Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ, Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ là tài
Các em đang muốn làm văn mẫu lớp 11: Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ? Hãy tham khảo bộ sưu tập dưới đây được Tài Liệu Học Thi tổng hợp và đăng tải ngay sau đây.
Bộ sưu tập gồm nhiều bài văn hay sẽ giúp các em học sinh lớp 11 biết lập dàn ý khi làm văn, nắm được các nội dung trọng tâm tránh đi lạc đề. Hy vọng với tài liệu này quý thầy cô sẽ tiết kiệm thời gian khi tìm tài liệu tham khảo, các em có thêm nhiều ý tưởng khi viết văn. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải tại đây.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ
- 2 Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 1
- 3 Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 2
- 4 Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 3
- 5 Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 4
Dàn ý phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ
I. Mở bài:
Hàn Mạc Tử là nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, ông có rất nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng trong đó bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ như thế. Toàn bộ khung cảnh thiên nhiên, không gian thôn vĩ hiện lên khá phong phú và hấp dẫn.
II. Thân Bài:
+ Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ hiện lên khá sâu sắc, chi tiết và mang những cung bậc, cảm xúc nhẹ nhàng sâu lắng của nhân vật trữ tình.
+ Bài thơ đã mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm sâu sắc, mở đầu bài thơ là những câu hỏi mang những lời trách móc nhẹ nhàng của cô gái.
+ Bức tranh thiên nhiên hiện lên rõ nét qua đoạn thơ đầu, những ánh nắng của vẻ đẹp thiên nhiên, màu sắc tươi tắn cùng với những sắc thái nhẹ nhàng, sâu lắng của cảm xúc, tình cảm.
+ Buổi sáng của nắng sớm đã mang những cung bậc nhẹ nhàng, cảm xúc tươi và nắng mai nở rộ trong khung cảnh của thiên nhiên, hành câu, hàng trầu, đây là biểu tượng để nói về khung cảnh của thiên nhiên, đất trời, nhẹ nhàng và sâu lắng.
+ Thấy khung cảnh thiên nhiên, nhẹ nhàng, bức tranh thiên nhiên đẹp mơ mộng, với cảnh thiên nhiên của quê hương, của vườn cây, hoa lá.
+ So với khung cảnh đó, khung cảnh thiên nhiên ở nơi thôn vĩ tươi tắn, hòa với khung cảnh thiên nhiên, nhẹ nhàng, cùng với hình ảnh con người cùng với khuôn mặt phúc hậu, vuông chữ điền, duyên dáng…
+ Ngay trong khổ thơ đầu tác giả đã đem đến cho người đọc một bức tranh thiên nhiên rộng lớn, ở đó có con người, cảnh vật thiên nhiên, nhẹ nhàng, sâu lắng qua hình ảnh thầm kín, chi tiết gần gũi, thể hiện qua những khung cảnh của đất nước, của nơi thôn vĩ.
+ Cảnh vật và con người nơi đây nhẹ nhàng, khung cảnh thiên nhiên đều gợi hình, gợi nhiều cảm xúc và tạo nên những khắc khoải trong tâm hồn.
+ Cảnh vật thiên nhiên nhẹ nhàng, sâu lắng nhẹ nhàng trong tâm hồn con người.
III. Kết Luận:
+ Bức tranh thiên nhiên hiện lên nhẹ nhàng, tinh tế mang nhiều cảm xúc sâu lắng, cùng với khung cảnh tươi tắn, mang nhiều sắc thái cảm xúc riêng, mang những giá trị tinh tế, cùng với không gian thiên nhiên nhẹ nhàng, mang nhiều màu sắc.
Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 1
Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 16 tuổi, ông là một thiên tài mà tài năng được bộc lộ rất sớm. Hồn thơ ông vừa có những nét ma mị vừa có nét trong trẻo, tươi sáng, cho thấy một phong cách thơ đa dạng, phức tạp. Đây thôn Vĩ Dạ có thể coi là một trong những bài thơ hay nhất của ông, tác phẩm đã dựng lên khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, hiền hòa, mà cũng đầy cô đơn của một tâm hồn khát khao yêu thương, khát khao sống mãnh liệt.
Đây thôn Vĩ Dạ được mở đầu bằng bức tranh thật thơ, thật mộng với những đường nét lung linh, tươi sáng. Câu hỏi mở bài: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” như một lời trách móc nhẹ nhàng mà cũng đầy tình cảm dành cho Hàn Mặc Tử. Rồi để sau đó mở ra khung cảnh thôn Vĩ mơ mộng, đậm chất xứ Huế:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Không gian thật thân thuộc, gần gũi đối với bất cứ người Việt Nam nào. Những hàng cau chạy thẳng tắp, cao vút đón đợi cái nắng tinh khôi đầu tiên của ngày mới. Hai chữ nắng lặp lại trong câu thơ đem đến cho người đọc sự ấm áp, trong lành với thứ ánh sáng dịu nhẹ lan tỏa khắp không gian. Năng mới là thứ nắng vừa lên, không gay gắt, chói chang mà dịu nhẹ, tinh tế như chính tính cách của con người xứ Huế mơ mộng. Nắng ấy cũng đem đến cho ta cảm giác tươi mới, trong lành. Dịch chuyển điểm nhìn xuống dưới, cả một khung vườn, cả một viên ngọc khổng lồ hiện ra trước mặt. Sắc xanh phủ kín khắp nơi, cái nắng mới chiếu rọi xuống những hạt sương li ti, bé nhỏ tạo thành một viên ngọc khổng lồ mang màu xanh ngọc bích. Tuyệt vời và đẹp đẽ biết bao. Nếu câu thơ đầu đem đến cho người đọc sự thanh khiết, tươi mới thì câu thơ này lại đem đến cho chúng ta sự non tơ, mỡ màng. Chỉ với một từ “mướt” thôi cũng đã làm bừng dậy cả sức sống của muôn vàn cỏ cây. Kết hợp với biện pháp so sánh Hàn Mặc Tử đã hoàn chỉnh bức tranh thôn dã tràn đầy sức sống. Nhưng để bức tranh đó trở nên hoàn thiện hơn, ông cũng không quên điểm vào đó chân dung mờ ảo, hư thực của nét mặt chữ điền. Thật khó để có thể xác định được mặt chữ điền ở đây là ai, có thể là người con gái, có thể là người con trai ở thôn Vĩ. Chính tính mơ hồ đó đã làm câu thơ trở nên đa nghĩa, giàu giá trị hơn. Đồng thời khuôn mặt chữ điền cũng tạo nên sự hài hòa giữa cảnh vật và thiên nhiên. Đó là sự hài hòa tự nhiên, đậm chất Huế.
Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh tuyệt đẹp, trong sáng, tinh khiết, nhưng thoắt đã xuất hiện một bức tranh khác, bức tranh đẹp mà u buồn, cô đơn vào một đêm trăng trên sông:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Hai câu thơ đầu vẽ nên khung cảnh đượm buồn với sự xuất hiện của các sự vật: gió, mây, hoa bắp, sông. Khung cảnh rộng rãi, thoáng đãng nhưng lại ẩn chứa sự mơ hồ, xa xăm. Mọi sự vật đều chia lìa: Gió theo lối gió, mây theo lối mây, dường như giữa chúng không hề có một mối liên hệ nào với nhau. Nghệ thuật đối tài tình đã nhấn mạnh sự chia lìa, cũng như sự cách trở. Tưởng là gần nhau mà hóa ra lại là chia li muôn trùng. Dòng sông lặng lỡ trôi trong cái thinh lặng của buổi đêm, trong con mắt của thi nhân con sông trở nên “buồn thiu”, bâng khuâng, man mác buồn. Nhịp lay nhẹ, khẽ khàng của hoa bắp như càng làm nổi bật hơn sự hiu quạnh của cảnh vật, cũng như sự cô đơn trong chính lòng người. Ngoại cảnh chia lìa, tan tác càng xoáy sâu hơn vào tâm hồn của nhân vật trữ tình, ông tìm đến với trăng để bám víu. Trăng trong thơ Hàn Mặc tử là người bạn, người tri kỉ đối với ông:
Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa
Sương đẫm trăng lồng bóng thiết tha
Hay:
Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho trăng xuân tràn về say chới với
Trong bài thơ này, cả một sông trăng, thuyền trăng để cứu vớt nỗi cô đơn của ông: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”. Không gian ngập đầy ánh trăng vừa huyền ảo vừa ma mị như gợi nhắc về một quá khứ xa xôi, quá khứ tươi đẹp trước đây của ông. Nhưng lời thơ cất lên có gì đó như nghẹn lại, khắc khoải hơn, “thuyền ai” một câu hỏi vang ra mà không có hồi đáp, câu hỏi trở nên vô vọng. Và câu thơ sau chứa đựng đầy sự băn khoăn, liệu trăng có kịp trở về tối nay – một khoảng thời gian quá ngắn ngủi. Dường như ông đang chạy đua với thời gian để dành giật, để được sống. Hai câu thơ đã thể hiện khao khát gặp gỡ, niềm yêu cuộc sống cũng như nỗi niềm lo âu, khắc khoải về sự muộn màng, dở dang. Ở khổ thơ này thiên nhiên đã mờ dần, dường như không còn định hình được rõ ràng nữa, và sang đến khổ thơ cuối cùng ranh giới giữa các sự vật hiện tượng hoàn toàn không thể phân biệt được nữa: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà”. Mọi sắc thái đều được đẩy lên cực độ: trắng quá, mờ nhân ảnh. Khung cảnh dường như đi vào cõi mơ, cõi hư ảo chứ không còn là cõi thực nữa. Thế giới ở đây và thế giới ngoài kia nhòe mờ, khắc sâu nỗi cô đơn, tuyệt vọng được đẩy lên đến cực điểm của nhân vật trữ tình.
Bằng việc sự dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa,.. ngôn từ tinh tế, hàm súc, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh xứ Huế vừa đẹp đẽ, lung linh vừa huyền ảo, ma mị. Đằng sau bức tranh thiên nhiên đó là tình yêu cuộc sống mãnh liệt, nhưng rơi vào tuyệt vọng, sự bi kịch.
Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 2
Hàn Mạc Tử được biết đến là một nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt với phong cách “điên”, có đôi khi là vượt ra khỏi thế giới hiện thực, tràn ngập mộng mị. Tuy nhiên sáng tác của ông vẫn có những vần thơ về thiên nhiên mượt mà, đẹp tươi như rọi vào lòng người đọc xúc cảm mới. Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” là một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, thiên nhiên xứ Huế mộng mơ. Bức tranh ấy neo đậu trong lòng nhà thơ và neo lại trong lòng người đọc nhiều dư âm.
“Đây thôn Vỹ Dạ” là bài thơ được ghi sau một bức ảnh được gửi từ người con gái xứ Huế. Khi ấy Hàn Mạc Tử đang ở Quy Nhơn dưỡng bệnh. Nỗi nhớ mong, hoài niệm về con người và thiên nhiên xứ Huế, Hàn Mạc Tử đã viết bài thơ tuyệt đẹp này.
Thiên nhiên trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” dường như cũng mang nhiều gam màu, nhiều cung bậc lẫn lộn trong chính cảm xúc của nhà thơ.
Mở đầu bài thơ là lời trách móc nhẹ nhàng, tình tứ người “khách xa” sao lâu nay không về Huế chơi:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Tứ thơ thật đẹp, thật tinh tế và ẩn chứa nội dung sâu xa. Nỗi nhớ về Huế được tác giả gửi gắm qua lời trách yêu nhẹ nhàng này. Hàn Mạc Tử đã dẫn dụ người đọc khám phá một bức tranh xứ Huế nhiều nét đẹp riêng.
Sau lời trách móc ấy, một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, tràn đầy sức sống hiện ra:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọ
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Bức tranh thiên nhiên xứ Huế vào buổi sáng ban mai tinh khôi, trong lành. Ánh nắng đầu ngày luôn tinh khô, tràn đầy sức sống nhất. Dường như ánh nắng đang lên cao trên những hàng cau dài thẳng tắp. Từ “nắng” được lặp lại hai lần như nhấn mạnh bầu không khí trong lành nhất ở xứ Huế mộng và thơ. Một khu vườn hiện lên thật xinh xắn và tươi đẹp. “Vườn ai” phiếm chỉ một địa danh cụ thể nào đó nhưng tác giả ẩn ý không nói ra. Màu xanh “như ngọc” của khu vườn khiến cho bức tranh bừng lên sức sống. Không phải xanh non, xanh rì mà là “xanh mướt”. Từ “mướt” làm mềm cả câu thơ và khiến cho khung cảnh trở nên hiền dịu và nên thơ hơn
Đến câu thơ cuối dường như hình ảnh con người mới xuất hiện. Mặt chữ điền là khuôn mặt phú hậu, hiền lành của người con trai. Cây trúc biểu tượng cho chí trí nam chi. Có lẽ có “khách đường xa” nào đã ghé thăm xứ Huế, nhưng chỉ là ghé thăm một cách thầm lặng như vậy.
Qua ngôn ngữ điêu luyện, giọng văn nhẹ nhàng, Hàn Mạc Tử đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế nên thơ nhất. Tuy nhiên sang đến khổ thơ thứ hai thì dường như bức tranh thiên nhiên ở đây đã bắt đầu chuyển màu:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Có một sự chia ly, tan vỡ ở trong hai câu thơ. Mây và gió vốn chung đường nhưng trong thơ Hàn Mạc Tử lại chia lìa đôi ngả. Hình ảnh hoa bắp ven bờ sông hương lay nhẹ rơi rụng xuống mặt nước khiến người đọc liên tưởng đến sự nổi trôi, bấp bênh của một đời người. Thiên nhiên ở đây vẫn đẹp, nhưng đẹp mang nỗi buồn mênh mang và sâu thẳm.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Xứ Huế với một đêm nên thơ, tràn ngập ánh trăng nhưng dường như tác giả đang thấp thỏm, lo âu điều gì đó. Từ “kịp” khiến cho mạch thơ vỡ ra, vội vàng và gấp gáp hơn. Tác giả đang hỏi ai hay hỏi chính bản thân mình
Và đến khổ thơ cuối thì dường như thiên nhiên đã chuyển sang gam màu khác, mờ ảo, huyền diệu hơn:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ai biết tình ai có đậm đà
Một đêm trăng mờ ảo, sông nước mênh mông khiến tác giả có cảm giác như mọi thứ đang ở trong cõi hư không. Màu trắng bao trùm lấy khổ thơ cuối. Sự mộng mị của cảnh sông nước khiến cho tác giả thấy mình chới với, không có điểm tựa. Câu hỏi cuối cùng của bài thơ là một câu hỏi da diết và day dứt, nó như một điệp âm cứ thổn thức mãi trong lòng tác giả.
Bức tranh thiên nhiên của xứ Huế có sự chuyển biến qua ba khổ thơ theo hướng hư không, mờ ảo dần. Tuy nhiên người đọc vẫn nhận ra được sức sống tràn trề, nét đẹp tinh khôi của một bức tranh thiên nhiên ở Huế.
“Đây thôn Vỹ Dạ” là một bức tranh về xứ Huế vừa tươi đẹp, vừa mộng mơ, vừa huyền ảo khiến người đọc có cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 3
“Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời ngẫu nhiên trong một lần Hàn Mặc Tử nhận được bức thư của nàng thơ Hoàng Thị Kim Cúc xưa gửi cho thi sĩ trong những ngày cuối cùng của đời người bên giường bệnh. Bức thư kèm theo một bức ảnh chụp cảnh non nước mây trời xứ Huế. Quá khứ về những ngày ở Huế ùa về, Hàn Mặc Tử chợt xúc động và viết lên bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Có lẽ, đó là lí do bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ trong bài thơ lại đầy sắc, hương và tình đến thế.
Trong số các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, ít ai chịu nỗi đau đời nhiều như Hàn Mặc Tử. Cuộc đời Hàn bị ruồng bỏ nơi bãi bồi, chòi gác. Người chịu căn bệnh phong hành hạ thể xác tới cuối đời. Đưa nỗi đau vào các tác phẩm, Hàn Mặc Tử trở thành đỉnh cao thơ Mới với cái “tôi” hoàn toàn “loạn” và dị biệt. Tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” tiêu biểu cho cái tôi kì dị ấy. Thế nên mới có lời nhận xét thế này “Thơ Hàn Mặc Tử thường có bước cóc nhảy về ý, ý nọ cách ý kia một khoảng rất xa, thoạt nhìn tưởng đầu Ngô mình Sở…”. Chỉ riêng cách thể hiện bức tranh thiên nhiên trong bài thơ, ta đã thấy những điểm đó.
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được thể hiện tập trung chủ yếu trong hai khổ thơ đầu tiên. Hàn Mặc Tử đã khắc họa hai bức tranh với hai gam màu khác nhau, một tươi sáng đầy sức sống; một thấm đẫm lạc lõng, cô đơn, dự cảm bất an.
Trước hết, bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ đầy sức sống gợi về từ quá khứ tươi đẹp thời tuổi trẻ đầy niềm yêu sống và hoài bão của Hàn Mặc Tử những ngày ở Huế. Thuở đó, khi anh thi sĩ lắm mộng mơ phải lòng cô gái Huế Hoàng Thị Kim Cúc, tâm hồn người đang yêu khi nào chẳng phơi phới. Vậy nên Vĩ Dạ sống trong lòng nhà thơ mới tràn trề nhựa sống như thế:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc“
Vĩ Dạ nhiều cau. Những hàng cau xanh bát ngát của buổi sớm mai cộng hưởng ánh nắng vàng rực và sắc non tơ mơn mởn của vườn cây trái Vĩ Dạ sao mà khó quên đến thế. Mỗi sớm, mặt trời rọi ánh dương xuống xuyên qua kẽ lá cau dài đổ thành giàn đan xuống mặt đất. Những thân cau cao, thẳng, nhiều đốt. Nắng rọi xuống thân cau in bóng một cây thước khổng lồ đang cần mẫn đo đạc mực nắng. Ánh nắng chiếu xuống nhưng lại có sắc “mới lên”. Một câu thơ có tới hai từ nắng. Hàn Mặc Tử đã lấy màu nắng để gột rửa sắc xanh ánh lên màu ngọc bích. Có ai không yêu một Vĩ Dạ đầy sống động như thế. Sống động tới độ có gương mặt chữ điền nào đó cứ say đắm ngắm nghía quên mọi thời gian và không gian?
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay“
Bức tranh thiên nhiên bỗng “cóc nhảy” đến không gian trời mây sông nước với những tình cảm đứt gãy và chia lìa. Vừa mới vườn non tơ mơn mởn đây thôi mà giờ chỉ có nước “buồn”, hoa bắp cô liêu, “thuyền ai” bất định… Vừa mới đây thôi còn đằm đằm ấm ấm ánh mắt ai đó say đắm cảnh sớm mai. Nay bỗng chốc thấy bóng người đang chới với một “bến sông” mỏi mòn chờ “thuyền ai” đem ánh trăng hạnh phúc về. Bức tranh có sông, nước, hoa, thuyền, bến, trăng tràn đầy ấy sao chỉ có tiếng thở than thiu nghỉu, dự cảm không “kịp”.
Ngoài tiếng buồn thở than, ta thấy bức tranh như đang bị cắt rời, lìa bỏ nhau. Gió thổi mây bay. Thế mà gió “lối gió”, mây lại “đường mây”. Thuyền và bến luôn luôn đi liền với nhau. Thuyền cần bến đậu. Bến có thuyền mới là bến. Vậy mà thi sĩ không rõ thuyền ai, thuyền đâu. Một bức tranh chỉ thấy sự cô liêu và đứt gãy. Thế nhưng, có một điều chúng ta thừa hiểu rằng. Người càng lo sợ, càng bất an thì càng chứng tỏ tình yêu vô bờ bến với thiên nhiên Vĩ Dạ.
Tóm lại, Hàn Mặc Tử đã sử dụng nhiều nghệ thuật khác nhau để thể hiện bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ như sáng tạo ngôn từ, gieo vần, bắt âm, từ dùng giàu sắc thái, giọng thơ linh hoạt. Qua đó, nhà thơ nói lên tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu nặng, thiết tha.
Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 4
àn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt và có sức sáng tạo đặc biệt nhưng luôn quằn quại đau đớn vì một căn bệnh hiểm nghèo. Ông là tác giả tiêu biểu cho “trường phái thơ loạn” xa lạ với đời thực. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử cũng có những bài thơ thật tuyệt mĩ và trong trẻo lạ thường viết về thiên nhiên, đất nước và con người như Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín…
Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được ông viết khi nhận được bức ảnh chụp về phong cảnh Huế kèm theo mấy lời thăm hỏi của người bạn gái có tên là Hoàng Cúc. Những kỉ niệm về vùng đất và con người xứ Huế được sống lại trong bài thơ. Lúc này, ở Quy Nhơn ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bài thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ có thể là câu tự vấn. Từ anh có thể là đại từ nhân xưng được dùng ở ngôi thứ nhất, mang tính chất giãi bày, thể hiện niềm nuối tiếc. Nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Giọng thơ đượm buồn có pha chút ân hận.
Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai với cành lá mơn mởn ướt sương, ánh như ngọc được miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Rồi con người xuất hiện:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Khiến cho thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Thiên nhiên như được thổi thêm một luồng sinh khí, tạo nên nét đẹp hài hòa trong giá trị tạo hình. Ở đây, câu thơ vừa miêu tả khuôn mặt chữ điền vuông vức đầy đặn ẩn chứa bên trong cảm giác hiền lành đã bị trúc trong vườn che khuất (cảnh thực) vừa như nói đến một trở lực ngăn cách tình người.
Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền cũng đầy ắp ánh trăng. Nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn. Cách miêu tả thể hiện trạng thái ảo mộng của tâm hồn nhà thơ. Nếu như ở khổ thơ đầu, nỗi buồn chỉ lộ rõ ở một câu thì ở khổ thơ này, dường như nỗi buồn giăng trải ra ở khắp cả khổ thơ:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Câu thơ như xẻ ra làm hai diễn tả sự phân cách, li tán của thiên nhiên nhưng lại gợi ra sự chia ly của lòng người. Nó như lưỡi dao rạch vào nỗi đau của thân phận kẻ bị chia lìa.
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Nỗi buồn của thi nhân đã lan trải ra khắp không gian theo quy luật tâm lý người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Nguyễn Du).
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ nên không khí hư ảo. Tâm trạng mộng mơ của thi nhân dường như đã cảm nhận được tất cả: sông trăng, bến trăng, thuyền chở trăng. Khổ thơ cho thấy con người nhà thơ rất cô đơn, đang khao khát được ai đó chia sẻ, tâm sự. Có chở trăng về kịp tối nay là một câu hỏi vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hy vọng chờ đợi một cái gì đang rời xa, biết có khi nào quay trở lại.
Tiếp tục nối mạch thơ trên, khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực. Đối với thi nhân thì tất cả chỉ là sự cảm nhận.
Nhà thơ mơ thấy một khách đường xa, cảm nhận rõ một bóng hình người con gái Huế thơ mộng song không thể nắm bắt được, thoắt ẩn, thoắt hiện, áo em trắng quá nhìn không ra.
Sự hụt hẫng đến cao độ, nhà thơ muốn bấu víu, cầm nắm mà không được vì cảnh đầy màu hư ảo lẫn khói mây:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Bóng hình của giai nhân mờ ảo trong sương, nhưng cũng có thể đó là ẩn ý của người viết. Phải chăng đây là biểu tượng của cái “không đi đến đâu” trong tình yêu của Hàn Mặc Tử:
Ai biết tình ai có đậm đà?
Một câu hỏi không rõ ngôi thứ, không cần sự trả lời nhưng người đọc cũng hiểu được ý nghĩa của nó, vì những khổ thơ đầu của bài thơ đã xuất hiện những cụm đại từ vườn ai, thuyền ai và những câu hỏi như thế:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Có chở trăng về kịp tối nay?
Tâm trạng mong mỏi, khát khao bao nhiêu thì sự day dứt, buồn đau cũng tăng lên bấy nhiêu. Tóm lại, cảnh trong Đây thôn Vĩ Dạ là cảnh của vườn quê sông nước xứ Huế. Cảnh đẹp, giàu sức sống, thơ mộng nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết. Cảnh ấy như là sự thể hiện biện chứng tâm hồn của một nghệ sỹ tài hoa nhưng đa tình, đa cảm. Mỗi khổ thơ là một câu hỏi, như một nỗi buồn day dứt lòng người. Vì vậy âm hưởng chung của bài thơ là buồn nhưng không bi lụy.
Bài thơ thể hiện một tâm trạng rất thật của nhà thơ và một tình yêu xứ Huế thiết tha. Những chi tiết hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật, cấu tứ của bài thơ đều được Hàn Mặc Tử chuyên chở bằng chính tình cảm của mình.