Tập làm văn lớp 5: Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá, hoa, quả, rễ, thân), Tập làm văn lớp 5: Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá,
Tập làm văn lớp 5: Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá, hoa, quả, rễ, thân) mang tới 23 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 5 hiểu rõ hơn về loài cây em yêu thích. Từ đó, cũng tích lũy thêm vốn từ để hoàn thiện bài viết của mình ngày một hay hơn.
Xem Tắt
Gợi ý viết đoạn văn tả bộ phận cây
– Em chọn bộ phận nào của cây?
+ Lá, thân hay gốc, hoa hay quả của một cây
– Em bộ phận ấy theo trình tự nào?
+ Theo từng bộ phận
+ Theo sự thay đổi của thời gian
– Tả bộ phận ấy chú ý gì?
+ Nét riêng biệt: hình dáng, màu sắc, kích thước
+ Sử dụng các giác quan
+ Viết câu có hình ảnh so sánh, nhân hóa.
Viết một đoạn văn tả lá
Tả lá cây phượng
Lá của cây phượng không to như lá của cây bàng hay của cây bằng lăng, mà lá của cây phượng lại rất nhỏ. Dễ nhận thấy được rằng cũng chính các chiếc lá phức dường như cũng lại có bề ngoài giống như lông chim vậy. Từ đó em cũng thêm hiểu vì sao cây phượng lại được gọi là cây phượng vĩ. Đồng thời những chiếc lá này lại có màu lục sáng, nhạt đặc trưng của cây phượng dù ở bất cứ nơi đâu. Người ta nói rằng lá phượng cũng chính là loại lá phức lông chim kép thật đẹp. Em được bố em giải thích lá phức lông chim ghép đó chính là mỗi chiếc lá dài khoảng 30-50 cm. Thể rồi trên chiếc lá đó lại có từ 20 đến 40 các cặp lá chét sơ cấp hay còn được gọi là lá chét lông chim lớn. Đồng thời mỗi lá chét lông chim lớn vừa rồi cũng đã lại được chia tiếp thành 10-20 cặp lá chét thứ cấp hay lá chét con tiếp theo. Cứ lớp này nối lớp khác thật đẹp, nhìn cây phượng em cũng đã cảm thấy được một sự liên kết thật chặt chẽ và nó như cũng đã thể hiện sự dũng mãnh của nó.
Tả lá của cây xoài
Qua tháng Giêng, cành lá xoài trở nên rườm rà, xanh mướt. Lá xoài cũng khá đặc biệt: nó thon dài, một mặt nhẵn bóng còn mặt kia mờ mờ như phủ phấn. Gân lá xoài đối xứng nhau nổi đều ra hai bên cuống lá. Gân lá có màu xanh rêu chứ không xanh mướt như phiến lá. Vò nhẹ một lá xoài, em ngửi thấy mùi xoài chua chua, man mát như mùi quả xoài xanh non. Lá xoài rụng xuống gốc vào tháng mười một, tháng Chạp âm lịch rồi qua tháng Giêng xoài ra hoa trắng cành. Trong vòm lá xanh mướt, hoa xoài “dọn mình” đơm quả. Tháng năm, tháng sáu, nhìn lên cành, em thấy quả xoài lớn lên, to trái, lúc lỉu chen nhau trong vòm lá xanh biếc.
Tả lá cây vú sữa
Lá của cây vú sữa khá đặc biệt: mỗi cái lá cong cong hình bầu bầu, có hai mặt khác màu. Mặt trên của lá láng bóng, màu xanh biếc. Mặt dưới của lá màu vàng đồng hay là một màu gì không rõ, nó là chất đỏ của đồng pha với màu nâu của lá. Lá vú sữa hơi cứng, gân lá nổi ở mặt dưới của phiến lá. Bẻ một lá vú sữa, từ gân lá cưng cứng đó, một dòng nhựa đục chảy ra. Nhựa đục đó có tính kết dính như keo. Người dân quê có lúc dùng nhựa lá vú sữa thay cho keo, hồ dán. Tuy nhiên, nếu dây phải nhựa lá vú sữa nhiều, em có thể bị bỏng rát da tay. Vì thế em thích ăn quả vú sữa hơn là nghịch chơi với lá của nó.
Tả lá cây bàng
Mùa thu trong Nam thời tiết không thay đổi rõ rệt như ngoài Bắc nhưng cũng đủ làm cho những chiếc lá bàng to màu xanh thẫm từ từ chuyển sang màu vàng pha đỏ, có những chấm đen rồi dần dần pha màu nâu. Gặp cơn gió nhẹ thoảng qua, đôi ba chiếc lá vàng lìa cành, chao qua chao lại rồi rớt xuống sân trường. Bây giờ chỉ còn là đôi ba chiếc lá vàng rơi nhưng rồi một hai tháng nữa, lá bàng sẽ dần dần rụng hết, thân cành của nó sẽ trở nên khẳng khiu, gầy guộc, in trên nền trời. Mùa ấy, bàng không đẹp, nhưng biết làm sao được?
Tả lá thân cây hoa hồng
Hoa hồng có nhiều loại, nhiều màu sắc như vàng, trắng, cam nhưng phổ biến nhất vẫn là hoa hồng nhung đỏ. Thân cây khẳng khiu màu xanh thẫm nhưng có nhiều gai, những chiếc gai nhọn nhô lên như để bảo vệ cho bông hoa của mình. Lá cây hoa nhỏ, có đường viền hình răng cưa, trên mặt lá là những đường gân hình xương cá, phía dưới là lớp phấn mỏng trắng muốt. Đặc biệt nhất vẫn là bông hoa. Hoa hồng nhung có rất nhiều cánh, khi hoa chưa nở, những cánh hoa nhỏ úp vào nhau, tạo thành những nụ hoa chúm chím như đôi môi đỏ hồng của người thiếu nữ. Khi hoa đã nở rộ, những cánh hoa to dần và dần dần tách rời, xếp chồng vào nhau thành các lớp. Cánh hoa mỏng manh, mềm mại như làn da em bé.
Viết đoạn văn tả hoa của cây
Tả hoa cúc
Hoa cúc đẹp nhất là vào lúc nở hết. Hoa cúc có màu vàng tươi. Cánh hoa xòe tròn, xếp thành nhiều lớp bao quanh nhị. Hoa nọ sát hoa kia tạo thành một mảng vàng rực nổi bật trên nền lá xanh. Dưới ánh nắng nhạt của mùa thu, sắc hoa càng lộng lẫy và hương thơm càng ngào ngạt.
Tả hoa đào
Ngắm hoa đào rừng mới thấy vẻ thanh tao và dịu dàng của loài hoa này. Hoa có năm cánh mỏng màu hồng, chúm chím đáng yêu. Những cánh hoa ôm ấp, che chắn cho nhụy đào màu vàng tươi bên trong. Nhụy hoa tủa ra những sợi vàng óng, đầu nhụy có phớt hồng. Khi những cánh hoa xòe rộng, tán nhụy bên trong lại hé mình trông ra ngoài tươi đẹp. Mới ngày nào, hoa chỉ là những nụ nhỏ bé, xinh xắn, vậy mà giờ đây đã nở rộ cả cành, làm bừng sáng cả một khoảng trời. Hương hoa không nồng mà nhẹ nhàng thoang thoảng, tạo cảm giác dễ chịu bay khắp gian nhà.
Tả hoa bưởi
Hoa bưởi rất đẹp. Chúng ra từng chùm thật đoàn kết. Những cánh hoa úp vào nhau như làm duyên, e thẹn. Hoa màu trắng thật tinh khiết, trong trắng như thiếu nữ tuổi trăng rằm. Hương bưởi thơm làm ngất ngây lòng người.
Viết đoạn văn tả thân cây
Tả thân cây bàng
Cây bàng đại lão ở sân trường được trồng lúc nào em không biết. Khi em vào lớp một thì cây bàng đã có gốc, thân to, sừng sững bên cạnh phòng Truyền thông từ bao giờ. Thân bàng to hai người ôm. Vỏ thân cây có chỗ lồi lõm, đen mốc, sần sùi, có chỗ rạng nứt, li ti như váng của cháo gạo để khô, tưởng chừng đưa ngón tay vào là cậy được vỏ cây ra. Nhưng không, vỏ cây bàng có chỗ nứt nẻ như thế nhưng dính chắc như keo dán. Năm tháng qua đi, thân bàng nâng đỡ mấy tầng lá, như một chiếc ô khổng lồ che mát sân trường. Trên thân cây, cành bàng phân nhánh, ra lá xanh mướt màu thạch bích. Thân cây là cầu nối tiếp cho lá, hoa nhận được chất bổ của đất từ rễ cây để nuôi cây thêm lớn. Rồi chim muông bay đến. Chúng đậu trên cành hót véo von. Thân cây bàng cùng vạn vật chim muông dâng cho đời bài ca thiên nhiên bất tử.
Tả thân cây mía
Đa phần các loại cây trái đều được trồng để lấy quả cho người ăn. Riêng cây mía hiến hết thân nó cho con người sử dụng. Thân mía giống như thân tre nhưng nhỏ hơn, các đốt mắt ngắn hơn, ruột cây mía đặc, mọng nước. Nước mía có màu vàng chanh. Mía mây ăn ngọt thanh, thân nó mềm nên nhiều người nhai được. Mía đường cứng, vỏ nó màu vàng ngà, phủ đầy phấn trắng. Nước của nó được dùng để sản xuất đường. Mía tím có thân màu tím như lá cẩm, thịt mía mềm, ngọt, được dùng trong các thang thuốc lá mát hoặc róc vỏ ăn cũng rất ngon. Mía chặt từng khúc độ ba đốt mía là món quà quê tươi mát cho lũ trẻ khi mẹ đi chợ về. Với thân thẳng đuột, cao từ một mét rưỡi đến hai mét, mía đem lại vị ngọt mà đấng tạo hoá làm ra, nó giúp đời sống con người thêm ngọt dịu, mát lành.
Tả thân cây chuối
Tháng ba, sau những đợt mưa xuân, chuối tơ vươn lên phơi phới. Lá chuối xanh ngắt. Tàu chuối như những bàn tay xanh nõn nà phe phẩy rung động. Mưa gõ vào lá chuối tơ, âm vang “tùng tùng” nghe thật vui tai. Cái đọt chuối cuốn tròn màu xanh cẩm thạch như một ngón tay búp măng trỏ lên bầu trời. Dưới nắng xuân, lá chuối xanh ngời lên óng ánh như những lá gương, gió lướt qua, tàu lá chuối uốn cong phập phồng. Có đứng ngắm những cái hoa chuối trong vườn bà mới thấy thú vị. Như những ngọn lửa lấp ló trong màu xanh. Thằng Quỳnh bảo hoa chuối như quả tên lửa đất đối không, nó ví thế vì bố nó là sĩ quan tên lửa mà. Còn em thì cho rằng cái hoa chuối như một trái ớt chín đỏ tươi, loại ớt khổng lồ, trăm người ăn không hết một trái. Mẹ em vẫn dùng hoa chuối làm nộm – nộm hoa chuối có nhiều lạc rang, ăn ngon lắm!
Tả thân và gốc cây đa
Em ngồi xuống trên một cái rễ đa to như bắp chân người lớn nghỉ xả hơi cho đỡ mệt. Nhìn quanh gốc cây, những chiếc rễ đa chằng chịt đan quyện vào nhau, nổi lên trên mặt đất như những con trăn hoa nằm hóng gió. Cái gốc của nó năm sáu đứa chúng em nối tay nhau mới ôm xuể được. Thân cây cao độ bốn mét với vô vàn nhánh. Các nhánh lớn lại đẻ ra nhiều cành nên tán lá đa xoè ra phủ kín một khoảng đất rộng, ước chừng đến cả trăm người ngồi dưới vẫn còn thấy thoáng mát. Những chiếc lá xanh thẫm hình bầu dục to như bàn tay người lớn khép kín. Lá to, lá nhỏ, tầng tầng, lớp lớp tạo ra một vòm lá dày đặc xanh um, nắng mưa khó lòng lọt qua được. Trên tán lá xanh cao vời vợi ấy lũ chim sáo, chào mào, chìa vôi … kéo về hàng đàn, tha hồ thi nhau ca hát”.
Tả thân hoa cúc
Thân cúc mềm, mảnh khảnh. Cúc mọc thành bụi, có những chiếc lá mọc so le trên thân. Khóm cúc cao khoảng năm sáu tấc, mọc xùm xoà tạo nên một vẻ đẹp rất tự nhiên.
Tả thân cây hoa hồng
Hoa hồng vàng cũng giống như những bông hoa hồng khác. Nó có một thân nhỏ màu xanh vô cùng cứng cáp như lâu đài cao xa của nàng công chúa Tóc Mây, đỡ lấy bông hoa xinh đẹp. Trên thân là những chiếc gai nhỏ sờ vào hơi ram ráp, xuất hiện trên đó là vài chiếc gai nhọn. Em luôn ví đó là những chàng kị sĩ – người bảo vệ ngọn tháp của công chúa hoa hồng vàng khỏi những kẻ có ý đồ xấu với nàng.
Tả thân, gốc cây dừa
Thoạt nhìn cây dừa như một cái ô khổng lồ vươn thẳng lên trời, phủ bóng mát cả một góc ao. Gốc dừa lớn, em ôm cũng không vừa. Gốc tua tủa chùm rễ như những con giun đất ngoằn ngoèo ăn sâu, bám chắc xuống đất. Thân dừa bạc phếch tháng năm. Dừa cao không thẳng như cây chuối mà có dáng nghiêng nghiêng. Thân dừa xốp, có những khoanh tròn nối nhau. Ông em bảo: “ Nhìn gốc dừa là ông đoán được tuổi của cây dừa đó.”
Viết đoạn văn tả quả của cây
Tả quả sầu riêng
Quả sầu riêng có hình dáng đặc biệt mà không loại quả nào có được. Sầu riêng quả nào bé nhất cũng phải một ki-lô-gam. vỏ của quả cứng, có gai to rất nhọn, màu nâu nhạt, sầu riêng có hai loại: sầu riêng hạt lép và sầu riêng hạt tròn, sầu riêng hạt lép có vỏ màu nâu nhạt pha hơi xanh xanh, sầu riêng hạt tròn màu vàng nâu. Bổ quả sầu riêng phải tách theo múi hạt. Mỗi múi sầu riêng giống như một khoang thuyền bầu dài màu trắng đựng từ hai đến ba hạt vàng ươm, thơm ngọt, beo béo. Thịt quả có mùi thơm rất nồng nàn. Ăn một múi sầu riêng người ta cảm thấy vị ngọt, béo của sầu riêng tan ra trên lưỡi. Một số người không ăn được sầu riêng vì mùi thơm nồng đượm của nó, nhưng nếu ai đã ăn được, sầu riêng sẽ sinh “nghiện” cái vị béo, bùi, ngọt, thơm nồng mà không thứ quả nào có được.
Tả buồng chuối
Những nải chuối úp vào nhau, quả tròn lẳn như cổ tay em bé. Quả chuối dáng cong cong chen chúc nhau hết lớp này đến lớp khác. Những nải đầu no tròn căng bóng, những nải sau nhỏ, dài. Buồng chuối mỗi ngày một mẩy, có nải đã hây hây vàng, mùi thơm của chuối chín ngọt mát.
Tả quả cam
Bà em kể rằng, cây cam đã gắn bó với mảnh đất khu vườn nhà từ ngày em mới sinh. Em rất thích ngắm nhìn cây cam mỗi mùa ra hoa kết trái. Đầu tiên, chỉ là những bông hoa li ti, trắng muốt và thoang thoảng hương thơm dễ chịu. Ít ngày sau, những trái cam bé bé xíu xuất hiện rồi dần dần lớn lên bằng hòn bi ve. Khi còn nhỏ, trái cam có màu xanh thẫm và rất cứng. Thế rồi, trái cam lớn nhanh như thổi, thoáng chốc đã bằng chiếc chén uống nước của bà. Chiếc áo khoác xanh thẫm của quả được thay bằng màu xanh nhạt và dần chuyển sang màu vàng tươi. Chẳng bao lâu sau, cây cam đã xum xuê những quả căng mọng, vàng óng, thấp thoáng trong vòm lá xanh tươi trước sân nhà. Bà em thường hái những trái cam đầu mùa dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mỗi trái cam là kết tinh vị ngọt lành của đất, hương thơm tinh túy của trời ban tặng cho con người.
Tả quả dưa hấu
Quả dưa hấu hình e-lip, to như con lợn con nằm lẫn trong đám lá xanh. Dưa hấu khi còn xanh vỏ sẽ có màu xanh sáng, bên trên mặt vỏ sẽ phủ một lớp phấn mỏng màu trắng. Dưa hấu chín vỏ sẽ chuyển sang màu xanh đậm, da căng bóng. Vỏ của quả có những đường kẻ chạy dọc, màu đen, chia thân quả thành từng miếng đều nhau. Ruột dưa hấu có màu đỏ, vị ngọt mát. Hạt dưa màu đen nhánh, dẹt, xếp thành hàng dọc theo thân của quả.
Tả quả thanh long
Em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất trồng nhiều thanh long nhất cả nước, đó chính là Bình Thuận. Vì vậy, loại quả này nó không còn lạ lẫm đối với em. So với các loại quả khác, hình dáng của quả thanh long thật là lạ. Lúc còn nhỏ quả màu xanh thẫm, với những cánh tủa ra xung quanh trông như vảy rồng. Khi lớn thì quả chín, vỏ nó đó hồng như xác pháo. Nhìn từ xa, những quả thanh long như những đốm lửa lúc ẩn lúc hiện giữa vô số cánh tay xanh dài ngoằn ngoèo. Bổ ra, trong ruột thanh long trắng nõn, mọng nước, chi chít những hạt li ti đen nhánh. Nếm thử, vị ngòn ngọt, man mát, chua chua của thanh long thấm ngập vào từng kẽ răng. Một cảm giác khó mà quên được.
Tả quả bưởi
Mới ngày nào hoa bưởi tàn để lộ ra những quả bưởi nhỏ như như viên bi xanh. Thoắt cái, bưởi to bằng cái bát to, chĩu chịt, lủng lẳng quả trên cây. Bố em phải lấy một cái cây để chống cành bưởi tránh để nó gãy. Chớm thu, bưởi đã ngả vàng, tỏa hương khắp vườn. Những quả bưởi vàng to bằng đầu người như những chiếc đèn lồng treo cao. Mẹ đẩy vài quả bổ ăn. Bưởi hơi chua chua nhưng ăn rất ngon, thanh và mát. Những múi bưởi thơm ngon căng mọng nước, thơm lừng. Ăn múi bưởi làm ta quên đi cái hanh khô ngày cuối thu.
Viết đoạn văn tả rễ cây
Tả rễ cây bàng
Rễ cây bàng mọc thành từng chùm, đâm sâu xuống, như những bàn tay bám chặt vào lòng đất. Những chùm rễ con vươn ra rất xa, len lỏi trong đất để tìm kiếm nguồn nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây. Có những cái rễ lâu năm, to bằng cánh tay của em bé trồi hẳn lên mặt đất tạo thành những hình thù kì quái. Rễ cây không chỉ đi tìm dinh dưỡng nuôi cây mà còn là bộ phận giữ cho cây có thể đứng thẳng tắp mà không nghiêng ngả mỗi khi trời nổi mưa to, gió lớn.
Tả rễ cây đa
Đầu làng nhà ngoại, một cây đa không biết đã bao nhiêu tuổi, to ơi là to. Từ xa, cây đa giống như chiếc nấm khổng lồ ướt sũng nước. Rễ ôi là rễ! Rễ từ các cành cây xòa xuống như mái tóc đã lâu rất lâu rồi không cắt. Xung quanh cây cũng có rễ, rễ thẳng đứng hệt những cây đa con có màu nâu nhạt. Bọn nhóc chúng em thường tụ tập dưới gốc đa nô đùa, rượt đuổi, nằm lăn lộn, chơi cầu trượt hoặc đánh đu với những chiếc rễ to loằng ngoằng trên mặt đất và buông thõng từng cành. Những chiếc rễ có hình thù của những con rắn khổng lồ.