Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học, Sáng kiến kinh nghiệm – Một số biện pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học là
Sáng kiến kinh nghiệm – Một số biện pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học là tài liệu tham khảo hay giúp các thầy cô có thêm biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Hy vọng đây là tài liệu sẽ cung cấp thêm nhiều kiến thức về các biện pháp giáo dục dạy học sinh tiểu học những kỹ năng sống cơ bản. Nếu không được trang bị những kỹ năng sống cần thiết thì sau này các em rất dễ bị lệch lạc về nhân cách, lối sống cũng như bị lôi kéo vào nhiều hành vi sai trái, bạo lực, làm ảnh hưởng đến chính các bé và xã hội. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
Sáng kiến kinh nghiệm
Một số biện pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học
PHẦN A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thực tế hiện nay việc rèn kĩ năng sống của các em ở trường tiểu học còn thấp và nhiều hạn chế. Việc rèn kĩ năng sống cho học sinh chưa có nét chuyển biến, nguyên do chính là trong tư tưởng giáo viên, phụ huynh chỉ chú trọng đến việc dạy kiến thức, việc rèn kĩ năng sống cho học sinh còn chiếu lệ, giáo viên luôn chú trọng đến việc đọc tốt, làm tính tốt …
Ở bậc tiểu học các môn học nhằm cung cấp cho học sinh những tri thức sơ đẳng về các chuẩn mực hành vi xã hội chủ nghĩa gắn với những kinh nghiệm đạo đức, để từ đó giúp học sinh hình thành kĩ năng sống, biết phân biệt đúng sai làm theo cái đúng, ủng hộ cái đúng, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xấu xa, nhắc nhở các em hành động theo chuẩn mực đạo đức và thói quen đạo đức chính vì vậy tôi quyết định chọn đề tài “Một số biện pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học”. Vì rèn kĩ năng sống ở bậc tiểu học là một nhiệm vụ quan trọng mà người người làm công tác giáo dục cần quan tâm.
PHẦN B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lí luận:
Kĩ năng sống là những kĩ năng tâm lý – xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống, giúp cho cá nhân vững vàng trước cuộc sống có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội trong thực tại… Kĩ năng sống đơn giản là tất cả điều cần thiết mà chúng ta phải biết để có được khả năng thích ứng với những thay đổi diễn ra hằng ngày trong cuộc sống.
Nghiên cứu gần đây về sự phát triển của não trẻ cho thấy rằng khả năng giao tiếp với mọi người, khả năng biết tự kiểm soát, thể hiện các cảm giác của mình, biết cách ứng xử phù hợp với các yêu cầu, biết giải quyết các vấn đề cơ bản một cách tự lập có những ảnh hưởng rất quan trọng đối với kết quả học tập của trẻ tại trường.
II. Cơ sở thực tiễn:
Ở Việt Nam, từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”, với yêu cầu tăng cường sự tham gia một cách hứng thú của học sinh trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường và tại cộng đồng với thái độ tự giác, chủ động và ý thức sáng tạo. Trong năm nội dung thực hiện có nội dung tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh đó cũng chính là rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh.
Đối với giáo viên tiểu học thường tập trung lo lắng cho những em có những vấn đề về hành vi và khả năng tập trung trong những lớp đầu tiên (lớp 1) trẻ đến trường. Đơn giản là vì những học sinh này thường không có khả năng chờ đến lượt, không biết chú ý lắng nghe và làm việc theo nhóm, điều này làm cho HS không thể tập trung lĩnh hội những điều giáo viên dạy. Vì vậy, giáo viên phải tốn rất nhiều thời gian đầu tư để giúp HS có được những kĩ năng sống cơ bản ở trường Tiểu học.
Trong quá trình rèn kĩ năng sống cho trẻ nhằm thực hiện nội dung phong trào “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”, tôi đã gặp những thuận lợi và khó khăn sau:
1. Thuận lợi:
Bộ Giáo dục – Đào tạo đã phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực” với những kế hoạch nhất quán từ trung ương đến địa phương, Phòng giáo dục – Đào tạo cũng đã có kế hoạch từng năm học với những biện pháp cụ thể để rèn kỹ năng sống cho học sinh một cách chung nhất cho các bậc học, đây chính là những định hướng giúp giáo viên thực hiện như: Rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, kĩ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác; rèn luyện kĩ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội.
Trong thực tế năm học 2012 – 2013, với yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin đổi mới hình thức phương pháp dạy học, giáo viên thường lãng quên các trò chơi dân gian, ngại đưa vào kế hoạch, thậm chí không có thời gian cho trẻ vui chơi. Tôi đã có biện pháp đề ra kế hoạch, tổ chức cho các em chơi những trò chơi dân gian. Vì thế, năm học 2012-2013, khi có chỉ đạo thực hiện nội dung tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh, tôi đã có sự chuẩn bị về mặt nhận thức của giáo viên, có sẵn dụng cụ, các bộ cờ dân gian cho trẻ chơi.
2. Khó khăn
Về phía các bậc cha mẹ các em luôn nóng vội trong việc dạy con; họ chỉ chú trọng đến việc con mình về nhà mà chưa biết đọc, viết chữ, hoặc chưa biết làm toán thì lo lắng một cách thái quá! Đồng thời lại chiều chuộng, cung phụng con cái khiến trẻ không có kĩ năng tự phục vụ, chỉ chú ý đến khâu dạy, không chú ý đến con mình ăn, uống như thế nào, trẻ có biết sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong ăn uống hay không? Và vì sao chúng ta cần những đồ dùng, vật dụng đó? Những đồ dùng đó để làm gì?
Đối với giáo viên
Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tập trung nhiều nội dung chung cho các bậc học. Tuy chưa nắm hết về nội dung phải dạy trẻ theo từng khối lớp, những kĩ năng sống cơ bản nào, chưa biết vận dụng từ những kế hoạch định hướng chung để rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh.
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm nhưng việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên, rèn luyện khả năng tự học của học sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Từ cơ sở và thực tiễn trong quá trình giáo dục rèn kĩ năng sống cho học sinh bậc tiểu học tôi đã tìm ra một số biện pháp giúp giáo viên rèn kĩ năng sống cho học sinh tiểu học có tính khả thi nhất.
III. Các biện pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh
1./ Biện pháp nhận thức sâu sắc về việc dạy trẻ kĩ năng sống
Đầu năm học, tôi học tập nghiên cứu chuyên đề rèn kĩ năng sống cho học sinh tiểu học, về thực trạng và giải pháp ở đơn vị trong việc rèn kĩ năng sống cho học sinh bậc học tiểu học do Bộ Giáo dục- Đào tạo phát động; qua đó giúp tôi hiểu được rằng chương trình học chính khoá thường cho trẻ tiếp xúc từ từ với các kiến thức văn hoá trong suốt năm học, còn thực tế trẻ sẽ học tốt nhất khi có được cách tiếp cận một cách cân bằng, biết cách phát triển các kĩ năng nhận thức, cảm xúc và xã hội. Vì thế, khi trẻ tiếp thu được những kĩ năng giao tiếp xã hội và các hành vi ứng xử cơ bản trong nhóm bạn, thì trẻ sẽ nhanh chóng sẵn sàng và có khả năng tập trung vào việc học văn hoá một cách tốt nhất.
2./ Biện pháp xác định những kĩ năng sống cơ bản cần dạy trẻ ở lứa tuổi tiểu học :
Đối với tâm sinh lý trẻ em bậc tiểu học thì có nhiều kĩ năng quan trọng mà trẻ cần phải biết trước khi tập trung vào học văn hoá đặc biệt là trẻ em độ tuổi lớp1. Thực tế kết quả của nhiều nghiên cứu đều cho thấy các kĩ năng quan trọng nhất trẻ phải học vào thời gian đầu của năm học chính là những kĩ năng sống như: sự hợp tác, tự kiểm soát, tính tự tin, tự lập, tò mò, khả năng thấu hiểu và giao tiếp. Việc xác định được các kĩ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp giáo viên lựa chọn đúng những nội dung trọng tâm để dạy trẻ .
3./ Biện pháp cụ thể hóa nội dung của những kĩ năng cơ bản mà giáo viên cần dạy trẻ:
Kĩ năng sống tự tin : Một trong những kĩ năng đầu tiên mà giáo viên cần chú tâm là phát triển sự tự tin, lòng tự trọng của trẻ. Nghĩa là giúp trẻ cảm nhận được mình là ai, cả về cá nhân cũng như trong mối quan hệ với những người khác. Kĩ năng sống này giúp trẻ luôn cảm thấy tự tin trong mọi tình huống ở mọi nơi.
Kĩ năng sống hợp tác: Bằng các trò chơi, câu chuyện, bài hát giáo viên giúp trẻ học cách cùng làm việc với bạn, đây là một công việc không nhỏ đối với các em học sinh lứa tuổi này. Khả năng hợp tác sẽ giúp các em biết cảm thông và cùng làm việc với các bạn.
Kĩ năng thích tò mò, ham học hỏi, khả năng thấu hiểu: Đây là một trong những kĩ năng quan trọng nhất cần có ở các em vào giai đoạn này là sự khát khao được học. Người giáo viên cần sử dụng nhiều tư liệu và ý tưởng khác nhau để khơi gợi tính tò mò tự nhiên của các em. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, các câu chuyện hoặc các hoạt động và tư liệu mang tính chất khác lạ thường khơi gợi trí não nhiều hơn là những thứ có thể đoán trước được.
Kĩ năng giao tiếp: Giáo viên cần dạy trẻ biết thể hiện bản thân và diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu, trẻ cần cảm nhận được vị trí, kiến thức của mình trong thế giới xung quanh nó. Đây là một kĩ năng cơ bản và khá quan trọng đối với trẻ. Nó có vị trí chính yếu khi so với tất cả các kĩ năng khác như đọc, viết, làm toán và nghiên cứu khoa học. Nếu các em cảm thấy thoải mái khi nói về một ý tưởng hay chính kiến nào đó, các em sẽ trở nên dễ dàng học và sẽ sẵn sàng tiếp nhận những suy nghĩ mới. Đây chính là yếu tố cần thiết để giúp học sinh sẳn sàng học mọi thứ.
Ngoài ra, ở nhà trường giáo viên cần dạy học sinh nghi thức văn hóa trong ăn uống qua đó dạy các em kĩ năng lao động tự phục vụ, rèn tính tự lập như: Biết tự rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, chỉ ăn uống tại bàn ăn, biết cách sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong ăn uống một cách đúng đắn, ăn uống gọn gàng, không rơi vãi, nhai nhỏ nhẹ không gây tiếng ồn, ngậm miệng khi nhai thức ăn, biết mời trước khi ăn, cảm ơn sau khi ăn, biết tự dọn, cất đúng chỗ bát, chén, thìa … hoặc biết giúp người lớn dọn dẹp, ngồi ngay ngắn, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
4./ Biện pháp xác định nhiệm vụ cơ bản và phân công trách nhiệm trong việc dạy học sinh kĩ năng sống
Giáo viên có thể làm được gì để dạy kĩ năng sống cho trẻ?
Cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực của học sinh , cần phải biết khai thác phát huy năng khiếu, tiềm năng sáng tạo ở mỗi học sinh . Vì mỗi học sinh là một nhân vật đặc biệt, phải giáo dục học sinh như thế nào để các em cảm thấy thoải mái trong mọi tình huống của cuộc sống.
Cần thường xuyên tổ chức các họat động giáo dục chăm sóc giáo dục các em một cách thích hợp tuân theo một số quan điểm: Giúp các em phát triển đồng đều các lĩnh vực: thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm- xã hội và thẫm mĩ. Phát huy tính tích cực của các em, giúp các em hứng thú, chủ động khám phá tìm tòi, biết vận dụng vốn kiến thức, kĩ năng vào việc giải quyết các tinh huống khác nhau.
Cần giúp các em có được những mối liên kết mật thiết với những bạn khác trong lớp, các em biết chia sẻ chăm sóc, trẻ cần phải học về cách hành xử, biết lắng nghe trình bày và diễn đạt được ý của mình khi vào trong các nhóm học sinh khác nhau, giúp các em luôn cảm thấy tự tin khi tiếp nhận các thử thách mới. Điều này liên quan tới việc các em có cảm thấy thoải mái, tự tin hay không đối với mọi người xung quanh, cũng như việc mọi người xung quanh chấp nhận đứa học sinh đó như thế nào? Cần chuẩn bị cho học sinh sự tự tin, thoải mái trong mọi trường hợp nhất là trong việc ăn uống để chúng ta không phải xấu hổ vì những hành vi không đẹp của các em.
Thường xuyên liên hệ với phụ huynh để kịp thời nắm tình hình của các em, trao đổi với phụ huynh những nội dung và biện pháp chăm sóc và giáo dục các em tại nhà, bàn bạc cách giải quyết những khó khăn gặp phải.
5./ Biện pháp giúp trẻ phát triển các kĩ năng sống qua việc tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh trong nhà trường
Phối hợp với chính quyền nhà trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao một cách thiết thực, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác của học sinh. Tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động vui chơi giải trí tích cực khác phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
Căn cứ vào nội dung trên, tôi đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều hoạt động một cách thiết thực, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác của trẻ. Cụ thể như sau:
Phát động học sinh làm đồ chơi dân gian; sưu tầm các bài hát, điệu múa thể loại dân ca cho học sinh theo phù hợp theo từng lứa tuổi .
Năm học này, khi có chỉ đạo thực hiện nội dung tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí tích cực khác phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học .
Duy trì việc sinh hoạt ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm để học sinh được học được chơi.
Phối hợp với Tổng phụ trách tổ chức các cuộc thi trò chơi dân gian trong dịp đầu xuân như: Ô ăn quan Đập heo, Lò cò, Cướp cờ, hội thi Vai điệu tuổi hồng, hội thi Vẽ những điều em mơ ước. Đồng thời hàng tuần vào tiết chào cờ sáng thứ hai cho các em “Kể chuyện Bác Hồ”; Trò chơi Ai nhanh? Ai đúng? … .
6./ Biện pháp tạo môi trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ kĩ năng sống
Nhằm tạo môi trường giúp giáo viên và học sinh tăng cường đọc sách, tôi đã tham mưu với hiệu trưởng đã trang bị, sách thư viện, sách Bác Hồ, sách Lịch sử, và các loại sách trang trí đẹp với nhiều tên gọi khác nhau theo chủ đề: “tủ sách Bác Hồ”; “tủ sách lịch sử”; “câu đố vui”; “những con vật đáng yêu”; “hoa trái bốn mùa”; …thiết kế phân chia nhiều ngăn để sách, truyện nhiều kích cỡ, vừa tầm các em.
IV. Kết quả và bài học kinh nghiệm
1. Kết quả
Từ những cố gắng nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm của bản thân, sự đồng thuận hợp tác của các bạn đồng nghiệp, sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ đã giúp tôi đạt được một số kết quả trong việc dạy các kĩ năng sống cơ bản thể hiện ở các kết quả sau:
a./ Kết quả học sinh lớp tôi:
100% học sinh đều được giáo viên tạo mọi điều kiện khuyến khích khơi dậy tính tò mò, phát triển trí tưởng tượng, năng động, mạnh dạn, tự tin, 100% học sinh được rèn luyện khả năng sẵn sàng học tập ở trường phổ thông hiệu quả ngày càng cao.
90% học sinh có thói quen lao động tự phục vụ, được rèn luyện kĩ năng tự lập; kĩ năng nhận thức; kĩ năng vận động nhỏ, vận động tinh thông qua các hoạt động hàng ngày trong cuộc sống của học sinh; ngoài ra có 70% học sinh được rèn kĩ năng tự kiểm soát bản thân, phát triển óc sáng tạo, tính tự tin thông qua các hoạt động năng khiếu vẽ, thể dục , và các môn học khác.
100% trẻ được rèn luyện kĩ năng xã hội; kĩ năng về cảm xúc, giao tiếp; chung sống hòa bình, và tuyệt đối không xảy ra bạo hành trẻ em ở trường cũng như ở gia đình.
100 % trẻ được giáo dục, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, được bảo vệ sức khỏe, được bảo đảm an toàn, phòng bệnh, được theo dõi cân đo bằng biểu đồ phát triển.
70% trẻ luôn có kết quả tốt trong học tập thông qua kết quả học tập cũng như bảng theo dõi ở mỗi lớp , sau mỗi giai đoạn, qua kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng sau mỗi chủ đề đối với từng học sinh đạt khá và tốt: Mạnh dạn tự tin: 90 %; kĩ năng hợp tác: 93%; kĩ năng giao tiếp 92,3%; tự lập, tự phục vụ: 99 %; lễ phép: 100%; kĩ năng vệ sinh: 92 %; kĩ năng thích khám phá học hỏi : 86 %; kĩ năng tự kiểm soát bản thân: 90 %
Học sinh đi học đều hơn, đạt tỷ lệ chuyên cần đạt từ 99% trở lên và ít gặp khó khăn khi đến lớp, có kĩ năng lao động tự phục vụ cho bản thân, biết thương yêu bạn bè trong cùng một mái trường, biết giúp đỡ bạn cùng tiến.
b./ Về phía giáo viên
Giáo viên chịu khó gần gũi chuyện trò với học sinh, trả lời những câu hỏi vụn vặt của các em, không la mắng, giải quyết hợp lý, công bằng với mọi tình huống xảy ra giữa các em học sinh trong lớp.
Trong giảng dạy, chú ý đến hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm nhiều hơn,
Mạnh dạn, tự tin điều khiển các cuộc họp phụ huynh học sinh, biết tự chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ, trao đổi thừơng xuyên với cha mẹ các em.
Hiệu quả lớn nhất là nhà trường đã huy động được sự tham gia của cha mẹ các em, của các tổ chức, các lực lượng xã hội trong việc giáo dục văn hóa, truyền thống cho học sinh, đồng thời đây là những cơ hội vàng dạy trẻ kỹ năng sống.
2. Bài học kinh nghiệm
Với những kết quả đạt được, bản thân tôi chỉ muốn nêu lên những kinh nghiệm chung nhất do nghiên cứu tài liệu, do tích luỹ được trong suốt quá trình thời gian giảng dạy với mong muốn gửi các đồng nghiệp, cha mẹ trẻ những thông điệp mang tính thuyết phục với một số điều cần làm và cần tránh nhằm giúp các bạn đồng nghiệp, cha mẹ các em những điều cơ bản để rèn kĩ năng sống như sau:
a./ Một số điều người lớn cần làm giúp các em rèn luyện kĩ năng sống:
Điều cần làm trước hết là người lớn phải là tấm gương sáng, yêu thương, tôn trọng, đối xử công bằng với trẻ và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Việc học của trẻ nếu luôn được người lớn khuyến khích, chia sẻ thì trẻ sẽ tự tin vào năng lực của bản thân và chúng thường hy vọng vào tương lai nhiều hơn.
Tham gia vào việc giáo dục của con cái không nên để tốn quá nhiều thời gian và cũng không cần tốn sức tập luyện, cha mẹ chỉ tốn ít thời gian khi cho các em thấy cha mẹ rất coi trọng giá trị của việc giáo dục.Việc tham gia ở mức độ nào không quan trọng nhưng thời gian đó thật đáng giá và đó là sự đầu tư cần thiết cho tương lai của các em.
b./ Một số điều người lớn cần tránh khi dạy trẻ kĩ năng sống:
Không hạ thấp các em: Cứ mỗi lần chúng ta nói những lời hạ thấp khả năng các em là chúng ta đã phá vỡ những suy nghĩ tích cực về chính bản thân của học sinh. Không nên tạo cho các em thói quen kiêu ngạo nhưng cũng không nên nói những lời không hay đối với trẻ.
Không doạ nạt: Người lớn cần nhớ rằng mỗi lần chúng ta doạ nạt là chúng ta đã làm cho trẻ sợ hãi và căm giận người lớn. Sự đe doạ hoàn toàn có hại cho đứa trẻ và sẽ không giúp cho hành vi của các em tốt hơn.
Không bắt các em hứa hẹn: Vì sự hứa hẹn hoặc doạ nạt không có ý nghĩa đối với em vì nếu các em cảm nhận được và cắn rứt vì không làm tròn lời hứa thì ở các em sẽ phát triển cảm giác hối lỗi.
Không nên yêu cầu các em phục tùng theo ý người lớn ngay lập tức vì sự phục tùng một cách thái quá không có sự thoả thuận giữa các bên không tạo điều kiện phát triển tính tự lập ở các em.
Không yêu cầu những điều không phù hợp với các em vì những yêu cầu ở các em phải thực hiện một hành vi chín chắn mà các em chưa có khả năng hoặc các em phải làm các yêu cầu không mang tính thống nhất và liên tục trong việc cho phép hoặc cấm đoán sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính nhận thức của học sinh.
Không nên nhồi nhét lượng kiến thức quá mức so với khả năng tiếp nhận của não bộ.
………
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết