Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích thái độ của Huấn Cao với người cai ngục trong Chữ người tử tù, Mời các bạn cùng tham khảo bài văn mẫu lớp 11:Phân tích thái độ của
Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu bài văn mẫu lớp 11: Phân tích thái độ của Huấn Cao với người cai ngục trong Chữ người tử tù, đây là tài liệu đã được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.
Nhờ vào thái độ của Huấn Cao và viên quan ngục thì Nguyễn Tuân đã cho chúng ta thấy được sự cao quý của một người thi sĩ cách mạng. Dưới đây là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 11: Phân tích thái độ của Huấn Cao với người cai ngục trong Chữ người tử tù, mời các bạn cùng tham khảo.
Xem Tắt
Dàn ý phân tích thái độ của Huấn Cao với người cai ngục
I. Mở bài:
– Giới thiệu vài nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm Chữ người tử tù: Tác giả với phong cách tài hoa uyên bác. Chữ người tử tù là một truyện ngắn đặc sắc trong Vang bóng một thời
– Khẳng định trong truyện ngắn này, nhân vật Huấn Cao và quản ngục là hai nhân trung tâm của tác phẩm.Thông qua thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục càng làm nổi bật nhân cách cao đẹp của họ
II. Thân bài:
1. Thái độ của Huấn Cao khi chưa biết quản ngục là “thanh âm trong trẻo”
a. Thái độ khi lần đầu tiếp xúc với quản ngục
– Giới thiệu hoàn cảnh gặp gỡ của hai nhân vật: Huấn Cao và quản ngục gặp nhau lân đầu tiên khi quản ngục tiếp nhận nhóm tử tù nguy hiểm, trong đó có Huấn Cao – thủ lĩnh
– Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông: “dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh một cái” và “lãnh đạm” không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải.
⇒ Đối với Huấn Cao, quản ngục và bọn lính áp giải chỉ là “một lũ tiểu nhân thị oai”. Cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ của bọn chúng nhưng ông vẫn tỏ ra “khinh bạc”. ⇒ Ông đứng đầu gông, ông vẫn mang hình dáng của một vị chủ soái, một vị lãnh đạo
⇒ khí phách, tiết tháo của nhà Nho
b. Thái độ trong đối với quản ngục trong những ngày biệt giam
– Trong những ngày biệt giam, mặc dù được quản ngục đối đãi rất mực tử tế, nhưng do Huấn Cao nghĩ quản ngục vẫn là một tay sai trung thành cho chế độ, không có tấm lòng lương thiện nên ông vẫn lạnh lùng với những hành động biệt đãi của quản ngục:
– Hành động biệt đãi của quản ngục:
+ Mong muốn: “Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại”
+ Sai người đem rượu và đồ nhắm đến cho Huấn Cao vì sợ trong buồng giam lạnh
+ Khép nép bày tỏ: Biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều
– Thái độ, hành động của Huấn Cao:
+ Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”
⇒ phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
+ Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì …vào đây”.
⇒ Không khuất phục trước cường quyền.
⇒ khí phách của một người anh hùng.
2. Thái độ của Huấn Cao thay đổi khi nhận ra quản ngục chính là “thanh âm trong trẻo”
– Khi biết tấm lòng”biệt nhỡn liên tài” của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ
⇒ Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.
– Cảnh cho chữ diễn ra thể hiện thái độ trân quý tấm lòng trong thiên hạ của Huấn Cao dành cho quản ngục
– Lời khuyên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn…”
⇒ Lời khuyên thể hiện thái độ trân trọng, lo lắng cho một nhân cách cao đẹp
– Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa … trong thiên hạ”
⇒ Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.
⇒ Huấn Cao là một anh hùng – nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.
III. Kết bài:
– Khẳng định thái độ của Huấn Cao đối với quản ngục kể cả khi ông chưa biết tấm lòng và nhân cách cao đẹp của quản ngục đến khi ông đã biết càng làm nổi bật vẻ đẹp của khí phách và thiên lương trong sáng của Huấn Cao
Phân tích thái độ của Huấn Cao với người cai ngục – Mẫu 1
Nguyễn Tuân một trong những gương mặt tiêu biểu, độc đáo nhất của văn học lãng mạn. Trước cách mạng ông tìm về quá khứ của một thời chỉ còn vang bóng với những thú vui hết sức tao nhã: ăn kẹo mạch nha, uống trà thưởng trăng,… và một trong những thú vui đó chính là chơi chữ. Thú vui này đã được tái hiện đầy đủ trong tác phẩm Chữ người tử tù. Nhưng tác phẩm không chỉ đơn thuần là sự tái hiện nét chữ cuối cùng của người tử tù Huấn Cao mà đó còn là hành trình nhận thức, để trân trọng tấm lòng biệt nhỡn của quản ngục.
Mang trong mình hùng tâm, tráng trí chọc trời khuấy nước, Huấn Cao nổi loạn chống lại triều đình, nhưng khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt giam chờ ngày xử án. Trong quãng thời gian chờ ngày xử án ông đã gặp viên quản ngục. Lần giáp mặt đầu tiên giữa Huấn Cao với quản ngục, Huấn Cao tỏ ra vô cùng khinh bạc. Khi đứng trước viên quản ngục, ông cùng các đồng chí của mình vẫn rỗ gông “đánh uỳnh một cái” không thèm để ý đến những lời dọa nạt của bọn lính quản ngục. Cuộc đời ông tung hoành ngang dọc, chọc trời quấy nước, đến cái chết chém ông còn không sợ thì sao có thể run rẩy trước lời thị uy, ra oai, trước những ngón đòn tiểu nhân của chúng được.
Những ngày sau đó, Huấn Cao vẫn tự nhiên nhận những đồ ăn, thức uống mà quản ngục biệt đãi riêng cho mình, nhưng ông vẫn dửng dưng, không hề vồn vã: “Suốt nửa tháng, ở trong buồng tối, ông Huấn Cao vẫn thấy một người thơ lại gầy gò, đem rượu đến cho mình uống trước giờ ăn bữa cơm tù với một thái độ cực kì lễ phép” “Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, lúc chưa bị giam cầm”. Ngày viên quản ngục đến gặp Huấn Cao, quản ngục đem những lời lẽ chân thành ngợi ca ông và hỏi ông cần gì để mình chu tất hơn, đáp lại sự ân cần đó, Huấn Cao chỉ đáp lại một cách trịch thượng: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều: là nhà người đừng đặt chân vào đây”. Đó là thái độ bất cần, không hoảng sợ trước uy lực của quyền thế. Dù quản ngục có biệt đãi như vậy hay hơn thế nữa, thì nhất quyết Huấn Cao cũng không vì thế mà đánh mất phẩm chất, khí phách của bản thân.
Nhưng thái độ của ông đã thay đổi hẳn khi biết tâm nguyện cao đẹp, đáng trân trọng của viên quản ngục. Trước những lời tường thuật hết sức chân thành của thầy thơ lại, Huấn Cao đã hiểu hết cả sự biệt đãi riêng mà quản ngục dành cho mình cũng như cho những người bạn của mình, cái thái độ khúm núm khi lần trước vào diện kiến ông, sự lễ phép và những món đồ biệt đãi vẫn mang vào bình thường như trước. Thì ra không phải quản ngục muốn khai thác thêm thông tin gì từ ông, mà thực chất quản ngục khâm phục tài năng và ý chí của mình mà làm như vậy. Ông đã hiểu tất cả tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục với mình. Và đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Về bảo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ” “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm long trong thiên hạ”. Huấn Cao cảm động thực sự trước tấm lòng biết yêu cái đẹp và quý trọng người tài của quản ngục. Trong câu nói đó vừa là sự trân trọng đối với quản ngục, vừa chứa cả sự ân hận, tự trách về thái độ kinh bạc của mình đối với quản ngục trước đây.
Ngay trong đêm đó, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có diễn ra nơi ngục tù tối tăm, ẩm thấp. Trong buồng giam chật hẹp, dưới ánh sáng tỏa ra từ bó đuốc rực sáng cùng tấm lụa trắng còn nguyên vẹn lần hồ, cả ba cái đầu chụm vào để chiêm ngưỡng khoảnh khắc cái đẹp được hình thành. Từng nét chữ Huấn Cao viết ra thể hiện chí tung hoành ngang dọc của một đời người. Từng chữ được viết xong, quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đi, thầy thơ lại run run bưng chậu mực. Quá trình tạo tác cái đẹp hoàn thành, Huấn Cao đỡ quản ngục dậy và căn dặn: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người… Tôi bảo thực đấy: Thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Quản ngục cảm động, hai hàng nước mắt chảy ra và chắp tay vái người tù một vái: “kẻ mê muội này xin bãi lĩnh”. Cái đẹp, cái thiên lương có sức cảm hóa phi thường, nó giúp con người nhận ra chân lí, lẽ phải, giúp người ra đi đúng hướng.
Phân tích thái độ của Huấn Cao với người cai ngục – Mẫu 2
“Chữ người tử tù” là tác phẩm nổi tiếng được in trong tập “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân sáng tác trước cách mạng tháng Tám, thể hiện sâu sắc cho quan niệm của ông về cái đẹp. Huấn Cao là nhân vật làm nên cái đẹp lí tưởng của người hùng tài hoa, có thiên lương trong sáng. Qua sự chuyển biến thái độ của Huấn Cao với viên quản ngục trước lạnh lùng, khinh bạc sau quý mến, trân trọng càng làm cho người đọc hiểu sâu hơn vẻ đẹp tâm hồn người nghệ sĩ tài ba cũng như tấm lòng của viên quan coi ngục.
Huấn Cao là một người anh hùng chọc trời khuấy nước lại có tài viết chữ rất đẹp nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn. Ngay từ đầu tác phẩm Huấn Cao đã hiện lên với những phẩm chất đáng quý qua cuộc đối thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại. Ông Huấn chưa hiểu biết về viên quản ngục mà chỉ có viên quan ngục biết và khâm phục tài năng của ông. Vua quan triều đình coi ông là một tên tội phạm cực kì nguy hiểm, dám cầm đầu “quân phiến loạn” chống lại triều đình. Có lẽ viên quan coi ngục đã sớm nghe danh người tài nên khi ông Huấn được đưa đến trại giam của mình thì có thái độ ưu ái khác thường. Ngày ngày viên quản ngục sai thầy thơ lại đem rượu thịt xuống nhà giam biệt đãi ông Huấn và những người bạn tù.Trước tấm lòng ấy Huấn Cao có những thái độ khác nhau ở mỗi thời điểm cho ta hiểu thêm nhân cách thanh cao của người tử tù.
Thái độ Huấn Cao trong những ngày đầu khi chưa thực sự hiểu được hành động của viên quản ngục thì hoàn toàn dửng dưng thậm chí là khinh bỉ, coi thường. Ông Huấn vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, vẫn ăn uống bình thường thật hiếm có một người tù nào có thể ung dung ăn uống trước khi chết như ông. Đến một ngày đích thân viên quả ngục mang rượu thịt xuống với thái độ rất cung kính, lễ độ và xin hỏi ông có cần thêm gì không thì Huấn Cao coi thường và lạnh lùng đáp: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.” Đó chính là thái độ bất cần của người hùng khi cái chết không còn là điều đáng sợ. Ông luôn hiên ngang khí phách, không bao giờ chịu khuất phục trước quyền lực và quyền uy. “Ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục. Đến cái cảnh chết chém ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này”. Huấn Cao đã chuẩn bị tinh thần cho tất cả mọi chuyện thường xảy ra trong chốn lao tù nhưng không giống như ông nghĩ viên quản ngục không hề có bất cứ một hành động nào y chỉ lễ phép lui ra với một câu: “Xin lĩnh ý” rồi từ hôm ấy rượu thịt vẫn được đưa đến như mọi ngày. Chính thái độ ấy, việc làm ấy của quan ngục khiến cho Huấn Cao băn khoăn không hiểu vì sao “viên quản ngục muốn dò đến bí mật của ta, nhưng không phải vì ông đã khai bên ti Niết cả rồi”. Như vậy không chỉ coi thường khinh bạc với quản ngục mà ông còn phải băn khoăn, suy nghĩ, để tâm để hành động biệt tài, ưu ái của viên quản ngục. Thái độ ấy hoàn toàn hợp lí bởi Huấn Cao chưa hề hiểu về quản ngục hơn nữa giữa hai con người ấy lại có một hố sâu ngăn cách bởi một bên là tử tù chống lại triều đình còn một bên là viên quản ngục người đại diện cho quyền lực nhà nước, nên ông Huấn phải đề phòng những mánh khóe, thủ đoạn tiểu nhân thâm độc mà ông đã biết. Thái độ ấy không làm cho viên quản ngục tức giận, nổi nóng mà càng trân trọng, khâm phục người tài hơn bởi ông thừa hiểu người như ông Huấn “Những người chọc trời khuấy nước đến trên đầu người ta, người ta cũng chưa còn biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù”
Vì là một người tử tù nên việc sớm muộn cũng bị giải ra pháp trường, sở nguyện của viên quản ngục là xin được chữ ông Huấn vẫn chưa thành nên ông lo lắng cho một ngày mai ông Huấn bị chém đầu thì thật đáng tiếc vô cùng, cả một đời ông sẽ phải hối hận. Thái độ của Huấn Cao bị đẩy lên một tình huống kịch tính khi “Một buổi chiều lạnh, viên quan coi ngục tái nhợt người đi sau khi đọc công văn”. Sáng sớm tinh mơ ngày mai ông Huấn sẽ bị giải đi nên quan coi ngục buộc phải dãi bày tâm sự, mong muốn của mình cho thầy thơ lại. Hắn hiểu chuyện nên đã đem nỗi lòng ấy kể lại cho người tử tù mong ông có thể hiểu cho tấm lòng say mê cái đẹp, quý trọng người tài của viên quản ngục. Ông Huấn đã thay đổi thái độ từ lạnh lùng bất cần đến mỉm cười hòa dịu, từ coi thường đến coi trọng, quý mến. Huấn Cao quyết định cho chữ_đây là một việc làm hiếm có trong đời, ông Huấn chỉ cho chữ ba lần là ba người bạn thân. Ông cảm động trước tấm lòng biệt tài, biết thưởng thức và quý trọng cái đẹp của viên quản ngục nên trong câu nói “Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” có chút ân hận và sự tự trách bản thân về thái độ và sự hiểu lầm của bản thân trước đó đối với viên quan coi ngục.
Trong đêm hôm ấy một cảnh tượng cho chữ xưa nay chưa từng có đã diễn ra tại nhà giam, trong căn phòng chật hẹp, tăm tối và bẩn thỉu tương phản hoàn toàn với nét chữ thanh cao được viết ra bởi một tâm hồn thăng hoa của con người có thiên lương trong sáng. Huấn Cao và viên quản ngục giờ đây là những người bạn tri âm, tri kỉ trên lĩnh vực nghệ thuật. Một người có tài sáng tạo ra cái đẹp, còn một người biết trân trọng, thưởng thức yêu quý cái đẹp nên bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng chỉ mong có được chữ Huấn Cao. Cũng bởi yêu mến tính cách quản ngục mà ông Huấn đã dành cho ông ta lời khuyên chân thành về nhân cách làm người có thiên lương cao đẹp “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi…Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Trước câu nói ấy viên quản ngục nhận ra vấn đề và “cảm động vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Như vậy thái độ Huấn Cao đối với viên quản ngục được chuyển hướng tích cực điều đó là vô cùng hợp lí với tính cách, con người ông Huấn. Khi chưa hiểu được tấm lòng cao đẹp của quan ngục thì khinh thường bởi ông không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền, khi đã thấu nhân cách ấy khiến cho ông cảm động và quý trọng vô cùng. Qua sự thay đổi thái độ đó có ý nghĩa quan trọng với tác phẩm. Tác giả cho ta hiểu sâu hơn về phẩm chất của Huấn Cao không chỉ là một người hùng hiên ngang, bất khuất mà còn là một người tài hoa tài tử lại mang trong mình thiên lương trong sáng. Mặt khác cũng làm nổi bật lên con người của viên quản ngục rất biết nhìn người, quý trọng người tài và say mê, khao khát thưởng thức cái đẹp. Đúng như Nguyễn Tuân đã nhận xét về ông “âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Cả hai con người ấy đều rất đáng quý, đáng trọng và hiếm có ở trong một xã hội tàn khốc, vùi dập cái tài cái đẹp lúc bấy giờ. Nguyễn Tuân thật tài ba khi đã đặt hai con người ấy cạnh nhau để cùng hô ứng, bổ sung cho nhau để làm sáng ngời cái đẹp trong cuộc đời.
Phân tích thái độ của Huấn Cao với người cai ngục – Mẫu 3
Nguyễn Tuân, nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp đã bao lần chẳng quản ngại đến những vùng đất xa xôi, quay về “lục xới” cả một thời vang bóng để ghi lại những cảnh đẹp, người đẹp của đất nước mình. Trước Cách mạng tháng Tám – 1945 của thế kỉ trước, ông có mang trong mình chút u uất, chút ngông, chút tàn dư của thời đại cũ để “xê dịch” và khắc họa nên chân dung những con người tài hoa bất đắc chí. Trong đó phải kể đến Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù, tuýp nhân vật như thế được Nguyễn Tuân đưa lên trang sách của mình với bao niềm ngưỡng vọng, tiếc nuối và đầy ấn tượng. Một trong những điều ấy, phải kể đến cái cách Huấn Cao đối xử vô cùng đặc biệt với viên quản ngục. Đó còn được gọi là thái độ “bất thường” của một kẻ tử tù với một tên cai tù mà người đọc khó có thể quên.
Nhà văn Nguyễn Tuân xây dựng cốt truyện Chữ người tử tù dựa trên một tình huống đầy éo le, kỳ lạ. Đó là cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Huấn Cao và viên quản ngục trong nhà tù phong kiến. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chỉ nhìn nhận Huấn Cao – một kẻ cầm đầu phiến quân phản loạn chống lại triều đình, đã bị bắt và chờ ngày hành quyết và viên quản ngục – người đại diện cho bộ máy chính quyền chuyên chế của triều đình phong kiến lúc bấy giờ, tiếp nhận cai quản Huấn Cao và đồng phạm. Một kẻ tử tù, một người cai tù, hai địa vị, hai chiến tuyến hoàn toàn đối lập. Huấn Cao phải hoàn toàn phục tùng theo mệnh lệnh của viên cai ngục, bởi quyền sinh, quyền sát, mạng sống của ông Huấn đang nằm trong tay ông ta. Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như ý thông thường vậy. Khốn đốn thay, cái tên tử tù ấy lại là ông Huấn – người có tài viết chữ đẹp nổi tiếng cả một vùng tỉnh Sơn mà viên quản ngục bấy lâu nay vẫn ngưỡng mộ, vẫn ao ước có được chữ của ông Huấn để treo, thì coi như có được báu vật ở trên đời. Thật trớ trêu, ông Huấn ấy lại ở ngay cạnh mình, “dưới quyền” mình mà chẳng thể nào xin nổi chữ. Và chỉ khi tiếng gọi của cái đẹp cất lên, hai con người ấy mới xích lại gần nhau, xóa nhòa khoảng cách. Bởi vậy, cả thiên truyện là “cuộc rượt đuổi” đầy kịch tính của viên quản ngục và Huấn Cao. Mà ở đó, sự chuyển biến trong thái độ của ông Huấn đối với viên quản ngục là yếu tố quan trọng làm nên sự li kì cho tình huống truyện và độ kịch tính, hấp dẫn của cuộc gặp gỡ này.
Ngay từ khi Huấn Cao chưa xuất hiện trực tiếp, mới chỉ là cái tên trên phiến trát về sáu tên tử tù mà viên coi ngục nhận được, đã tỏ ra là một người có khí chất, tài năng, không hề dễ dàng để viên quản ngục tiếp cận. Ông Huấn không chỉ nổi tiếng viết chữ đẹp, mà còn có tài bẻ khóa vượt ngục. Ở đây cốt cách phi phàm của ông Huấn khiến “kẻ mê muội” coi ngục này không thể suy nghĩ đến cách “trị tù nhân” như thông lệ thường ngày. Ông ta đã băn khoăn, đã “khổ sở” nghĩ thế nào để “biệt đãi” ông Huấn cho “phải phép”. Điều đó có nghĩa là viên coi ngục đã hiểu tính cách, bản lĩnh của Huấn và muốn thực hiện được ước mơ thì chỉ còn cách phải xem chừng thái độ ông Huấn.
Đúng như những suy tính của viên quản ngục, ông Huấn xuất hiện chẳng giống như bao tên tử tù, phạm nhân khác. Kẻ chọc trời khuấy nước ấy chẳng sợ đến ai, thì cái nhà tù bé nhỏ và một tốp quân lính canh chừng này có đáng gì. Ông Huấn bước vào nhà lao với một thái độ hiên ngang, hùng dũng. Chẳng màng gì đến những tên lính áp giải tới mỉa mai, cũng không hề quan tâm đến vẻ mặt và cách nhận tù “hiền lành” trái hẳn ngày thường của viên quản ngục. Ông Huấn lạnh lùng dỗ mũi gông nặng xuống sàn đánh một cái, rồi sừng sững khiến cánh cửa đề lao phải mở rộng. Thái độ ấy là biểu hiện của sức mạnh, khí phách anh hùng, của một người khát vọng đổi thay đất nước. Điều đó tiếp tục là lời dự báo cho một thái độ sẽ hoàn toàn coi khinh đối với viên quản ngục của Huấn Cao.
Và đúng là mọi sự diễn ra như những gì viên quản ngục dự tính. Ông Huấn cùng cộng sự đã nhận được sự biệt đãi đặc biệt từ ngục quan nhưng không hề hay biết lý do. Ông Huấn cũng chẳng buồn muốn biết lý do mà cứ thản nhiên nhận rượu thịt và coi đó là là cái hứng lúc bình sinh ông vẫn làm. Nhưng cũng không phải vì thế mà ông không băn khoăn. Ông cũng hoài nghi về ý đồ của ngục quan trong sự việc này. Hắn ta muốn điều gì từ ông? Khai cái gì thì ông cũng khai hết ở bên kia rồi. Và dù có lý do gì chăng nữa ông cũng không thể chấp nhận một kẻ luôn sống trong sự cặn bã, lọc lừa và bị coi là lũ quay quắt. Bởi thế câu trả lời dứt khoát đến sắc lạnh“Ta chỉ có một mong muốn là nhà người đừng bao giờ đặt chân vào đây nữa” của ông đã bộc lộ thái độ khinh bỉ ngục quan ở mức độ cao nhất. Chính bản thân viên quản ngục cũng chẳng dám sai lời. Cứ thế, họ cứ ở hai đầu xa cách, dù ngục quan muốn đến đâu không thể tiến sát đến gần ông Huấn được. Còn Huấn Cao tính tình vốn “khoảnh” và hoàn toàn không muốn có bất cứ điều gì liên quan đến ngục quan.
Cuộc gặp gỡ bởi vậy mà càng ngày càng éo le, trắc trở và đi vào bế tắc. Nếu cứ tiếp diễn, chẳng bao lâu sau Huấn Cao bị hành quyết, viên quản ngục không bao giờ có cơ hội để thực hiện mong ước xin chữ của mình. Liệu Huấn Cao có thay đổi thái độ với viên quản ngục? Bao nhiêu lời tâm sự, ngục quan đành chia sẻ với thầy thơ lại – nhân vật được coi là sợi dây kết nối hai con người đối lập lại. Trong hoàn cảnh gấp gáp của thời gian, ông Huấn chỉ còn đêm nay, ngày mai là phải ra pháp trường. Viên quản ngục chỉ còn cách trông chờ vào thầy thơ lại. Rồi người đọc mang theo cảm xúc vỡ òa khi Huấn Cao nói lại: Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Chỉ bởi một chữ tấm lòng ông Huấn đã hoàn toàn đổ gục và thay đổi cái nhìn của mình đối với viên quản ngục. Hóa ra ông ta như là một thanh âm trong trẻo chen lẫn giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ. Hóa ra ông ta là một thứ gì đó thuần khiết, tinh khôi giữa đống cặn bã và lũ quay quắt. Huấn Cao đã chẳng ngần ngại mà “trả nghĩa” tấm lòng biệt nhỡn liên tài hiếm có ấy.
……………
Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!