Tổng hợp những mở bài về tác phẩm Sóng hay nhất (34 mẫu), Mời quý thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo tài liệu Tổng hợp những mở bài về tác phẩm Sóng hay nhất
Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của nữ thi sĩ dễ đi vào lòng người đọc với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Trong đó, “Sóng” là một thi phẩm nổi bật của thơ Xuân Quỳnh.
Để giúp cho các bạn học sinh lớp 12 có thêm tài liệu tham khảo về tác phẩm này, cũng như củng cố lại kiến thức môn Ngữ văn để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, sau đây Tài Liệu Học Thi mời các bạn tham khảo Tổng hợp những mở bài về tác phẩm Sóng hay nhất. Mời các bạn cùng theo dõi và tải tài liệu tại đây.
Xem Tắt
Mở bài phân tích bài thơ Sóng
Mở bài phân tích bài thơ Sóng – Mẫu 1
Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn học, nghệ thuật; là nguồn cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ thiết tha với đời, với người. Có thể nói rằng từ khi có con người thì đã có tình yêu và con người còn tồn tại thì tình yêu còn bất diệt. Lịch sử thơ ca nhân loại từ xưa đến nay đã có biết bao bài thơ tình nổi tiếng khắp Đông, Tây ca ngợi tình yêu của con người và đã từng làm xúc động biết bao trái tim của nhiều thế hệ. Ở Việt Nam chúng ta, những năm tháng chống Mỹ cứu nước, tuy phạm vi thơ ca chủ yếu mở rộng về phía tình cảm lớn như tình yêu Tổ quốc, đất nước, nhân dân, cách mạng nhưng thơ ca vẫn dành một khoảng nhất định cho tình cảm riêng tư. Nhiều bài thơ ca ngợi tình yêu nam nữ ra đời trong thời kỳ này còn mãi làm xúc động trái tin bao thế hệ sau này. “Sóng” của Xuân Quỳnh – một nhà thơ nữ tài hoa – là một bài thơ như thế.
Mở bài phân tích bài thơ Sóng – Mẫu 2
Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ nổi tiếng của nền văn học hiện đại nước ta. Tuy bà hưởng thọ không nhiều do tai nạn quá đột ngột nhưng những tác phẩm bà để lại vẫn để lại những tiếng vang lớn, có sức lay động lòng người. Trong thơ Xuân Quỳnh đề tài tình yêu luôn chiếm đa số. Tình yêu trong thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khi thì dịu dàng, e ấp, nhưng có lúc lại vô cùng mãnh liệt, dữ dội. Khi thì thật gần nhưng nhiều lúc cũng thật xa xôi, mang tới cho người đọc nhiều tâm trạng bồi hồi xao xuyến khác nhau. Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh là một bài thơ vô cùng độc đáo thể hiện tâm trạng của một người con gái đang yêu. Những hờn giận vu vơ, tủi hờn, ghen tuông rất phụ nữ, được tác giả Xuân Quỳnh gửi hồn trong thơ khiến khiến người đọc, người nghe thổn thức theo từng câu thơ của bà.
Mở bài phân tích bài thơ Sóng – Mẫu 3
Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của nữ sĩ dễ đi vào lòng người với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Trong đó, “Sóng” là thi phẩm nổi bật của đời thơ Xuân Quỳnh.
Mở bài phân tích bài thơ Sóng – Mẫu 4
Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. Người yêu thơ mệnh danh chị là “Nữ hoàng của thi ca tình yêu”. Thơ của chị là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Sóng là bài thơ được làm năm 1967 nhân chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền. Bài thơ sau đó được in trong tập Hoa dọc chiến hào. Sóng là bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Quỳnh.
Mở bài phân tích bài thơ Sóng – Mẫu 5
Ta từng biết đến những vần thơ yêu đương vội vàng, hối hả của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: “Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt”. Nhưng cũng không thể không nhắc đến một Xuân Quỳnh với tình yêu dịu dàng, nhưng đậm sâu, khắc khoải, điển tình của người con gái. Tình yêu ấy đã được thể hiện đầy đủ và trọn vẹn nhất trong bài: “Sóng”.
Mở bài phân tích bài thơ Sóng – Mẫu 6
Mười bảy, cảm nhận được chút man mác và làm du dương tâm hồn, chút bồi hồi xao xuyến và khát vọng về những điều xa xôi dường như vô hình, trái tim trẻ trong ta không thôi đập những nhịp thổn thức vì cảm giác khó hiểu, lúc dâng lên mãnh liệt, lúc lắng xuống dịu dàng nhưng vẫn âm thầm chảy mãi như những con sóng miệt mài đi tìm lí lẽ của trái tim trước biển đời mênh mông. Và khi những lời thơ của Xuân Quỳnh chợt ngân lên bằng tất cả sự tinh tế, nhạy cảm, “Sóng” làm ta có cảm giác như trong đó là một phần tâm sự tình yêu của chính mình.
Mở bài phân tích bài thơ Sóng – Mẫu 7
Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của nữ thi sĩ dễ đi vào lòng người đọc với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Đó là những tâm tình, suy tư của người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương. Trong đó, “Sóng” là một thi phẩm nổi bật của thơ Xuân Quỳnh. Đặc biệt là những dòng thơ đầu : “Dữ dội và dịu êm…Khi nào ta yêu nhau”.
Mở bài phân tích hai khổ thơ đầu
Mở bài phân tích hai khổ thơ đầu – Mẫu 1
“Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chẳng được yêu”
Tình yêu luôn là những cung bậc cảm xúc rất khó định hình, khó diễn tả. Tình yêu cho người ta cảm nhận rõ nhất những hỉ, nộ, ái, ố ở đời. Yêu là vui vẻ, đắm say, yêu là cả buồn đau, tủi hờn. Tiếng lòng tình yêu đã được nữ thi sĩ Xuân Quỳnh khắc họa rõ nét qua bài thơ Sóng, đặc biệt là trong hai khổ thơ đầu của bài thơ.
Mở bài phân tích hai khổ thơ đầu – Mẫu 2
Văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ đã để lại nhiều tác phẩm mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn viết về đề tài đất nước. Thế nhưng đâu đó trên bước đường hành quân vẫn có những vần thơ tươi xanh vẫn có những đóa hoa nở dọc chiến hào cất lên bao lời ca say đắm về tình yêu đôi lứa. Bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh sẽ đưa người đọc vào thế giới của tình yêu và cảm nhận những nét đặc sắc trong thế giới thơ tình của Xuân Quỳnh. Hai khổ thơ đầu bài thơ là những cảm nhận tinh tế sâu sắc của một trái tim yêu.
Mở bài phân tích hai khổ thơ đầu – Mẫu 3
Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương, đặc biệt ghi dấu ấn ở thể loại thơ. Nói về tình yêu, mỗi nhà thơ có một sắc thái riêng. Nếu Xuân Diệu là mạnh mẽ sôi trào thì Xuân Quỳnh lại chọn cho mình sự da diết lắng sâu. Điều này thể hiện rất rõ qua tác phẩm “Sóng”, một tiếng thơ về tình yêu đậm chất Xuân Quỳnh. Bài thơ là những khám phá của tác giả về tình yêu, tìm ra được quy luật của tình yêu. Đó cũng là nội dung của hai đoạn trích sau:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Mở bài phân tích hai khổ thơ đầu – Mẫu 4
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng cũng yêu anh cả khi chết đi rồi”
Đó là lời thơ Xuân Quỳnh viết về niềm hạnh phúc đắm say của một người phụ nữ khi được yêu và hết lòng với người mình yêu trong “Tự hát”. Trong vốn thơ Xuân Quỳnh, ta bắt gặp rất nhiều bài thơ viết về những trăn trở, suy tư thổn thức của nữ sĩ về tình yêu. Bên cạnh những dòng thơ dạt dào xúc cảm trong “Tự hát”, “Sóng” cũng được xem là một bài thơ ấn tượng nhà thơ dùng hình tượng sóng để gửi gắm quan niệm về tình yêu. Hai khổ đầu bài thơ đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc và nghĩ suy.
Mở bài phân tích khổ thơ 3 và 4
Mở bài phân tích khổ thơ 3 và 4 – Mẫu 1
Trong dàn đồng ca các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước, Xuân Quỳnh nổi lên như một tiếng thơ đầy trẻ trung, tươi mát và nữ tính. Tình yêu trải qua ngòi bút của bà luôn in đậm dấu ấn cái tôi phụ nữ nồng nàn, táo bạo mà vô cùng tha thiết, chân thành. Tất cả điều ấy được thể hiện trong một tiếng thơ giản dị, hồn nhiên như bản năng – “Sóng”, đặc biệt là khổ thơ ba và bốn.
Mở bài phân tích khổ thơ 3 và 4 – Mẫu 2
Cuộc đời là đóa hoa, tình yêu là mật ngọt”, đại văn hào V.Hugo đã từng phải thốt lên như vậy. Tình yêu là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Đó cũng là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn đối với các văn nghệ sĩ. Nói đến thơ tình Việt Nam hiện đại, người đọc không thể không nhắc đến nữ hoàng tình yêu Xuân Quỳnh – người đã đem đến cho làng thơ Việt Nam một tình yêu nồng nhiệt, táo bạo mà thiết tha, dịu dàng, hồn nhiên, giàu tự cảm mà lắng sâu những trải nghiệm suy tư. “Sóng” là một trong áng tình ca hay nhất của Xuân Quỳnh. Đứng trước biển lớn , Xuân Quỳnh đã bộc lộ rõ nỗi trăn trở, băn khoăn của mình về cội nguồn cua tình yêu”.
Mở bài phân tích khổ thơ 3 và 4 – Mẫu 3
Coi thơ là sự sống, là tình yêu, là tất thảy ý nghĩa cuộc đời mình, Xuân Quỳnh đã gửi trọn những tâm sự, cảm xúc dạt dào, mãnh liệt của mình vào những trang thơ. Bài thơ “Sóng” của nữ sĩ là một lời sẻ chia tâm trạng, cảm xúc được rất nhiều người đón nhận. Sau hai khổ thơ đầu nói về hình tượng sóng và quy luật của tình yêu, khổ thơ ba và bốn tiếp tục để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ, ấn tượng đặc biệt.
Mở bài phân tích khổ thơ 3 và 4 – Mẫu 4
Thơ Xuân Quỳnh dẫu có lắng nghe bao lần, ta vẫn nhận ra trong đó những thoáng mong manh lo sợ cùng nét đẹp của một hồn thơ nhạy cảm, giàu trực cảm. Và đó, chính là nét nữ tính rất riêng làm nên bản sắc của Xuân Quỳnh, mà trong Sóng, tác giả đã hóa thân trọn vẹn nhất điệu hồn ấy vào hai khổ thơ 3 và 4.
Mở bài phân tích khổ thơ 3 và 4 – Mẫu 5
Tình yêu là món quà vô giá mà thượng đế đã ban tặng con người. Đó là tiếng lòng đồng điệu giữa những tâm hồn khát khao yêu thương, đồng cảm, gắn kết trái tim lại với nhau. Có lẽ chính vì vậy mà tình yêu luôn là chủ đề muôn thuở trong thơ ca. Nhắc đến thơ ca tình yêu, bên cạnh những tên tuổi lớn như Puskin, Tago trên thi đàn thế giới, thì ta cũng không quên nhắc đến những tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam như Xuân Diệu, Nguyễn Bính. Và đại diện cho tình yêu nồng nàn đằm thắm của người phụ nữ, không thể không nhắc đến Xuân Quỳnh. Nữ sĩ viết rất nhiều về tình yêu, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm phải kể đến bài thơ Sóng. Tác phẩm chính là tiếng lòng nhẹ nhàng nhưng cũng rất mạnh mẽ của người phụ nữ trong tình yêu, đặc biệt ở khổ 3 và 4 của bài thơ.
Mở bài phân tích khổ thơ 5 và 6
Mở bài phân tích khổ thơ 5 và 6 – Mẫu 1
“Sóng” của Xuân Quỳnh (1942-1988) là một bài thơ tình rất đẹp. Vẻ đẹp của một tâm hồn khao khát yêu thương trong mối tình đầu rạo rực của thiếu nữ. Vẻ đẹp của nhạc; nhạc của lòng cũng là nhạc của thơ, nhạc của sóng reo, sóng vỗ. Vẻ đẹp của men say tình ái được cất lên thành lời ca ngọt ngào, tha thiết biết bao:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Mở bài phân tích khổ thơ 5 và 6 – Mẫu 2
Xuân Quỳnh thuộc một số những nhà thơ lớp đầu tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Nhận xét về ngôn ngữ thơ của nữ sĩ, giáo sư Chu Văn Sơn cho rằng: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi giông bão của cuộc đời. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa không ngừng của chúng”. Và “Sóng” là một bài thơ hay, đã làm rõ những điểm sáng đó trong phong cách thơ Xuân Quỳnh, nhất là hai khổ thơ 5 và 6.
Mở bài phân tích khổ thơ 5 và 6 – Mẫu 3
Tâm hồn thơ nhìn cuộc đời cũng bằng chất thơ. Nhìn mùa xuân thấy tuổi trẻ, trông ánh trăng mà nhớ về cố hương, như Xuân Quỳnh nhìn ngọn sóng đã nghĩ về tình yêu. Những nghĩ suy ấy được đúc kết trong tác phẩm “Sóng”- một tiếng yêu nhẹ mà nồng. Bài thơ là những xúc cảm khi yêu của người con gái, mà nhớ nhung và tin tưởng nằm trong số đó. Hai cảm xúc này được thể hiện rất rõ thông qua hai khổ thơ:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Mở bài phân tích khổ thơ 5 và 6 – Mẫu 4
Đề tài tình yêu là một đề tài đã khiến cho rất nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ tốn nhiều giấy mực. Viết về tình yêu, thì điều đặc biệt là viết về nỗi nhớ, sự thủy chung trong tình yêu, nhưng có lẽ một nhà thơ nữ viết về tình yêu của chính những người phụ nữ thì ít thấy. Nhưng Xuân Quỳnh đã làm được điều đó qua bài thơ Sóng – một bài thơ tình hay nhất trong sự nghiệp của chị.
Mở bài phân tích khổ thơ 5 và 6 – Mẫu 5
Tình yêu là đề tài đầy ma lực với bao ngòi bút thơ ca, là cung đàn muôn điệu làm rung động bao trái tim yêu để từ đó ngân lên thành lời thơ nhân loại. Mỗi một nhà thơ đều có những cảm nhận khác nhau về tình yêu: một Tago đầy triết lý ngụ ngôn; một Puskin nồng nàn và cao thượng, một Xuân Diệu rạo rực, đắm say, vồ vập; một Hàn Mặc Tử say đắm mà bơ vơ…Và đến với bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh ta lại bắt gặp một cảm xúc tình yêu đầy trăn trở khát khao của một tâm hồn người phụ nữ luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Đặc biệt, trong bài thơ, hai khổ thơ 5 và 6 nói về nỗi nhớ và sự thủy chung trong tình yêu để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.
Mở bài phân tích ba khổ cuối bài thơ
Mở bài phân tích ba khổ cuối bài thơ – Mẫu 1
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là một tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Ngoài những tác phẩm đã trở thành ca khúc bất tử như “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu” thì “Sóng” cũng là bài thơ về tình yêu có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. “Sóng” không chỉ thể hiện những nét tương đồng, những chiều dài của nỗi nhớ, những băn khoăn trong tình yêu mà còn thể hiện những suy tư lo âu trăn trở trước cuộc đời và khát vọng tình yêu, những nỗi niềm khát vọng ấy được thể hiện rõ nét trong đoạn thơ sau:
“Ở ngoài kia đại dương
…
Để ngàn năm còn vỗ”
Mở bài phân tích ba khổ cuối bài thơ – Mẫu 2
Có những vần thơ tình đẹp như thế. Như giọng chim ríu rít đa điêu đa thanh giữa mùa xuân. Có những vần thơ nói lên niềm tin và mong ước về tình yêu hạnh phúc đẹp như thế:
“Cuộc đời tuy dài thế
…
Để ngàn năm còn vỗ”
Đây là hai khổ thơ cuối bài thơ ngũ ngôn trường một bài thơ tình tuyệt tác viết về nỗi khát vọng tình yêu của thiếu nữ.
Mở bài phân tích ba khổ cuối bài thơ – Mẫu 3
Nhà thơ Huy Cận đã từng nói, khi đi cạnh bờ biển, thấy có cảm giác xao động đến kì lạ trong con người. Với ông, cái xao động kì lạ đó chính là cảm giác về sự lớn lao của con người khi đi dọc bờ biển, tuy mênh mông ấy, nhưng con người vẫn như làm chủ được thiên nhiên, biển cả. Còn với Xuân Quỳnh – người con gái xứ lụa Hà Đông, thì cái ngợm ngợm khi đi dọc bờ biển bao la, với những con sóng thi nhau tấp vào bờ, lại là sóng tình, sóng trong lòng người con gái đang yêu nói chung và tác giả nói riêng. Một tình yêu với những nỗi trăn trở, khát khao được hòa quyện trong cái tình cảm bao la ấy.
Nếu Lưu Quang Vũ được coi là kịch tác gia tiêu biểu, tiên phong trong việc giải phẫu ung nhọt của con người về lòng tham sau khi chiến tranh kết thúc,thì Xuân Quỳnh, thơ của Xuân Quỳnh lại mang khát khao yêu thương, khát khao là thế nhưng vẫn đầy trắc ẩn. Ba khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người con gái đang yêu khát khao được yêu thương, gắn bó.
Mở bài phân tích hai khổ thơ cuối
Mở bài phân tích hai khổ thơ cuối – Mẫu 1
Bên cạnh những nét đa tài của Xuân Quỳnh, chắc hẳn nhà thi sĩ còn ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi nét thơ giàu tình cảm, chân thành, đằm thắm của một tâm hồn mộng mơ. Trong kho tài thơ ca đồ sộ của mình, bài thơ “Sóng” nổi bật lên xuyên suốt tác phẩm với hình ảnh “thuyền” và “biển” để thể hiện tình yêu nồng say giữa những con người trẻ tuổi. Đặc biệt qua hai khổ thơ cuối, nhà thơ càng nhấn mạnh niềm khao khát được một tình yêu trọn vẹn, đong đầy dù trong bất cứ một khoảng không gian, thời gian bao lâu.
Mở bài phân tích hai khổ thơ cuối – Mẫu 2
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Bởi vì mấy khi yêu mà đã chắc được yêu”
Tình yêu vốn là một chủ đề muôn thuở trong thơ ca Việt Nam. Nếu Xuân Diệu trong tình yêu luôn vội vàng, cuống quýt và hối hả thì tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh lại rất đỗi kín đáo, mang nhiều trăn trở nhưng cũng vô cùng say đắm. “Sóng” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh, mượn hình ảnh sóng để nói lên tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Đặc biệt hai khổ thơ cuối của bài thơ Sóng đã nói lên tâm trạng lo lắng khi yêu cùng niềm khát khao mãnh liệt muốn sống hết mình vì tình yêu của đời mình.
Mở bài phân tích hai khổ thơ cuối – Mẫu 3
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
Tình yêu đối với mỗi con người luôn là điều kỳ diệu và thiêng liêng, là tình cảm cao quý và rất đáng trân trọng. Nữ sĩ Xuân Quỳnh dành cho tình yêu một khoảng trời yêu thương lớn lao, để khi viết về nó, mỗi chữ, mỗi lời từ cây bút ấy đều khiến người đọc rung động. Nếu trong ” Tự hát” Xuân Quỳnh viết về một trái tim yêu đầy mãnh liệt, trường tồn dẫu cho cả khi tim có ngừng đập đi nữa thì đến với “Sóng”, nhà thơ đã cho ta cảm nhận được những cung bậc cảm xúc, những nỗi nhớ những thiết tha, lòng chung thủy lớn lao của người con gái khi yêu. Và không chỉ vậy, hai khổ thơ cuối bài còn cho ta thấy được cả những nỗi trăn trở và khát khao trong tình yêu.
Mở bài phân tích hai khổ thơ cuối – Mẫu 4
Xuân Diệu đã từng viết: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Đúng như vậy! Tình yêu là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống, chính vì thế đã tự bao giờ nó đã tràn vào thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Mỗi vần thơ viết về tình yêu đều mang những rung cảm thật đặc biệt, mỗi câu chuyện tình yêu đều là những chuyện cổ tích thật đẹp đẽ mà nhà thơ đã mang đến cho ta.
Mở bài phân tích hai khổ thơ cuối – Mẫu 5
Chính nhà thơ Xuân Quỳnh đã có nhận xét khi nói về thơ: “Thơ với cuộc sống giống như người con gái đối với gia đình, cái để làm quen là nhan sắc nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Những vần thơ của “Sóng” mãi thực sự sống lòng người đọc. Đọc hai khổ thơ cuối ta cảm nhận được tình yêu tan vào sóng để dâng hiến và bất tử:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Mở bài phân tích hai khổ thơ cuối – Mẫu 6
Có người đã nói về thơ bằng một so sánh rất đỗi mới mẻ như này: “Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mĩ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống”. Và “Sóng” của Xuân Quỳnh có lẽ là một trong những dẫn chứng thuyết phục nhất cho nhận định này, đặc biệt là hai khổ thơ cuối của bài thơ.
Mở bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ
Mở bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ – Mẫu 1
Xuân Quỳnh được biết đến là một trong những số ít nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Mĩ viết về đề tài tình yêu. Thơ Xuân Quỳnh đặc trưng bởi tâm hồn của người phụ nữ lúc tươi tắn đầy trắc ẩn lúc đằm thắm và khao khát hạnh phúc bình dị đời thường. Tiêu biểu nhất trong đời thơ Xuân Quỳnh là bài thơ “Sóng”. “Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác trong chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền năm 1967, được in trong tâp “Hoa dọc chiến hào”, bài thơ viết về tình yêu rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. “Sóng” để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc bởi vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Và từ đó, ta có thể cảm nhận được tình yêu của giới trẻ hiện nay cũng rất đẹp và trong sáng.
Mở bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ – Mẫu 2
“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.
Mở bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ – Mẫu 3
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Và chắc có lẽ khi nhắc đến thơ Xuân Quỳnh ta không thể không nhớ đến một hồn thơ đầy rạo rực, tuổi trẻ và dạt dào những cung bậc cảm xúc. Đến với mảnh đất màu mỡ của tình yêu, hồn thơ ấy thật vô cùng đẹp đẽ, bao bài thơ là tiếng lòng thổn thức, là niềm hạnh phúc, khát khao yêu và được yêu. Bài thơ “Sóng” là một thi phẩm như thế, chỉ với những dòng thơ ngắn mà thấy được những tình cảm lớn lao, mọi vẻ đẹp trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu được bộc lộ thật tinh tế, ý nhị mà đầy duyên dáng.
Mở bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ – Mẫu 4
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ viết về tình yêu hay nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Chị đã để lại nhiều bài thơ tình đặc sắc: Thuyền và biển, Dẫu em biết rằng anh trở lại, Tự hát, Hoa cỏ may, Thơ tình cuối mùa thu… trong đó bài thơ Sóng ngay từ khi ra đời đã được nhiều thế hệ thanh niên ưa thích. Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ đã góp phần diễn tả sức sống, niềm khát khao mãnh liệt của tâm hồn nhà thơ về tình yêu, về cuộc sống.