Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức, Mời các thầy cô và các bạn cùng tham khảo bài văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức, đây là tài liệu giúp
Để giúp cho các bạn học sinh có thêm thật nhiều hành trang bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, hôm nay Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến các bạn tài liệu bài văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức.
Tài liệu này bao gồm dàn ý chi tiết và 7 bài văn mẫu suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức, hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn có thêm nhiều cách làm văn nghị luận xã hội lớp 12 của mình hơn. Sau đây, chúng tôi xin mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức
- 2 Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 1
- 3 Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 2
- 4 Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 3
- 5 Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 4
- 6 Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 5
- 7 Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 6
- 8 Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 7
Dàn ý suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức
I. Mở bài:
– Tài và đức là hai khái niệm có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, một cá thể muốn thành công trong cuộc sống nhất thiết phải có cả tài và đức.
– “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thiết nghĩ đó là lời dạy thấm thía và biểu đạt thật chính xác mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cái tài và cái đức trong mỗi một con người.
II. Thân bài:
* Khái niệm tài và đức:
– Tài được hiểu là tài năng, năng khiếu, thế mạnh của con người trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Đó là khả năng tìm tòi, khai thác, sáng tạo hoặc làm một công việc nào đó đạt đến trình độ mà khó có ai có thể làm được, đó là phạm trù năng lực riêng biệt của từng cá nhân.
– Đức là viết tắt của từ đạo đức, thể hiện khía cạnh nhân phẩm, tư cách, thái độ sống, tâm hồn của một con người trong xã hội, được hình thành trong quá trình sống, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
* Biểu hiện:
– Cái tài của con người biểu hiện ở khả năng tư duy, sáng tạo, làm ra những điều tốt đẹp, những phát minh có tầm quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội.
– Người có đức thể hiện ở tâm hồn trong sáng, suy nghĩ tích cực, luôn hướng đến lợi ích chung của xã hội, tấm lòng nhân hậu lương thiện, một người vì mọi người, luôn sống đúng với những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Không có những suy nghĩ xấu xa, trục lợi, tâm địa ích kỷ,…
– Một ví dụ sáng rõ về con người vừa có tài lại có đức đó là Hồ Chí Minh. Trong xã hội hiện đại không thiếu người tài đức, đó là các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu để cho ra những thành tựu vĩ đại, cống hiến cho nhân loại, đó là những vị bác sĩ tài năng đang ngày đêm cứu chữa cho bệnh nhân, là những nhà giáo tâm huyết, ngày ngày truyền dạy kiến thức, sáng tạo ra những bài giảng hấp dẫn cho học sinh của mình,…
* Mối quan hệ giữa tài và đức:
– Tài năng và đạo đức là hai khái niệm song hành và có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau.
– Người có tài nhưng không có đức thì dễ có suy nghĩ lệch lạc, hướng đi sai trái gây hại cho xã hội,
– Người có đức nhưng không có tài thì khó có thể có những cống hiến có ích, xây dựng và phát triển đất nước.
=> Nếu chúng ta có thể dung hòa và phát triển một cách đồng đều cả tài và đức thì sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc cống hiến và hành động vì xã hội. Đồng thời người vừa có tài lại vừa có đức luôn khiến người khác phải ngưỡng mộ, trân trọng, yêu quý.
* Bài học:
– Nhận thức được tầm quan trọng của tài và đức, mỗi học sinh chúng ta cần có ý thức rèn luyện đồng đều cả tài năng và đạo đức bằng việc chăm chỉ tham gia học tập, thường xuyên tư duy, suy nghĩ, sáng tạo và phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực.
– Tu dưỡng đạo đức, sống chân thành hòa nhập, yêu thương con người, có tấm lòng lương thiện, bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
III. Kết bài:
– Tài và đức là nhân tố chính làm nên nhân cách của một công dân trong xã hội mới, xã hội của sự phát triển, với những biến đổi liên tục.
– Nếu con người không ý thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân, rèn luyện những tư cách phẩm chất thích hợp, dung hòa giữa tài và đức thì sẽ rất khó để tồn tại và cống hiến cho đất nước ngày một giàu đẹp.
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” để ta có thể thấy rằng mối quan hệ tài đức là vô cùng quan trọng. Và để trở thành công dân có ích đòi hỏi cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong số đó có sự kết hợp của cả tài và đức.
Thật vậy, lời nói của Bác thì luôn luôn giản dị, nhưng ý tưởng của Bác lại vô cùng sâu sắc, không thể nghe qua mà hiểu ngay được. Chúng ta sẽ tìm hiểu từng phần một rồi sẽ tìm hiểu căn cứ sâu xa của lời khuyên này.
Tài là trình độ, năng lực, khả năng sáng tạo cũng như nắm bắt tình huống giỏi và biết cách xử lý khéo. Tuy nhiên tài năng không chỉ là năng khiếu bẩm sinh, nó còn là kết hợp của nhiều yếu tố năng khiếu, sự cần cù trong học tập, sự rèn luyện chăm chỉ trong cuộc sống và lao động. Tài biểu hiện cả trong lao động trí óc, lao động chân tay và và các ngành nghệ thuật.
Đức là phẩm chất và nhân cách của con người. Đức là kết quả của nhiều yếu tố: bản chất, môi trường sinh sống, môi trường học tập, sự dạy dỗ, hướng phát triển từ gia đình, nhà trường, xã hội. Và đặc biệt là sự tự tu dưỡng bản thân. Đức biểu hiện trong suy nghĩ, lời nói, hành động của con người và trở thành một lẽ sống đẹp.
Tài và đức thể hiện vẻ đẹp nhân cách con người, cũng là hai yếu tố cơ bản làm nên thành công của một con người.
Một người có tài năng trong một lĩnh vực nào đó có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, có năng lực làm tốt nhiều công việc trong cùng một lúc, làm việc một cách chỉnh chu và khoa học, nhạy bén với các vấn đề có liên quan và có khả năng giải quyết tốt nếu có sự việc nào đó phát sinh. Tài năng giúp cuộc sống của người phát triển tiến bộ một cách nhanh chóng.
Người có đức có thể hiểu chung là người có tấm lòng thiên lương trong sáng, luôn nghĩ cho người khác, luôn giúp đỡ người khác, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Những người như vậy sẽ luôn hướng đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Đức giúp con người sống tốt, có lí tưởng cao cả, có lẽ sống cao đẹp, là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn. Phẩm chất đạo đức giúp mối quan hệ giữa người và người tốt đẹp hơn, cuộc sống có chất lượng hơn.
Những người tài đức vẹn toàn thật sự là những người có phẩm chất tốt đẹp và có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội. Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp là những tấm gương sáng điển hình về tài và đức giúp nhân dân Việt Nam ta giành lại quyền độc lập qua bao nhiêu gian khổ. Nhà nông học Lương Định Của cũng là một tấm gương như thế. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã gắn bó với người nông dân và đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho ngành công nghiệp nước nhà, nghiên cứu và lai tạo được nhiều giống cây trồng có năng suất cao.
Tài và đức có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tài là kỹ năng, đức là phẩm chất. Rèn luyện được tài và đức là điều kiện cần và đủ cho lý tưởng phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn. Đặc biệt, cần có sự dung hòa giữa hai yếu tố này vì có tài mà không có đức sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, thiếu sự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Người có tài mà không biết đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước, tài mà chỉ biết thu vén cho lợi ích cá nhân thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà vô đạo đức thậm chí sẽ gây ra nhiều tác hại xấu cho bản thân và cộng đồng khi họ tài năng, thong minh và có thể giải quyết được mọi chuyện một cách dễ dàng. Ví dụ như những những lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quản lý nhà nước hoặc doanh nghiệp rất có tài nhưng lại tham ô tư lợi thì cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng xấu cho cộng đồng.
Người có đức thường được mọi người kính mến, quý trọng, nhưng có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành nhiệm vụ, kết quả đạt được nhiều khi không được như mong đợi, ví dụ như cán bộ có tư chất đạo đức tốt nhưng lại kém năng lực trong cách nắm bắt, xử trí công việc hay không hiểu thấu đáo am tường nghiệp vụ chuyên môn thì sẽ kéo theo sự thụt lùi trong cơ cấu chung mà anh ta quản lý.
Như vậy có thể thấy được con người nếu thiếu một trong hai giá trị trên đều là người không trọn vẹn. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến.
Cách nói giản dị và cụ thể trong lời khuyên của Bác giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức và tài trong quá trình hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của một con người. Trong hai yếu tố ấy thì “đức” là gốc, là yếu tố quan trọng hàng đầu. “Tài” là biểu hiện cụ thể của “đức”, không có khái niệm đạo đức chung chung, tách rời hiệu quả việc làm. Giá trị của một con người là những đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa tài và đức, bản thân mỗi chúng ta phải biết trau dồi, rèn luyện bản thân cả về trình độ, năng lực và phẩm chất để thật sự trở thành người lao động toàn diện, có ích cho đất nước.
Có quyết tâm phấn đấu, rèn luyện bản thân trở thành người thật sự có tài, có đức góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 2
Tài và đức là hai khái niệm có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, một cá thể muốn thành công trong cuộc sống nhất thiết phải có cả tài và đức, thiếu một trong hai rất khó có thể làm nên chuyện. Như lời Hồ Chủ tịch đã từng dạy trong một buổi nói chuyện với học sinh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thiết nghĩ đó là lời dạy thấm thía và biểu đạt thật chính xác mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cái tài và cái đức trong mỗi một con người.
Bàn về khái niệm tài và đức, “tài” được hiểu là tài năng, năng khiếu hay thế mạnh của con người trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Đó là khả năng tìm tòi, khai thác, sáng tạo hoặc làm một công việc nào đó đạt đến trình độ mà khó có ai có thể làm được, là phạm trù năng lực riêng biệt của từng cá nhân. Và đặc biệt không phải ai cũng có thể có cái tài đó, mặc dù phần lớn cái tài của mỗi cá nhân là dựa vào sự nỗ lực cố gắng, trau dồi từng ngày. Còn khái niệm đức, đức là viết tắt của từ đạo đức, thể hiện khía cạnh nhân phẩm, tư cách, thái độ sống, tâm hồn của một con người trong xã hội, được hình thành trong quá trình sống, sự giáo dục từ gia đinh, nhà trường và xã hội. Cả hai yếu tố tài và đức hợp lại làm nên vẻ đẹp toàn diện của một con người, người vừa có tài lại có đức thực sự rất hiếm và rất được trân trọng vì đây sẽ là những cá nhân có nhiều cống hiến cho nhân loại cho xã hội.
Cái tài của con người biểu hiện ở khả năng tư duy, sáng tạo, làm ra những điều tốt đẹp, những phát minh có tầm quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội. Người có tài đối với lĩnh vực mà mình am hiểu, không chỉ dừng lại ở việc làm tốt, mà còn phát triển, sáng tạo, tìm ra những cái mới, hoàn thành công việc ở mức điêu luyện, tài hoa tựa như một người nghệ sĩ. Người có tài, có những suy nghĩ và cách tư duy khác hẳn so với người thường, điều người thường thấy chỉ có một thì người tài đã nhìn ra mười, thậm chí là một trăm, thêm nữa họ không ưa thích những gì đã cũ kỹ nhàm chán, mà lại mong muốn tìm ra được những cái mới có ích hơn, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc lặp đi lặp lại những cái đã có sẵn. Còn người có đức, có đạo đức thể hiện ở tâm hồn trong sáng, suy nghĩ tích cực, luôn hướng đến lợi ích chung của xã hội, tấm lòng nhân hậu lương thiện, một người vì mọi người, luôn sống đúng với những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Không có những suy nghĩ xấu xa, trục lợi, tâm địa ích kỷ,… Người có tài và đức mà tôi ngưỡng mộ nhất chính là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong xã hội hiện đại cũng có không ít những tấm gương tiêu biểu về con người hội tụ cả hai yếu tố tài và đức, đó là các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu để cho ra những thành tựu vĩ đại, cống hiến cho nhân loại, đó là những vị bác sĩ tài năng đang ngày đêm cứu chữa cho bệnh nhân mà chẳng màng đến sức khỏe của bản thân, là những nhà giáo tâm huyết, ngày ngày truyền dạy kiến thức, sáng tạo ra những bài giảng hấp dẫn cho học sinh của mình,… Dù là trong bất kỳ lĩnh vực nào thì người hội tụ cả hai yếu tố tài và đức đều đem đến cho nhân loại những cống hiến tốt đẹp, không kể đó là cống hiến to hay nhỏ, được mọi người biết đến hay không.
Tài năng và đạo đức là hai khái niệm song hành và có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau. Một con người chỉ có một trong hai khái niệm này thì cho dù có thực sự tuyệt vời trong mặt còn lại cũng vẫn cứ mãi là một sự khuyết thiếu đáng tiếc. Vì đơn giản họ khó có thể đem lại những cống hiến thực sự có ích cho xã hội. Nếu một người chỉ chú trọng vào việc tôn tạo, rèn luyện cái tài năng của mình sao cho thật xuất chúng, nhưng lại quên mất bồi dưỡng cả các giá trị đạo đức, thì lâu dần họ sẽ dễ có những suy nghĩ lệch lạc. Đó là sự ích kỷ, chỉ muốn giữ lại cái tài năng của mình, không muốn chia sẻ cho xã hội hoặc nghiêm trọng hơn cả họ sẽ lợi dụng cái tài năng của mình làm ra những việc gây hại cho tập thể cộng đồng. Ngược lại một con người rèn luyện rất tốt đạo đức, có tấm lòng lương thiện, bác ái, muốn giúp đỡ muốn cống hiến cho xã hội. Nhưng ngặt cái họ không có được tài năng, thì dù tấm lòng có khao khát, muốn làm việc có ích cho xã hội cũng trở nên xa vời, là lực bất tòng tâm, như vậy xem ra cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi người ta không thể chỉ dùng lời nói, mà còn phải dùng hành động thực tế để chứng minh sự có ích của mình đối với sự phát triển của xã hội.
Nếu chúng ta có thể dung hòa và phát triển một cách đồng đều cả tài và đức thì sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc cống hiến và hành động vì xã hội, vì sự phát triển đi lên của dân tộc của đất nước. Đồng thời người vừa có tài lại vừa có đức luôn khiến người khác phải ngưỡng mộ, trân trọng, yêu quý, nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của những người xung quanh, từ đó cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn cả. Nhận thức được tầm quan trọng của tài và đức mỗi học sinh chúng ta cần có ý thức rèn luyện đồng đều cả tài năng và đạo đức bằng việc chăm chỉ tham gia học tập, thường xuyên tư duy, suy nghĩ, sáng tạo và phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực. Song song đó là ý thức tu dưỡng đạo đức, sống chân thành hòa nhập, yêu thương con người, có tấm lòng lương thiện, bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Tài và đức không còn là những khái niệm xa lạ, mà nó là nhân tố chính làm nên nhân cách của một công dân trong xã hội mới, xã hội của sự phát triển, với những biến đổi liên tục. Nếu con người còn không ý thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân, rèn luyện những tư cách phẩm chất thích hợp, dung hòa giữa tài và đức thì sẽ rất khó để tồn tại và cống hiến cho đất nước ngày một giàu đẹp.
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 3
Tài và đức là những nhân tố, phẩm chất quan trọng làm nên giá trị của một con người. Nhấn mạnh đến vai trò song hành của tài và đức, bác Hồ vĩ đại của chúng ta từng nói “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Là một người công dân trong xã hội hiện đại, bên cạnh khẳng định tài năng, mỗi người cần có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.
“Tài” ở đây là tài năng, trình độ, khả năng thích nghi và ứng biến đối với cuộc sống đời thường. “Đức” là đạo đức, giá trị, phẩm chất nhân cách của con người. Tài và đức là biểu hiện của vẻ đẹp tài năng và nhân cách trong cùng một con người, chỉ khi có cả tài và đức con người mới có thể thực sự hoàn thiện, khẳng định được giá trị của bản thân đối với xã hội.
“Tài” được thể hiện qua khả năng nhận thức, đánh giá và xử lý những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống. Người có tài sẽ có khả năng làm tốt nhiều việc, tuy nhiên tài năng ấy chỉ thực sự ý nghĩa và được xã hội công nhận nếu nó phục vụ cho những mục đích chính đáng. Khi tài phục vụ cho mục đích xấu lại trở thành hiểm họa cho xã hội, bởi khi ấy tài không đi liền với đức. Không ai có thể phủ nhận tài năng hơn người của trùm phát xít Hitler nhưng những hành động mang tính hủy diệt của hắn lại khiến cả nhân loại ghê sợ.
Đức là đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có đạo đức sẽ luôn biết sống đúng chuẩn mực đạo lí, sống bằng tình thương và sự đồng cảm sẻ chia. Người có đức sẽ luôn lấy đại cục làm trọng, không vì lợi ích của bản thân mà làm ra những việc trái đạo lý, gây hại cho người khác, cho xã hội.
Khi kết hợp được tài và đức, con người có thể làm nên những công việc to lớn được người người kính trọng, biết ơn. Đó là những nhà khoa học lừng danh như Newton, Anhxtanh…đó là những vĩ nhân của thế giới, những con người có tài, có đức khi dùng tài năng của mình phục vụ cho văn minh của nhân loại.
Tài và đức có quan hệ khăng khít không thể tách rời, nếu thiếu một trong hai con người sẽ trở nên thiếu toàn diện và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nếu có tài mà không có đức sẽ dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ, hành động, khi ấy con người sẽ đặt lợi ích, tham vọng của mình lên trên hết mà không quan tâm đến lợi ích và an nguy của người khác.
Tuy nhiên, nếu có đức mà không có tài con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi ấy con người muốn phát triển bản thân hay đóng góp cho xã hội đều hết sức khó khăn. Để có sự phát triển toàn diện nhất, bên cạnh việc học tập, phát triển tài năng còn cần rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.
Chỉ khi giải quyết được mối quan hệ giữa tài và đức chúng ta mới thực sự có cuộc sống ý nghĩa. Vì vậy hãy cố gắng rèn luyện từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn nhé!
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 4
Để trở thành một con người có ích đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong số đó có sự kết hợp của cả tài và đức. Đó là hai yếu tố cơ bản làm nên sự thành công của một con người, đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu rèn luyện của thế hệ trẻ. Tài là nói tới trình độ, năng lực và khả năng sáng tạo của con người. Tài là kết quả của nhiều yếu tố: năng khiếu bẩm sinh, sự cần cù trong học tập, sự chăm chỉ rèn luyện trong lao động và cuộc sống. Người có tài có khả năng hoàn thành công việc một cách tốt nhất và sáng tạo, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn, tình huống phức tạp. Tài được biểu hiện cả trong lao động chân tay và lao động trí óc. Do vậy, người có tài thường được giao cho nhiều trọng trách công việc quan trọng. Còn đức là nói tới phẩm chất và nhân cách của con người. Đức cũng là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: bản thân thiên phú, môi trường sinh sống, học tập trong gia đình, nhà trường xã hội, công phu trau dồi, tu dưỡng bản thân. Đức biểu hiện ở lời nói, cử chỉ, hành động của con người. Người có đức biết tôn trọng và bảo vệ chân lý, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể.
Tài và đức là hai mặt quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người. Vì tài năng giúp con người có tầm nhìn chiến lược, khả năng phán đoán, suy luận về hiện thực để có kế hoạch phù hợp, khả năng thực hiện công việc một cách khoa học, hiệu quả, khả năng giải quyết vấn đề… Tài năng giúp cuộc sống của người phát triển tiến bộ một cách nhanh chóng. Đức giúp con người sống tốt, có lí tưởng cao cả, có lẽ sống cao đẹp, là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn. Phẩm chất đạo đức giúp mối quan hệ giữa người và người tốt đẹp hơn, cuộc sống có chất lượng hơn. Những người tài đức vẹn toàn thật sự là những người có phẩm chất tốt đẹp và có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội. Nhà nông học Lương Định Của là một tấm gương như thế. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông được công nhận là bác sĩ nông học. Đây là học vị cao nhất của ngành nông học Nhật Bản, kể từ thời Minh Trị thiên hoàng, và ông là người thứ 96 trên toàn nước Nhật giành được học vị này. Mặc dù được chính phủ Nhật Bản đãi ngộ nhưng với tấm lòng của một người con đất Việt, ông đã tình nguyện trở về phục vụ nên nông nghiệp của quê nhà ngay trong những năm tháng khó khăn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Trong quá trình sống và làm việc, ông đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho ngành công nghiệp nước nhà, nghiên cứu và lai tạo được nhiều giống cây trồng có năng suất cao. Không chỉ miệt mài nghiên cứu mà ông luôn cố gắng hòa mình vào cuộc sống và công việc trực tiếp của người nông dân vì ông hiểu rằng phải trực tiếp lội ruộng, giăng cấy, bón phân, có trực tiếp hiểu hết những nỗi nhọc nhằn của người nông dân mới có thể toàn tâm toàn ý với công việc. Với cái tài và cái đức của mình, Lương Định Của đã trở thành nhà khoa học của người nông dân.
Tài và đức có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhau. Nếu chỉ chú trọng đến tài mà không quan tâm đến đức sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, thiếu sự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Người có tài mà không biết đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà chỉ nhằm thu vén lợi ích cá nhân, phản bội tổ quốc, đi ngược lại lợi ích nhân dân thì người đó cũng trở thành vô dụng, thậm chí là có tội. Người có tài mà không có đức thường kiêu căng hợm hĩnh, thậm chí xảo quyệt, gian ngoa và dễ trở thành kẻ xấu xa; dẫn đến những suy nghĩ và hành động gây tác hại cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Người có tài mà vô đạo đức bao nhiêu thì tác hại đối với xã hội càng lớn lao bấy nhiêu. Một cán bộ nhà nước, tổ chức và quản lý giỏi nhưng lại tư túi, tham ô, hối lộ thì thiệt hại lớn cho tài sản xã hội chủ nghĩa. Một học sinh có khả năng học tập tốt nhưng vô kỷ luật, đạo đức kém thì trước sau gì cũng hư hỏng, không thể nào là một tấm gương sáng cho các bạn trong lớp noi theo.
Tuy nhiên nếu chỉ lo phấn đấu, tu dưỡng đức mà không quan tâm đến việc nâng cao trình độ, năng lực và khả năng sáng tạo của bản thân thì cũng không thể có nhiều đóng góp tốt cho cộng đồng và xã hội. Đó là vì ngày nay, công việc hàng ngày đòi hỏi con người phải có kiến thức chuyên môn, phải thông minh, nhạy bén, nhận định công việc để nhanh chóng giải quyết có hiệu quả nhất, không có tài nhất định không làm được, công việc tất yếu sẽ đình trệ, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống. Người có đức thường được mọi người kính mến, quý trọng; nhưng có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành nhiệm vụ, khó đạt kết quả cao trong công việc. Chẳng hạn như một công nhân có tác phong đạo đức tốt nhưng kỹ thuật, nghiệp vụ không am tường, thấu đáo thì dẫn tới năng suất công việc thụt lùi. Cũng vậy, một học sinh hạnh kiểm tốt nhưng học kém thì làm sao thể hiện được sự ảnh hưởng của mình đến với các bạn khác được.
Đức và tài đều cần thiết với mỗi con người, làm nên giá trị con người. Con người nếu thiếu một trong hai giá trị trên đều là người không trọn vẹn. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc là người luôn quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách cho thế hệ trẻ. Trong một lần nói chuyện với cán bộ, học sinh, sinh viên, Bác đã ân cần khuyên dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Cách nói giản dị và cụ thể trong lời khuyên của Bác giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức và tài trong quá trình hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của một con người. Trong hai yếu tố ấy thì “đức” là gốc, là yếu tố quan trọng hàng đầu. “Tài” là biểu hiện cụ thể của “đức”, không có khái niệm đạo đức chung chung, tách rời hiệu quả việc làm. Giá trị của một con người là những đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó cần phê phán những kẻ có tài mà hợm hình, kiêu căng, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc những người có đức nhưng tài năng, năng lực còn kém cỏi mà không chịu học tập, phấn đấu. Đức và tài đều là kết quả của nhiều yếu tố. Nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tài và đức đều không phát triển được và có thể trở nên mai một.
Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa tài và đức, bản thân mỗi chúng ta phải biết trau dồi, rèn luyện bản thân cả về trình độ, năng lực và phẩm chất để thật sự trở thành người lao động toàn diện, có ích cho đất nước.
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 5
Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Chính vì vậy, để trở thành người có ích cho xã hội, chúng ta cần phải có những phẩm chất nào? Có trí tuệ siêu việt hay phải có đạo đức tuyệt vời cao cả? Đó chính là câu hỏi lớn giữa tài và đức được đặt ra cho mỗi người chúng ta.
Tài là có kiến thức, có kĩ năng để hoàn thành tốt mọi công việc dù tình huống có phức tạp đến đâu. Tài còn do năng khiếu bẩm sinh, sự cần cù, chăm chỉ trong học tập của bản thân. Đức chính là đạo đức, là nhân cách của một con người, là thái độ kiên quyết đấu tranh với những sai lầm tiêu cực trong xã hội và còn là khát vọng của chân, thiện, mỹ. Đức được biểu hiện trong suy nghĩ, lời nói và cả hành động của con người để trở thành một lẽ sống đẹp. Về tấm gương đạo đức, Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một người tiêu biểu. Cả đời Bác hi sinh cho hạnh phúc ấm no của nhân dân mà quên bản thân mình. Xung quanh chúng ta, có biết bao những tấm gương sáng về đức hi sinh của các anh chiến sĩ bộ đội, công an dũng cảm diệt gian trừ ác.
Tài và đức đều là phẩm chất tốt đẹp của con người. Nhưng có tài mà không có đức há chẳng phải vô dụng sao? Thật đáng chê trách cho những kẻ có tài mà tiếp tay cho kẻ ác, làm những việc trái đạo lý thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Có thể rằng họ sẽ được nhiều người nể phục trước tài năng của mình, nhưng rồi chính điều đó sẽ dễ khiến họ trở nên kiêu căng, và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.Cũng như một cán bộ giỏi nhưng tham ô, nhận hối lộ thì sẽ gây hậu quả lớn cho Nhà nước. Hay đơn giản một học sinh giỏi nhưng vô kỷ luật thì khó trở thành một con người tốt, một người có ích cho xã hội sau này.
Và ngược lại, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Nếu có đức, nhưng không có kiến thức thì mọi ý định dù tốt cũng khó thành hiện thực. Cũng giống như một học sinh đạt hạnh kiểm tốt, nhưng học lực kém thì cũng khó có thể giỏi được. Chính vì vậy, tài và đức có một mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời, giúp ta trở thành một con người toàn diện. Đức còn là nền tảng giúp cho tài bay cao vững chắc.
Cũng như Bác Hồ cũng đã từng cho rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có đức có tài là người cao quý, là hiền tài, là vốn quý của quốc gia”. Nhưng trong ý kiến của Bác đức được đặt lên hàng đầu, là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì thế thiếu đức con người trở thành vô dụng, thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó.
Với nhiệm vụ xây dựng đất nước phát triển chúng ta cần phải trở thành những con người có tài chính là có óc sáng tạo, có kiến thức và trở thành những con người có đức chính là những người có lòng yêu nước, yêu người, phấn đấu vì tương lai của nước nhà. Để trở thành một người hữu ích, là những mầm non tươi sáng của đất nước, bản thân em sẽ không ngừng học tập thật tốt, và cố gắng tu dưỡng đạo đức, luôn là một người con ngoan, trò giỏi. Có như thế mới trở thành con người như Bác Hồ từng mong ước.
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 6
Trong cuộc sống của chúng ta thì cái tài rất quan trọng đặc biệt là xã hội hiện đại ngày nay. Những người có tài thì luôn thành đạt và phát triển. Cuộc sống hiện đại biết bao nhiêu điều mà cần phải có tài mới có thể lam được, những người có tài ấy giống như người hiền tài, là nhân tố để phát triển quyết định đến vận mệnh đất nước. Thế nhưng có tài thôi chưa đủ, cái mà ai nhắc đến tài cũng nghĩ đến đó là cái đức. Hồ Chí Minh thường nói “ có tài mà không có đức là vô dụng”. có thể thấy cái tài và cái đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vậy tài và đức là gì?
Tài là khả năng của con người về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó trong xã hội. Người có tài là người có khả năng làm tốt một việc hoặc nhiều việc.Công việc ấy phải làm được nó và làm thật đẹp thật tốt thì mới gọi được là tài. Ví dụ như một người thợ mộc được cho là tài khi chạm trổ được những hình phượng rồng, kim quý có hồn mềm mại và đẹp. Hay một cô giáo được coi là tài khi kiến thức về bộ môn mình dạy có nhiều và biết cách truyền đạt cho học sinh hiểu bài. Còn có những con người biết nhiều, làm tốt được nhiều công việc thì người đó là người đa tài, tức là có nhiều khả năng để làm tốt nhiều việc. ví dụ cho người đa tài phải nói đến Hồ Chí Minh, Bác không chỉ tìm được ra con đường cứu nước đúng đắn sáng suốt mà còn là một nhà thơ hay để lại nhiều tác phẩm cho đời. bác không những biết tiếng mẹ đẻ mà còn biết đến nhiều thứ tiếng khác nhau, làm nhiều nghề để sống. Hay bình thường hơn là những người trong cuộc sống, họ có thể vừa sáng tác thơ vừa có thể soạn nhạc, hát, đóng phim…Tóm lại tài chính là làm tốt được một hay nhiều công việc nào đó.
Vậy còn đức thì sao? Đức là đạo đức của một con người. Nói rõ hơn thì nó là những quy tắc chuẩn mực xã hội phù hợp với những đạo lí sống trên đời giữa người với người. Người có đạo đức là người luôn biết sống đúng với những cái được gọi là đẹp nhất. Nói cách khác người có đạo đức luôn có một tấm lòng lương thiện. Ví dụ như Bác Hồ là người có đức, bạn yêu thương nhân dân như chính con cháu của mình, Bác chăm lo cho thế hệ mầm non và những anh chiến sĩ ngoài rừng, thương con người không chỉ đối với dân tộc ta mà còn cả những dân tộc khác.
Hai khái niệm đức và tài ấy có quan hệ chặt chẽ với nhau, con người có tài phải được ở trong con người có đức. Nói cách khác thì yếu tố để làm nên một con người có ích cho chính bản thân, gia đình, bạn bè và đất nước phải là một con người có tài và có đức. Nó cũng chính là một trong những nguyên tắc của người cán bộ Đảng. Nếu có tài mà không có đức thì sẽ không những không giúp được lợi cho đất nước mà còn trở thành kẻ ác độc giống như Tào Tháo thời Tam Quốc cũng thế. Tuy rất tài nhưng lại quá ác và dã man nên không được lòng dân.
Trước hết cái tài cái đức gắn liền với nhau được thể hiện ở người học sinh. Một học sinh có tài học tập giỏi thì cũng cần có đức là phải ngoan ngoãn lễ phép chứ không phải cứ ngạo mạn ta đây không nghe ai và hỗn láo được
Hay cái tài và đức thể hiện ở những người lớn cũng thế. Một doanh nhân thành đạt có tài kinh doanh buôn bán thì cũng phải có một cái đức đó là không nhập lậu, không thấy lợi nhuận trước mắt mà quên đi sự an toàn thực phẩm của những người xung quanh.
Đặc biệt tài và đức còn được thể hiện ở rất rõ và rất cần thiết đối với một người cán bộ cách mạng. Họ coi cái đức là gốc cho cái tài, nếu không có đức mà có tài thì chỉ hại cho nhân dân nhà nước mà thôi.
Qua đây ta thấy được khái niệm đức và tài là như thế nào. Đồng thời ta biết được những mối quan hệ của chúng. Người có đức có tài sẽ được người khác trân trọng kính yêu và nể phục. Còn những người có tài mà không có đức thì lại không thể làm được điều gì, trở nên vô dụng. Những người như thế dễ bị dụ dỗ mà trở thành người có hại cho đất nước. Vì vậy mỗi chúng ta không những đi học để tiếp thu tri thức mà bên cạnh đó phải xây dựng một con người có đạo đức bên trong mình.
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tài và đức – Mẫu 7
Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già của dân tộc ta đã có một châm ngôn sống vô cùng chân lý “ Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” để có thể thấy rằng mối quan hệ tài đức là vô cùng quan trọng. Để trở thành công dân có ích đòi hỏi cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong số đó có sự kết hợp của cả tài và đức.
Tài là trình độ, năng lực, khả năng sáng tạo cũng như nắm bắt tình huống giỏi và biết cách xử lý khéo. Tuy nhiên tài năng không chỉ là năng khiếu bẩm sinh, nó còn là kết hợp của nhiều yếu tố năng khiếu, sự cần cù trong học tập, sự rèn luyện chăm chỉ trong cuộc sống và lao động. Tài biểu hiện cả trong lao động trí óc, lao động chân tay và và các ngành nghệ thuật.
Đức là phẩm chất và nhân cách của con người. Đức là kết quả của nhiều yếu tố: bản chất, môi trường sinh sống, môi trường học tập, sự dạy dỗ, hướng phát triển từ gia đình, nhà trường, xã hội. Và đặc biệt là sự tự tu dưỡng bản thân. Đức biểu hiện trong suy nghĩ, lời nói, hành động của con người và trở thành một lẽ sống đẹp.
Tài và đức thể hiện vẻ đẹp nhân cách con người, cũng là hai yếu tố cơ bản làm nên thành công của một con người.
Một người có tài năng trong một lĩnh vực nào đó có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, có năng lực làm tốt nhiều công việc trong cùng một lúc, làm việc một cách chỉnh chu và khoa học, nhạy bén với các vấn đề có liên quan và có khả năng giải quyết tốt nếu có sự việc nào đó phát sinh. Tài năng giúp cuộc sống của người phát triển tiến bộ một cách nhanh chóng.
Người có đức có thể hiểu chung là người có tấm lòng thiên lương trong sáng, luôn nghĩ cho người khác, luôn giúp đỡ người khác, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Những người như vậy sẽ luôn hướng đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Đức giúp con người sống tốt, có lí tưởng cao cả, có lẽ sống cao đẹp, là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn. Phẩm chất đạo đức giúp mối quan hệ giữa người và người tốt đẹp hơn, cuộc sống có chất lượng hơn.
Những người tài đức vẹn toàn thật sự là những người có phẩm chất tốt đẹp và có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội. Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp là những tấm gương sáng điển hình về tài và đức giúp nhân dân Việt Nam ta giành lại quyền độc lập qua bao nhiêu gian khổ. Nhà nông học Lương Định Của cũng là một tấm gương như thế. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã gắn bó với người nông dân và đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho ngành công nghiệp nước nhà, nghiên cứu và lai tạo được nhiều giống cây trồng có năng suất cao.
Tài và đức có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tài là kỹ năng, đức là phẩm chất. Rèn luyện được tài và đức là điều kiện cần và đủ cho lý tưởng phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn. Đặc biệt, cần có sự dung hòa giữa hai yếu tố này vì có tài mà không có đức sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, thiếu sự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Người có tài mà không biết đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước, tài mà chỉ biết thu vén cho lợi ích cá nhân thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà vô đạo đức thậm chí sẽ gây ra nhiều tác hại xấu cho bản thân và cộng đồng khi họ tài năng, thong minh và có thể giải quyết được mọi chuyện một cách dễ dàng. Ví dụ như những những lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quản lý nhà nước hoặc doanh nghiệp rất có tài nhưng lại tham ô tư lợi thì cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng xấu cho cộng đồng.
Người có đức thường được mọi người kính mến, quý trọng, nhưng có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành nhiệm vụ, kết quả đạt được nhiều khi không được như mong đợi, ví dụ như cán bộ có tư chất đạo đức tốt nhưng lại kém năng lực trong cách nắm bắt, xử trí công việc hay không hiểu thấu đáo am tường nghiệp vụ chuyên môn thì sẽ kéo theo sự thụt lùi trong cơ cấu chung mà anh ta quản lý.
Như vậy có thể thấy được con người nếu thiếu một trong hai giá trị trên đều là người không trọn vẹn. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến.
Cách nói giản dị và cụ thể trong lời khuyên của Bác giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức và tài trong quá trình hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của một con người. Trong hai yếu tố ấy thì “đức” là gốc, là yếu tố quan trọng hàng đầu. “Tài” là biểu hiện cụ thể của “đức”, không có khái niệm đạo đức chung chung, tách rời hiệu quả việc làm. Giá trị của một con người là những đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa tài và đức, bản thân mỗi chúng ta phải biết trau dồi, rèn luyện bản thân cả về trình độ, năng lực và phẩm chất để thật sự trở thành người lao động toàn diện, có ích cho đất nước.
Có quyết tâm phấn đấu, rèn luyện bản thân trở thành người thật sự có tài, có đức góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay.