Hướng dẫn quyết toán Thuế thu nhập cá nhân 2018 mới nhất, Quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là công việc bắt buộc phải làm đối với cá nhân có phát
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là công việc bắt buộc phải làm đối với cá nhân có phát sinh nhiều nguồn thu nhập chịu thuế. Thông thường vào đầu năm 2018 sẽ phải quyết toán cho phần thu nhập đã nhận, đã chi trả trong năm 2017.
Trong quá trình thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân, các bạn kế toán thường phát sinh rất nhiều vướng mắc. Vì vậy, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ thủ tục thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2018 cho đúng quy định hiện hành:
Xem Tắt
I. Văn bản pháp quy hiện hành về quyết toán thuế TNCN
1. Luật
- Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007;
- Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012.
- Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
2. Thông tư
- Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân.
- Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
- Thông tư 92/2015/TT-BTC về việc Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh. Hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân.
3. Nghị định
- Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ.
II. Đối tượng quyết toán thuế TNCN
Đối tượng | Nghĩa vụ |
Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập (Doanh nghiệp) |
Quyết toán cho phần thu nhập mà doanh nghiệp đã chi trả trong năm |
Cá nhân có thu nhập (Người lao động) |
Quyết toán cho phần thu nhập mà mình đã được nhận trong năm |
Mối liên hệ giữa người lao động và doanh nghiệp | Cá nhân có thể ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thay cho mình nếu đủ điều kiện được ủy quyền theo quy định |
1. Đối với doanh nghiệp
Tại khoản 1, điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 hướng dẫn: Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN. Không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thay cho cá nhân có uỷ quyền. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập. Thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.
2. Đối với người lao động
Theo hướng dẫn tại khoản 3, điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 hướng dẫn:
– Trường hợp quyết toán thuế TNCN:
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai QTT. Nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp.
- Cá nhân có thể thực hiện Quyết toán bằng 1 trong 2 cách sau: C1: Tự làm trực tiếp với CQT. C2: Ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thay nếu đủ điều kiện.
Trường hợp không bắt buộc cá nhân phải quyết toán thuế TNCN:
- Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị. Mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng. Đã được TCTTN nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10%. Nếu không có yêu cầu thì không QTT đối với phần thu nhập này.
III. Về việc ủy quyền quyết toán thuế
1. Ủy quyền quyết toán thuế
Đầu năm 2018, khi doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế tncn cho phần thu nhập đã chi trả trong năm 2017. Mà có nhân viên muốn ủy quyền quyết toán thuế TNCN thay. Thì doanh nghiệp hướng dẫn cá nhân có đủ điều kiện ủy quyền quyết toán thuế TNCN đó làm Mẫu số: 02/UQ-QTT-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày15/6/2015 của Bộ Tài chính.
Ví dụ:
Năm 2017, Chị B có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động dài hạn tại Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Meta, đồng thời có thu nhập vãng lai tại công ty B là 50 triệu đồng đã bị công ty B khấu trừ thuế TNCN 10%. Như vậy, thu nhập vãng lai bình quân tháng trong năm 2017 của chị B nhỏ hơn 10 triệu đồng (50 triệu đồng : 12 tháng = 4,2 triệu đồng/tháng), nếu chị B thuộc diện phải quyết toán thuế và không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì chị B ủy quyền quyết toán thuế năm 2017 cho Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Meta. Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Meta chỉ quyết toán thuế thay Chị B đối với phần thu nhập do Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Meta trả.
Qua ví dụ trên:
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho Tổ chức trả thu nhập QTT thay trong các trường hợp sau:
- Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền QTT.
- Trường hợp TCTTN thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi), người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới, nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì được ủy quyền QTT cho tổ chức mới QTT thay đối với cả phần thu nhập tổ chức cũ chi trả (tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động).
- Trường hợp TCTTN có số lượng lớn người lao động ủy quyền QTT thì TCTTN có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.
- Cá nhân ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thay theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, kèm theo bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).
2. Cá nhân quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế
Ví dụ: Năm 2017, Chị B có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động 2 năm tại Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Meta, tháng 5/2017 chị B có thu nhập vãng lai tại Công ty A là 1 triệu đồng chưa đến mức khấu trừ thuế. Như vậy, trong năm 2017 chị B có một khoản thu nhập chưa khấu trừ thuế, nên chị B sẽ không đủ kiện để ủy quyền cho Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Meta quyết toán thay.
Từ ví dụ trên: Cá nhân không được ủy quyền quyết toán thuế mà phải QTT trực tiếp với cơ quan thuế:
- Trong năm, làm việc tại 1 nơi duy nhất nhưng ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng.
- Trong năm, làm việc từ 2 nơi trở lên sẽ không được ủy quyền nếu:
- Những nơi đó đều ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên.
- Hoặc 1 nơi ký từ 3 tháng trở lên, các nơi khác ký dưới 3 tháng nhưng chưa bị khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ (thu nhập dưới 2 triệu/lần) và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ (không khấu trừ hoặc đã làm cam kết thu nhập số 02/CK-TNCN).
3. Điều chỉnh sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế
Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, DN đã thực hiện quyết toán thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN, chỉ cấp chứng từ khấu trừ cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty… đã quyết toán thuế TNCN thay cho ông/bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) …của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.
IV. Hồ sơ quyết toán thuế TNCN
1. Chuẩn bị
Tập hợp danh sách người lao động đã được trả lương trong năm.
- Hướng dẫn NLĐ làm giấy ủy quyền QTT.
- Rà soát MST TNCN (ĐK cho NLĐ chưa có MST Theo quy định tại Thông tư 95/2016 thì Thời hạn đăng ký MST cá nhân chậm nhất là trước khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 10 ngày).
- Tổng hợp thông tin giảm trừ gia cảnh:
- BT: xem làm mấy nơi
- NPT: kiểm tra lại mẫu 02/ĐK-NPT-TNCN
- Hồ sơ khai QTT TNCN năm 2018 thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm b.2.1, Khoản 2, Điều 21; Khoản 6, Khoản 7, Điều 24; Phụ Lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
2. Đối với TCTTN từ tiền lương, tiền công
- Mẫu 05/QTT-TNCN: Tờ khai quyết toán thuế TNCN ban hành kèm thông tư 156/2013/TT-BTC.
- Mẫu 05-1/BK-QTT- TNCN: Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo biểu lũy tiến từng phần.
- Mẫu 05-2/BK-QTT-TNCN: Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo thuế suất từng phần.
- Mẫu 05-3/BK-QTT-TNCN: Phụ lục bảng kê chi tiết người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh.
3. Đối với các cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công QTT trực tiếp với CQT
- Tờ khai mẫu số 02/QTT-TNCN: Tờ khai quyết toán thuế TNCN.
- Bảng kê mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN: Bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
V. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN
1. Đối với Tổ chức trả thu nhập
Nơi nộp hồ sơ QTT TNCN năm 2017 đối với TCTTN từ tiền lương, tiền công thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 1, Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập | Nơi nộp hồ sơ |
cơ sở sản xuất, kinh doanh | CQT trực tiếp quản lý tổ chức |
cơ quan Trung ương; cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; cơ quan cấp tỉnh | Cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính |
cơ quan thuộc, trực thuộc UBND cấp huyện; cơ quan cấp huyện | Chi cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính |
cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài | Cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính |
Đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công QTT trực tiếp với CQT
Nguồn thu nhập | Nơi nộp hồ sơ |
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế | Cục Thuế nơi cá nhân nộp hồ sơ khai thuế trong năm |
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện QTT trực tiếp với CQT | |
Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại TCTTN | CQT trực tiếp quản lý TCTTN |
Cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại TCTTN cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân | CQT quản lý TCTTN cuối cùng |
Cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại TCTTN cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân | Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) |
Cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất cứ TCTTN nào | Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) |
Cá nhân không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% | |
Cá nhân trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi hoặc nhiều nơi nhưng tại thời điểm QTT không làm việc tại TCTTN nào |