, con người cũng đứng gần cuối danh sách các loài động vật bậc cao. Nghĩa là, con người hoàn toàn có thể bị chinh phục hoặc dẫn đến diệt vong trong cuộc cạnh tranh công bằng và khốc liệt.
Thế nhưng, tự nhiên luôn có sự lựa chọn công bằng và loài nào biết thích nghi, biến đổi, biết tạo động lực để vươn lên sẽ thắng thế trong cuộc chạy đua đến vị trí làm chủ trái đất. Nhờ có tri thức và bằng sức mạnh của tri thức con người đã tự tách mình ra khỏi thế giới động vật hoang dã, trở thành loài người văn minh, làm chủ toàn bộ cuộc sống. Đó là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử phát triển muôn loài trên trái đất.
Bí quyết sống còn và không thể nào khác của loài người đó là biết tạo ra tri thức, tích lũy và vận dụng tri thức để tạo ra sức mạnh chinh phục của mình. Từ khi điều đó xảy ra trên trái đất, con người ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đông đảo hơn. Họ từng bước tiến sâu vào các khu rừng rậm, những đảo hoang, trên sa mạc, trên đại dương,…Từng bước xác lập lãnh địa và khẳng định vai trò làm chủ của mình. Thắng lợi trong công cuộc chinh phục tự nhiên là thắng lợi vĩ đại nhất của con người. Từ đó đến nay, con người không ngừng củng cố vai trò này.
Tri thức còn đem đến cho con người sức mạnh duy trì, gìn giữ ổn định và phát triển các giá trị đời sống một cách bền vững dài lâu. Trải qua thời gian, bằng tri thức con người đã xây dựng một xã hội loài người văn minh, tiến bộ tột bậc. Dường như, tham vọng khuất phục hoàn toàn hoàn cảnh sống là tham vọng bất tận của con người. Từ tiện nghi đến tiện nghi hơn nữa. Từ làm chủ đến bá chủ toàn cầu. Và thực tế đã chứng minh, ngày nay, con người đã có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên trái đất. Tất cả những thành tựu đó đều nhờ vào sức mạnh vô hạn của tri thức mà có. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi nghĩ đến Issac Newton, Darwin, Lincoln, Shakespeare, Nobel, Einstein, Bill Gates, Hồ Chí Minh,…và biết bao tên tuổi khác. Họ thực sự là những người anh hùng vĩ đại, là người lính tiên phong trong trận chiến đấu loại bỏ cái lạc hậu, bất công, đói nghèo, mãi mãi xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ và tôn kính.
Sức mạnh tri thức làm con người có thể đảo lộn các trật tự tưởng như nghìn năm bất dịch, làm được bao điều phi thường trong trong cuộc sống. Thuở xa xưa, với chiếc thuyền nhỏ, con người đã dũng cảm vượt đại dương tìm vùng đất mới. Con người cũng muốn bay được như loài chim và chiếc máy bay đầu tiên đã ra đời. Với những tiến bộ khoa học, con người ngày càng đi sâu vào thế giới vi mô để tìm ra những nguồn sức mạnh vô biên ẩn tàng trong đó. Và khát vọng làm chủ hoàn toàn không gian, thời gian chưa bao giờ yên nghỉ trong khát vọng tìm kiếm và chinh phục của con người.
Với tri thức, con người cũng đủ sức mơ mộng trong thế giới tinh thần của mình. Thi ca, âm nhạc, hội họa, kiến trúc,… là những sản phẩm tuyệt vời của tri thức mà chỉ loài người mới sở hữu và thưởng thức. Vốn tri thức mềm mại ấy đã nâng cao tâm hồn con người, nhân đạo hóa con người để con người sống hiền hòa hơn, biết yêu chuộng cái đẹp, căm ghét cái xấu và hơn thế nữa cho ta năng lực tư duy và khát khao được tìm tòi, khám phá làm tăng thêm bản chất xã hội và làm phong phú thêm cá tính của mỗi con người.
Tri thức giúp chúng ta hoàn thiện mình, dũng cảm và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động xã hội. Liệu có hành trang nào dành cho con người cần thiết hơn khi tri thức khi họ dấn thân vào cuộc sống này?
Vậy muốn có được sức mạnh của tri thức ta phải làm gì?
Để tiếp cận và đi tới chiếm lĩnh tri thức trong xã hội, đầu tiên là con người phải biết tự giác học tập. Học tập phải diễn ra đều đặn, lâu dài và xuyên suốt cuộc đời người. Học tập ở mọi nơi, mọi lúc và mọi thứ cần thiết. Một triết gia Hy Lạp cổ đại đã nói như sau: “Mỗi người tôi gặp đều có những điểm hay hơn tôi, đáng cho tôi học tập”. Thực tế cũng chứng minh, những người đạt đến đỉnh cao của vinh quang đều có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và nhu cầu cầu thị lớn.
Học tập kỹ lưỡng và thực hành tỉ mỉ là bí quyết thành công của các nhà khoa học. Mỗi lượng tri thức đều phải được kiểm chứng qua trải nghiệm thực tế mới có thể được khẳng định.
Tuy vậy, biết sàng lọc tri thức, lựa chọn cái phù hợp và xác định mức độ tiếp cận, tiếp nhận đúng đắn, hiệu quả là việc làm rất cần thiết. Bởi tri thức là vô hạn còn đời người thì ngắn ngủi, nếu quá tham lam hoặc mù quáng trong tham vọng con người sẽ lạc lối trong mê cung tri thức ấy, mãi mãi không thể tìm thấy mục tiêu cho cuộc đời mình.
Sức mạnh của tri thức phải được vận dụng vào những việc hữu ích, tạo ra lợi ích, thúc đẩy xã hội tiến bộ, tiến tới bảo vệ, gìn giữ và phát triển xã hội loài người. Sức mạnh của tri thức phải dùng để bảo vệ chân lí, bảo vệ cuộc sống chung trên trái đất. Sức mạnh của tri thức không phục vụ cho những tham vọng giết chóc, tàn phá, hủy hoại các giá trị. Thế nhưng, không phải lúc nào điều đó cũng được khẳng định. Lịch sử đã phơi bày biết bao nhiêu thảm họa do tri thức gây ra. Nhiều kẻ đã lợi dụng sức mạnh ấy chống lại sự tiến bộ của loài người, hủy hoại, tàn sát loài người để bảo vệ cái lợi ích cá nhân ích kỷ của chúng. Những cuộc đại chiến trên khắp thế giới đã để lại cho loài người biết bao đau thương, mất mát. Hai quả bom nguyên tử đã nổ ở Nhật Bản thầm nhắc nhở con người trách nhiệm, tình thương lẫn nhau đồng thời cảnh báo rằng đừng để sức mạnh của tri thức – cái vốn do chúng ta tạo ra – hủy hoại sự sống của chính mình.
Những kẻ không chịu hiểu câu nói trên, cố tình lẩn tránh, coi việc tích lũy tri thức là thừa, vô dụng thì tất yếu sẽ nhận được hậu quả không mong muốn. Còn có những người mới học được chút ít tri thức đã tự coi là đủ, không chịu cố gắng hoặc chỉ chăm chăm học trong sách vở mà không chịu tìm tòi từ cuộc sống thì sớm muộn tri thức cũng rơi rớt, trở thành “ếch ngồi đáy giếng”, không thể là sức mạnh.
“Tri thức là sức mạnh” là một lời khẳng định mạnh mẽ và cũng là chân lý vĩnh hằng ngày càng được kiểm chứng một cách chắc chắn theo thời gian.
Kiên trì học tập, không ngừng học tập là cách tốt nhất để chúng ta có được tri thức và gìn giữ chúng qua thời gian. Không có tri thức thì không có thành công. Tri thức là cái khiến chúng ta nhận ra mình đang hiện hữu. Tri thức trong đầu và đạo đức trong tim, thời gian cống hiến để nghiên cứu và lao động thay vì hình thức và lạc thú, đó là cách để trở nên hữu dụng, và nhờ vậy, có được hạnh phúc.
Trên đây là dàn ý và văn mẫu nghị luận câu nói của Lê Nin: Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh, mong rằng với nhưng nội dung này các em sẽ có ý tưởng và hoàn thiện bài văn của mình nhé, ngoài ra Đọc tài liệu cũng gửi thêm một đoạn văn của một bạn học sinh giỏi về đề tài này mà các em có thể tham khảo
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 3
Nhà bác học Đacuyn từng nói khi về già: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Trên khắp mặt đất, từ nơi sa mạc đến chỗ tuyết phủ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, khi mặt trời lên đến lúc đêm khuya bên đèn, đều có một cuộc hành hương vĩ đại về cội nguồn của tri thức liên tục diễn ra. Bởi vì sao vậy, một lý do thật giản dị “Tri thức là sức mạnh”.
Câu nói ngắn gọn nhưng đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tri thức. Tri thức, theo nghĩa hẹp, là kiến thức tích lũy được về các lĩnh vực khác nhau của mỗi người nhờ học tập, rèn luyện và suy nghĩ. Theo nghĩa rộng, tri thức có thể hiểu là vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người,… của nhân loại nói chung. Như vậy, tri thức là nguồn sức mạnh trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống con người, đồng thời cũng là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Con người chúng ta không phải khi mới xuất hiện đã làm chủ muôn loài. Từ chỗ chỉ là một loài vật nhỏ bé, yếu ớt, hoang dại trong thiên nhiên đến chỗ có thể đứng thẳng được dậy, giải phóng hai chi trước, não phát triển- quá trình tiến hóa và tiến bộ ấy chẳng phải bắt đầu từ những tri thức cổ sơ hay sao. Đó là tri thức sống, tri thức của lao động từ săn bắt, hái lượm, chăn nuôi trồng trọt rồi cải tiến nông cụ, loài người đã biết vượt lên đời sống bầy đàn tách thành bộ lạc, gia đình, họ tộc rồi vương quốc, đất nước. Quá trình tiến hóa vĩ đại kia có phải tự thân mà có hay do những phản xạ vô điều kiện, khi ta cứ lặp đi lặp lại một việc như cái máy? Hoàn toàn ngược lại, loài người chinh phục tự nhiên, phát triển các mối qua hệ xã hội được là nhờ đầu óc của mình: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại” ( Đê các). Không có nhận thức, suy nghĩ, con người sẽ yếu đuối và vô nghĩa không khác gì một “cây sậy”. Nhờ có tri thức mà xã hội con người phát triển và ngày càng văn minh với các phát minh khoa học. Không phải ai sinh ra cũng tự phát minh được ra bóng đèn, tivi, tự khám phá được định luật vạn vật hấp dẫn,…Con người kế thừa thành tựu của tiền nhân để cải thiện điều kiện sống của mình, đồng thời biến những thành tựu ấy thành tiền đề cho những đột phá mới mẻ, to lớn hơn.
Qua tri thức, con người có được sức mạnh để cải tạo thực tế. Khi chúng ta chỉ là những con vượn ăn lông ở lỗ trong hang động, có ai ngờ rằng về sau con người đã được ăn no, mặc ấm, thậm chí ăn sang, mặc mốt, ở trong những tòa nhà chọc trời, đi xe hơi ra đường, và có một đời sống văn minh với những tiện nghi đầy đủ nhất trong tương lai. Sự khác biệt đó là nhờ sức mạnh của tri thức. Tri thức là nền tảng cho hai cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật vĩ đại của thế giới, từ nông cụ thô sơ dùng máy hơi nước, dùng điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng sinh học…Con người không ngừng làm giàu có vốn tri thức của mình để trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với đói nghèo, lạc hậu, tăm tối, trong công cuộc chinh phục tự nhiên để có cuộc sống sung sướng, đầy đủ hơn. Thần kỳ biết bao, khi ngày xưa ta thờ cúng thần sông, thần suối, giờ ta bắt các con sông làm ra điện, xưa ta “lạy trời mưa xuống”, nay ta dùng tên lửa, xua mây, kéo mưa, gọi nắng; xưa ta chạy ma-ra-thôn đến kiệt sức để truyền tin thắng trận, nay chỉ một cú điện thoại hay kết nối internet, một buổi tường thuật trực tiếp, cả thế giới đã biết đến những sự kiện, tin tức quan trọng. Sức mạnh tri thức làm con người có thể đảo đổi các trật tự tưởng như nghìn năm bất dịch, làm được bao điều phi thường trong trong cuộc sống. Như khát khao bay lượn đã thành sự thật từ anh em nhà Wright, khát vọng thám hiểm mặt Trăng đã được hiện thực hóa từ phi thuyền Apollo. Bằng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, con người đã biến những điều tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng thành sự thật. Cho đến bây giờ, loài người vẫn tự hào bởi cuộc đua đến nam cực giữa Scott và Amundsen, cuộc chinh phục đỉnh Everest của Hillary, cuộc hành trình trên biển bằng con tàu Beagle của Darwin, thậm chí cả những vùng đất xa xôi nhất như Đại Tây Dương, Bắc Cực đều đã ghi dấu bước chân con người. Những kiệt tác nghệ thuật: thi ca, nhạc họa, điện ảnh,… cũng là sản phẩm của sự sáng tạo, “sức mạnh tri thức”. Vốn tri thức đa diện ấy đã nâng tâm hồn ta lên, nhân đạo hóa con người để ta sống có trái tim, biết yêu chuộng cái đẹp, căm ghét cái xấu và hơn thế từ những gì được biết được đọc, ta có thêm năng lực tư duy và khát khao được tìm tòi, khám phá làm tăng thêm chất người và làm phong phú thêm cái Tôi cá thể của mỗi người.
Mỗi con người ta chỉ giống như một con kiến bé nhỏ nhưng nếu biết tích lũy góp nhặt tri thức như loài kiến kia thì sẽ có thêm ngày càng nhiều sức mạnh, vốn sống, vốn hiểu biết để đối mặt với những khó khăn, thử thách trong đời. Liệu có hành trang nào dành cho con người khi dấn thân vào cuộc sống khó khăn cần thiết hơn tri thức. Tri thức giúp chúng ta hoàn thiện mình, dũng cảm và tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Để làm giàu vốn tri thức của mình, con người có thể có rất nhiều môi trường để học tập: học không chỉ ở trường mà còn qua sách vở, thầy cô, bè bạn, cuộc sống. Một triết gia Hy Lạp cổ đại đã nói như sau: “Mỗi người tôi gặp đều có những điểm hay hơn tôi, đáng cho tôi học tập”. Thực tế cũng chứng minh, những người đạt đến đỉnh cao của vinh quang đều có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và nhu cầu cầu thị lớn. Những kẻ không chịu hiểu câu nói trên, cố tình lẩn tránh, coi việc tích lũy tri thức là thừa, vô dụng thì tất yếu sẽ nhận được hậu quả không mong muốn. Còn có những người mới học được chút ít tri thức đã tự coi là đủ, không chịu cố gắng hoặc chỉ chăm chăm học trong sách vở mà không chịu tìm tòi từ cuộc sống thì sớm muộn tri thức cũng rơi rớt, trở thành “ếch ngồi đáy giếng”, không thể là sức mạnh.
Nếu ai đã từng nghe đến khi báu của vua Solomon thì đều biết kho báu đó chính là sách và tri thức. Phải chăng vì thế mà Salomon trở thành vị vua thông thái nhất mọi thời đại, khiến hậu thế đều phải kính cẩn cúi đầu? “Tri thức là sức mạnh” là một lời khẳng định cũng là chân lý vĩnh hằng ngày càng được kiểm chứng chắc chắn theo thời gian.
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 4
Để tự tin vững bước trên con đường vào cuộc sống, hành trang quý giá nhất của chúng ta chính là tri thức. Đã có một nhà khoa học người Anh ở thế kỉ XVI – XVII tên là Phơ-răng-xít Bê-cơn phát biểu rằng: “Tri thức là sức mạnh”. Câu nói nổi tiếng của ông đã thôi thúc tôi tìm hiểu sức mạnh trong tri thức là gì và bây giờ chúng ta hãy khám phá xem sức mạnh bí mật ấy nhé!
Tri thức là những kiến thức, hiểu biết mà chúng ta tiếp thu được ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng tri thức không những tồn tại ở đó, nó còn bao gồm cả kinh nghiệm, bài học cuộc sống mà chúng ta tích lũy được khi trải qua một quá trình nào đó trong cuộc sống. Xét trên nhiều phương diện, trên mọi lĩnh vực của đời sống thì kiến thức là sức mạnh quan trọng nhất mà mỗi người cần trang bị cho mình như một vũ khí để chiến đấu trên mặt trận tri thức.
Để minh chứng cho việc xem tri thức là sức mạnh, chúng ta hãy lật lại những trang sử sách hào hùng của dân tộc Việt Nam. Từ một nước An Nam bé nhỏ trải qua một ngàn năm đô hộ dưới tay của giặc Tàu, gần một trăm năm bị áp bức, bóc lột bởi bọn thực dân Pháp, hai mươi mốt năm Mỹ thay chân cho Pháp. Nước ta đã đấu tranh giành lại độc lập bằng chính sức mạnh đoàn kết, bằng chính sức mạnh tri thức của toàn thể dân tộc Việt Nam. Và vị tướng chủ chốt nắm giữ toàn bộ sức mạnh tri thức không ai khác đó là vị tướng tài ba, sáng suốt của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ra đi với hai bàn tay trắng và trở về sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài, Người đã trang bị cho mình một kho tàng kiến thức để đưa dân tộc ta thoát khỏi ách đô hộ của bọn thực dân tàn ác. Người dân Việt Nam vẫn còn nhớ như in ngày mà Người đã tuyên bố hùng hồn trước toàn thể quốc dân và thế giới : “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Chính nhờ sự thông thái, hiểu biết sâu rộng của Người, đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi theo con đường ánh sáng của cách mạng và giành được độc lập, tự do. Đây là một minh chứng vàng cho câu nói: “Tri thức là sức mạnh”. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nói đến vấn đề thiếu hụt tri thức vẫn còn luôn tồn tại trong xã hội. Nếu một người thiếu tri thức, thiếu trang bị kĩ năng sống cho mình thì khi bước ra đời, họ sẽ bị thua thiệt về mọi mặt, mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Cho một ví dụ đơn giản như câu ngạn ngữ: “Ếch ngồi đáy giếng”. Nếu như con ếch suốt ngày chỉ ngồi dưới đáy giếng thì làm sao nó có thể biết được trên đáy giếng còn có bao nhiêu điều thú vị và tốt đẹp.
Tri thức là vốn hiểu biết không bao giờ cạn kiệt. Nó giúp chúng ta tự tin hơn trong giao tiếp, am hiểu về cuộc sống…Bản thân tôi luôn cố gắng rút ra những kinh nghiệm, những bài học quý giá từ sách vở, từ cuộc sống xung quanh mình. Vì tận sâu trong tôi luôn ghi nhớ rằng, đó chính là hành trang quan trọng nhất để tôi vững bước vào đời. Và tôi mong rằng các bạn cũng như thế, đừng bao giờ trì hoãn việc học dù chỉ là một giây!
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 5
Con người mạnh mẽ hơn các loài vật khác là bởi con người có trí tuệ. trí tuệ của con người được bồi dưỡng bởi tri thức. không có tri thức, trí tuệ con người không còn sức mạnh gì nữa. Bởi thế, bàn về vai trò của tri thức, Lênin đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức thì người đó có được sức mạnh”. Tri thức là một cái chúng ta học qua sách vở, lý thuyết đến thực hành, từ thầy cô, cha mẹ và tất cả những cái gì liên quan đến thực tế. Tri thức thì luôn có 2 dạng là ẩn và hiện. Tất cả hoặc hầu như con người chúng ta đều có dạng tri thức là hiện – ẩn. Sức mạnh là cái tác động đến chúng ta, và nó luôn ẩn chứa trong mình ở mức cao nhất. Ở đây là dành cho những người hiểu biết, có nhiều kiến thức, trải nghiệm trong cuộc sống. Bản thân bạn phải tự trang bị tri thức cho bản thân, nếu có nó thì bạn có được sức mạnh. Có tri thức thì bạn có thể tự tin trong công việc, trong giao tiếp và rất nhiều lĩnh vực. Có nó thì bạn cũng có thể tự giải quyết mọi việc cho thật đúng đắn, không sai cái gì. Điều đó khiến bạn càng được mọi người tôn trọng hơn. Nếu không có tri thức thì là một mối hiểm họa khôn lường. Mỗi người ai cũng có một cái điểm mạnh riêng, cho nên không thể lấy tri thức ra mà so sánh với nhau. Bạn cần hiểu giữa 2 mặt này của tri thức. Đừng lấy nó mà đem chê bai người khác trên mặt yếu. Chính bản thân bạn cũng cần phải học hỏi và tự cho mình một kiến thức nhất định. Siêng năng đọc sách, tự giác cao trong học tập, vận dụng nó một cách hiệu quả sẽ làm cho bạn có được tri thức ở mức cao nhất. Không phải tri thức và đạo đức tự nhiên mà có. Đây là hai khía cạnh được thể hiện ở tính cách cùng với con người của bạn, nó tồn tại song song với nhau và không thể thiếu một cái trong hai thứ ấy. Cho nên, bạn phải siêng năng học tập, dành thời gian cống hiến bản thân cho lao động thay vì hình thức. Nhờ như thế thì bạn mới có được hạnh phúc.
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 6
Trong bất kì xã hội hay thời kỳ nào thì vai trò của trí thức đều vô cùng quan trọng. Tri thức là một nhân tố vô cùng thiết yếu tạo nên sự giàu mạnh của một quốc gia, dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển. Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, tri thức thực sự ngày càng khẳng định được vai trò lớn của mình đối với đời sống con người.
Vậy tri thức là gì? Tri thức là khái niệm chỉ những hiểu biết về khoa học, văn học, lịch sử, đời sống xã hội mà con người chiếm lĩnh được. Là những hiểu biết của nhân loại được đúc kết quả hàng trăm thế kỷ phát triển từ thời xa xưa đến ngày nay. Vốn trí thức của nhân loại là vô bờ bến như những đại dương mênh mông nước, dồi dào sự sinh sôi và phát triển. Về chính trị, đối với mỗi quốc gia, nguồn nhân lực có tri thức dồi dào luôn là niềm tự hào và tạo nên sức mạnh lớn. Ngày xưa, cha ông ta đã có biết bao hào kiệt anh tài với tài ba thao lược, võ giỏi, văn hay. Bởi vậy mà ta lực lượng yếu vẫn thắng địch giành lại độc lập cho dân là nhờ vào trí, với mưu lược, vào những chiến thuật khôn ngoan của các vị minh quân biết nhìn xa trông rộng, hiểu thế thời, biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng.
Xã hội ngày nay, khi đất nước được thái bình, nền chính trị cần phải được xây dựng vững mạnh, quân đội phải được thao luyện, phải biết vạch ra những chiến lược lâu dài. Như vậy, đất nước cần có những người có tài năng và đức độ, hệ thống của nhà nước phải là những cán bộ cốt cán tài năng, có năng lực thực sự với nguồn tri thức và sức am hiểu lớn để lãnh đạo đất nước. Tức là những người tài năng nhất, giỏi giang nhất là những người có một tầm hiểu biết rộng, có vốn trí thức lớn để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, lo cho dân, lo cho nước.
Về kinh tế, tri thức giữ vai trò rất lớn, đặc biệt là trong nền kinh tế tri thức hòa chung trong sự phát triển cả thế giới. Tri thức trở thành một nguồn nhân tố quan trọng, chất xám trở thành ngưỡng năng lượng đưa đất nước đi lên, sánh vai với cường quốc năm châu. Các ngành công nghệ thông tin ngày càng phát triển thay thế cho những ngành công nghiệp nặng, lấy sức lao động của con người làm hàng hoá. Những nhân tài về công nghệ thông tin, những bằng sáng chế độc quyền hay những sáng chế khoa học thúc đẩy sự phát triển của khoa học sản xuất ra đời đều được sáng tạo nhờ tri thức trên những nguyên lý cơ bản nhất.
Đối với xã hội, văn hoá giáo dục, tri thức cũng góp tiếng nói của mình vào sự ổn định phát triển. Một đất nước có người dân đạt trình độ cao về trí thức thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ ít đi, mức sống của người dân được cải thiện hơn, con người được hạnh phúc hơn. Xã hội ổn định, không bị những tệ nạn ma túy hay vấn nạn cướp bóc, trộm cướp cũng được hạn chế hơn, nhờ vậy mà đất nước trở nên văn minh và giàu đẹp hơn. Tri thức càng được coi trọng thì nền giáo dục càng được chú trọng lên hàng đầu, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và cung cấp được cho đất nước những nhân tài đưa đất nước ngày càng lớn mạnh hơn, góp phần nâng cao vị thế trên thế giới.
Đối với mỗi người, tri thức lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Không có ai không học mà lại thành tài cả. Tất cả mỗi người muốn có cuộc sống đủ đầy, muốn nâng cao chất lượng đời sống và muốn sống có ích đều phải học tập. Bởi trí thức mang đến cho ta những hiểu biết thuộc bản chất của các hiện tượng đời sống, giúp ta tìm hiểu sâu về nguồn cội, về quá trình tiến hoá và cả những phát minh vĩ đại trên thế giới. Tri thức đưa ta đến những vùng trời mới của sư hiểu biết, thôi thúc ta khám phá , sáng tạo ra những cái mới cái hay. Tri thức giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, biết lựa chọn những tinh hoa để tiếp nhận, rời xa những xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen tầm thường trong cuộc sống, biết “gạn đục khơi trong”, biết yêu thương nhiều hơn. Tri thức còn là bản lề để mỗi người cố gắng cho tương lai, là nền móng vững chắc để phát triển trí tuệ và kỹ năng thực hành, là ngọn đèn soi sáng trong đêm tối, là hành trang dẫn lối ta vào đời.
Có thể thấy, thiếu tri thức là một lỗ hổng vô cùng lớn. Vậy mà, trên thực tế, ta vẫn thấy nhiều bạn trẻ chỉ mải mê ăn chơi, đua đòi mà không học hành. Một số bạn thì có lối suy nghĩ rằng không học vẫn có thể thành công, theo mình đây là một cách nghĩ sai lầm. Mọi con đường đi đến thành công đều thông qua học tập, không có học tập không có thành quả. Có lý thuyết vững chắc mới có thực hành, có học mới thành tài được. Vì vậy, chúng ta là những người trẻ, những hy vọng tương lai của nước nhà, cần hiểu được tầm quan trọng của trí thức, cố gắng học tập thật giỏi, trau dồi, rèn luyện cả đạo đức, tri thức và sức khỏe của bản thân mình để phát triển một cách toàn diện. Biết nuôi dưỡng lý tưởng cao đẹp, những ước mơ lớn lao, vượt khỏi những đam mê thông thường hay những nhỏ nhen ích kỷ, những khó khăn của thực tại đời sống để vươn lên học tập.
“Tri thức là sức mạnh”, hãy trau dồi tri thức để mang đến sức mạnh, lợi thế cho chính mình, cho quốc gia, dân tộc mình. Hãy là một vì sao lấp lánh tài năng, bản lĩnh và một trái tim đẹp.
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 7
Ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới, từ nơi khô cằn đến nơi tuyết phủ, từ trẻ nhỏ đến người già họ đều đang trên cuộc hành trình của tri thức bởi một lý do đơn giản: “ tri thức là sức mạnh”. Câu nói trên như một lời khẳng định tầm quan trọng của tri thức trong cuộc sống con người.
Vậy tri thức là gì? Tri thức trước hết là những kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau mà ta được lĩnh ngộ từ giảng đường. Nhưng không chỉ vậy, tri thức còn là kết quả của quá trình tích lũy những kinh nghiệm, hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Vậy vì sao, tri thức lại có mối quan hệ với sức mạng – một dạng năng lực của con người? Bởi nhờ có tri thức nhân loại mới có thể đánh bại kẻ thù tự nhiên và làm chủ cuộc sống; tri thức cũng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của nền văn minh nhân loại với sự ra đời của các loại máy móc. Trong chúng ta không ai mà không biết đến những nhà bác học như Einstein, Edison hay Steven Hawking… những con người vĩ đại sử dụng vốn tri thức của mình phục vụ cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt song hành và tri thức cũng vậy. Nếu tri thức là người bạn lớn lao song hành thì ngu đối lại là một bi kịch. Đáng buồn thay trong xã hội ngày nay nhiều người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của tri thức, họ chỉ coi việc học như một công cụ để tìm việc làm mà xem nhẹ việc học để có hiểu biết.
Tóm lại, “tri thức là sức mạnh” là một chân lý vĩnh hằng ngày càng được chứng minh bởi thời gian.
Nghị luận xã hội về tri thức là sức mạnh – Mẫu 8
Có một vị diễn giả từng nói rằng: “Trên đời không gì vĩ đại bằng con người, trong con người không gì vĩ đại bằng tri thức.” Chúng ta là con người, chúng ta được xếp vào nhóm động vật cấp cao trong mọi vật. Vì sao lại như thế? Vì ở con người có suy nghĩ, có tư duy, có nhận thức và đặc biệt là có thể tiếp nhận tri thức, những thứ mà không hề xuất hiện ở bất kì loại vật nào khác. Từ con vượn cổ hàng trăm triệu năm trước cho đến một thế giới loài người văn minh, phát triển như ngày hôm nay, đó là kết quả, là giá trị mà tri thức mang lại. Nhà khoa học người Anh Phơ-răng-xít Bê-cơn đã khẳng định: “ tri thức là sức mạnh.” Vậy tri thức là gì? Và vì sao con người cần phải có tri thức? Cho đến hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa nào về tri thức được chấp nhận. Thế nhưng ta có thể hiểu sơ lược như thế này: tri thức là những dữ kiện, thông tin, sự mô tả hay kĩ năng có được nhờ trải nghiệm hay thông qua giáo dục. Tri thức đã xuất hiện từ rất lâu và nó luôn tồn tại, phát triển song song cùng với con người. Từ một con vượn như hàng ngàn loài động vật khác, ta dần tích lũy kỹ năng, nhận thức để hái lượm rồi săn bắt, để tạo ra lửa rồi dao kéo. Từ việc thờ cúng thần sông, thần núi, ta đã biến nó trở thành những nhà máy thủy điện phục vụ cho đời sống con người. Nhờ sức mạnh của tri thức, nhân loại ngày nay đã có thể bay như loài chim, hô mưa gọi gió, đến những vùng đất xa xôi hay thậm chí là du hành ra vũ trụ, những điều mà khi xưa được xếp vào trong giả tưởng. Thế giới ngày càng phát triển, kho tàng tri thức ngày một dâng lên. Nếu không muốn là thành phần thụt lùi, nếu không muốn trở thành “vượn cổ” trong một thế giới văn minh, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài việc học, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Để từ đó có thể hòa nhập với thế giới. Hầu hết các quốc gia ngày nay đều hiểu rõ về giá trị của tri thức. “Đưa giáo dục lên hàng đầu” là khẩu hiệu của mỗi đất nước. Vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh từng nói: “ non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, đó là nhờ vào phần lớn công học tập của các cháu.” Giáo dục trong nhà trường là bước đầu tiên đưa con người tới gần hơn với tri thức, giúp con người hiểu rõ tầm quan trọng mà tri thức mang lại. Thực trạng hiện này, nhìn chung các học sinh sinh viên trên mọi miền đất nước đã có cài nhìn đúng đắn về giá trị của tri thức. Các bạn học với niềm say mê về tri thức nhân loại. Tích cực tìm tòi học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức, kĩ năng ở nhiều lĩnh vực. Một thế hệ học sinh sinh viên năng động, sáng tạo là hình ảnh chúng ta có thể thấy được ở các trường học hiện nay. Bên cạnh đó cũng không ít thanh thiếu niên có cái nhìn lệch lạc, đánh giá sai về sức mạnh của tri thức. Họ học hành chống đối, xem việc tích lũy tri thức là việc làm không cần thiết. Ngoài ra còn một số thành phần có cái nhìn hạn hẹp, đề cao giá trị đồng tiền mà quên đi tầm quan trọng mà học vấn mang lại. “Học để thi”, “ học để có tấm bằng đẹp”, “ học để có được một công việc nhàn hạ sau này” là những câu nói của không ít các bạn học sinh, thậm chí là một số thầy cô trong nhà trường. Chính vì thế mà khi ra trường, khi có được một công việc ổn định, họ đã quên đi tri thức, quên đi việc mình vẫn cần phải học, vẫn cần đọc và trau dồi kiến thức. Vì kiến thức là vô tận. Dừng việc học có nghĩa là chúng ta đã dừng phát triển bản thân. Dừng việc học có nghĩa là chúng ta đang thụt lùi so với vòng xoay của thế giới. Giá trị của tri thức là điều chúng ta không cần phải bàn cải. Tuy nhiên, tiếp nhận tri thức như thế nào và vận dụng chúng ra làm sao không phải bất kì một ai cũng biết. Đừng biến bản thân thành “ếch ngồi đáy giếng”, tự cao tự đại khi sở hữu được một phần tri thức nhỏ bé. Lĩnh hội tri thức là một chuyện, nhân biết và đưa nó vào đời sống lại là một hành trình khác. Khoảng cách xa nhất là khoảng cách từ bộ não đến cánh tay của mình. Hãy là một người thông thái, biết trau dồi kiến thức và rèn luyện chúng mỗi ngày. Chắc rằng tri thức sẽ tô vẽ lên cuộc sống của bạn nhiều điều thú vị. Bởi tri thức là sức mạnh nên hãy để sức mạnh đó đưa mỗi chúng ta ra xa hơn ranh giới của bản thân mình.