Soạn bài Ở lại với chiến khu trang 13, Soạn bài Ở lại với chiến khu trang 13 giúp các em dễ dàng chuẩn bị trước 5 câu hỏi bài tập đọc Ở lại với chiến khu trong SGK
Soạn bài Ở lại với chiến khu trang 13 giúp các em dễ dàng chuẩn bị trước 5 câu hỏi bài tập đọc Ở lại với chiến khu trong SGK Tiếng Việt 3 tập hai, cũng như hiểu hơn được ý nghĩa của bài tập đọc lớp 3 tuần 20 để chuẩn bị thật tốt bài trước khi tới lớp nhé.
Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo, nhanh chóng soạn giáo án bài tập đọc Ở lại với chiến khu cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Tài Liệu Học Thi nhé:
Xem Tắt
Tập đọc Ở lại với chiến khu
Bài đọc
Ở lại với chiến khu
1. Trung đoàn trưởng bước vào lán, nhìn cả đội một lượt. Cặp mắt ông ánh lên vẻ trìu mến, dịu dàng. Ông ngồi yên lặng một lúc lâu, rồi lên tiếng:
– Các em ạ, hoàn cảnh chiến khu lúc này rất gian khổ. Mai đây chắc còn gian khổ, thiếu thốn hơn. Các em khó lòng chịu nổi. Nếu em nào muốn trở về sống với gia đình thì trung đoàn cho các em về. Các em thấy thế nào?
2. Trước ý kiến đột ngột của chỉ huy, bọn trẻ lặng đi. Tự nhiên ai cũng thấy cổ họng mình nghẹn lại.
Lượm tới gần đống lửa, giọng em run lên:
– Em xin được ở lại. Em thà chết trên chiến khu còn hơn về ở chung, ở lộn với tụi Tây, tụi Việt gian…
Cả đội nhao nhao:
– Chúng em xin ở lại.
Mừng nói như van lơn:
– Chúng em còn nhỏ, chưa làm được chi nhiều thì trung đoàn cho chúng em ăn ít cũng được. Đừng bắt chúng em phải về, tội chúng em lắm, anh nờ…
3. Trước những lời van xin thơ ngây mà thống thiết, van xin được chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ nhỏ tuổi làm cho trung đoàn trưởng rơi nước mắt.
Ông ôm Mừng vào lòng, nói:
– Nếu các em đều xin ở lại, anh sẽ về báo cáo với Ban chỉ huy.
4. Bỗng một em cất tiếng hát, cả đội đồng thanh hát theo:
“Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi, ra đi, thà chết không lui…”
Tiếng hát bay lượn trên mặt suốt, tràn qua lớp lớp cây rừng, bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối, làm cho lòng người chỉ huy ấm hẳn lên.
Theo PHÙNG QUÁN
Từ khó
- Trung đoàn trưởng: người chỉ huy trung đoàn (đơn vị bộ đội tương đối lớn)
- Lán: nhà dựng tạm, sơ sài, thường bằng tre nứa.
- Tây: ở đây chỉ thực dân Pháp.
- Việt gian: người Việt Nam làm tay sai cho giặc.
- Thống thiết: tha thiết, cảm động
- Vệ quốc quân (Vệ quốc đoàn): tên của quân đội ta sau Cách mạng tháng Tám và trong thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Bảo tồn: bảo vệ và gìn giữ lâu dài.
Hướng dẫn đọc
- Đọc trôi chảy toàn bài. Đọc đúng các từ ngữ: một lượt, yên lặng, trìu mến, gian khổ.
- Ngắt nghỉ hơi đúng sau các dấu câu, giữa các cụm từ.
- Biết đọc phân biệt giọng kể chuyện, giọng người chỉ huy và các chiến sĩ nhỏ tuổi.
Hướng dẫn giải phần Tập đọc SGK Tiếng Việt 3 tập 2 trang 14
Câu 1
Trung đoàn trưởng đến gặp các chiến sĩ nhỏ tuổi để làm gì?
Trả lời:
Trung đoàn trưởng đến gặp các chiến sĩ nhỏ tuổi thông báo ý kiến của trung đoàn, cho các chiến sĩ nhỏ tuổi trở về sống với gia đình vì cuộc sống ở chiến khu còn nhiều gian khổ, khó khăn, thiếu thốn.
Câu 2
Vì sao nghe ông nói, “ai cũng thấy cổ họng mình nghẹn lại”?
Trả lời:
Vì các em nhỏ bị bất ngờ, xúc động khi mình phải rời xa chiến khu, không được tham gia chiến đấu vì Tổ quốc mà phải trở về với gia đình.
Câu 3
Vì sao Lượm và các bạn không muốn về nhà?
Trả lời:
Lượm và các bạn khác đều không muốn về nhà vì tất cả đều sẵn sàng chịu đựng gian khổ, sẵn sàng chịu đói khát để ở lại sống chết với chiến khu chứ không muốn sống chung với bọn Việt gian, bọn Tây.
Câu 4
Lời nói của Mừng có gì cảm động?
Trả lời:
Mừng nói lời ngây thơ và rất thật lòng. Em xin trung đoàn trưởng cho các em ăn ít đi, nhưng đừng bắt phải trở về. Đó là những lời nói xuất phát từ lòng yêu nước và căm thù giặc của em.
Câu 5
Tìm hình ảnh so sánh ở cuối bài.
Trả lời:
Hình ảnh so sánh ở cuối bài là: “Tiếng hát bay lượn trên mặt suối, tràn qua lớp cây rừng, bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối.”
Ý nghĩa bài Ở lại với chiến khu
Ca ngợi tinh thần yêu nước căm thù giặc, không quản ngại gian khổ của các chiến sĩ nhỏ tuổi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.