Văn mẫu lớp 6: Đoạn văn trình bày suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học đã đọc, Tài Liệu Học Thi muốn giới thiệu Bài văn mẫu lớp 6:Đoạn văn trình bày suy nghĩ về một
Tài Liệu Học Thi muốn giới thiệu Bài văn mẫu lớp 6: Đoạn văn trình bày suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học đã đọc.
Hy vọng với 3 đoạn văn mẫu dưới đây, các bạn học sinh lớp 6 sẽ có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Mời tham khảo nội dung chi tiết trong tài liệu.
Đề bài: Viết đoạn văn trình văn suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học đã đọc trong đó có sử dụng một số trạng ngữ chỉ vị trí để liên kết các câu trong đoạn.
Suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học đã đọc – Mẫu 1
Bài thơ “Những điều bố yêu” của Nguyễn Chí Thuật chính là lời tâm tình của người bố dành cho đứa con của mình. Vào ngày con sinh ra đời, người bố cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Từng đồ vật gắn liền với đứa con thơ đều khiến bố cảm thấy yêu thương: cái chỗ con nằm, mùi sữa với chiếu thâm, những hàng tã chéo giăng đầy nhà, mùi nước hoa dìu dìu khi con bị muỗi đốt được bà xoa, những góc bàn với đồ chơi của con. Trong hành trình trưởng thành của con, bố vẫn luôn ở bên cạnh. Bố đã lắng nghe tiếng gọi “Mẹ ơi”, dõi theo bước đi chập chững hay tiếng cười của con. Và rồi chỉ khi con vắng nhà một hôm, bố cảm thấy ngẩn ngơ, nhớ mong. Khắp mọi nơi trong nhà, bố đều có thể cảm nhận được hình bóng của đứa con. Có thể khẳng định, tình cảm của cha dành cho con là vô cùng chân thành, sâu sắc.
Suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học đã đọc – Mẫu 2
Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen đã đem đến cho em nhiều cảm nhận. Nhà văn đã xây dựng nhân vật chính của truyện – một cô bé có hoàn cảnh bất hạnh. Cô bé mồ côi mẹ, bà nội mới qua đời. Em sống cùng với người bố độc ác. Đêm giao thừa lạnh lẽo, mọi người thì ở trong nhà quây quần bên gia đình. Vậy mà, ngoài đường, cô bé vẫn phải đi bán diêm. Không có ai quan tâm đến cô bé. Xung quanh, cửa sổ của các nhà đều sáng rực, trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Đôi bàn tay của cô bé đã cứng đờ ra vì lạnh giá. Nhưng sự nghèo khổ thiếu thốn của cô bé bán diêm ở đây không chỉ về vật chất mà còn là về tinh thần, thiếu đi tình yêu được bao bọc của những người thân trong gia đình. Vì quá đói và lạnh, em ngồi nép vào góc tường rồi đốt một que diêm để sửa ấm. Em đốt từng que diêm lên, mỗi que diêm gửi gắm một mong ước. Những mong ước hoàn toàn chính đáng, nhưng rồi trước sự vô cảm của mọi người xung quanh, em bé bán diêm đã chết. Câu chuyện được viết ra với một ý nghĩa nhân văn cao đẹp, và một bài học lớn lao về tình yêu thương con người.
Suy nghĩ về một tác phẩm văn học đã học đã đọc – Mẫu 3
“Gió lạnh đầu mùa” là một truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam viết về trẻ em. Mở đầu tác phẩm, Thạch Lam đã khắc họa cho người đọc thấy được một khung cảnh buổi sáng mùa đông bằng những chi tiết rất tinh tế. Tiếp đến, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến khung cảnh sinh hoạt của gia đình Sơn. Khi Sơn thức dậy, mẹ Sơn bảo Lan bê thúng quần áo ra. Nhìn chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành, mẹ Sơn nói: “Đây là cái áo của cô Duyên đấy”. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nói, Sơn cũng “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Cái áo bông chính là kỉ vật gợi lên tình cảm mẫu tử thiêng liêng, tình anh em sâu đậm và tình thương của vú già nhân hậu. Trái ngược với cuộc sống sung túc của gia đình Sơn, những đứa trẻ trong xóm trọ lại có hoàn cảnh thật bất hạnh. Nào tằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc – chúng có hoàn cảnh nghèo khổ, vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Lan đã nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn – đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Phần cuối truyện, mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả mẹ của Sơn. Còn mẹ Sơn sau khi nghe rõ việc, đã cho mẹ Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Qua đây, truyện đã giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ giữa những con người.